Saturday, April 27, 2024

KÝ ỨC ĐEN... Stephen Nguyen

KÝ ỨC ĐEN...

Stephen Nguyen
Sài gòn chiều 29 thơm mùi thuốc súng. Tiếng pháo dồn dập hơn, giao tranh ác liệt hơn nơi vùng ngoại ô, khu vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất gần nhà. Sư đoàn Dù trấn dặm vùng Bà Quẹo, Bảy Hiền đang đụng địch dữ dội. Nghe kể các anh lì đòn lắm, xe tăng T54 của cộng quân cũng đã bị các anh độp cho mấy củ nằm quay vung xích sắt rải rác trên con đường này.
-----------------------------
 
------------------------------
 
Tôi, thằng bé lúc ấy mới 15 tuổi, dân phố thị nên còn ngơ ngáo với chiến tranh, khờ khạo với súng ống. Súng đạn mà tôi mường tượng ra lúc đó thì chắc cỡ như cây ru-lô của John Wayne hay cây Thompson của Clint Eastwood trong Hollywood là cùng. Tôi hay lên sân thượng lầu ba, nơi đã được bố tôi trải đầy bao cát chống miểng pháo cùng các anh theo dõi cái bầu trời đang tang thương khói lửa quanh đấy. Những cột khói bốc cao quanh bầu trời Sài gòn ngày càng nhiều hơn, nặng nề nhất vẫn là khu vòng đai phi trường .
 
Ngoài đường, chiều 29 hỗn độn
, bát nháo và nguy hiểm quá! Dân các tỉnh chạy giặc tràn ngập thành phố. Ngôi trường nhà tôi cũng đã kín người xin tá túc. Người lớn kháo nhau về một tình huống rất tồi tệ có thể xảy ra nay mai. Thần sắc bố mẹ tôi trông tệ hại từng giờ theo nhịp độ vang vọng của tiếng súng.
 
Bố mẹ thuộc dân Bắc 54, nên quá hiểu người cộng sản. Chạy vào Nam sống đời thái bình, tự do, no ấm hơn 20 năm mà vẫn không thoát chúng. Ông bà lo lắm, tài sản bao năm chắt chiu dành dụm, nhà cửa trường ốc...những thứ sẽ được “nâng tầm” là tư sản dưới con mắt của những kẻ vô sản. Ở cái tuổi 45, có với nhau 9 người con, chiều 29 ấy, như bao bậc cha mẹ khác, ông bà quýnh lên chứ chẳng đùa đâu. Dĩ nhiên, trong giai đoạn sống chết này, gia đình nào cũng có những kế hoạch dự tính riêng cho mình. Chị cả tôi, một nữ tu Mai Khôi vùng Chí Hoà, cũng đã sắm 9 cái ba lô từ vài tuần trước, may dặm thêm bên trong vài cái túi nhỏ. Hành trang mỗi ba lô gồm có vài bộ đồ gọn nhẹ, thuốc men ho hen cảm cúm, dăm hộp thịt nguội jambon, nước uống, vài chục ngàn tiền mặt và chỉ vàng. Chị ướm thử dây đeo và điều chỉnh cho từng người rồi mới yên lòng. Thế đấy, thời giặc giã, chuẩn bị cho một cuộc ra đi, nhưng mà chẳng biết rồi mình sẽ đi về đâu? Thành phố lúc bấy giờ là một cõi hỗn mang. Mọi người phải tự lo và tự cứu lấy mình
Càng về đêm, tiếng súng tiếng bom càng khốc liệt hơn. Mùi thuốc súng càng lúc càng thơm nồng hơn. Ánh hỏa châu ngợp trời sáng rực như đêm hoa đăng. Đứng trên sân thượng, nhìn về hai hướng Bà Quẹo và phi trường, sáng rực một vùng từ những đám cháy vì bom đạn. Tiếng xì xào bàn bạc ở dưới nhà bỗng ồn ào và gấp rút hơn. Hình như mọi số phận các thành viên trong gia đình đang được định đoạt trong cái đêm cắt ruột ấy.
 
Tờ mờ sáng 30
, cánh cửa sắt mở ra nhè nhẹ, anh em chúng tôi 2 người một xe chuẩn bị ra đi. Bố mẹ và các em đi sau bằng xe hơi và hẹn gặp nhau tại bến tàu.
 
Đường phố vùng Ba Chuông (khu Lê Văn Sĩ bây giờ) vương đầy mùi tử khí. 3 con đường Trương Minh Giảng, Công Lý và Lê Văn Duyệt là tuyến tử thủ quan trọng phía Tây của thành phố. Nút thắt Bà Quẹo mà thất thủ thì cộng quân sẽ túa vào 3 con đường này để tiến vào trung tâm Sài Gòn. Xe mới chạy ra tới nhà thờ đã chạm phải màu sắc chiến tranh. 
 
