Tuesday, April 5, 2022

Lính Võ Bị - Những Người Lính Bất Khuất

by Nguyễn Văn Thành
--------------------
17. Ngày về - Vương Mộng Long
16. An Lộc Một Lần Tôi Đã Đến - Một Đời Để Nhớ - Nguyễn Phán (Khóa 24/BĐQ)
15. ANH XE ĐẠP THỒ - Huong Nguyen (Nguyễn Thành Hướng - K28)
14. KÝ SỰ XE THỒ - Thuc Thai Le
13. Ra Khỏi Tù - Thuc Thai Le
  -----------------------------
 
  
 --------------------------------
 


Năm 1981, khi tôi còn bị giam trong trại cải tạo Z30C Hàm Tân, Thuận- Hải, cứ vào buổi chiều, tôi cùng vài anh bạn tù lại ngồi quây quần bên nhau trên sạp xi măng, nhâm nhi từng ngụm cà phê chế bằng cơm cháy, ôn lại chuyện đời cho nhau nghe.
Hầu như bữa nào cũng vậy, dù trời tạnh ráo hay mưa bão dầm dề, thế nào chúng tôi cũng được nghe tiếng guitar thánh thót của một nhạc sĩ tay ngang Cựu Thiếu Tá Hồ Văn Hùng, gốc Cảnh-Sát Quốc-Gia và tiếng ca trầm buồn ảo não của chàng ca sĩ ngang xương Cựu Thiếu Úy Nguyễn Văn Vinh gốc Biệt Cách Nhảy Dù.

Chúng tôi mất nước đã gần chục năm, xa nhà cũng đã gần chục năm, nên những lời buồn thảm, bi ai: “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua…”- “Những ngày xưa thân ái, xin trả lại cho ai…” vừa cất lên, thì người đàn, người hát, người nghe cùng chạnh lòng, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè, nhớ xóm giềng, và nhớ quê hương.

Anh nhạc sĩ Hồ Văn Hùng, xưa kia là Cảnh- Sát tỉnh Hậu-Nghĩa; nay bị giam cùng buồng, cùng đội lao động với tôi. Anh thuộc nhiều bài hát lắm. Tôi xin anh chép lại cho tôi trọn bộ lời Pháp của bài “Chanson d’Orphée”

Anh ta chỉ cần dạo nhạc cho tôi đôi lần, là tôi đã thuộc nhập tâm bài hát này ngay. Trong bài ca ấy, tôi thích nhất câu “Le ciel a choisi mon pays. Pour faire un nouveau paradis” (Thượng Ðế đã chọn quê hương tôi để dựng lên một Tân Thiên Ðường)
Ngày xưa Thượng Ðế đã ban cho tôi một Thiên Ðường, mà tôi lại vô tình không nhận ra, đó là đất nước Việt-Nam Cộng-Hòa. Năm 1975 Thiên Ðường của tôi đã không còn nữa.

Một năm sau ngày được thả, đầu Thu 1989 tôi gặp lại Hồ Văn Hùng trước một sạp báo cạnh nhà thương Sùng Chính, Chợ- Lớn. Khu này quy tụ khá nhiều dân gốc “Ngụy”: Một sạp báo do anh cựu nhân viên Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo làm chủ, một thợ hớt tóc là cựu Hải quân Thiếu úy, kế đó là một ông già mài dao, mài kéo, xưa kia làm tới Phó Quận xuất thân từ trường Quốc-Gia Hành-Chánh.

Anh chủ sạp báo là bạn tù tôi quen trong thời gian bị giam giữ ở Z 30 D. Vì làm bạn với anh chủ sạp báo, nên dần dà tôi quen “lây” sang hai ông “Ngụy” kế bên. Lâu lâu tôi ghé chơi, thấy tóc tôi dài, ông Hải quân lại đè đầu tôi xuống hớt tóc giùm, không lấy đồng bạc nào.

Thấy yên sau xe đạp của Hùng chất đầy sách vở, tôi hỏi anh làm nghề quái quỷ gì mà nhiều sách thế thì anh vênh mặt lên,
– Tớ đi dạy.
– Dạy nhạc hả?
– Nhạc gì?
– Thì nhạc Việt, tân nhạc… hồi còn trong trại tù cậu và thằng Vinh Biệt Cách hay hát cho tớ nghe…
Hùng xua tay, lắc đầu quầy quậy,
– Tớ có biết nhạc với nhiếc con mẹ gì đâu? Guitar tớ học lóm, chẳng có thầy bà nào dạy cả! Nhạc lý, nhạc Pháp cũng làng nhàng. Hiện giờ tớ đi dạy Anh Văn!
Tôi nghi ngờ vặn lại,
– Anh Văn của cậu cỡ nào mà dám đi dạy?
Hùng cười hì hì,
– Ối trời ơi! Sao cậu ngây thơ thế? Bộ suốt đời lính không lúc nào cậu bị ở vào cái thế lang bang, không chức vụ hả? Cứ lang bang không chức vụ là được gởi đi học. Tớ biết khối thằng có đầy bằng cấp chuyên môn chỉ vì lý do không có chức vụ trong đơn vị nên cứ có lớp là bị tống đi học. Hồi xưa, lúc còn lang bang không chức vụ, tớ có dịp được đề cử theo học một khóa Anh Văn, rồi lại bị đưa đi học tu nghiệp ở Mã-Lai. Năm ngoái ra khỏi tù cải tạo, tớ kiếm hoài không ra việc, tưởng là phải chết đói. Ai ngờ gặp đúng lúc đổi đời, nhà nhà học Anh Văn, người người học Anh Văn. Tớ vội ôn lại văn phạm vài ngày là đi dạy kiếm cơm được rồi. Cả khu phố của tớ đều mù, tớ là thằng chột. Xứ mù, thằng chột làm vua! Tớ đếch cần làm vua, chỉ cần gạo thôi…

Tôi không phục cái ngai vàng trên nước mù và chột của người bạn thời đi tù cải tạo này, nhưng tôi thích tiếng đàn guitar của anh, thích giọng ca của Nguyễn Văn Vinh mà tôi đã được nghe trong những chiều buồn nơi lán trại của Z 30 C, Hàm-Tân năm nào.
Tôi kéo Hùng ngồi xuống bên bàn cờ tướng của ông thợ hớt tóc. Tôi giới thiệu Hùng với hai ông bạn “Ngụy” của tôi. Ông Hải quân mời Hùng uống trà; ông Ðốc Sự cũng xúm vào góp chuyện. Hùng là người Huế, ông Ðốc Sự cũng là dân Huế; chỉ vài phút sau hai ông đã ra chiều tương đắc.

Thấy trên tường có treo cây guitar của ông thợ hớt tóc, bên cạnh là cây đờn cò của ông mài dao kéo, giáo sư Hùng gật gù,
– Các cha ở đây có cả Tân, Cổ giao duyên vui quá há?
Nghe Hùng nói, tôi chợt nhớ chuyện xưa, nên cầm tay Hùng tôi khẩn khoản yêu cầu anh hát lại khúc “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ cho tôi nghe.
Chiều ý tôi, ông giáo sư Anh Văn bỏ nón xuống bàn cờ tướng, ông uống cạn ly trà móc câu, ôm cây guitar kê lên đùi, so dây, lấy giọng, rồi bắt đầu: “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xanh như mộng?…

Khi Hùng vừa xuống giọng câu chót: “Tìm đâu? Biết tìm đâu? đâu giờ…” thì anh bắt ngay qua “Matin, fait lever le soleil…” (Buổi sáng, mặt trời lên…) của bài hát tiếng Tây “Chanson d’Orphée”

Hứng chí, ông thợ mài dao ôm cây đờn cò “í!a! í!a!…” phụ họa, còn ông thợ hớt tóc thì hai tay thủ hai cái giũa sắt múa “cạch! cạch! cành! cành!…” trên thành cái chậu nhôm chứa nước như một tay trống điêu luyện, lành nghề.

Người qua đường dừng lại mua báo, khách của bác thợ mài dao, khách của bác thợ hớt tóc đứng ngây nghe các bạn tôi đàn hát. Tiếng hát não nuột, tiếng guitar réo rắt, tiếng trống sắt rộn ràng, và tiếng đờn cò nức nở làm cho lá vàng rơi tới tấp trên đường Trần Hưng Ðạo một chiều Thu năm 1989. Mấy bé con tan trường từ một lớp tiểu học gần đó xì xào với nhau: “Nhạc vàng, nhạc ngoại, hay quá trời, lại nghe coi tụi bây ơi!”
Sau khi chấm dứt câu cuối, “Chante chante mon coeur. La chanson du matin. Dans la joie de la vie qui revient…”
(Hát lên, hát lên trái tim tôi. Bài hát của buổi mai. Trong niềm vui vừa trở lại…) thì Hùng chợt hốt hoảng la toáng lên,
– Ủa chi rứa? Bà con làm chi rứa?
Thì ra… bà con qua đường tưởng bốn thằng tôi là gánh hát dạo, họ bỏ tiền vào cái nón của giáo sư Hùng, cái nón nằm ngửa trên bàn!… cái nón đầy tiền loại 20 đồng màu tim tím…

Bốn anh cựu quân, cán, chính, Việt-Nam Cộng-Hòa nhìn nhau, miệng mếu xệch.

Mười bốn năm sau khi Miền Nam sụp đổ, hàng trăm ngàn cựu tù cải tạo đã lẫn vào và như đã biến mất trong cái xã hội hỗn mang, hạ cám thượng vàng. Họ chìm vào giòng đời dưới những bộ mã khác nhau: Ông Thiếu Úy Hải quân thành ông thợ hớt tóc; ông Thiếu Tá Cảnh Sát thành ông thầy dạy Anh Văn lưu động; ông Phó Quận Hành Chánh thành ông mài dao kéo; nhưng cái giá trị nhân bản tiềm ẩn trong con người họ vẫn còn đó. Trái tim họ vẫn không ngủ quên.

Cũng như trăm ngàn đồng ngũ Việt-Nam Cộng-Hòa khác, ngày về của tôi cũng là ngày đầu một cuộc sống mới, đầy ngỡ ngàng. Sau đó, tôi cũng từ từ lẫn vào, và biến mất trong dòng chảy của một xã hội hạ cám, thượng vàng. Tôi bắt đầu xây lại cuộc đời với một chiếc xe đạp thồ.

Cái xe đạp thồ của tôi quả là một con ngựa đa năng, đa dụng. Nó chẳng đòi ăn, đòi uống, nghỉ ngơi, giải trí, chuyện trò gì. Tôi chất bất cứ vật gì lên lưng nó, nó cũng im re, không than van nặng nhọc nửa lời. Nó giúp tôi buổi sớm tinh mơ chuyển hàng cho thân chủ từ Chợ-Lớn về Chợ Bến-Thành. Buổi tối, chở hàng từ Cầu Chữ Y sang đổ nơi bến xe Miền Ðông. Trời nắng chang chang, nó chở tôi và một giỏ cá khô từ Sài-Gòn lên Thủ-Ðức, len lỏi trong những con hẻm ngoằn ngoèo, để tôi rao bán lẻ từng ký cá khô, tôm khô.
Nó chở vợ chồng tôi từ Sài-Gòn đi Thủ -Ðức tới nhà anh bạn Ngô Văn Niếu của tôi để họp mặt anh em cùng khóa 20 Võ-Bị chào mừng mười cựu sĩ quan khóa 20 Võ-Bị mới được tha, trong đó có tôi. Dịp này nơi bãi cỏ đậu xe trước sân nhà anh Niếu, nó được đứng xếp hàng chung với những chiếc xe Dream, Honda, Vespa của các bạn tôi. Tôi thấy chiếc xe đạp thồ của mình có vẻ “oai phong” không kém gì chúng bạn, vì so chiều ngang, chiều dài, nó đâu có kém ai? Nhìn kỹ, tôi thấy nó còn có vẻ “phong trần bạt mạng” hơn mấy chiếc xe máy bóng loáng, kiêu sa, yểu điệu, của các ông bạn tôi nữa đó!

Tôi có anh bạn làm Trung Tá Cảnh Sát. Anh ấy và tôi được thả ra khỏi trại cải tạo cùng giờ, cùng ngày. Nhà anh bạn tôi ở gần Thảo Cầm Viên Sài-Gòn.
Mỗi lần tôi ghé thăm nhà anh, vừa thấy mặt tôi, bà mẹ anh đã đon đả gọi con,
– Bảo ơi! Có “Anh Long Xe Thồ” tới thăm con kia kìa!
Trung Tá Cảnh Sát Phan Trần Bảo, Trưởng Ty Cảnh Sát tỉnh Phan-Thiết là bạn tôi; mấy chục năm sau anh ấy còn nhớ cái tên “Anh Long Xe Thồ” mà mẹ anh ta đã đặt cho tôi.
Trước ngày lên đường đi Mỹ định cư, nếu tôi ra khỏi nhà thì thế nào con ngựa thồ của tôi cũng đi theo. Chỉ khi nào tôi lên rừng tìm vàng, đào thiếc, tôi mới chịu để nó ở nhà.

“Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào cũng là xe!” vợ tôi thường an ủi tôi như thế, mỗi khi thấy tôi có vẻ áy náy mời nàng dời gót ngọc lên yên sau con ngựa thồ để tôi chở đi đây, đi đó. Nàng lúc nào cũng giản dị bình thường. Có tôi bên cạnh, vợ tôi hết lo âu, nhìn đời lúc nào cũng đẹp. Sau những chuyến đi dài ngày đào thiếc, tìm vàng trên Cao-Nguyên, tôi trở về Sài-Gòn; vợ chồng tôi lại chở nhau trên lưng con ngựa thồ, lang thang rong chơi quanh phố. Ðường phố Sài-Gòn thời 1988-1990 thênh thang. Khu Nguyễn Cảnh Chân có nhiều giáo sư của Trường Trung Học Hưng Ðạo, nơi đứa con gái thứ nhì của tôi đang theo học. Qua những buổi họp phụ huynh học sinh, cô giáo hướng dẫn lớp con tôi đã quen mặt vợ tôi. Bà cũng biết rõ tôi là sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa đi tù cải tạo. 

Chắc chắn hình ảnh chiếc xe đạp thồ của tôi bay lượn trong khu Cao Thắng, Nguyễn Cảnh Chân đã lọt vào những đôi mắt tò mò. Một hôm, con tôi về nhà sau buổi học, nó cười: “Sáng nay cô giáo hướng dẫn lớp con vừa hỏi con rằng ba của em đã về chưa? Con nói bố em mới về. Lúc đó cô giáo con mới nói cô có thấy một người đàn ông lạ chở má bằng xe đạp đi qua nhà cô.”

Ðời sống riêng tư của những bà vợ trẻ của sĩ quan chế độ cũ luôn luôn là mục tiêu theo dõi dòm ngó của xóm giềng. Những câu hỏi dò la, tọc mạch, chận đầu, bắt nọn như thế không thiếu trong xã hội này. Tôi chạnh nghĩ, qua mười mấy năm dài, xã hội đảo điên dưới chế độ mới, giá trị của nếp xưa Khổng Mạnh cũng còn là chút gì đáng giá cho người ta lưu tâm. Rồi tôi thấy thương vợ vô cùng. Chuyện xe đạp nổ lốp giữa phố đối với cặp uyên ương này là thường xuyên. Lốp xe nổ, thì vợ chồng nắm tay nhau, dắt xe đi bộ, về nhà, vá lốp xe! Ngựa nào cũng là ngựa, xe nào cũng là xe. Ngày xưa mình đi xe Jeep, ngày nay mình đạp xe thồ; ngựa xe nào cũng dùng làm phương tiện di chuyển có gì mà phải kén chọn, quan tâm? Ðiều quan yếu là: Ngày xưa mình có nhau, ngày nay mình vẫn còn có nhau. Mười ba năm, vật đổi, sao dời, mình còn nguyên vẹn như thế này là quý lắm rồi!

Một hôm có người mang đến cho cặp vỏ xe mới, mừng ơi là mừng! Anh bạn quý của tôi lúc này đang làm “gác-dan” cổng sau khách sạn Continental. Hắn chắt bóp mãi mới được món tiền mua tặng tôi cặp lốp mới. Hắn tên là Lê Văn Chánh, người Huế. Chánh vốn là một cựu sinh viên Dược Khoa Sài Gòn thời 1960s. Hắn có máu đàn ca và đã có lúc viết nhạc bán cho một nhạc sĩ đã thành danh để có tiền đi phòng trà Anh Vũ mỗi buổi tối. Học hành chật vật mãi vẫn chưa thành Dược Sĩ, hắn bị gọi nhập ngũ khóa 15 Sĩ Quan Trừ- Bị Thủ- Ðức để cứu nước. Rồi hắn trở thành sĩ quan An- Ninh Quân- Ðội.

Tôi và Chánh gặp nhau và thân nhau ở Trại Nam-Hà A. Chúng tôi ăn chung mâm, ngủ cùng sạp một thời gian rồi cùng được thả ra cùng một ngày, sau mười ba năm bị giam giữ, tù đày.

Thời mới đi tù cải tạo về, tôi gặp hắn dễ lắm. Cứ đi ngang qua đường Lê Thánh Tôn, tới cổng sau Khách Sạn Continental là thấy chàng ta ngồi nơi góc.
Những lần về phố, tôi đều ghé thăm Chánh. Gặp nhau, bù khú một lúc, hai đứa lại rủ nhau ra tán dóc với anh thợ vá lốp, sửa xe bên đường Hai Bà Trưng. Anh vá lốp xe máy, sửa xe đạp này thời xưa làm Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Trung -Tâm Huấn- Luyện Chi- Lăng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Anh ta tên là Hoàng Trai xuất thân khóa 19 Võ-Bị. Ba chàng ngồi bên nhau, chuyện nổ như pháo. Hai bạn tôi chỉ quanh quẩn ở Sài-Gòn, nên thích nghe tôi kể chuyện đường rừng, mạo hiểm, như chuyện đào vàng, đào thiếc, chuyện bẫy khỉ, giữ lô, chuyện khai thác gỗ quý, săn ngải, tìm trầm…

Chánh kể cho tôi nghe rằng, nó có đứa con gái lớn tên là Lê Lâm Quỳnh Như. Cháu Quỳnh Như lớn hơn đứa con gái đầu của tôi một tuổi. Một ngày từ rừng trở về thành phố, tôi nghe bạn Chánh khoe, con gái anh vừa đứng đầu cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Thành Phố Hồ Chí Minh. Phần thưởng mà con anh nhận được là cái dây chuyền 7 chỉ. Chánh nhìn tôi, cười, miệng xuýt xoa: “Thế là có tiền lo thủ tục hồ sơ đi H.O”
Sau đó khá lâu, gia đình Lê Văn Chánh đi Mỹ theo danh sách H.O 16. Qua tới Mỹ thì ca sĩ Quỳnh Như đổi tên là Như Quỳnh, danh tiếng nổi như cồn.

Thời gian đầu, khi Chánh còn cư ngụ ở Philadelphia thì tôi và Chánh vẫn thường xuyên liên lạc điện thoại thăm nhau. Bây giờ thì tình hình đã đổi thay nhiều. Chỉ có tôi và anh Trai là gặp nhau thường, vì hai đứa tôi cùng là cư dân Tiểu Bang Washington. Chúng tôi rất khó tiếp xúc với anh bạn cựu tù Lê Văn Chánh ngày xưa. Nghe đâu, cách đây vài năm, Như Quỳnh mua cho bố Chánh một căn nhà ở Cali, khu cư xá giống như một Fortress City, có rào cản, có cameras, hệ thống alarms cao cấp, security tuyệt hảo, phone của Chánh lại chuyển số luôn luôn, nên tôi và anh vá lốp xe đạp không chuyện trò với anh được. Lâu ngày không nói chuyện với nhau, chắc anh Chánh quên tôi rồi?

Riêng tôi, không bao giờ tôi quên “Chánh Phăng Si Ða”, anh bạn tù sốt rét kinh niên cùng buồng 16 ở trại Nam-Hà A Phủ- Lý của tôi. Sở dĩ Chánh có biệt hiệu “Chánh Phăng Si Ða” chỉ vì lúc nào trong túi anh cũng dự trữ sẵn một vỉ thuốc sốt rét cực mạnh mang nhãn hiệu Fansidar. Không rõ bạn tôi có hiểu rằng, trong mấy năm nay, anh chàng đào vàng trên rừng Nắp Bắc Ðà-Lạt và anh chàng sửa xe đạp trên đường Hai Bà Trưng Sài- Gòn nhớ nhung anh gác-dan Khách Sạn Continental không nguôi?

Những sự mất mát nhẹ nhàng như thế, những hình bóng mờ dần vì vô tình hay cố ý như thế, làm cho tôi thấy thương, thấy quý những giây phút bạn bè khăng khít bên nhau. Bây giờ, những sợi tơ thân thiết cột buộc chúng ta cứ mỏng dần, mỏng dần theo thời gian.
Ôi! Biết tìm đâu? Những ngày xưa thân ái! Biết tìm đâu xứ sở mà Thượng Ðế đã chọn làm một Thiên Ðường? Biết tìm đâu Việt-Nam Cộng-Hòa của tôi?
Vương Mộng Long - K20
Seattle tháng Tư năm 2018
 
 
Nguyễn Phán (Khóa 24/TVBQGVN/BĐQ)
 
 
15. ANH XE ĐẠP THỒ 
Nguyễn Thành Hướng
Cựu SVSQ/TVBQGVN/K28
 Xin được giới thiệu một "KÝ SỰ
" đầy Hoài niệm, viết bởi người Thầy của tôi: thầy Lê Thúc Thái, giáo sư môn Vật Lý Cơ Bản, tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, Đà Lạt - từ năm 1970 - 1975 - thầy Thái hiện sống ở Huế.
 
Đó là một hình ảnh hết sức quen thuộc mà chúng ta thường nhìn thấy trên vạn nẻo đường đô thị Miền Nam sau năm 1975, nhất là những năm đầu thập niên 80 đầy đói khổ. Xuôi ngược, ngang dọc trên các con đường phố thị đó dưới bầu trời bốn mùa thời tiết đầy khắc nghiệt, năm này qua năm khác là những tấm thân khô gầy đen đủi được khoát những manh áo phai màu bởi nắng gió, mưa mùa. 
 
Họ hầu hết là những người trở về sau nhiều năm từ các “trại tù cải tạo” của bên chiến thắng, có thể gần chín mươi phần trăm những người đạp xe thồ là những Sĩ Quan , binh lính, giáo chức của chế độ Miền Nam cũ phải chấp nhận bước và giai tầng thấp nhất của xã hội thời bấy giờ. Đồng thời - đồng thời - chế độ Miền Bắc đã khống chế lên đầu lên cổ hằng triệu người dân Miền Nam dưới những “đợt cuồng phong“ cải tạo công thương nghiệp để trắng trợn cướp nhà cướp của, cướp vàng và mọi tài sản vào tay giới cán bộ từ ở cấp thấp cho đến cấp cao của chế độ. Lúc trở lại Saigon giữa năm 1980, tôi đã thuê phần trước một căn nhà để mở phòng vẽ chân dung và thuê một nơi gần đó để ở hai nơi này đều sát gần chợ Nguyễn Tri Phương thuộc Quận 10, chủ cũ của cả hai căn nhà này đều bị “gió táp“ trong các đợt cuồng phong đầy khốc liệt đó và bây giờ chủ cuar tôi, chủ của các căn nhà đó chỉ là cán bộ cấp thấp của Quận 10 !!!
 
Kể như thế để nói lên một thời điêu linh khốn cùng cho người dân Miền Nam ! Vô vàn những hình ảnh đau thương đè lên dân Miền Nam thời đó, thống khổ vạn kiếp người, thống khổ một thời đại. 
 
Nhưng, nổi bật nhất chính là những tinh hoa của Quân Lực Việt Nam Cọng Hoà, những Sĩ Quan, những người từng là những anh hùng ngoài mặt trận đã gìn giữ bình yên cho miền Nam suốt 20 năm - được trở về từ “ngục tù cải tạo“ trên khắp mọi miền đất nước, giờ đây hầu hết họ là những anh chạy xe đạp thồ đứng đợi khách trước các cổng chợ và mọi nơi, mọi nẻo đường, những hình ảnh hết sức quen thuộc chúng ta thường gặp hằng ngày. Thầy Lê Thúc Thái cũng chính là thành phần cựu tù nhân cải tạo, làm sao thoát khỏi cảnh cơ cực đó, chẳng lời oán trách ai, đành chấp nhận số phận như bao kiếp “tù cải tao” khác, thầy đã viết như “kể lại“ phần đời của thầy qua một lối hành văn trôi chảy, “bình yên” nhưng cuốn hút dễ đọc trong bài bút ký đầy những hình ảnh quen thuộc của dân Huế và của chúng tôi, những người tù cải tạo trở về nhà, xin đọc để nhớ một chặng đời cơ cực mới gần đây thôi của đất nước mình.


14. KÝ SỰ XE THỒ - Thuc Thai Le
Khoảng năm 1980, tỉnh Bình Trị Thiên có lệnh cấm dân thường đi xe máy, chỉ có cán bộ nhà nước được đi. Tương tự như chính sách đưa dân đi kinh tế mới, đã giúp cán bộ, bộ đội ngoài Bắc vào, mua nhà đất với giá rẻ mạt, rẻ như cho, hay rẻ như ăn cướp. Cho nên, hồi đó có những ông bà già phản kháng thụ động bằng cách đi bán rong hai món vật dụng đũa tre và quạt giấy, ngày nào tôi cũng nghe rao: “Đũa quạt không, ai đũa quạt không…”. Xin mở ngoặc để chú thích cho những ai không quen với ngôn ngữ xứ Huế: “đũa quạt” nói lái là “đoạt của” nghĩa là cướp đoạt tài sản. Lệnh cấm dân thường đi xe máy cũng giúp cán bộ mua sắm xe máy dễ dàng hay đổi xe đạp lấy xe máy.
 
Anh bạn hàng xóm của tôi, trước kia là giáo viên, có được chiếc Honda 67, nhờ cẩn thận gởi lại xe ở quê trước khi nhanh chân chạy vào Sài gòn, nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, Sài gòn cũng thất thủ, sau 30 tháng tư cón nấn ná ở chơi, không lo về sớm, nên khi trở lại Huế, chiếc xe thì còn, chỗ dạy thì mất, anh phải đi xe thồ kiếm ăn. Bây giờ, có lệnh cấm, không đi thồ được, xe để nằm nhà lâu ngày dễ hư, nên khi nghe người anh chú bác ngoài Bắc vào, gạ đổi chiếc Honda 67 lấy chiếc xe đạp Phượng hoàng TQ có tuổi đời như xe máy, anh bạn tôi suy nghĩ mấy ngày, hỏi ý kiến vợ, cuối cùng đồng ý đổi, và ngày hôm sau anh hành nghề xe đạp thồ. 
 
Mới đầu, thiên hạ thấy hơi lạ, chưa mấy ai đi, nhưng Honda thồ không có, xe Lam thì phải chờ lâu mới có một chuyến, mà không phải tuyến đường nào cũng có, giá xe đạp thồ lại rẻ, chỉ bằng nửa giá Honda, xích lô, nên dần dần xe đạp thồ phát triển nhanh trở thành phương tiện giao thông phổ biến, khách đi xe cũng nhiều mà người hành nghề cũng đông vì xe đạp nhà nào cũng có.
 
Nhân sự đạp xe thồ hầu hết là những người “thất cơ lỡ vận”, không vốn liếng, không nghề chuyên môn như những người học tập cải tạo trở về, những giáo viên “mất dạy”, lớp trẻ rất ít. Ngoài ra, những công nhân viên lương thấp, không có bỗng lộc, sau giờ bãi việc chiều, cũng tham gia để kiếm thêm thu nhập, sống qua ngày.
 
Nhận thấy anh bạn hàng xóm sống được với nghề xe đạp thồ, tôi cũng thôi phụ thợ nề ở hợp tác xã xây dựng, sửa sang lại chiếc xe đạp để theo chân anh ấy. Cảm nhận đầu tiên của tôi là đạp xe thồ không vất vả, cực nhọc như phụ thợ nề nhưng quá bi thảm vì phải đứng đầu đường, góc chợ, chường mặt ra nơi chốn đông người, thấy ai phải đon đả mời, tranh nhau mời, không mời thì ế khách, không đủ tiền mua gạo, đi chợ. Anh em thường cay đắng bảo nhau là nghề “dân biểu”, ai biểu (sai bảo) đi đâu thì chở đi đó. Một hôm, tôi đang đứng chờ khách, trước cửa chợ Đông Ba, thì găp người quen, bác ôm chầm lấy tôi và khóc, tôi chảy nước mắt và lúng túng không biết phải làm gì, rồi bác bảo tôi chở về, sau khi mời vào nhà uống nước, hỏi han mọi điều, bác lấy hai đồng bạc nhét vào túi tôi, tôi xin nhận 5 hào, đúng giá cuốc xe, vì nhà bác còn nghèo hơn nhà tôi, nhưng bác nhất quyết không chiụ vì bác biết tôi từ nhỏ, con một, nhà khá giả, chỉ biết đi học, rồi ra làm thầy giáo, không biết lao đông chân tay là gì, nay giữa trưa nắng gắt phải đạp xe thồ vất vả, dưới mắt bác vô cùng tội nghiêp, thảm thương, cuối cùng, tôi phải nhận một đồng, bác mới để tôi đi. Tình cảm sâu đậm này tôi vẫn nhớ mãi như là một kỷ niệm đẹp, ấm áp tình người, thời buổi cơm độn khoai sắn, bo bo.
 
Rong ruổi trên mọi nẻo đường xứ Huế, tôi gặp rất nhiều “đồng nghiệp bất đắc dĩ”: các thầy giáo dạy tôi thời trung học, các bạn cùng học ỏ đại hoc, các bạn dạy cùng trường, và cả lứa học trò của tôi, tất cả đều kinh qua mấy năm học tập cải tạo trở về nên phải đạp xe thồ.
 
Suốt ngày lông bông ngoài đường, bạn bè dễ gặp nhau, có tin tức gì mới đều truyền cho nhau rất nhanh. Ngày đầu tiên báo đăng về chương trinh H.O. là ngày phấn khởi nhất của anh em xe thồ ở Huế, anh em tụm năm, tụm ba, đọc đi, đọc lai các mẫu tin trên các báo, bàn tán xôn xao, người tin tưởng, kẻ nghi ngờ. Kinh nghiệm xương máu sau 30 – 4 - 75 còn đó: “cấp tá trình diện học tâp 10 ngày, cấp úy 7 ngày”. Người đa nghi bảo rằng: nhà nước cho đăng tin như vậy để thử xem ai còn “trông chờ, vọng tưởng Mỹ” thi bắt đi cải tạo lại. Nhưng giới xe thồ, sau 15 năm dưới chế độ mới chỉ còn “thượng xỉ, hạ đạn” (trên răng, dưới dế) chẳng còn gì để mất, vượt biên thì không có vàng, cơ hội ngàn năm một thuở đã tới, cho nên ngày phòng xuất nhập cảnh công an Bình Trị Thiên bắt đầu bán đơn làm hồ sơ H.O. thì từ ba, bốn giờ sáng, anh em đã có mặt, xếp hàng đông cả trăm người, nhìn mặt nhau cũng chẳng xa lạ gì, cùng cảnh ngộ cả, nên xếp hàng rất trật tự, chẳng ai dám chen lấn xô đẩy, khác hẳn cảnh xếp hàng mua vé xe, vé tàu thường thấy.
 
Trong cả nước, Đồng Nai và Bình Trị Thiên là 2 tỉnh xúc tiến làm hồ sơ H.O. sớm nhất. Lẽ ra, có nhiều người xe thồ ở Huế phải được xếp vào danh sách HO1, HO2 … Nhưng ngành công an lại nghĩ ra cách làm tiền béo bở: mở dịch vụ làm hồ sơ HO. Những người chậm chân có của, vội bỏ ra năm ba chỉ vàng làm dịch vụ để hồ sơ được ký và chuyển ra Bộ Nội vụ nhanh hơn. Thậm chí, những người giàu có còn bỏ cả chục cây vàng, ra thẳng Hà nội chạy chọt “siêu dịch vụ” để được đi trước. Xem ra còn rẻ và an toàn hơn đóng tàu vượt biên nhiều.
 
Chậm, rồi cũng đến, một số đông anh em xe thồ lần lượt ra đi đến miền đất hứa cùng với gia đình vợ con. Cũng có những người kém may mắn bị từ chối vì cải tạo chưa tròn 3 năm hay vài lý do khác. Tôi có người bạn, anh L., chung trại cải tạo với tôi ở Trảng Lớn, Tây Ninh, được gọi phỏng vấn khá sớm, HO7, anh bán xe, bán căn nhà nhỏ, hy vọng “một đi không trở lại” , nhưng bị từ chối vì chưa đủ 36 tháng. Quá bức xúc, anh phản ứng quyết liệt: “Được các ông gọi, tôi phải bán cả nhà, cả phương tiện làm ăn, mới đủ tiền đưa vợ con đi Sài gòn phỏng vấn với niềm tin sẽ được tái định cư ở Mỹ, nay các ông không cho gia đình tôi đi, cũng như các ông đã giết gia đình tôi, vì tôi không còn nhà ở, không còn phương tiện làm ăn”. Cuối cùng quyết định vẵn không thay đổi, anh L. không về Huế nữa, bám trụ lai Sài gòn làm nghề bán báo. Từ đó, tôi hết nóng lòng trông chờ giấy gọi phỏng vấn vì biết trước kết quả thế nào cũng giống anh L.
 
Một anh bạn khác, anh Tâm, cựu đại úy bộ binh, cải tạo trên 5 năm cũng bị từ chối, người Mỹ hỏi đến giấy tờ quân đội cấp, hình ảnh mặc quân phục chứng minh anh là Sĩ quan, anh không có gì cả, lúc anh đi cải tạo, chị vợ ở nhà sợ quá, đã đốt hết. Anh lại đạp xe thồ và lo thủ tục khiếu nại. Ngày đi tái phỏng vấn, gặp tôi anh chỉ vẫy tay chào,nét mặt căng thẳng, lo lắng, chị vợ phấn khởi: “Anh ở lại mạnh giỏi”, tôi chúc anh chị gặp may mắn. Nhưng anh không có số đi Mỹ, nên anh lại thất vọng trở về. 
 
Chương trình HO, như chiếc đũa thần kỳ đã giúp rất nhiều gia đinh cựu SQ đạp xe thồ đổi đời nơi xứ lạ quê người, một số chuyển sang thồ Honda hay ngành nghề khác, số còn lại bỏ nghề vì lý do sức khỏe hoặc con cái đã trưởng thành, sắp dựng vợ gả chồng hay có công ăn việc làm, không nở để cha phải gò lưng trên chiếc xe đạp. Tôi cũng trở lại với nghiệp gõ đầu trẻ tại nhà. Riêng anh Tâm, người cải tạo hơn 5 năm, qua hai lần phỏng vấn thất bại, năm 2006, chương trình HO mở lai, đổi tên thành HR, anh kiên nhẫn khiếu nại lần thứ ba, nhưng kết quả chỉ nhận đươc thư trả lời “chúng tôi rất tiếc …”, nên đến hôm nay anh vẫn miệt mài với chiếc xe đạp thồ, hằng ngày có mặt trước cổng chợ Đông Ba, nhưng không còn chở khách, vì thời nay ai thèm ngồi sau xe đạp mà chở. Anh đứng đó, bên cạnh chiếc xe, công việc của anh bây giờ là thồ những lẳng hoa, lẵng trái cây chuyển đến các đám cưới, đám tang … và những giỏ thức ăn chay cho khách. Ở Huế, cúng giỗ thường làm chay, gia chủ bận nhiều việc, nên gọi điện thoại đặt hàng, các sạp bán đồ chay trong chợ, khi hàng nhiều thì người ta gọi Honda, hàng ít thì gọi anh cho rẻ. Thỉnh thoảng anh giúp thông dịch mấy câu tiếng Anh đơn giản khi có khách Tây hỏi mua hoa tươi, trái cây. Tôi thắc mắc không hiểu anh nghèo, không có năm bảy triệu để mua một chiếc Honda cũ, hay mắt mờ, tay chân chậm chạp không thi nổi cái bằng lái xe máy 100 phân khối.
Gần đây, một buổi tối, tôi đi bộ tập thể dục, tình cờ gặp lại anh H. trước thuộc thành phần đảng phái, làm xây dựng nông thôn, cải tạo về, đạp xe thồ, rồi đi HO, anh bảo hai vợ chồng đã về sống ở VN hơn một năm rồi, con cái ở lai bên Mỹ. Tôi nói: “Anh quá sướng, được lựa chọn hai lần, lần trước, tay không anh chon đi Mỹ, lần này trong túi rủng rỉnh đô la anh chọn đem tiền Mỹ về VN sống. Tôi chỉ mong được lựa chọn một lần mà không được”. Về nhà, tôi nhớ đến anh Tâm, ba lần, bước không qua số phận, nên bây giờ du khách đến Huế, ghé chợ Đông Ba vẫn còn thấy một ông già đen đủi, hom hem, bên cạnh chiếc xe đạp thồ cũ kỹ.
Giá như trời cao có mắt, giá như những người Mỹ phỏng vấn sáng suốt hơn, công bằng hơn, chấp thuận cho gia đình anh Tâm đi Mỹ, tôi chắc rằng anh không bao giờ lựa chọn lần thứ hai như anh H.
 
13. Ra Khỏi Tù - Thuc Thai Le
 
Một ngày đẹp trời đâu năm 1978, tôi được tha tù từ trại cải tạo Bù Gia Phúc tỉnh Phước Long. Hành trang gọn nhẹ gồm 2 bao cát, một bao đựng gạo ăn đi đường 7 ngày do trại cấp, mỗi ngày 6 lạng gạo (cộng tiền ăn, tiền đi xe về Huế), một bao đưng áo quần.
Ra khỏi cổng trai, có ngay xe đò về Phước Bình, chúng tôi 7 người, chiếm 1/3 hành khách trên xe, nhưng khi trả tiền thì chủ xe nhất định không lấy, nói là để mừng các anh về với gia đình, mặc dù chúng tôi đã nói rõ là nhà nước đã cấp cho chúng tôi đầy đủ tiền xe và tiền ăn đi đường.
 
Đến Saigon, tôi và anh bạn cùng làng đi bộ từ cầu Trương Minh Giảng vào hẽm bên hông ĐH Vạn Hạnh về nhà chị tôi thuê ở cuối hẽm, mỗi đứa gánh tòn ten hai đầu hai bao cát hành lý. Vào nhà, chị êm mới hỏi han đôi câu, chưa kịp uống ly nước, thì có hai bà xồn xồn đẫn theo một bé trai đến la lối: “các anh đi đường xô ngã con tôi té u đầu mà cứ bỏ đi”. Tôi cũng không biết anh em tôi có vô ý đụng cháu bé hay không, nhưng cũng “xin lỗi hai chị, chúng tôi đi học tập cải tạo mới được tha, nóng lòng về nhà nên đi vội, không biết đã va phải cháu”. Nghe thế hai bà lập tức dịu giọng “các anh mới cải tạo về, thôi, các anh nghỉ ngơi, tôi đem cháu về xoa dầu cũng đươc.” Chị tôi lấy chai dầu Nhị Thiên Đường đưa ra, nhưng hai bà không lấy và dẫn cháu bé ra về.
 
Trãi qua hơn bốn mươi năm, tôi vẫn thắc mắc: không biết chúng tôi có vô tình đụng phải cháu bé ngã không? Hay chỉ là một màn ăn vạ vì thấy chúng tôi đi dép lốp, áo quần loi thôi, lại gánh gồng tòn ten, tưởng lầm là dân ngoài Bắc vào thăm cán bộ, bộ đội. Nên khi biết chúng tôi là dân cải tạo thì vui vẻ ra về.
Dù sao thì chúng tôi vẫn tri ân sự chân tình của người miền Nam, người Saigon đối với người học tập cải tạo trở về.
 

12. CHIẾC LÁ BAY XA
HMV LNguyen (BĐQ Nguyễn Thành Liên, K26/TVBQGVN) - (fb Nguyễn Nam Phương)
“Viết để nhớ lại một người bạn cùng khoá 26 VBQGVN, Phạm truy Phong, đã bỏ mình trong lao tù Cộng sản, tháng tư đen năm 1975”.

Phong được nghỉ phép một tuần về thăm mẹ bệnh ở Nha trang. Hôm ấy một buổi chiều mùa hè, gió biển thổi vào thành phố, nên khí hậu trở nên êm diu hơn.
Con đường Độc lập nhộn nhịp xe cộ, hai bên đường phố người đi càng lúc càng tấp nập khi thành phố bắt đầu lên đèn.

Ra khỏi phi trường, Phong ngồi xe lam về nhà. Xuống xe Phong đi bộ vào, vì nhà Phong chỉ cách vài căn nhà từ đầu con hẻm. Ánh đèn từ chiếc xe honda ngược chiều làm Phong chóa mắt. Anh tránh sang một bên, nhưng không kịp nữa, chiếc xe honda tránh ổ gà mất thăng bằng đã đâm thẳng vào Phong và hất anh ngã trên mặt đường. Người thanh niên lái xe honda vội vã đỡ Phong ngồi dậy.
– Xin lỗi anh, tôi bất cẩn quá. Anh có sao không?
– Tôi không sao, tai nạn nhỏ thôi. Anh đi được rồi.
Người thanh niên đỡ chiếc xe Honda lên và hỏi Phong,
– Nhà anh ở đâu? Tôi đưa anh về.
– Cảm ơn anh, nhà tôi gần đây thôi. Nếu có dịp mình sẽ gặp lại.

Phong không thể ngờ câu từ giã anh vừa nói ra lại là một định mệnh cho cả anh và cho người thanh niên xa lạ kia. Tiếng máy xe Honda xa dần. Phong đưa tay gõ nhẹ cửa. Mọi người trong nhà mừng rỡ khi thấy Phong về, nhất là mẹ Phong, bà ngồi bật dậy như người không hề bị bệnh. Đó là bản năng tự nhiên của người mẹ, bản năng thiên bẩm, luôn quên mình vì con. Đêm đó Phong thấy mẹ ngủ ngon, anh vui mừng tự hứa sẽ về thăm mẹ thường xuyên hơn. Nghĩ tới đây, bất chợt Phong cảm thấy mắt mình cay cay, thương mẹ quá.
Phong mở cửa sổ, ánh nắng đầu ngày ấm áp tràn vào nhà, không khí buổi sáng của thành phố biển làm Phong cảm thấy thoải mái hơn. Anh thấy thèm một ly café. Phong rón rén mở cửa đi bộ ra đầu con hẻm. Quán café bình dân của bác Tâm đã mở cửa từ bốn giờ sáng. Các anh xich lô ngồi tán đủ thứ chuyện trên đời. Sôi nổi nhất là câu chuyện hoà đàm Paris, giành dân lấn đất. Bác Tâm ngạc nhiên khi nhìn thấy Phong.
– Con về hồi nào?
– Con về tối qua, thưa bác. Bác khỏe không?
Bác Tâm đưa ly café cho Phong vừa mỉm cười vừa nói, – Bác là chứng nhân của cái thành phố này, không khoẻ làm sao được. À, mẹ con ra sao rồi?
– Thưa bác mẹ con khoẻ lại rồi, cảm ơn bác.
Bác Tâm hạ thấp giọng,
– Thời buổi chiến tranh người mẹ nào không lo buồn cho những đứa con đang lao mình ngoài mặt trận. Con được về thăm mẹ là bác mừng cho gia đình con còn có ngày mẹ con đoàn tụ. Cứ như bác đây, từ ngày anh Thân của con bỏ mình ở hạ Lào, bác như con ngựa già cô đơn trên con đường vắng. Nếu không có mấy chú xích lô hằng ngày tới lui trò chuyện, bác nghĩ làm sao bác có thể sống nổi cho đến ngày hôm nay.
Phong chào bác Tâm quay về. Vừa tới nhà, anh nhìn thấy người thanh niên lái chiếc xe Honda tối qua chờ Phong trước cửa. Người thanh niên tên Phương, nhà anh ta ở đường Võ Tánh. Phong cũng giới thiệu tên mình. Hai người chỉ nói với nhau vài câu thì Phương rồ máy xe Honda mất hút cuối con hẻm, chỉ để lại môt lớp bụi mờ.

Phong vào nhà cho mẹ ăn cháo và uống thuốc. Mẹ Phong hôm nay trông rất tươi khỏe. Bà dặn Phong:
– Con có ra ngoài nhớ mua cho mẹ ít trái cây tươi để mẹ tạ ơn ông bà tổ tiên.

Phong vào thay quần áo đi đến chỗ hẹn với Phương. Hôm nay trời đẹp quá. Nắng trải dài trên con đường Duy tân, đong đưa trên những cành dương liễu, nhẹ nhàng vuốt ve những con sóng trườn mình trên bãi cát mịn, và đưa Phong về với những kỷ niệm thời ấu thơ.

Gia đình Phong về sống nơi thành phố biển này từ ngày chia đôi đất nước. Cũng giống như hàng triệu người dân miền Bắc đã phải rời xa quê cha đất tổ vào Nam tìm tự do. Cuộc sống yên bình ở miền Nam chưa được bao lâu, chiến tranh lại bắt đầu. Núp dưới chiêu bài “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, Hà nội đã xua quân vào Nam bắn giết đồng bào mình cho tham vọng đỏ hóa vùng Đông Nam Á. Những người Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ chí Minh, bất chấp mọi thủ đoạn, mua chuộc và đánh lừa dư luận quốc tế, bất chấp sinh mạng dân chúng hai miền Nam Bắc.
Nếu họ không chủ mưu gây ra cuộc nội chiến, thì làm gì có chuyện miền Bắc phải gánh đạn bom của Mỹ, thanh thiếu niên miền Bắc đâu phải chịu cảnh sinh Bắc tử Nam, và dân miền Nam đâu bị họ tiêu diệt hàng loạt bằng trăm ngàn loại súng đạn Nga Tàu, qua những biến cố Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và chiến cuộc tiếp diễn ngày đêm đau thương ngút ngàn vô tận.

Phong gặp Phương, hai người bắt tay nhau, thả bộ dài theo bờ biển nơi những con dã tràng bị sóng đuổi chui vội vào những hang sâu bỏ lại phía sau chúng những bong bóng nước. Dấu chân hai người bị phả bằng bởi những làn sóng đua nhau trườn mình trên bờ cát trắng. Tuy mới quen, nhưng hai người rất tâm đắc, bởi vì hai người họ đều là lính pháo binh. Phương Một căn cứ hoả lực tại Cạo nguyên Trung phần Việt Nam (hình Frank Baker) là trung úy pháo binh sư đoàn 23BB, còn Phong là trung úy pháo binh 175 chiến thuật Quân Đoàn II. Đơn vị họ đều đóng quân ở gần căn cứ Hàm Rồng Pleiku. Họ trở thành đôi bạn thân sau vài giờ trò chuyện.

Phương về phép dự tiệc mừng cô em gái vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài gòn và được về dạy tại trường trung học Võ Tánh Nha trang, vào đầu niên học năm nay. Phương ngỏ ý mời Phong tối mai ghé nhà chung vui với gia đình anh ta. Không dám hứa trước, Phong bảo:
– Nếu không gì trở ngại, tối mai tôi sẽ đến.
Hai người tiếp tục trò chuyện, vài phút sau họ chia tay nhau.

Khách tham dự tiệc mừng hầu hết là bạn thân của Vân, em gái Phương. Họ vui vẻ hồn nhiên như những cô cậu học trò trung học ngày nào. Chỉ có Phương và Phong có vẻ già dặn hơn, mặc dù họ không chênh lệch tuổi tác nhau mấy. Một vài cô tinh nghịch tìm cách chọc hai ông lính trẻ, làm cho Phương và Phong càng lung túng hơn. Phong nhìn tổng quát tất cả những cô gái, chỉ có Vân là người ăn khách nhất. Nàng có thân hình cân đối, khuôn mặt chữ điền đẹp nhẹ nhàng phúc hậu, đường mũi thẳng, đôi mắt và nụ cười chứa đựng cả một trời thơ. Qua ý nghĩ, Phong mỉm cười một mình, khe khẽ ngâm:
Em cười như nắng sớm
Như nụ hồng ngất ngây
Ấm nồng hơn men rượu
Ngây ngất lòng ta say

Phương và Phong trở lại đơn vị cùng ngày. Hôm đó Vân cùng một cô bạn tiễn hai người ở phi trường Nha trang. Họ nhìn nhau không nói một lời. Cho đến khi máy bay cất cánh. Hai cô gái quay về, Vân nghe một chút hoang vắng trong lòng.

Phong về tới doanh trại lập tức viết thư về nhà ngay, nhưng địa chỉ thư đến ngoài phong bì không phải nhà mình mà là nhà của Vân. Phong nghĩ thế nào Vân cũng sẽ mang thư đến cho mẹ anh. Đây là cách giới thiệu gián tiếp Vân với mẹ mình, và để hai người có dịp gặp gỡ quen biết nhau. Đúng như anh dự đoán, hai tuần sau Phong nhận được thư nhà. Trong thư, mẹ Phong rất ưng ý cô gái tên Vân và bà ước ao Vân sẽ trở thành đứa con dâu quí mến của gia đình họ Phạm. Phong và Vân tiếp tục thư thăm hỏi nhau. Dần dần những bức thư thăm hỏi kia biến thành những bức thư tình đầy thương nhớ.

Lần về phép thứ nhì, hai người hò hẹn quấn quít bên nhau. Lần phép thứ ba họ đính hôn và đầu năm 1975 họ tổ chức đám cưới, đám cưới đầu xuân. Mẹ Phong vui mừng hơn bao giờ hết vì bà có được đứa con dâu vừa ý. Phong và Vân thì khỏi nói, họ vui vẻ hạnh phúc bên nhau giống như cõi đời này chỉ dành cho hai người họ.

Ngày vui nào cũng qua mau, khi Phong trở về đơn vị thì cuộc chiến bắt đầu khốc liệt. Phong đau buồn nhận được tin một số bạn bè cùng khóa 26 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã anh dũng hy sinh trên nhiều mặt trận.
Căn cứ hỏa lực của Phong cũng bị địch pháo kích nhiều lần. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II bắt đầu đưa ra những kế hoạch nhằm thích nghi với tình hình chiến sự mới. Đơn vị pháo binh 175 của Phong ngày đêm tác xạ vào những tử giác điều quân cấp sư đoàn của địch. Nhiều Liên đoàn Biệt Động Quân Tổng Trừ Bị được tăng phái đến Kontum và Pleiku. Một lữ đoàn Dù sẽ được điều động đến Đơn Dương phía Đông Ban Mê Thuột.

Nhiều sư đoàn quân chính qui Bắc Việt đang mở những mũi tiến quân cấp tập. Sư đoàn 320 của địch xuất hiện ở Thuận Mẫn, một vị trí chiến lược, vì từ đây địch có thể cắt đứt Quốc Lộ 14, cô lập và tiến chiếm Ban Mê Thuột. Nhiều đơn vị cấp trung đoàn của địch mở mặt trận nghi binh và cầm chân Sư đoàn 22 BB ta ở đèo An Khê, trên Quốc lộ 19 nối liền Pleiku –Qui Nhơn phía tây tỉnh Bình Định. Đồng thời địch dàn quân trên tỉnh lộ 7 để tiêu diệt đại quân triệt thoái của Quân Đoàn II về Phú Bổn và Phú Yên.Tất cả những diễn tiến xảy ra gần như dự đoán của Phòng 2 Quân Đoàn, và một số Sĩ Quan chỉ huy mặt trận thuộc Quân Đoàn II. Nhưng nội bộ ta bắt đầu bất ổn, làm cho cao nguyên bị rơi vào tay địch một cách tức tưởi.Phong theo đơn vị di tản đến Phú Bổn, và bị địch bắt làm tù binh cuối tháng ba 1975. Anh và một số sĩ quan được đưa đến trại tạm giam Tống Binh, trong đó có Đại tá Đồng, lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh.

Phong và một số anh em bị nhiễm bệnh sốt ác tính, đã gục ngã giữa cảnh tù đày rừng đen nước độc. Mấy tuần sau vợ Phong đến thăm. Hai người bạn cùng khóa đã đưa Vân đến bên phần mộ chồng. Nàng ngất lịm vì quá đau thương. Trong cơn mê bất tỉnh, Vân đã nhìn thấy Phong vẫy tay và từ từ rời xa nàng.Khi tỉnh dậy, trong lòng bàn tay là Vân tấm thẻ bài vương đầy nước mắt cuả nàng. Vân ôm vào lòng kỷ vật yêu thương của người chồng vắn số và nghe đâu đây tiếng Phong từ trong gió vọng về.

Khi em đến anh không còn nữa
Người yêu ơi dịu bớt cơn đau
Tấm thẻ bài anh xin gởi lại
Kỷ vật cho em hẹn kiếp sau
Mộ phần anh bên bờ con suối
Cỗ quan tài những chiếc lá rừng
Tấm mộ bia một cành cây gãy
Hai thằng cùng khóa mắt rưng rưng
Anh sung sướng chết trên tay bạn
Anh đau buồn vận nước đảo điên
Anh thương em giờ thành góa phụ
Giữa cảnh đời đen tối triền miên
Thôi vĩnh biệt nhau em phải sống
Đau thương nào rồi cũng phôi pha
Tình son sắc nhưng tình không vẹn
Anh giờ như chiếc lá bay xa

thương tiếc Vân đưa mắt nhìn cảnh rừng núi bao quanh trùng điệp, nơi có những chiếc lá âm thầm lìa cành, và một chiếc lá bị gió cuốn bay đi càng lúc càng xa…

 
 
 
11. "Trốn Trại" Cải Tạo "Vượt Ngục"
Nguyễn Ngọc Thạch (Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt)
Tháng 4 Nhớ Người - Thắp Nén Hương Tưởng Niệm Anh Hùng Vô Danh VNCH
(fb An Nguyen  - Thien Kinh Duong)
Phần 1.
Ghi Chú: Xin gởi đến quý độc giả bài viết "Trốn Trại" thật cam go, may mắn và cảm động của anh Nguyễn Ngọc Thạch, K20 hiện sống ở Minnesota.
Sau khi ở tù cải tạo đuợc 5 năm, khi tôi đang ở trại Suối Máu Biên Hòa, thì có một số tù đuợc đua lên trại Tống Lê Chân gần An Lộc Bình Long. Tôi mừng thầm là nếu đưa tôi lên Tống Lê Chân thì tôi có rất nhiều hy vọng để trốn trại, vì tôi biết rất rõ vùng đất này. Đon vị đầu tiên khi tôi mới ra truờng là Đại đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 5 Bộ Binh đóng gần sân bay An Lộc Bình Long. Và trong suốt thời gian phục vụ từ cấp Trung đội lên đến cấp Trung đoàn tôi vẫn ở trong vùng rừng xanh đất đỏ này.
 
 

Giữa tháng 5 năm 1980, họ chuyển tôi từ trại Suối Máu Biên Hòa lên trại Tống Lê Chân. Đây là một trại tù ở giữa rừng, gồm các dãy nhà tranh với mấy lớp hàng rào kẻm gai bên ngoài và một lớp hàng rào tre bao bọc bên trong che kín, không nhìn thấy đuợc bên ngoài. Ở bốn góc và ngay cổng ra vào là các chòi canh đuợc trí súng đại liên. Sau khi lên đến trại Tống Lê Chân, chúng tôi liền nghiên cứu ngay kế hoạch để trốn, vì phải trốn càng sớm càng tốt.

Khi ở trại Suối Máu Biên Hòa tôi có luợm được một cục nam châm hình trụ to bằng đầu ngón tay. Theo nguyên tắc của địa bàn thì khi một thanh nam châm đuợc treo trên sợi chỉ, đuợc quay tự do thì một đầu luôn luôn chỉ về huớng Bắc, còn đầu kia là huớng Nam. Vì hai đầu giống nhau nên tôi phải dùng dầu hắc nhựa đuờng để làm dấu đầu huớng Bắc.

Trong thời gian ở tù chung nhau qua các trại, tôi có quen thân và hay tâm sự với Thu, một nguời cùng thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh truớc đây và có cùng chung một quyết tâm là sẽ cùng nhau trốn trại khi có dịp. Thu cũng cho biết là có thêm một nguời bạn nữa cũng muốn nhập bọn đó là Bình. Bình là một nguời rất tháo vát, lanh lợi và đã từng đổ đầu khóa học “Rừng Núi Sình Lầy” ở trường Biệt Động Quân Dục Mỹ, Nha Trang. Bình đã làm đuợc một cái kềm để cắt kẻm gai. Kềm này làm bằng hai quai xách của cuộn kẻm gai concertina, hai quai xách này bằng thép rất cứng. Khi một đầu đuợc đập dẹp, mủi mài nhọn và đục lổ, thì trông giống nhu luởi dao. Nhưng khi hai cái luởi dao ghép chập vào nhau và dùng một cây đinh làm trục xỏ xuyên qua hai lổ, thì biến thành một cái kềm để cắt kẽm gai.

Để chuẩn bị cho việc trốn trại, mỗi nguời may một túi vải nhỏ bằng loại vải ngụy trang để đựng đồ mang theo như lon guigoz, mì gói, gạo muối v.v…Mỗi nguời mang theo một bộ đồ thật tốt, quần tây áo sơ mi bỏ trong bọc nylon thật kín cho khỏi uớt, để bên trong áo truớc ngực, mặc đồ trận áo lính cũ bên ngoài. Ngoài ra tôi còn may thêm một cái túi vải nhỏ để cất giữ cái địa bàn, có dây choàng qua cổ để khỏi rớt mất. Mỗi lần đo là tôi rút một sợi chỉ từ lai áo trận và nhờ tôi có làm dấu đầu huớng Bắc bằng dầu hắc nhựa đuờng nên tôi sờ vào là biết để đi cả ban đêm. Chúng tôi phải kiểm soát lẫn nhau cho thật kỹ, quần áo mặc, túi vải, đồ đạc mang theo tất cả đều phải đuợc ngụy trang cho tiệp với màu cây lá trong rừng và không được gây ra tiếng động chạm nào. Ngoài ra chúng tôi còn sắp đặt những gì sẽ bỏ lại, thật ít đồ bỏ lại, cố ý ngụy tạo như là có ý định sẽ đi xa, tức là sẽ đi về huớng Bắc để qua biên giới Kampuchia.

Buổi chiều hôm đó tôi và Thu cùng ăn chung nhau, đem tất cả những gì ngon đem ra ăn, ngốn cho thật đầy bụng để lấy sức tối đi. Tất cả đồ còn lại đem cho hết hoặc chôn dấu. Thu đem cả túi balô quần áo cho bạn bè. Tôi có cho một nguời bạn cùng khóa là Lương Văn Thìn mấy gói mì, mà bạn tôi không hiểu tại sao, tuyệt nhiên tôi không có đá động gì tới chuyện trốn trại.

Suốt trong ba tuần lể liền, Thu đã phải theo dỏi thật kỹ các toán tuần tra canh gác, giờ nào đi tuần, giờ nào đổi gác v.v…Sau cùng chúng tôi đã đi đến quyết định giờ xuất phát là 9 giờ tối, khi máy phát điện vừa tắt thì bắt đầu chui ra. Ở đây mỗi tối có máy phát điện cho công an coi truyền hình, đến 9 giờ thì tắt. Sau đó họ về sửa soạn độ 15 phút sau là bắt đầu đi tuần. Và theo như chúng tôi dự tính là phải mất 10 phút để cắt kẻm gai và 5 phút chót phải bò thật nhanh qua con đuờng tuần tra là khoảng đất trống bên ngoài. Địa điểm thuận lợi nhứt để chui ra là khoảng giữa hai chòi canh phía sau trại. Ban đêm họ đứng gác trên chòi canh cao nên không thể thấy rõ ở duới đất đuợc, theo đúng nguyên tắc canh gác ban đêm là phải ở duới thấp. Còn ngày đi thì chúng tôi chọn vào cuối tuần trăng, để khi chui ra thì trời còn tối, đến nửa đem trăng lên dễ thấy đuờng để đi. Chúng tôi chọn đêm 22 ta, âm lịch, vì tin dị đoan sợ đêm 23 ta là không tốt.
Đúng 8 giờ ruởi tối đêm 22 tháng 4 âm lịch tức là ngày 3 tháng 6 năm 1980, chúng tôi bắt đầu theo đúng kế hoạch ra ngồi ngoài cầu tiêu, để chuẩn bị cắt dây lạt của lớp hàng rào tre truớc, để đến đúng 9 giờ khi máy phát điện vừa tắt là chui ngay. Nhưng không ngờ khi đó chúng tôi thấy ở ngoài suối có ánh đèn của công an đang đi bắt cá ở duới suối, nên chúng tôi phải ngưng lại ngay và trở vô ngủ như thuờng lệ.

Qua đêm hôm sau bắt buộc là phải đi chớ không thể nào chần chờ được nữa, vì sợ nếu để lâu dể bị bại lộ. Lần này cũng đúng 8 giờ ruởi là ra cầu tiêu, vì cầu tiêu là chổ tốt nhứt để tới sát hàng rào mà không ai để ý. Bình bắt đầu cắt dây lạt của lớp hàng rào tre và cố vạch ra một lỗ để sẳn sàng chui ra. Lớp hàng rào tre này đuợc chôn sâu duới đất và sát khít nhau bằng hai lớp tre đan chéo vào nhau dầy đặc. Vì vậy rất khó gở ra, phải đào sâu xuống đất mới vạch ra một lỗ vừa chui và phải làm thật chậm thật kỹ vì sợ ở chòi canh nó có thể thấy lúc lắc ở đầu ngọn tre. Khi máy phát điện vừa tắt bầu trời chụp tối đen là lúc chúng tôi bắt đầu chui, thì bất ngờ có hai nguời đợi chui trốn theo. Thật hết sức bất ngờ và không thể nào từ chối đuợc nên chúng tôi đành phải lo bảo bọc nhau cùng trốn. Bình chui ra truớc là để cắt kẻm gai rồi đến tôi chui kế, tiếp theo là hai nguời trốn chui theo và Thu là nguời chui sau cùng.

Sau khi chui ra khỏi lớp hàng rào tre thì gặp lớp hàng rào kẻm gai thứ nhứt. Nhưng phía duới lớp hàng rào kẻm gai này là rãnh thoát nuớc với đất bùn xình hôi thúi, nên chui lòn qua đuợc mà khỏi phải cắt. Đến lớp hàng rào kẻm gai thứ hai thì Bình bắt đầu cắt. Hàng rào kẻm gai của VC rào thì họ có quá nhiều kinh nghiệm cho nên họ cho rào rất kỹ. Họ bắt phải đào một cái rảnh sâu xuống đất rồi mới trồng cột sắt lên và rào kẻm gai ngay từ phía duới rào lên, rồi lấp đất lại, nên không có cách nào vén lên để chui lòn qua đuợc, mà chỉ có cách duy nhứt là phải cắt thì mới chui ra đuợc. Mà cái kềm cắt kẻm gai của Bình biến chế nên không cắt dễ dàng nhanh chóng đuợc. Khi đang nằm chờ trong đám cỏ tranh giữa mấy lớp hàng rào với quần áo đầy bùn xìn hôi thúi, tôi nhìn lên bầu trời đầy sao, cảm thấy như bình tâm chấp nhận những gì đến sẽ đến, vì không còn cách nào hơn để lựa chọn đuợc nữa.

Bình cắt xong hàng rào này cũng mất 5 phút mới qua đuợc và còn một lớp sau cùng cũng mất 5 phút nữa. Và cuối cùng chúng tôi chui qua đuợc hết và phải bò thật nhanh, chỉ dùng cùi chỏ và đầu gối bò thật sát mặt đất như bò hỏa lực, vuợt thật nhanh qua khoảng đất trống, rồi truờn mình xuống suối. Lúc đó tôi có cảm giác như tim tôi đập quá mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Tiếng thở dồn dập hổn hển mà tôi nghe rất rõ, và gợn lên sóng nuớc khi ngâm mình trong nước để lội qua suối.

Qua bên kia bờ suối chúng tôi phải bám theo rể cây để leo lên vì lòng suối sâu hẩm. Lên khỏi suối là băng mình qua đám rừng tre, rồi băng qua con đuờng mòn. Con đuờng mòn này đi ra chuồng bò nên chúng tôi phải tránh xa nơi đây gấp vì sợ có nguời lui tới. Bất ngờ Thu bị lọt xuống một hố sâu có lẽ là hố rác, tụi tôi phụ nhau kéo Thu lên. Vừa lên xong là đâm đầu chạy vô phía rừng rậm.
Không bao lâu sau, bỗng nghe tiếng súng đại liên từ các chòi canh nỗ ran trời và sau đó là những tiếng quát tháo hò hét của đám công an chạy túa ra về phía chúng tôi, càng lúc nghe càng gần. Tiếng lên đạn súng AK47 nghe rớp rớp, tiếng hò hét vang động khắp nơi, tiếng chửi rủa hăm dọa “địt mẹ ra đi không tao bắn chết mẹ hết bây giờ”, nghe rất gần ở ngoài con đuờng mòn mà chúng tôi vừa mới chạy qua. Vì vậy chúng tôi hết đuờng chạy, sợ chạy sẽ gây ra tiếng động dễ bị lộ, nên 5 đứa tụi tôi đành phải chui vô một bụi rậm, nằm rút trong đó. Sau này được biết là sau khi chúng tôi chui ra khỏi hàng rào, thì lại có nguời chui trốn theo, nên bị phát giác bị bắt và bị đánh chết tại hàng rào và họ liền truy đuỗi theo để bắt chúng tôi.

Chúng tôi cố nằm yên không động đậy. Một lúc sau nghe tiếng máy điện chạy trở lại và nghe tiếng lào xào ở trong trại, chắc là VC đang ra lệnh tập hợp điểm danh. Một hồi lâu sau thấy yên tịnh, không hiểu là họ vẫn còn lục soát hay ngồi núp rình đâu đó hay là đã đi chổ khác. Nhưng trong lúc đó chúng tôi quyết định là phải bò đi vì không thể chần chờ ở đây lâu đuợc.
Chúng tôi 5 đứa bắt đầu bò đi thật chậm, hai tay rồi lại hai chân, đưa lên đặt xuống thật nhẹ nhàng, nếu lở có một tiếng động nhỏ như tiếng lá cây kêu sột soạt hay một tiếng cành cây gãy là ngưng lại ngay nghe ngóng rồi mới bò tiếp. Bò đuợc một lúc lâu chừng một tiếng đồng hồ, tôi nghi là chưa đi đuợc bao nhiêu, chân tôi bị đứt ngang ở ống quyển máu ra ướt xuống tới vớ, tôi rờ thấy ướt mới biết, nhưng cũng chẳng thấy đau đớn gì. Sau đó chúng tôi bắt đầu đứng dậy để đi cho nhanh ra khỏi chổ này, nhưng vẫn đi hết sức thật cẩn thận, buớc đi thật nhẹ nhàng im lặng. Tôi lấy thẳng huớng Nam mà đi, đi ngược với huớng Bắc là hướng qua biên giới. Chúng tôi giữ đúng hướng, không đi theo đuờng mòn hay chổ trống, bất kể là băng qua các đám ôrô duới suối hay bụi lùm gai góc. Và càng lúc nghe tiếng máy điện ở phía sau lưng càng nhỏ dần.

Khi đó nghe có tiếng xe molotova, loại xe chở quân của VC, chạy đổ ra tứ phía. Chúng tôi phải đi chậm lại, sửa soạn đồ đạc cho thật gọn gàng, tuyệt đối không đuợc gây tiếng động và phải quan sát cho thật kỹ. Mỗi nguời nhìn một huớng, khi đến chổ trống hay gặp đuờng mòn là dừng lại lủi ngay vô bụi rậm gần nhứt rồi từ từ quan sát sau. Có nhiều lúc gặp họ đang đi bằng xe đạp, chạy ngang qua rất gần mà họ không thấy. Mỗi khi muốn băng qua đường mòn hay trảng trống, chúng tôi dừng lại nghe ngóng quan sát rất kỹ rồi mới chạy nhanh qua từng nguời một. Bỗng đâu có một tốp nguời Thuợng, vợ chồng con cái vừa đi vừa nói chuyện lào xào, nên chúng tôi lủi tránh kịp thời.
Lúc trời sáng hẳn chúng tôi đổi huớng đi về phía Đông tức là huớng ra quốc lộ 13. Đi trong rừng hoang vắng nhưng thỉnh thoảng nghe có tiếng đốn cây chặt củi, chúng tôi phải tránh xa ra. Đi tới chiều thì gặp con đường lộ đá đỏ, đó là đường vô Minh Thạnh. Chúng tôi chuẫn bị kỹ rồi băng qua đường cho thật nhanh và lủi vô sâu trong rừng một khoảng xa rồi dừng lại nghỉ. Chúng tôi lựa chổ kín đáo để dừng lại nghỉ, bởi vì từ đêm tới giờ gần một ngày tròn đã đem hết sức lực để cố vuợt thoát xa vùng nguy hiểm, nên bây giờ thấy thấm mệt, nhứt là vấn đề nước uống rất là khan hiếm. Tôi mang theo lon guigoz đựng nuớc uống nhưng đã bị đỗ mất hết vì nắp đậy của lon guigoz không kín chắc, giờ thấy khát rát cỗ họng. May sao Bình tìm đuợc một giếng nuớc bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhìn xuống giếng tối om không thấy nuớc, nhung khi thòng lon guigoz xuống, múc lên đuợc những lon nuớc thật trong veo, uống thật ngon thật đã, nhờ đó chúng tôi ăn mì gói với nuớc lạnh. Xong rồi lấy thêm đầy nuớc rồi đi ngay, tiếp tục lấy hướng Đông để ra Quốc lộ 13.
Trời bắt đầu tối, nhưng khi tiếp tục đi thì nghe có nhiều tiếng súng trong rừng, chắc có lẻ là họ đi săn, mà cũng có thể là bọn công an, vì vậy chúng tôi phải dừng lại để tìm cách lẫn tránh. Chúng tôi ra giữa đám trảng tranh lớn cao quá ngang đầu, vạch đuờng ra ở giữa đám tranh, trải một tấm nylon để nằm nghỉ lưng và canh chừng mọi động tĩnh chung quanh. Nếu có nguời đi tới thì chúng tôi sẽ thấy dễ dàng để tìm đường lẫn tránh, nhưng nguợc lại họ sẽ không thấy chúng tôi đuợc vì tranh cao quá khỏi đầu. Khi đó hỏi chuyện nhau mới biết tên hai nguời đi chui theo, đó là Tuờng phi công phản lực A37 và một nguời nữa tên là Thạch, hình như là nguời Việt gốc Hoa, tôi không biết đơn vị, cả hai anh đều mang dép nên rất khó đi.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đuờng sau khi xóa mọi dấu vết. Khi đi thỉnh thoảng gặp các bẩy của nguời Thuợng rất là nguy hiểm, như bẩy cò ke, nếu vuớng chân vào thì cần bật sẽ bung lên rất là mạnh, có thể làm bị thương, hay bẩy bắn tên khi đụng vào cần bật thì bao nhiêu mủi tên tẫm thuốc độc sẽ bắn xuống. Vì vậy khi thấy khả nghi là phải dừng lại xem xét cho thật kỹ rồi tránh xa ra. Chúng tôi rất khát nuớc vì đi cả ngày mồ hôi ra nhiều mà không có miếng nuớc uống nên khát dữ lắm. Gặp một cây nói là trái gấm, Bình leo lên hái xuống ăn thử, vừa ngứa miệng, vừa khát nước thêm. Có lần gặp được nước đọng trong các lằn bánh xe bò và trên những lá cây khô còn đọng nuớc của những trận mưa truớc, chúng tôi góp nhặt lại hớp những giọt nước đó cho đở khát.
Đến chiều thì trong lúc đang đi bất chợt gặp một em bé trai độ 11, 12 tuổi đang lang thang trong rừng. Chúng tôi giả dạng như là cán bộ đi khảo sát địa chất và hỏi em bé ở đâu có suối, thì em bé đó chỉ về huớng truớc mặt, đi thêm vài chục thuớc là thấy suối, một con suối rất lớn. Nhìn ở phía xa kia là một khu rừng đã đuợc phát quang và có các cây to bị đốt cháy nám đen, một đám nguời đang cuốc đất làm rẩy, chắc là dân vùng kinh tế mới. Chúng tôi lội xuống suối uống một bụng nước thật no nê. Sau đó chúng tôi tìm chổ bụi lùm kín đáo để nấu cơm, nấu bằng lon guigoz, hai đứa thay phiên nhau quạt để khói đừng bốc lên cao. Chúng tôi ăn bửa cơm này thật là ngon, ăn cơm nóng với bột ngọt trong gói mì.

Sau khi ăn xong, trời đã xế chiều, chúng tôi thấy đoàn nguời làm rẩy đi về nhà đi theo hướng Đông, như vậy là ra Quốc lộ 13, nên chúng tôi đợi cho họ đi hết rồi mới men theo con đuờng mòn đó để đi cho nhanh. Đi độ chừng một tiếng đồng hồ thì ra tới ấp, tôi đoán chừng là vùng Tân Khai hay Tàu Ô, nằm cạnh Quốc lộ 13. Thấp thoáng nhìn từ xa thì thấy có lớp hàng rào tre bao bọc, và hình như có cổng ra vào, giống nhu một trại tập trung, nên chúng tôi không dám đến gần và cũng không muốn vô đó làm gì. Sau khi trời xụp tối thì chúng tôi tiếp tục đi, chúng tôi dự định đi trong bìa rừng theo đuờng rầy xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh nằm song song với Quốc lộ 13 để đi, dự định sẽ đi qua khỏi quận Chơn Thành, rồi mới ra đuờng đón xe. Riêng hai nguời trốn theo là Tuờng và Thạch thì không dám đi nữa, mà họ có cho địa chỉ nếu ai về đuợc đến Sài Gòn thì nhắn dùm gia đinh họ lên đón. Chúng tôi ba đứa đi lần mò trong đêm và vì trời tối quá nên không đi đuợc bao xa, mà đành phải dừng lại nghỉ qua đêm.

Sáng sớm hôm sau lên đuờng đi tiếp, đi cho đến trưa thì dừng lại nghỉ bên cạnh một cái ao nhỏ xung quanh có cây cối um tùm, dễ ẩn náo để nấu cơm ăn. Xong rồi lại đi tiếp, đến chiều chạng vạng tối thì đến một cái ấp khác, một xóm nhà lô nhô ngoài gần quốc lộ, chúng tôi ở bìa rừng trốn trong hầm hố cũ đuợc che phủ bỡi những lùm tre rất kín đáo. Buổi chiều dân trong làng đi lao động về, họ đi ngang qua khá gần chổ chúng tôi đang trốn, tiếng chó sủa dữ dội nhưng họ không để ý mà chỉ lo đi cho mau về nhà.

Chiều hôm đó nằm nghe tiếng chó sủa, tiếng trẻ con đùa giởn trên đuờng, nhìn khói lam chiều từ một mái nhà tranh quyện bay lên không trung mà lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Chạnh lòng nhớ đến vợ con, thầm nghĩ đến một mái ấm gia đình bên vợ hiền con thơ mà tôi uớc mơ đuợc như họ. Được sống đầm ấm trong một căn nhà tranh vách đất ở một miền thôn quê rừng núi nào đó. Nhưng nghĩ lại thân phận tôi là một người tù trốn trại, tương lai rất mờ mịt, không biết ngày mai sẽ ra sao. Một uớc muốn tầm thuờng, đuợc làm một nguời dân bình thuờng để sống mà lo cho gia đinh nuôi vợ nuôi con cũng không đuợc. Tôi buồn cho thân phận bơ vơ lạc lõng của tôi trong cái xã hội mới này. Hoàn cảnh của tôi thật đúng với câu “nước mất nhà tan, gia đình ly tán”.

Đêm đó chúng tôi khát nước vô cùng, cồn cào lên cổ họng. Bình với ý định lẻn vô nhà dân để xin nuớc uống, nhưng tôi với Thu cản lại, vì bao công trình giờ rủi ro vô gặp phải nhà của công an thì nguy khốn, đành chịu nhịn khát qua đêm. Nhưng không ngờ đến khoảng nửa đêm thì trời đỗ xuống một trận mưa thật lớn. Chúng tôi mừng quá lấy tấm nylon ra căng để hứng nuớc uống. Uống no bụng xong rồi, đỗ đầy vô lon guigoz mà trời vẫn tiếp tục mưa càng lúc càng lớn. Chúng tôi bị lạnh quá phải ôm lấy nhau trên đầu phủ tấm nylon và mỗi đứa phải lo ôm thật chặt bộ quần áo tốt ở trong bọc nylon, ôm kỹ ở truớc ngực để giử cho khô. Trận mua này thật lớn thật lâu sau cùng rồi cũng dứt hẳn. Vì không thể đi tiếp trong rừng cho đến quân Chơn Thành, vì đuờng còn xa mà đường rầy xe lửa thì không còn nguyên như truớc nữa, mà chỉ còn là những đám rừng tre che phủ um tùm rất là khó đi, chỉ có thể chui lòn duới đám tre gai, cho nên chúng tôi quyết định là sẽ chia tay nhau ở đây, phân tán ra mỗi nguời tự tìm cách để đi về Sài Gòn rồi sẽ gặp lại nhau sau.

Trời hừng sáng chúng tôi thay bộ đồ thật tốt thật tươm tất, đồ đạc còn lại đem chôn dấu trong bụi, xong chờ cho đến khi nghe có tiếng xe chạy là lần luợt ra đuờng, lựa khoảng trống giửa hai nhà mà ra đón xe. Bình lên đuờng trước tiên, một lúc sau thì đến Thu, và tôi là nguời ra đuờng sau cùng. Khi buớc ra quốc lộ 13 tôi lấy bình tỉnh đi men theo bên đường chờ đón xe. Tôi không thấy Bình đâu hết mà chỉ thấy Thu đang đi phía truớc tôi một khoảng xa. Có chiếc xe Lam (xe ba bánh chở hành khách hiệu Lambretta) chạy trờ tới tôi liền đón để đi, vì xe đã đầy nguời nên tôi phải đeo theo xe đứng ở phía sau. Thu cũng lên đuợc chiếc xe đi truớc tôi. Xe chạy qua cầu Tàu Ô và như vậy là đêm qua chúng tôi đã ngủ ở giửa khoảng Tàu Ô - Tân Khai. Trước kia, đây là đoạn đuờng nguy hiểm nhứt của quốc lộ máu mang số 13 và cũng chính nơi đây đã xảy ra những trận chiến vô cùng ác liệt, mà dấu vết các hầm hố còn lại rất nhiều, dọc theo bìa rừng trông ra quốc lộ.

Khi xe vô quận lỵ Chơn Thành tôi xuống xe ở đầu ấp Chơn Thành 2 để đi bộ vô, vì sợ vô tới bến xe sẽ gặp công an. Đi bộ dọc theo con đuờng vào quận lỵ, tôi nhớ lại các nơi mà ngày xua quen biết như Trại cưa Lê Quang, Trại cưa Mai Chấn Hung, Lò than ông Năm Thãnh, sau này ông Năm Thãnh cũng lập thêm trại cưa. Đi gần đến chợ là đến bến xe và tại ngả tư đường đi Đồng Xoài có một đồn cảnh sát hồi xưa, bây giờ là đồn công an Việt Cộng. Tôi dự định đi bộ ra khỏi quận lỵ rồi mới đón xe để đi Bình Dương. Tôi đi ngang qua dãy phố chợ mà ngày xua có các tiệm ăn như Nghĩa Thành, Bạch Tuyết, nổi tiếng với món canh chua cá lóc, cá kho tộ. Đi ngang qua ngôi chùa, qua cây cầu là gần đến đầu quận lỵ. Tôi nhìn thấy Thu đang đi phía truớc bỗng dưng đổi huớng qua trái tấp vô một quán nước. Tôi nhìn kỹ về phía truớc phía bên phải thì thấy có một trạm kiểm soát nên tôi cũng đổi hướng qua trái tấp vô một quán nuớc. Tôi nhớ mài mại hình nhu đây là quán của bà Năm Chích, có cô con gái ra tiếp. Tôi kêu một ly cà phê, ngồi uống để quan sát coi trạm kiểm soát đó nó hoạt động như thế nào. Tôi thấy rõ hai thằng công an coi tù ở trong trại ra đây chận xét xe để nhìn mặt bắt chúng tôi, hai tên này đứng bên cạnh trạm kiểm soát tài nguyên. Mỗi khi xe đến đó, tài xế vô trình giấy tờ cho trạm kiểm soát tài nguyên ở bên trong, thì hai tên công an đứng bên ngoài đi ra lục soát xe.

Tôi đoán chắc là nó sẽ bố trí chận xét ở đây để bắt tù trốn trại, vì đây là quân lỵ gần nhất, mà muốn ra khỏi quận thì phải đi ngang qua trạm kiểm soát này. Nếu đi bằng xe đạp, xe thồ, mặc đồ như nguời đi làm cây làm củi trong rừng thì mới lọt qua đuợc. Còn nếu bây giờ băng vô trong rừng để đi bọc qua thì cũng sợ gặp phải nguời lạ mặt họ dể nghi ngờ, vì mình mặc đồ sạch sẽ tươm tất quá. Tôi còn đang phân vân không biết phải làm cách nào để qua khỏi trạm kiểm soát này, thì thấy Thu đi nguợc trở lại, ngang qua chổ tôi. Thu trở lại bến xe để đón xe đi, còn Bình thì không còn thấy tâm dạng đâu hết, chắc là đã đi thoát rồi.

Tôi ngồi chờ một hồi thì thấy chiếc xe lô chạy trờ tới, tôi nhìn thấy Thu ngồi ở băng sau cùng. Xe tới trạm kiểm soát thì ngừng lại, trong khi nguời tài xế vô trình giấy tờ thì một tên công an đi ra nhìn vào xe, một lúc sau thì tài xế trở ra và nó cho xe chạy đi. Tôi mừng cho Thu đã thoát nạn, giờ đây chỉ còn lại một mình tôi, tôi không còn biết cách nào khác hơn là trở lại bến xe để đón xe đi. Đây là chổ nguy hiểm nhứt mà tôi cố tránh nhưng không đuợc nên đành phải liều mạng.
Khi vô bến xe thì thấy có một chiếc xe lô, loại xe nhỏ để chở khách, tôi thấy xe trống trơn chưa có ai, tôi lên ngồi băng sau cùng. Ngồi một lúc lâu thấy nóng ruột nên mới hỏi bác tài là xe chừng nào chạy, ông ta nói chờ khách lên đầy thì đi, mà thuờng là khách ở trong Minh Thạnh ra nhiều. Tôi hơi lo vì khách ở trong Minh Thạnh ra có thể là công an trong trại ra đi phép. Ngồi một hồi lâu thì chợt có một tốp người đi buôn than họ lên gần đầy. Bỗng tôi thấy có hai đứa nhỏ độ hơn muời tuổi tay cầm một con gà, tay xách một giỏ đồ, tôi liền nhanh miệng kêu hai em bé đó vô ngồi gần bên tôi và tôi phụ xách dùm đồ, làm như vậy thấy đở trống trải vì có hai em nhỏ che đở phần nào.

Khi xe chạy tới trạm kiểm soát thì dừng lại, bác tài vào trình giấy tờ trong trại kiểm soát tài nguyên. Tôi thấy một thằng công an, đứng bên cạnh trạm kiểm soát, buớc ra để nhìn mặt nguời trên xe. Nó nhìn vào băng truớc, trên đó có hai nguời ngồi, tôi nghe tiếng quát tháo của tên công an là hai nguời ngồi đằng truớc là “tại sao đầu tóc để dài bù sù nhu cao bồi du đảng, đâu đưa giấy tờ coi”. Sau khi coi xong giấy tờ hai người phía truớc là nó liệng vô xe rồi ra lệnh cho đi một cách thật oai quyền. Cũng vừa lúc bác tài đã trở ra xe, bác tài liền rồ ga cho xe chạy đi, mà lòng tôi vui mừng khắp khởi vì vừa thoát được một trạm kiểm soát thật là vô cùng nguy hiểm.

Xe chạy qua khỏi Tham Rớt, Bầu Bàn, Bầu Lòng rồi đến quận Bến Cát, ở đây cũng có trạm kiểm soát nhưng là trạm kiểm soát tài nguyên nên không có gì trở ngại. Xe chạy về tới Chánh Hiệp Bình Dương, một trạm kiểm soát rất lớn, nơi cửa ngỏ vô thành phố nên xe đậu nối đuôi nhau rất dài. Chiếc xe tôi đi là xe nhỏ chở than lậu nên tài xế đã biết cách vô trình giấy tờ và nộp tiền mải lộ là xong ngay. Xe đi tiếp vô thành phố vào đậu ở bến xe, tôi xuống xe cũng vẫn còn nắm tay hai em bé vô mua giấy xe để về Sài Gòn, vì hai em bé đó cũng về Sài Gòn. Tôi thấy người ta sắp thành hàng dài để chờ mua vé xe, tôi cũng sắp vô hàng chờ đợi. Nhưng khi tôi nhìn kỹ lại thì thấy mỗi nguời khi mua vé xe đều phải trình ra một thứ giấy tờ gì đó, hình như là giấy phép đi đuờng hay là giấy căn cuớc, mà trong mình tôi thì không có thứ giấy tờ nào nên tôi hơi sợ, nên mới nói với hai em nhỏ là cứ sắp hàng để mua vé về Sài Gòn truớc đi còn tôi thì sẽ đi sau. Tôi bỏ ra ngoài tìm đường khác để đi, chớ khi mua vé họ hỏi đến giấy tờ là mình không biết trả lời ra sao, vì trong mình tôi không có thứ giấy tờ nào hết. Tôi vào quán nước kêu ly nuớc đá chanh vừa uống vừa quan sát để tính kế. Bỗng chợt thấy xe Honda ôm, tôi liền nghĩ ra phương cách hay nhứt để đi về Sài Gòn là bằng xe ôm. Tôi dự định là sẽ về nhà của chị Đồ ở Phú Thọ. Trong những lần đi thăm nuôi, vợ tôi thường đi chung với chị Đồ nên hai gia đinh rất thân nhau và trước khi trốn trại tôi có dọ hỏi anh Đồ địa chỉ nhà cho thật kỷ, thật đầy đủ chi tiết đuờng đi nước buớc, làm sao vô nhà, đi vô ngỏ hẻm nào v.v….Tôi chỉ hỏi chơi chơi chứ không cho anh biết ý định trốn trại của tôi.
Anh lái xe ôm ra giá đi Sài Gòn là 50 đồng, tôi không có đủ tiền nhưng tôi nói với anh là đưa tôi về đến nhà tôi lấy tiền rồi trả sau. Sau khi bằng lòng giá cả anh ta mới đi đổ xăng và trở lại đón tôi. Trên đuờng đi tôi cũng nói thêm với anh là tôi vừa ở vùng kinh tế mới về, bị mất hết giấy tờ nên nhờ anh chạy làm sao để tránh các trạm kiểm soát. Anh ta nói là tụi công an nó chỉ xét coi có buôn đồ lậu, chứ như ông đi mình không, thì không có gì để xét thì đừng có lo. Tôi nghe mừng trong bụng và trong lúc đi đuờng tôi có hỏi chuyện thì anh có cho biết hồi truớc anh là lính của Sư đoàn 5 Bộ Binh. Nghe biết vậy thôi chứ tôi cũng không có hỏi thêm gì về chuyện ngày trước. Xe chạy qua các trạm kiểm soát Búng, Lái Thiêu rồi Bình Triệu. Thấy xe kẹt đậu dài dài để chờ xét, còn xe Honda ôm này chạy qua hết mà không bị hỏi han gì và sau cùng vô Sài Gòn qua ngả cầu cư xá Thanh Đa rồi qua cầu Phan Thanh Giản và chạy trên đường Phan Thanh Giản để về Phú Thọ.

Nhìn quang cảnh thành phố Sài Gòn sau 5 năm trở lại, tôi cảm thấy như bơ vơ lạc lỏng, như lạc vào một thế giới nào xa lạ lắm. Đây không phải là thủ đô Sài Gòn năm xua, một thời đã từng đuợc mệnh danh là một “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nay tôi thấy trên đuờng toàn là xe đạp, mà nguời nguời trông lam lũ tả tơi, không cuời không nói, với dáng vẻ buồn thiu ảm đạm, thật đúng với câu “nguời buồn mà cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi đến Phú Thọ, xe Honda chạy vào con hẻm nhỏ, một số con nít chạy theo. Khi xe vô đúng số nhà mà tôi đã học thuộc lòng, tôi gỏ cửa và chị Đồ ra mở cửa. Khi thấy tôi chị buột miệng la lên: “Ủa anh Thạch mới đuợc thả về, còn ông Đồ của tôi đâu”. Tôi lật đật nói nhanh là tôi mới đuợc thả về và xin muợn chị 50 đồng để trả tiền xe. Chị vô lấy tiền cho mượn ngay để trả tiền xe. Khi xe đi rồi và đám con nít đa tản đi hết rồi thì tôi mới nói thiệt với chị là tôi trốn trại và nhờ chị về báo tin cho vợ tôi hay. Chị hốt hoảng cho biết là mới vừa tuần truớc đây thằng em trai của chị vừa mới vuợt biên đã đi thoát được. Nhà chị đang bị công an phường khóm điều tra theo dỏi, cho nên chị không dám chứa tôi trong nhà, mà bảo tôi ra ngoài đuờng đón xe autobus để ra bến xe Xa Cảng miền Tây, ở Phú Lâm, rồi sẽ tính sau. Truớc khi đi tôi còn hỏi muợn chị đôi giày, vì đôi giày tôi đang đi là loại giày đi rừng nên đi trong thành phố coi không tiện. Chị cho tôi muợn đôi giày sandal và còn đôi giày đi rừng của tôi thì chị nói là chị sẽ đem lên cho anh Đồ trong lần thăm nuôi tới.

Tôi ra khỏi hẻm ra ngoài đuờng thì thấy có một quán hủ tiếu, tôi liền tấp vô ăn một tô hủ tiếu, uống một ly cà phê sửa, rồi mới ra đón xe autobus để đi ra Xa Cảng miền Tây. Khi ra đến bến xe Xa Cảng miền Tây, tôi thấy cả một rừng nguời hỗn độn la liệt khắp nơi. Họ trải chiếu, trải tấm nylon hay kê tấm ván tùm lum tứ tung không theo một lề lối nào cả. Hỏi ra mới biết đây là những nguời bỏ vùng kinh tế mới trở về, nhà cửa bị tịch thu không nơi nương tựa đành phải sống lang thang đầu đuờng xó chợ bến xe. Sau khi thấy cảnh hổn độn này tôi nghĩ thầm là mình có thể trà trộn để ngủ tạm qua đêm ở đây.

Trong khi đó thì chị Đồ đạp xe đạp từ Phú Thọ vô Gia Định để báo tin cho vợ tôi biết. Sau này gia đinh kể lại là khi chị Đồ vào nhà, chị rất lo sợ có nguời theo dõi, nên chị kéo vợ tôi ra phía sau nhà, không cho mấy đứa con tôi lại gần, rồi chị mới nói cho vợ tôi hay là tôi đã trốn trại. Tôi đang ngồi uống nuớc đá chanh ở xe nuớc đá và định chổ ngủ qua đêm, thì bỗng thấy chị Đồ đạp xe đạp ra tới. Chị đưa cho tôi 50 đồng và một giấy cử tri của vợ tôi gởi và căn dặn tôi sáng mai ra mua vé xe đò để về Mỷ Tho.

Sáng sớm hôm sau trước khi ra bến xe tôi đi tìm nhà của Thạch, là một trong hai nguời trốn chui theo. Thạch và Tường thì còn ở lại trong rừng và có dặn là nếu ai có thoát về đuợc Sài Gòn thì báo tin cho gia đình họ biết tin, để tìm cách lên đón. Địa chỉ của Thạch thì tôi nhớ lờ mờ là ở gần Phú Lâm nên tôi sẳn dịp ghé qua báo tin. Lúc đó trời còn lờ mờ chưa sáng hẳn, đuờng vắng vẻ. Khi đi ngang qua trạm xe chửa lửa có vài tên công an đang đứng nói chuyện ở phía truớc, tôi cố giử bình tỉnh khi đi ngang qua. Sau cùng tôi tìm đuợc nhà của Thạch, tôi gỏ cửa một hồi thì có nguời ra mở cửa nhưng với dáng vẻ bực bội vì tôi đánh thức họ quá sớm. Tôi hỏi có phải là nhà của Thạch không, thì họ không trả lời mà đóng ập cửa lại làm tôi ngần ngừ một lúc, vì tiếc là không báo tin cho gia đinh Thạch được. Tôi cũng không biết là có đúng nhà không, hay là họ sợ không dám tiếp tôi. Cho đến sau này tôi cũng không biết tin tức gì về hai nguời trốn chui theo, có thoát đuợc không và bây giờ ra sao.
Tôi trở ra bến xe ngồi xếp hàng chờ để mua vé xe về Mỷ Tho, trong túi có 50 đồng và thẻ cử tri nên thấy hơi yên tâm. Một hàng rất dài ngồi chờ mua vé xe rồi từ từ nhích lần lên. Tôi ngồi chòm hỏm hai tay bó gối gục đầu rồi thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng đâu có nguời vỗ vai kêu tên tôi, tôi giật mình nhìn lên thì thấy chị Đồ, chị bảo tôi vô quán nước ở bên kia đuờng để gặp bà xã tôi. Vừa mừng vừa lo, chỉ sợ công an theo dõi vợ tôi để đón bắt tôi nên tôi hơi luỡng lự. Chị Đồ vô đứng thế chổ tôi để mua vé xe.

Tôi vô quán để gặp bà xã tôi, vợ tôi đã kêu đủ thứ đồ ăn nào hủ tiếu, bánh bao, xiếu mại v.v…. Bà xã tôi kêu tôi ăn đi ăn đi. Tôi hỏi coi có ai biết hay theo dõi gì không, thì thấy không có dấu hiệu gì. Ba đứa con tôi đang ở nhà chưa hay biết gì về chuyện này. Sau này kể lại mới biết là chúng nó đói khổ lắm, đâu có được ăn hủ tiếu bánh bao như thế này. Từ ngày tôi đi tù tới giờ gia đình suy sụp, có bao giờ dám ăn các món cao lương mỹ vị này đâu và tôi cũng quên hỏi mời vợ tôi cùng ăn, bà xã tôi cứ kêu tôi ăn đi ăn đi. Phần thì lo sợ công an nó theo dõi, phần thì không biết là về Mỷ Tho rồi sẽ làm gì, nên tôi cố nhét cho đầy bụng rồi đi liền. Tôi dặn vợ tôi là đừng có xuống Mỷ Tho, mà nên ở nhà lo cho mấy đứa con còn nhỏ dại, đừng để bị nguy hiểm cho cả hai, rồi không ai lo cho các con.
Tôi trở ra chổ mua vé xe thì chị Đồ đã mua vé xong xuôi và chị còn cẫn thận mua cho tôi tờ báo Nhân dân, chị bảo lên xe đọc báo này nguời ta tưởng là cán bộ. Tôi lên xe ngồi gần băng phía sau. Xe chạy qua hết các trạm kiểm soát một cách dễ dàng vì ở mỗi trạm bác tài đều biết thủ tục đầu tiên, là tiền đâu. Qua Bình Chánh, Bến Lức, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương rồi vô thành phố Mỹ Tho.

Xe vô đến bến, tôi xuống xe và vô tìm đứa em gái tôi. Vợ tôi có cho biết là em gái tôi bây giờ làm ở tổ hợp may mặc phuờng 4 ở bến xe này. Mới vừa vô gặp mặt em tôi, nó mừng rỡ rồi la lớn “Ủa anh Tư mới đuợc thả về”. Tôi hơi bối rối vì sát bên cạnh tiệm may là đồn công an phường 4, có một số công an đang đứng gần đó sợ nó nghe được. Tôi giả bộ như thiệt nói một hơi là anh mới đuợc thả về bây giờ em có rảnh ra quán uống nuớc. Em tôi lật đật xin phép bà hội truởng hợp tác xã rồi đi liền. Ra tới quán nuớc tôi mới nói thiệt với em tôi là tôi trốn trại. Em tôi giật mình mặt tái xanh vì quá bất ngờ. Tôi dặn dò em tôi về nhà cho má hay và coi chung quanh có ai không rồi cho anh biết để anh về nhà. Em tôi đạp xe đạp chạy về báo tin xong trở lại làm việc, còn tôi một mình đi bộ về nhà. Má tôi đã biết truớc nên đã mở cửa sẳn chờ. Khi vô nhà tôi đi thật nhanh và đi thẳng ra phía sau nhà vì sợ lối xóm nhìn thấy.

Sau đó em tôi đi làm về có mua cho tôi một dĩa cơm suờn và hôm sau là cơm tấm bì chả và mua hủ tiếu bánh bao v.v…. toàn là các món ăn ngon đắt tiền mà tôi cũng quên hỏi là em tôi đi may lương tháng bao nhiêu. Má tôi thì già yếu không có làm gì ra tiền. Hồi truớc Má tôi đi may đồ quần áo ở trong nhà thương Mỷ Tho, nhưng đã nghỉ lâu rồi. Sau này mới biết là ở nhà không có đủ tiền để mua gạo, đôi khi còn phải bán máu để đổi lấy mấy bát cơm, thì nói gì đến thức ăn sang trọng. Thì ra em tôi chạy qua Chợ Củ để xin Cô tôi. Cô Ba tôi có mở tiệm ăn, Cô rất thương tôi, vì vậy khi hay tin tôi về, cô tôi liền gởi cơm và đồ ăn rất ngon qua cho tôi.

Ở đây đuợc mấy ngày thì vợ tôi xuống thăm tôi làm cho tôi càng thêm lo sợ, vì sợ công an theo dõi. Tôi mới tính tìm đuờng vuợt biên chớ ở đây lâu thế nào cũng bị bại lộ. Mà tìm đuờng dây để vượt biên không phải là chuyện dễ dàng. Phần thì không có tiền, phần thì không dám đi lại nên cũng không biết cách nào để vuợt biên, mà tội vuợt biên lúc đó bị coi như là tội phản quốc, chạy theo đế quốc, bọn công an biên phòng bắt đuợc là chỉ có chết. Hồi đó đã có xảy ra những cảnh vuợt biên bị đổ bể, bị công an tàn sát như ở cầu Chữ Y Sài Gòn, như ở bãi biển Vũng Tàu, nhu ở kinh Chợ Gạo hay ở cửa biển Gò Công v.v…. Họ tàn sát không nương tay, mặc cho tiếng khóc trẻ thơ, hay những lời van xin lạy lục, của những nguời khốn khổ cùng đuờng. Tôi dự định nếu không tìm được đuờng đi bằng ghe tàu, thì như đã hẹn với Thu và Bình, là sau một tháng chúng tôi sẽ gặp lại nhau, để bàn tính để đi bằng đuờng bộ.

Vợ tôi lại xuống một lần nữa và lần này có cả đứa con gái đầu lòng của tôi. Coi như vậy là tôi ở đây đuợc một tuần lể và vợ tôi đem tiền xuống lần này là để mua vé xe cho tôi đi Cà Mau vào sáng sớm mai, vì hy vọng ở Cà Mau dễ kiếm đuờng vượt biên hơn. Bất ngờ ngay buổi chiều hôm đó vào khoảng 7 giờ, thì có một người anh bà con cô cậu, đi cùng với một nguời bạn, xuống thăm để từ giã Má tôi, để sáng sớm mai họ lên đường đi Kampuchia, và từ đó sẽ tìm đuờng vuợt biên, và anh muốn xin địa chỉ của em tôi, hiện đang sống ở Mỹ, để anh liên lạc khi cần. Thật là một điều quá may mắn cho tôi vì sau khi anh biết tôi vừa mới trốn về nên anh kéo tôi đi theo luôn.


10. GỞI MỘT CHÚT TÌNH (Nguyễn Văn Minh-K27)
Buổi sáng rời câu lạc bộ Ba Râu để leo lên chiếc GMC chạy ra hướng cổng Nam Quan là lần cuối cùng chúng tôi còn nhìn thấy Trường Mẹ. Trong ánh nắng sớm vừa lên, dãy nhà Văn Hóa và Thí Nghiệm Nặng còn ngái ngủ qua làn sương mỏng, đồi Lapbé Nord in nét thẫm trên nền trời xanh, cổng trường quét vôi trắng còn mới nguyên cho ngày mãn khóa và lá cờ thắm bay phất phới như vẫy chào tiễn biệt những đứa con yêu dấu. Dù gặp nhau là để đợi chờ một ngày nào đó chia xa, nhưng vẫn còn sót lại trong lòng những đứa con một hình ảnh: Trường Mẹ. Câu mở đầu chương trình phát thanh Tạ Từ của khóa 27 mấy ngày trước vẫn còn âm vang. Đó là ngày 31/12/74, ngày khóa 27 Lục Quân chúng tôi rời trường để xuống Dục Mỹ học Sình lầy. Giờ đã hai mươi mấy năm đi qua trên quê hương khốn khó. Hai mươi mấy năm bao nhiêu đày đọa nhục nhằn. Hai mươi mấy năm, những anh hùng của đất nước Việt Nam đã không dựng xây được nghiệp cả nhưng đã mang theo mãi lá cờ vàng ba sọc đỏ trong tim trong máu, nằm xuống âm thầm đâu đó ở ven rừng, bờ đê, trong trại tù, nơi sân bắn.
Thoắt cơn biển dâu quá đỗi ngỡ ngàng, bạn bè cùng khóa, đàn anh đàn em gặp nhau qua dòng đời trầm thống, những vết hằn in trên trán, những tân toan nhục nhằn ghi dấu trên nét mặt. Chỉ còn lại cái siết tay thật chặt và ánh mắt long lanh, có một giọt nước mắt trào ra, chỉ hiếm hoi vì thật ra đã từ lâu không thể khóc.

Một thằng bạn cùng khóa từng tâm sự và tôi đã đồng ý với nó.“Sau 75 cái khốn nạn nhất mà cuộc đời tao phải gánh chịu và cũng chính là điều làm tao hãnh diện tới chết là tao đã xuất thân từ Trường Võ Bị”. Câu nói đơn giản và thật chính xác, cái nghịch lý đã không cần phải giải thích. Và ở bên kia đại dương xa mù, nơi đồi 1515, Trường Mẹ sẽ nở một nụ cười mãn nguyện. Kiêu hãnh và thách thức bất chấp định mệnh nghiệt ngã, ngày xưa mỗi năm lớp lớp đàn con rời Trường tung đi khắp rừng sâu núi cả, chỉ trang bị độc nhất mỗi một điều: Thách đố và chấp nhận mọi sự kể cả cái chết. Sự nằm xuống hình như đã được sửa soạn sẵn đâu đó cuối đường gian nan, con đường của niềm kiêu hãnh Võ Bị. Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm. Lời thề nơi vũ đình trường năm nào vẫn còn đó graduation.

Cho tôi được kể lại cái ấn tượng ngày đầu của năm thứ nhất với câu nói của một sĩ quan đàn anh – Thiếu tá VT Thứ – ngày ông từ giã Tiểu Đoàn I/SVSQ. Con đường các anh đi, nó không bằng phẳng êm ái như những người dân chính khác, nhưng đó là con đường do chính các anh chọn lựa. Và cuộc đời anh sẽ hãnh diện về sự lựa chọn đó. Tôi nhắc lại, các anh có quyền hãnh diện về nó!

Khóa tôi thuộc về thành phần “muộn màng” trong lịch sử Trường Võ Bị và cũng là khóa cuối cùng quỳ xuống đứng dậy tại vũ đình trường Lê Lợi. Mùa đông cuối năm 1970, khóa 24 đã cho chúng tôi biết thế nào là “lột xác” để trở thành một người Võ Bị ngay từ những ngày, những giờ đầu binh nghiệp. Và một phần đời tuổi trẻ mở ra cùng với niềm thiết tha trang trọng lúc quỳ xuống nhận cặp Alpha Đỏ trên vai giữa ánh đuốc lung linh một năm nào.

Chúng tôi cũng đã có nhiều dịp tìm hiểu thêm về truyền thống Trường Mẹ. Những nếp sinh hoạt và suy tư trong suốt 4 năm đã trở thành một phần lớn – nếu không nói là toàn thể đời sống – đời sống của một quân nhân hiện dịch. Đọc ông Phan Nhật Nam trong cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa đã gọi khóa 16 là “khóa Thép mở đầu kỷ nguyên Võ Bị Quốc Gia”, và truyền thống chọn binh chủng cũng là điều làm bọn tôi “khoái” nhất. Còn chừng 3 tháng trước ngày mãn khóa là ông già Vĩnh Xương nhận order tới tấp -overtime, tôi chắc vậy – đứa nầy một bộ, đứa kia hai bộ rằn ri. Có đứa còn chắc ăn may luôn phù hiệu Sư Đoàn Dù hoặc Cọp 13 Răng 6 Râu, bảng tên đen cho có vẻ tác chiến, bằng Dù cũng đen luôn. Cuối cùng ngày chọn đơn vị lại bị chặt ra 3 toán, đứa chót toán trước ngậm ngùi nhìn đứa ra trường hạng thấp hơn mình dẫn đầu toán sau hớn hở chọn Nha Kỹ Thuật, 81 Biệt Cách Nhảy Dù, còn mình thì giống như chơi domino bị “triệt buộc” – tiếng Mỹ kêu bằng “no choice” – ngó lên bảng chọn đơn vị chỉ thấy độc nhất mỗi một xứ Thượng; lại còn bị nó trêu chọc, mượn câu thơ của Trầm Kha – cố Đại úy Nguyễn văn Đồng khóa 25: Em phải biết một đời trai du tử. Hễ đi đâu… mang túi ngủ theo mình! Mấy bộ rằn ri may sẵn đành phải đem biếu nó kèm theo cái nón đỏ nón nâu cho đủ bộ. Tao đặt may mấy bộ đồ trơn mầy nhớ trả tiền không thì chết với ông Vĩnh Xương! Ngày ra trường với cái lon Thiếu Úy mà bị ổng xách chiếc mobylette rượt theo đòi nợ thì tàn đời binh nghiệp là cái chắc!

Những ngày ra Huế năm 1973 gặp lại các niên trưởng 23, 24, 25 lúc đó đã là những đơn vị trưởng, phong trần ra nhưng dáng dấp vẫn còn nguyên chất Võ Bị, đối đãi với đàn em thì khỏi chê: “Tụi mi muốn đi đâu tao chở cho đi, muốn ăn cái gì cứ việc”. Xong xuôi còn cho chút đỉnh tiền đi quán cà phê nghe nhạc. Không phải thứ nhạc quái đản của mùa Tân khóa sinh bên hông nhà Thí Nghiệm Nặng, một đứa đứng lên hát còn cả bọn thì “bắc cầu kiến bò” vắt ngang đường mương để thưởng thức với tác chiến số 4 trên lưng. Vừa nghe vừa đổ mồ hôi, lùng bùng cả lỗ tai, vừa tức cái thằng ca sĩ cà chớn lợi dụng cơ hội đứng hát quá lâu làm mình mỏi muốn run tay. Lúc chuẩn bị đón khóa 30 nhập trường, cả bọn nô nức chờ đợi Tân khóa sinh Châu Toàn Hội, em ruột NT Châu Toàn Huệ khóa 24 – hung thần khoa chiến thuật ngày nào mà cả khóa 27 rất là vất vả mỗi khi trình diện ngoài bãi học – Một chút ngậm ngùi, vì niên trưởng Huệ vừa tử trận mấy tháng trước ngoài Quảng Nam. Từng đứa con rời xa và vĩnh viễn ra đi nhưng hình bóng vẫn còn lẫn khuất đâu đó trên núi đồi cao nguyên lồng lộng gió, kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn. Trần Đức Bằng, Tiểu Đoàn 97/BĐQ, hàm ria mép lơ thơ và hàng răng trắng, du côn nhất trong số 21 đứa đi Biệt Động Quân. Mãn khóa mới một ngày nó dạo vòng bờ hồ Đà Lạt, đồ rằn ri, nón bo trận, gây chuyện đánh lộn. Sĩ quan Cán bộ Đại Đội Trưởng, ông đàn anh khóa 23, lắc đầu ngao ngán: “Nhìn bộ vó tôi cứ tưởng anh ấy đã ở ngoài đơn vị tác chiến có trên… 10 năm!” Câu nói được chúng tôi “tape record” cho Bằng nghe, nó ngửa mặt lên trời cười khò khò khoái trá, nụ cười độc đáo mới “sáng tác” trước ngày mang lon Thiếu Úy không lâu. Hôm liên hoan chia tay cả khóa ở Lê văn Duyệt, một cô ca sĩ TV Sài Gòn nổi tiếng, nhè lựa đến ngồi chung bàn với đám chúng tôi, cô “hát”: “Em chỉ thích lính rằn ri mà thích nhất có mỗi Biệt Động Quân các anh thôi…”. Bằng tức thời được dịp dựa ngửa ra ghế biểu diễn nụ cười “Thành Cát Tư Hãn” của nó, cô ca sĩ không biết nghĩ thế nào, tịt ngòi luôn không hát nữa, trông quê một cục. Mới hồi đầu tháng vác ba-lô trình diện Liên Đoàn đã thấy nó và Hơn đi theo Trinh Sát 9. Hai tên nầy đi trinh sát là phải quá, nội cái vụ thằng Hơn “biểu diễn” treo một chân dưới bụng trực thăng, dưới đất một rừng cờ xí, súng vai phải lưỡi lê tua tủa cũng đủ làm dựng tóc gáy cả Trung Đoàn SVSQ, mà sợ nhất là khóa 27 – lỡ cuối tháng trừ lương phúng điếu có nước bỏ mạng – Hai đứa bụi đời số một, ăn với chúng nó bữa cơm trưa dã chiến ngoài rừng cao su xong Bằng rủ tôi đi tắm suối. Tôi nhìn nó, nét mặt hồn nhiên, giọng cười tạo ra một vẻ ngạo mạn, tôi đâu biết đó là lần cuối cùng. Bằng và Hơn sau đó lại ra Tiểu Đoàn vì Trinh Sát chỉ chọn sĩ quan thâm niên.

Bằng 97, Hơn 93. Nhớ lúc kéo nhau trình diện Đào Bá Phước, hỏi Thiếu Úy cho biết địa chỉ báo tin trong trường hợp… Bằng trả lời gọn lỏn: “Ngoài Nghĩa Trang Quân Đội, gia đình tôi kẹt lại Quảng Ngãi hết rồi”. Tin nó chết, Công “vồ” báo cho tôi hay.

Tôi lặng người hồi lâu, kỷ niệm với Bằng còn nóng hổi.
Cũng cho tôi được nói thêm về những đứa con bất hạnh của Trường Mẹ, đứa chết, đứa “tàn phai nhan sắc” – nói theo kiểu cán bộ Tân khóa sinh – HT Lộc khóa 24 ngày vô Lê văn Duyệt thăm đàn em với bộ dân chính. Tao bị giải ngũ về học Quốc Gia Hành Chánh. Có một cái gì lưu luyến đậm tình huynh đệ, khi người đàn anh đã giã từ chiến trận, tìm thăm khóa đàn em năm xưa mình huấn luyện. Không còn vóc dáng hung hãn của mùa TKS với nón nhựa đội sụp mắt và giọng hét làm rung rinh mấy dãy bâtiment; ĐH Lợi 25 vô thăm khóa 26, 27 về Sài Gòn diễn hành Quân Lực với bộ rằn ri Nhảy Dù và cái móc sắt thay cho bàn tay mặt.

Ngày khóa 27 ra trường, chiến trận đã quá khốc liệt, lần lượt nghe tin các “hung thần” rất quen tên rất biết mặt của khóa 24 bỏ rơi cung kiếm nằm xuống giữa vùng Tây Nguyên: cố Đại Úy Nguyễn văn Mười, Lê Công Dung… những con hổ dữ đã mấy năm trải đời mình lận đận qua bao nhiêu nẻo chông gai. Và mới ngày nào, “Trung Đoàn SVSQ vừa nhận được tin buồn, cố Trung Úy Lê Hải Bằng, TĐ 2/ND vừa tử trận tại chiến trường Quảng Nam, Trung Đoàn dành một phút mặc niệm…”. Cái tin bàng hoàng, Lê Hải Bằng khóa 26, người niên trưởng tài hoa với ngón đàn classic, nét mặt trầm buồn, vóc dáng ung dung tự tại, cựu Tham Mưu ban 5 Trung Đoàn SVSQ. Ban 5 có truyền thống đi Nhảy Dù và chết sớm như Nguyễn văn Bảo khóa 25. Có ngày nào không nghe tin buồn gởi về Trường của những đứa con đã ra đi và nằm xuống cuối trờiquê hương. Những Vàng Huy Luyến, Nguyễn Thanh Long, Ngô Đức Hải, Đinh Phú Bình khóa 24; những Huỳnh Xuân Quang, Huỳnh văn Đảnh, Nguyễn văn Bảo, Nguyễn văn Hai khóa 25; những Lê Phan Vương, Tô văn Nhị, Phạm Minh Sơn, Lê Hải Bằng khóa 26…

Rồi đến Tạ Tử Anh, ông thần “chơi chịu” của khóa 27, chọn Nhảy Dù vì ra trường hạng cao, học giỏi nhưng lè phè, liều mạng và rất tốt với bạn bè. Có một điều làm tôi phục nó sát đất là nó coi mọi chuyện trên đời không có gì là quan trọng. Chả bù với những người khác mà tôi gặp trong suốt mấy mươi năm cuộc đời, trông lên nét mặt họ lúc nào cũng mang một vẻ “serious”, chán bỏ mẹ! – nói theo kiểu Phạm Bốn. Tôi còn nhớ trên chuyến C-123 lên Đà Lạt hồi tháng 12/1970, Tạ Tử Anh chỉ là một chàng thư sinh với đường ngôi rẽ thẳng giữa đầu, nụ cười tươi tắn hồn hậu khi tôi lúng túng xin lỗi vì lúc bị phi cơ nhồi đã lỡ té… ngồi lên mình nó. – Cũng đã lâu lắm rồi, từ khi vua Hùng Vương lập ra nước Văn Lang tôi mới lại được cỡi chiếc Air Nhà Binh – Lúc đó chúng tôi còn lạ nhau, mấy chục đứa trình diện từ Vùng 4 có cả một lố tên nghe lạ hoắc. Trong số đặc biệt nhất có cái tên suốt 4 năm trên Trường nhiều lần làm chúng tôi cười thú vị: Nguyễn văn Mọi, tục danh Mọi Darawa. Lúc còn bên trại tạm trú đã có nhiều đứa thích giỡn, “Ê chú Mọi, cho mượn cái đuôi quét nhà!”. Chiều đóng quân xong, Công mang tờ báo qua cho tôi hay, Tạ Tử Anh chết Long Khánh. Bạn bè từ từ ra đi, chừng nào tới lượt tao với mầy? Thủ khoa khóa 27 tụi tôi, Hoàng văn Nhuận, cũng vừa mới tử trận ngoài Long Thành.

Suốt đêm đó tôi nằm trằn trọc trên võng, lục trong trí nhớ những kỷ niệm về tụi nó, những kỷ niệm đầy hình ảnh tươi sáng như giữa ngày hè Đà Lạt. Trong đó thấp thoáng lại những khuôn mặt, những cảnh sắc, những âm thanh còn rất rõ nét. Đồi Lapbé Nord sừng sững án ngữ trước cổng Nam Quan, bài học chiến thuật ngang qua ấp Thái Phiên chiều nghe tiếng chuông chùa gõ trầm trong gió, giọng hát ám ảnh làm rợn từng sợi lông tay cảm xúc, trong Phạn Xá, giữa không khí hanh hanh của mùa Tân khóa sinh, “chiều chiều hành quân qua làng cũ, tiếng hát bên thềm nhè nhẹ đưa…”. Đà Lạt, thành phố lạnh se sắt, mới cách không lâu chúng tôi đã cùng nhau gởi lại đó một thứ kỷ niệm u uất đàng sau lớp sương mù, bàn tay vẫy chia biệt mơ hồ như một lời không ngỏ. Hai mươi mấy tuổi và giữa lòng chiến trận, chúng tôi chỉ còn lại bên mình những lạnh lùng và tàn nhẫn, rình rập từng giờ, từng phút và từng giây.
Toàn cảnh trường Võ Bị
Toàn cảnh trường Võ Bị

Và những người cùng chia sẻ với nhau một thời tuổi trẻ nơi ngọn đồi 1515 có mang theo gì được nơi chốn đó? Hàng thông vẫn xanh, con đường mòn quanh co chạy vòng theo sân bắn, mặt hồ Huyền Trân, hồ Chi Lăng vẫn lặng lờ in bóng mây và sương mù vẫn còn đó của Đà Lạt, nhưng tất cả đã mất hết, đã quá xa rồi một thuở vàng son. Giờ trên khắp nẻo đường nắng gió, chắc vẫn còn tận nơi cùng thẳm của ký ức một Đà Lạt với cái lạnh sắt se kỷ niệm, tháp chuông Viện Đại Học cao vút, mầu alpha đỏ như một niềm kiêu hãnh và mùa xuân mấy rặng anh đào nở hồng trong nắng… đêm mơ Đà Lạt dáng kiều thơm… Lê văn Điền khóa 25 đã mượn câu thơ Quang Dũng để diễn tả nỗi lòng một đêm nào ở đảo tị nạn Bidong.

Cũng đảo Bidong, chống cây nạng lên căn gác gỗ “bốn bề gió lộng” của BT Chức, lấy ống lon sữa bò cắm mấy cây nhang, và bài vị do Chức viết:
– Trần Đức Bằng 1975,
– Tạ Tử Anh 1975,
– Hoàng văn Nhuận 1975,
– Nguyễn văn Nhành 1975…
Cổ họng nghẹn khô và cây nạng run trong tay. Bạn bè ta đó, đã ở lại, đã nằm ngủ yên bên kia bờ biển, thật bình yên giữa một trời quê hương khốn khó… Những ngày ở Dục Mỹ, lon Thiếu Úy mới đeo mấy ngày phải tháo ra may một miếng vải đỏ thế vào, không còn cấp bậc mà chỉ là khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy Dục Mỹ. “… khóa học vất vả nhất của QLVNCH” – Đại Tá NV Đại, Chỉ Huy Trưởng đã nói như thế với chúng tôi ngày khai giảng. Chiều ở căn cứ Núi, Chuẩn Tướng LV Thân cùng Đại Tá PV Tất đáp trực thăng xuống tại bãi học để “thăm” chúng tôi. Ông cho biết khóa 27 đi Biệt Động Quân sẽ về cùng một Liên Đoàn hoạt động ở vòng đai Sài Gòn. 21 đứa kháo nhau, tụi mình đi BĐQ thế mà sướng, được ở gần Sài Gòn. Những ngày vất vả cực nhọc qua nhanh, có những buổi chiều nắng không vàng lắm và gió ào không ngừng nghỉ qua cánh rừng lá, tôi ngồi hút thuốc trông lên ngọn núi mờ hướng Lam Sơn lòng yên tĩnh lạ, lầm thầm đọc câu thơ của MM… đây rừng chiều em hãy nằm xuống ngủ, cắn ngang môi từng hạt nắng đầu mùa… Em đâu không thấy hoặc là em ở quá xa, ở đây chỉ có ngày phục kích, đêm đột kích, di hành, vượt sông, qua núi, đội hình quả trám hàng ngang hàng dọc, chấm lân tinh và sợi chỉ gióng hướng để tìm điểm đứng giữa rừng gai mắc ó. Ngày cả khóa chia tay cũng là lần cuối cùng họp mặt đông đủ của khóa 27, sau đó là dằng dặc những bèo mây trôi dạt trên biển trời. Có còn nhớ gì không?

Đầu tháng 4/1975 ngồi chờ trình diện Tiểu Đoàn Trưởng gặp Hòa Râu dẫn lính đi ngang, thấy tôi nó kêu lính dừng lại, móc túi nhét cho $500. Ôi cái ngày đầu tháng tư đó tới bây giờ vẫn còn nhớ hoài. Đêm dẫn Trung Đội nằm tiền đồn nhìn về hướng Tân Sơn Nhất thấy ngọn đèn đỏ nhấp nháy cuối trời. Một chút ấm áp trong lòng, gần gũi như ở đây và ở đó để tạm thời quên những rình rập xung quanh.

Gần cuối tháng tư, Tiểu Đoàn tăng mức độ chạm địch, liên tiếp mấy đêm nằm nghe đích thân Tiểu Đoàn Trưởng lên máy điều động Trung Đội Trưởng cố thủ và chống trả, tiếng pháo binh từ Thành Ông Năm départ dồn dập. Đó là những ngày cả Sài Gòn nhốn nháo kẻ ở người đi qua ngã Tân Sơn Nhất và bến Bạch Đằng, ở đây từ quan tới lính vẫn bình thản ngày ăn cơm với cá khô, đêm đi kích gài mìn claymore tự động, chia nhau gác và nằm bờ ngủ bụi với cái hạnh phúc sáng mai còn được thức dậy thu dọn súng đạn nhìn nắng chói chang trên cánh đồng phẳng phiu, tưởng như thấy được cả một thuở nào bình yên xa lắc. Tôi yêu làm sao những lời thơ ca tụng cái đẹp mộc mạc bình dị của quê hương và cũng kính phục làm sao những tấm lòng trang trải nợ núi sông không một chút suy tính, vụ lợi. Tất cả những tình cảm đó đã dẫn dắt tôi từ những bước chập chững vào đời lính và đời sống phiền não xung quanh, một thứ thuốc an thần làm dịu đi những cơn sóng ngầm cứ mãi khuấy động trong lòng.

Ngày Tiểu Đoàn nhận tiếp tế chuyến chót, tôi ngạc nhiên nhìn một Thiếu Úy với bộ tác chiến xanh mang phù hiệu Trường, nón sắt ba-lô đầy đủ. Quái lạ sao giáo sư Văn Hóa lại ra tận chốn nầy? Chẳng lẽ thiếu điểm môn Lưu Chất hồi năm thứ 3 mà giờ nầy Trường còn gởi thầy ra để test lại? Rồi thước tính ở đâu mà kéo hở trời? Đến khi “ông” ta lên tiếng và kêu “niên trưởng” tôi mới kịp nhận ra LT Dương khóa 29. Tôi và Công mới được biết thêm về tin 2 khóa 28, 29 ra trường và cuộc di tản gian nan từ Đà Lạt. Tôi ngậm ngùi bảo Công, tao với mầy đủ lông đủ cánh ra trường còn chưa biết chết ngày nào, thấy tụi nó tao quá tội! Cả anh lẫn em đều đang đặt những bàn chân non nớt vào chiến trận, mà chiến trận thì quá tàn khốc. Hình như những ngày đó tôi đã chuẩn bị sẵn cho mình một cái chết, tôi không bi quan cũng không run sợ, chỉ nhìn thẳng vào thực tại với lòng bình thản. Trường Mẹ đã dạy tôi như thế. Tôi biết là tôi sẽ đi cho hết con đường đã chọn, không có quyền và không bao giờ bỏ cuộc. Tôi chỉ cần một điều duy nhất là mình vẫn còn hãnh diện với chính mình – không ai có thể trốn chạy được chính mình dù có bào chữa tránh né cách nào đi nữa… Tôi là lính và phải chiến đấu, thế thôi!

Ngày chót, trước khi Tiểu Đoàn bị cắt ra, mất hết liên lạc, tôi còn nghe chính giọng nói Tiểu Đoàn Trưởng trong máy, bảo tôi, anh cố gắng link-up với 82 – Tiểu Đoàn Phó, lúc đó đang dẫn một Đại Đội trừ làm một mũi đánh mở đường xuống Đại Đội chúng tôi – Quá trưa Công bị thương, máu me đầy mặt bò qua hướng Trung Đội 3 của tôi cho lính băng bó. Đánh vùi gần nửa ngày qua cái làng sát bên cạnh bãi nhảy dù, Cam và Hổ bên ĐĐ/1 lên trước, Công cà nhắc theo sau. Đến tối chúng tôi mới ra được bãi Ấp Đồn mà trước đó hơn một năm còn ngang nhiên nhảy đủ 5 saut để lấy bằng. Định mệnh đã dẫn dắt 4 đứa khóa 27 chúng tôi trở về đây, đánh trận đầu tiên và cuối cùng tại chính nơi mà mới một năm trước cả khóa còn hí hửng kháo với nhau về những saut dù đầu đời, giờ lửa đỏ rực bao quanh và đạn phòng không của địch nổ rền trên nền trời tối. Đó là đêm cuối cùng của đất nước còn được tự do, trưa hôm sau mọi chuyện đã xong. Những người âm thầm nằm xuống trong suốt cuộc chiến hai mươi mấy năm đã không bao giờ nghĩ rằng sự hy sinh của mình là vô ích. Cái chua xót đó chỉ dành cho chúng tôi, những người sống sót… Vĩnh biệt chiến hữu, mong các anh tìm thấy bình yên trong cõi an nghỉ đời đời.
Hơn hai mươi năm tưởng như mới ngày nào, trong suốt quãng đời dằng dặc tủi cực nhiều đêm nằm mơ thấy về lại Trường, cỏ mọc xanh và mấy dãy lầu hoang phế. Thấy lại mùa diễn hành và mầu alpha đỏ rực của mấy khóa đàn em, tưởng như đời sống nơi đó vẫn còn tiếp tục. Thấy lại Phan Công Quang thằng bạn thân cùng đi Biệt Động để thức dậy nước mắt còn ướt má… “đêm hạ vàng long lanh, vòng tay nửa gối nghe nắng dậy xôn xao, chinh chiến quê hương bạn bè…”. Hai mươi mấy năm, đứa tàn phế, đứa tù đày và đứa sống khắc khoải với dập dồn kỷ niệm. Đành mượn câu của NN: “… Hai mươi bốn năm, bốn ngàn tuổi đầu và hai mươi bốn năm xa cách, chưa có nghĩa gì cả, quê hương đó trùng điệp những mùa thu mùa hạ biển núi sông ngàn…”. Nhớ lại mấy câu viết trong đặc san Alpha Đỏ cuối 1973 lúc khóa 26 ra trường: “… anh muốn nói cùng em, sẽ không thể nào hiểu hết những toan tính muôn mặt đàng sau cuộc chiến dằng dai, nhưng đó là tất cả những điều anh muốn nói. Những điêu linh nhục nhằn vẫn sẽ tiếp tục, anh rồi cũng sẽ quay cuồng theo nhịp độ chóng mặt đó, có thể hết đời anh. Còn thật xa, em thấy không? Còn thật xa cho những tươi tốt bình yên mà từ ngày mới lớn chúng ta chỉ được nghe nói, được kể lại về một thời nào đó, trăng đầy lúa chín…”.

Hai năm sau ngày ngưng bắn là đổ vỡ tất cả, những ước vọng nhỏ bé nhất cũng tan tành, không bao giờ còn tìm lại được những bình yên xưa trong ánh mắt, không bao giờ lòng người còn được mở ra bằng những tình cảm nồng nàn bình dị nữa, không bao giờ… thấy ở đó gót em hồng buổi sớm băng qua cánh đồng sữa lúa thơm môi ngắt một nhánh và nghiêng đầu cúi xuống nghe quê hương thành máu chảy trong người (ĐT).

Và những đứa con đã từng xuất thân Võ Bị, chắc chắn vẫn còn mang trong lòng một hoài niệm không nguôi. Nợ tình, nợ tiền, nợ nước! Ôi nợ nước không ai đòi mà sao lòng không bao giờ được yên ổn. Giữa cảnh bình yên êm ấm bỗng thèm được nếm một chút gian nan, gian nan và hào sảng, như ngày xưa giữa nhọc nhằn chết chóc thèm thấy một ánh điện, một con phố có người qua lại. Lòng người là một chuỗi ước vọng không bao giờ được lấp đầy. Từng cụm rừng, từng con suối, đường dốc ban mai và đỉnh núi sương che, nơi đã một lần in dấu giày lặng lẽ, biết bao giờ có lần được đặt lại đúng dấu chân xưa? Sông núi nhớ thương và quê hương câm nín âm thầm, quê hương đau xót. đây cũng sông núi đẹp vô ngần mà bao giờ cũng vẫn là sông núi của người, mình chỉ là người lạ đến thương gởi sống nhờ. Cái gì mất cũng đẹp, cái gì làm rung động buổi đầu cũng là cái nồng nàn bền bỉ nhất, đủ làm quay quắt cả một đời… tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Nhớ từng viên gạch cuối bâtiment Đại Đội D năm thứ nhất những buổi đứng chờ tập họp, tiếng giày nện trong hành lang hun hút, khung cửa sổ với những khung kính đục và trong, cái gì cũng thẳng góc cũng trang trọng. Nơi đó chúng tôi đã được trang bị đủ để nhập vào cuộc đời bão tố để rồi nửa đường chim chưa mỏi cánh đã tức tưởi rớt xuống. Hai mươi mấy năm rời xa nhưng bao giờ tôi cũng vẫn nhận ra rằng mình còn thiết tha với quân ngũ, bởi nó chân thật và đơn giản. Nơi đó sống và chết không bị màu mè che phủ và con người thành thật với mình hơn – tôi cho là như thế – điều tâm niệm thứ mấy?

Giờ trên ngọn đồi 1515, Trường Mẹ có còn hướng về những đứa con phiêu bạt đó, biết mùa lá có còn xanh giữa ngàn thông rì rào, từng trận nắng hanh vẫn âm thầm trở về trên những cụm mimosa Đài Tử Sĩ… Gởi hết về đó, những hoài niệm của cả một đời người.
Nguyễn Văn Minh      
K.27                                                                                                                                          https://www.youtube.com/watch?v=z3woSgJtK28


9. “Luôn luôn nuôi chí hiên ngang,
“Không sờn nguy khổ chẳng tìm hiển vinh...”

An Duc Nguyen
Thế là từ một chàng trai Võ Bị Đà Lạt kiêu hùng, tôi đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam! Tiếp theo tôi là hiệu trưởng, là đồng chí chủ tịch hội đồng khảo thí tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở huyện Trà Bồng, tỉnh Nghĩa Bình!
“Đem thân về với triều đình
“Vào luồn ra cúi công hầu trời ơi! .. “
Bỏ tất cả, tôi đi vượt biên!
Là thuyền trưởng, nếu tính toán sai lệch chút ít thôi, hoặc tàu bị sóng biển đánh tan xác, hoặc tàu lạc đi đâu đó chết vô vọng trên biển khơi, hỏi người thân ai hay ai biết, ai xót thương cho một kiếp người?!
Không những chỉ vậy, khi đến trại tỵ nạn, tôi lội đi kéo cá một mình trên biển, khi nước thủy triều lên, sóng biển đã lôi tôi ngoài khơi hồi nào, với tấm lưới đánh cá dài thườn thượt, giữa biển khơi, bốn bề là nước, là biển mênh mông! May phước, khi con sóng cuộn lên, tôi thấy xa xa là hướng có nhà...
Mặc dù đã va chạm nhiều thử thách gian truân nhưng tuổi đời tôi 25 - tuổi của niềm tin của hy vọng!
Gia đình tôi đến Mỹ 10/28/1982 được sự bảo trợ của anh tôi, kỷ sư người Mỹ, Mỹ vàng- Nguyễn thái Vinh, sau 16 tháng ở trại tị nạn Palawan, Philippines; bỏ lại tất cả nhiều khung trời đầy lo âu và thương xót!
Gia đình anh tôi, Bác Sĩ Nguyễn Đức Phùng ra đón tận phi trường Pittsburgh, bang Pennsylvania - khoảng 7:00 pm, còn mặt trời. Tội chị dâu chúng tôi mừng ríu rít, cười nói lung tung. Chị dâu là bạn của chị em chúng tôi, chị Nữ và An, vào những ngày chị theo tán anh Phùng ráo riết; chúng tôi là con cờ hồng ngọc chị dùng để đến đích.
..... (Sẽ được tiếp tục)

 

***************************
 
 8. ĐỔI ĐỜI - A20 Bùi Đạt Trung (K25) 
Sau 11 năm tù cs, đến tháng 7/1987 tôi đã tìm đường vượt biên theo đường bộ qua Thái Lan. Ở trại Tỵ nạn 6 tháng và qua Phi 6 tháng. Đến tháng 8/1988 tôi đã qua Mỹ và ở nhà chị ruột.

Theo quy chế tỵ nạn, thời gian đầu được hưởng trợ cấp một năm gồm:

- Tiền trợ cấp khoảng $360.
- $60 Food Stamp
- Thẻ khám bệnh

Ở nhà chị đỡ phải trả tiền nhà và mượn $2000 mua chiếc Civic 81 làm phương tiện, thi lấy bằng lái. Khi mới qua tôi cũng có dự định đi học tiếp và tham dự lớp ESL trau dồi thêm Anh ngữ.

Lãnh trợ cấp tháng đầu, nhân dịp lễ "Veterans Day" anh rể chở đi mua bảo hiểm xe (AAA), hôm đó anh ghé vào hãng cũ SMT thăm đồng nghiệp xưa, trong lúc ngồi trò chuyện, nghe nói mình mới qua thì tình cờ anh bạn cho biết trong Stockroom đang cần người và họ trả $7 một giờ trong khi lương tối thiểu lúc đó là $5.7, nếu đồng ý thì họ sẽ giới thiệu.

Về nhà bàn với gia đình, anh chị tôi nói thời buổi này kiếm một cái job với lương $7 không phải là dễ, mà sống với tiền trợ cấp chỉ nội đóng tiền bảo hiểm xe thì cũng đâu còn gì để sinh hoạt, có cơ hội đến thì phải bắt ngay, đi học sẽ tính sau, một phần lúc này tuổi cũng lớn (41) nên tôi quyết định đi làm.

Ngày đầu tiên đến Interview với Supervisor của Stockroom là một  cô Mỹ khoảng 30 tuổi tên Diane Sywer rất hài hòa, dễ thương, cô đã đưa một số bài tính cộng, trừ, nhân, chia chỉ 2 con số thôi để trắc nghiệm khả năng toán học của mình.  Quá dễ chỉ mấy phút là xong và tôi đã được nhận, Interview kiểu này nhiều khi lại không dễ dàng với chính người Mỹ, vì có những SV, học sinh khi đi xin việc đưa những bài toán này họ đòi phải có Calculator họ mới làm được chứ tính nhẩm thì không biết nên bị reject.

Những ngày đầu tôi phải đi làm bằng xe bus trong khi đợi thủ tục bảo hiểm xe hoàn tất. Công việc cũng dễ dàng không có gì khó, xuất kho, nhập kho, kiểm kê .. Chỉ xử dụng tính cộng trừ sao cho số liệu hàng trong kho luôn chính xác. Một shift có 2 lần break (15 phút) và một lần Lunch (30 phút), đồ ăn mang từ nhà, để trong Lunch box và ăn trong Cafeteria.

Hãng nhận qua hệ thống trung gian Agent, khi nào lãnh lương phải qua đó lấy check, làm temporary, khi nào được nhận permanent thì tính sau.

Làm được một tháng thì Diane gặp tôi và nói: "Hãng vừa thông báo khai phá sản, giai đoạn đầu tạm thời sẽ cho các nhân viên temp. nghỉ trước, phải chịu thôi, nhưng anh đừng lo, tôi cũng sắp nghỉ hãng này và đã tìm được job khác, khi nào qua đó một thời gian nếu thuận tiện tôi sẽ liên lạc với anh”. Tôi cám ơn cô xem đó như một lời an ủi chứ không hy vọng mấy.

Đang làm việc quen, bây giờ nghỉ tay chân tự nhiên trở nên thừa thãi, tôi bèn dò hỏi và tập xoay sở kiếm việc qua báo chí ở những mục rao vặt, cuối cùng tìm được một hãng tên Vantronix, job cũng tương tự như SMT và apply vào Stockroom, Shipping, Receiving.

Sau khi điền đơn tôi được gọi phỏng vấn, vì không có kinh nghiệm nhiều và lại là hãng của Tàu nên họ đã ép giá, chỉ chịu trả $5.7/hr, ở thế bí nên cũng đành phải chấp nhận. Làm được chừng 2 tuần, vào một buổi tối nhận được cú điện thoại của Diane:

- Chỗ tôi đang open, anh muốn qua không ? Lương $7.5/hr"

Mừng quá lương đang $5.7 đổi lại $7.5 thì ngu sao không đi, tôi nhận lời liền, quit job và qua làm hãng mới với Diane tên là ARRAY.

Thời gian này tôi đang chuẩn bị lập gia đình, bà xã tương lai lúc đó đang làm Operator cho hãng điện tử Watkin Johnson ở Palo Altos. Hai đứa ghi tên học một khóa Technician tại trường Bác Ái do hội thiện nguyện VN tổ chức và được cấp bằng sau 6 tháng tuy không giá trị bằng College nhưng cũng đủ để lận lưng.

Làm ở Array được một năm thì cô Diane nghỉ vì hoàn cảnh gia đình,tôi mang ơn cô rất nhiều. Ngày cuối mọi người đều viết mấy chữ trong thiệp Farewel, tôi đã viết:

"I don't want to say Good Bye with My Benefit
My Boss
and My Best Friend
I still want to see you again.
Take care Diane"

Đọc xong cô cảm động và đã khóc. Lúc chia tay cô đã ôm tôi, mắt rưng rưng và trao cho tôi một tờ giấy, viết vội vàng vài hàng chữ:

          " My dear friend,
Thank You for all of your thoughtfulness and support.
I think you are very special and I will miss you very much.
You are a very good worker and a very good friend.
        Take care of yourself
        I will write and keep in touch.
I wish you all the happiness in the world to you and your family.
                                                                        Love, Diane"                                                          
  Tờ giấy này vẫn còn nắm trong ví tôi hơn 20 năm nay và đợi có dịp gặp lại nhau tôi sẽ show cho cô xem..

Làm việc ở Stockroom và Shipping & Receiving rất dễ dàng và thoải mái, tuy nhiên vấn đề lương bổng không lên cao được. Sau đó một người bạn thấy tôi có bằng Technician đã giới thiệu tôi vào làm hãng Điện tử Pantronix, một hãng nhỏ của người Tàu Đài Loan chuyên làm gia công cho các hãng lớn dể thực hiện những con chip, khi vào phỏng vấn phải qua một bài thi trắc nghiệm, nếu pass mới được nhận vào làm, và tôi đã pass.

Công việc của technician là Set Up và Repair máy, một con chip hình thành từ giai đoạn đầu tiên là Wafer chứa những "die = bộ nhớ" sẽ được cắt (saw) ra thành từng con một, rồi chuyển qua "die attach", "Bonding= nối mạch điện", "Sealing: đóng nắp", "Marking=gắn nhãn hiệu" là hoàn tất.
Photo  ------

Làm được 10 năm, học hỏi được rất nhiều, chả bù ngày đầu tiên, không biết tí gì, cầm cái Allen Wrench giống như cầm cái dũa móng tay của quý bà làm mọi người cười ngất.

Vì muốn làm gần nhà tôi đã chuyển qua hãng mới với job tương tự, nhưng sau một thời gian, mọi việc trong hãng cái gì cũng làm được hết nên chủ đã chuyển tôi qua làm Facility cho tới bây giờ và cũng là thời gian tôi chuẩn bị về hưu, tuy vẫn yêu việc nhưng tuổi già, sức khỏe không cho phép, đến một lúc nào đó mình phải biết ngừng.

 7. Dòng Thương Tích - Cao Nguyen

(viết giùm mày - nửa trái tim điên
vạch vết thương tìm hồn phách vợ!)
... thư viết tiếp - những lời còn bỏ lửng
từ bữa xa, sóng đánh lủng mạn thuyền
anh đuối sức dọc theo triền cát vỡ
em đau đời thiếp ngủ đáy trùng dương!
bao nhiêu năm xa rồi mà cứ ngỡ
mình bên nhau tay quấn quít yêu thương
như chính anh vẫn còn chưa đủ rõ
ã bao lần ngồi đếm lại vết thương!
trí rờ rẫm, lòng đau từng thớ thịt
giọt nước mắt lăn - tiếng rít quặn hồn
sâu dữ lắm em ơi! dòng thương tích
cắt ngọt thư anh, máu chảy ròng ròng!
cát bụi đời rịt vết thương sao nổi
nên chờ em, hồn phách trở về đây
anh mớm cho em hạt cơm Quê Nội
đã mua bằng ảo vọng nắm trong tay!

 

6. Quê Nhà Việt Nam - Cao Nguyen

nơi nào chôn rốn nhao tôi
vun thân chắp ngọn vào đời thế gian
lớn trong sữa Mẹ ngọt hìền
xanh tươi giữa cõi Rồng Tiên cội nguồn
nơi nào đẫy giấc tuổi buồn
đất cằn sỏi đá, máu tuôn thành dòng
dấn thân vào cuộc Thu Đông
ngủ trong tiếng khóc vỡ dòng ước mơ
nơi nào đốt cháy tuổi thơ
rong rêu mờ phủ quanh bờ sử thi
thét gào đứng dậy mà đi
tâm rung tim vỡ hoài nghi cuộc đời
nơi nào ruồng bỏ xác tôi
hồn đi lưu lạc cõi người mộng du
lách thân qua khỏi cửa tù
chen chân ngột ngạt giữa thời áo cơm
nơi nào lưu đọng tủi buồn
trầm thân nhục ảnh hoàng thành phế hoang
kỷ cương luân lý úa vàng
nhơ trang chiến sử, điêu tàn mộ bia
nơi nào cốt nhục chia lìa
Tổ Tiên ảo ảnh phân chia ngọn nghành
cội căn truy lục vòng quanh
chứng di địa cuộc phân tranh sơn hà
@
Việt Nam nơi ấy quê nhà
ngày mê, đêm mộng thiết tha vọng về
thoát đời khỏi cuộc hôn mê
cũng xin giữ được hồn quê bên mình
Quê Hương mong cuộc hồi sinh
rộn vang tiếng hát tự tình Cháu Con
Núi Sông còn – Tổ Quốc còn
mãi thơm dòng máu Lạc Hồng trong thân!

 

5. Niệm Từ - Cao Nguyen

hơn bốn mươi năm trôi qua  
mà thơ em viết còn nhòa lệ rưng
chữ đi lời cứ ngập ngừng
tình cay xốn mắt vạn lần nhớ anh
tháng Tư thắp nén hương trầm
theo làn khói tỏa gọi anh nghẹn lời
còn không anh những nụ cười
giữa vòng tay ấm dưới trời hỏa châu
lệ nhòa tim buốt nhói đau
lặng nhìn di ảnh trắng màu khăn tang
chưa buông súng đã đầu hàng
ra đi với nỗi bàng hoàng thế nhân
xa anh xa cả mộ phần
quê hương đành đoạn khắc trong niệm từ
đất sầu đẫm lệ tháng Tư
trời đau trường khúc biệt từ lưu vong!

 

4. Đợi - Thuyphuong Lam  

Tôi và thằng con trai ít có thời gian ở gần nhau. Buổi sáng cháu đi làm đến chiều về thì đi tập thể dục hoặc lúc rảnh thì café tán gẫu với bạn bè. Về nhà ăn uống xong xem tin tức, nghe nhạc rồi đi ngủ để sáng mai bắt đầu một ngày mới.
  Tôi và con tôi ít có cơ hội trao đổi với nhau về thời cuộc và tình hình của đất nước từ khi tôi là người của thế hệ trước đã bị cướp nước. Con trai tôi thuộc thế hệ sinh sau 75 và được dạy dỗ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa nên tôi không thiết tha gì, mà thực sự tôi cũng không qua trường lớp thời cộng sản nó cai trị nước nên cũng chẳng biết gì để mà nói với nó.
  Trong lòng tôi chỉ nung nấu ngọn lửa hận thù và mong đợi một ngày những gì của chúng ta bị mất sẽ lấy lại được. Một phần tôi e khi nói với nó quan trọng là nó có hiểu gì về thời VNCH mà tổ tiên ông bà đã khó khăn gầy dựng từ buổi sơ khai dựng nước và giữ nước để thế hệ cha mẹ và bản thân nó được hưởng hay không? Nổi đau thương mất nước của chúng ta đã làm cho tổ tiên ông bà không được yên lòng nơi cõi vĩnh hằng hay không? Tôi thấy xấu hổ vì những gì mà tổ tiên ông bà để lại những kẻ hậu bối là tôi không gìn giữ được. Chỉ thấy thương cho những đứa trẻ sinh sau đẻ muộn chưa biết cái cảm giác được sống với thời VNCH bình yên và hạnh phúc ra sao?
  Có một lần cũng vào dịp 30/4 & 01/5 thằng con được nghỉ làm , buổi sáng nó ngồi trước tivi xem diễn hành. Tự nhiên tôi nghe nó nói :" Bày đặt giải phóng làm chi cho dân mình phải khổ còn tụi cướp nước thì ngày càng sung sướng giàu sụ. Mượn cớ để xâm lăng nước người ta,  hòa bình