Hình ảnh hai vợ chồng và chiếc vespa bị cháy đen vì trúng pháo ngay ngã tư Trương Minh Ký- Huỳnh Quang Tiên vẫn đậm nét trong ký ức tôi. Trời con nhá nhem tối nên trông hình ảnh ấy thật là bi thảm. 3 xe của chúng tôi cúi rạp người chạy về hướng Bạch Đằng. Tôi ngồi sau, nhìn cảnh thành phố mà run sợ. Người dân thì ngược xuôi tìm đường thoát trong khi tiếng súng vẫn vang đều trên từng bước chân của họ. Giờ thứ 25, cảnh đời nó hỗn loạn và khủng khiếp quá!
 
Tôi thấy các cao ốc hai bên đường Trương Minh Giảng cửa kiếng đều bị đập toang . Mặt trời chưa lên, vẫn mờ mờ tầm mắt, tôi chợt thấy bóng dáng các anh đang nhìn xuống lòng đường. Những xoáy mắt lạnh lùng, xa xăm. Những khuôn mặt chai sạn với chiến tranh đang lầm lì tay súng từ các ô vuông cửa. Một cảm nhận bình yên sót lại từ cái bắt gặp này. Thành phố nói riêng và đất nước nói chung sẽ không bao giờ quên ơn các anh, những thiên thần của chiến tranh, của miền Nam yêu dấu.
 
Rồi anh em tôi cũng ra được tới bến Bạch Đằng
. Một cảnh tượng hỗn quân hỗn quan hiện ra trước mặt. Hằng ngàn tay súng từ các quân khu 1 và 2 đang có mặt tại đây. Hình như họ mong muốn tìm đường sông để về vùng 4 tử thủ, một số muốn ra khơi để bảo toàn lực lượng khi tin dữ đưa về từng phút từng giây. Dân chúng cả trăm ngàn người, gánh gồng tràn ngập các tàu đang neo như thuở bố mẹ tản cư 1954. Anh em tôi khoá xe vào cột điện rồi tìm cách trèo lên một thương thuyền to nhất và chờ đợi.
 
Đứng trên boong tàu nhìn xuống, lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh chạy giặc thời tao loạn. Họ mặc kệ súng đạn trên đầu, cứ gánh gồng nhau mà chạy và chỉ biết phó thác vào niềm tin của mình. Hình ảnh đó đã làm tôi lan man nghĩ đến dòng họ tôi cũng đã từng kinh qua cảnh này cách đó 20 năm khi cố thoát thân khỏi đất Bắc. Rõ là, người cộng sản đi đến đâu, dân tình hoảng loạn và một cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu được bắt đầu.
 
Đợi mãi, vẫn không thấy tàu nhổ neo. Rồi tầm 10 giờ rưỡi sáng, bỗng có nhiều tiếng khóc trổi lên khắp nơi, có tiếng vỡ oà rống khan, có tiếng thút thít sụt sùi. Những giọt lệ tiễn đưa hay tiếc thương cho một miền đất trù mật, bình an mà nay không còn nữa, hay những giọt lệ khóc cho số phận của chính mình?. Anh em tôi tê tái khi nghe hai tiếng “đầu hàng” râm ran đâu đó. Quang cảnh trở nên bấn loạn hơn, những quyết định trở nên liều lĩnh hơn. Các binh sĩ trên tàu đã hành động theo cách thức của họ. Họ đã đuổi một số lớn người dân xuống trong đó có anh em chúng tôi. Chúng tôi xuống và cố gắng chạy đi tìm tàu khác nhưng không thành. Rồi nghe nói, chiếc tàu ấy sau này đã nhổ neo ra khơi khi binh lính đạt được một tải trọng an toàn. Họ đi đâu chúng tôi không biết, chỉ tiếc là mình đã vuột mất cơ hội rời đất liền khỏi tầm tay, và buồn bã nhìn cánh chim bồ câu hoà bình đang bay khỏi tầm mắt. Thuyền đi về đâu và người ở lại sẽ đi về đâu? Một tâm trạng sợ hãi khi để mất đi những thứ quí nhất trong đời đang lan tỏa lên toàn xã hội miền Nam trong thời khắc ấy.
 
Chúng tôi đành quay về vì không thấy bố mẹ và các em như đã hẹn, nên lo. Đường về chỉ cách ban sáng có vài tiếng mà cảnh quan giờ đã có những đổi thay. Mọi người đổ ra đường nghe ngóng và xem người cộng sản từ rừng ra họ trông như thế nào. Những gã đeo băng đỏ chạy xe jeep cầm súng bắn chỉ thiên một cách điên cuồng. Họ la hét, reo hò với những bộ mặt hãnh tiến, chẳng khác gì đám IS vừa cướp được các thành phố ở Syria thời đại này vậy. 
 
Chúng tôi về đến nhà, gia đình còn đầy đủ. Bố mẹ chưa kịp đi thì đã nghe tin đầu hàng. Thôi thì, giờ sống chết ra sao mà mọi người con được bên nhau là một điều hạnh phúc. 
 
Số phận miền Nam đã được an bài. Đánh nhau với quân cướp, khát máu, nghèo đói và giáo điều , được hỗ trợ búa liềm đầy người bởi giang hồ Đông- Tây và chẳng có gì để mất, thì nguy hiểm và thất lợi lắm. Trong khi đó miền Nam lại giàu có, trù phú , lại bị trói chân trói tay, đánh nhau với cướp thì việc mất mạng là điều trông thấy, dễ hiểu. Và kẻ cướp khi nắm được chính quyền thì cái bản chất thất học, u mê trong lãnh đạo là điều thấy rất rõ nét. 
 
Tôi còn trẻ người
, láu táu tò mò, vội chạy bộ khắp các ngã đường quanh vùng để xem sự tình. Các anh lính Cộng Hoà số lớn đã tự động giải giới. Quân phục và súng ống vất như núi bên vệ đường. Họ buồn và lo, dĩ nhiên. Bố tôi cũng là lính, cũng lo, không biết số phận của họ, của bố rồi sẽ ra sao? Trong những ngày này, đám nằm vùng địa phương lộ diện và bắt đầu đổi ngôi. Từ thằng phu quét đường vô học nay trở thành chủ tịch quận, phường. Từ cô giúp việc cho mẹ tôi, cần cù vui tính và cũng thất học, nay bỗng trở thành bí thư quận ủy của một quận Sài gòn. Chủ nhân mới của miền Nam thời đó đa số là những kẻ thất học, ban đêm buộc phải học bổ túc cấp một. Tôi khẳng định điều này.
 
Nhiều lắm những hình ảnh còn đọng lại trong các hộc ký ức đen của tôi. Nhiều lắm những thứ mà sau 48 năm nó vẫn tồn tại không hề đổi thay, hay không có đủ năng lực và trí tuệ để đổi thay. 
 
48 năm mà đất nước vẫn đen tối và số phận dân tôi vẫn mãi sống như đời của những người nô lệ trên chính quê hương của mình. Họ vẫn không được nghe, không được nói, và không được nhìn những điều mà lương tâm họ mách bảo. Những kẻ dám cất tiếng nói chống lại những tiêu cực xã hội, hay những bất cập của hệ thống, của chính quyền thì y rằng nhà tù sẽ là nơi dành cho họ. Dân tình sau hơn 70 năm, kể từ ngày Cách mạng Mùa Thu vẫn phải sống trong những nỗi sợ hãi triền miên. 
 
48 năm trôi qua, thật là một bản trường ca buồn.
Suy tư tháng Tư đen 2023
Stephen Nguyễn
-----------------
 
THÁNG TƯ NHỚ VỀ...

MIỀN NAM, VÙNG KÝ ỨC...
Miền Nam xưa, rừng vàng bạc biển
Người dân tôi, no ấm một thời
Rừng bạt ngàn chim muông thú dữ
Biển trong xanh cá lội từng bầy.
Miền Nam xưa, một thuở huy hoàng
Niềm tự hào trước những lân bang.
Một Sài gòn vinh quang thành quách
Hòn Ngọc Viễn Đông, giấc mơ vàng.
Miền Nam xưa, khắp lũy tre làng
Hình bóng anh đi ngoài sương gió
Đất là nhà, trời là quán trọ
Nghiệp binh đao thỏa chí tang bồng.
Miền Nam xưa, lúa thơm con gái
Mùa đòng đòng thẳng cánh cò bay
Chim trời, cá nước cũng no say.
Cảnh thanh bình con trâu vỡ đất.
Miền Nam xưa, ý tình chân chất
Cô lái đò vẳng Lý Chim Quyên
Khách qua sông vọng cổ giao duyên
Trai gái hẹn hò quên đơm đó.
Miền Nam xưa, bóng xe thổ mộ
Lọc cọc đêm khuya chở ai về
Có tiếng rao cất trong thanh vắng
Một nắng hai sương, mẹ chẳng nề.
Miền Nam xưa, tung tăng chân sáo
Em đến trường khai mở nhân tâm
Tiên học lễ, rồi hậu học văn
Câu chữ thầy gieo mầm khai phóng.
Miền Nam xưa, giờ là khát vọng
Là ước mơ mỗi độ Xuân về
Hương khói trừ tịch câu nguyện ước
Đất nước tự do, hưởng thái bình.
*Stephen Nguyễn
Sydney 23/02/2024
-----------------

No comments: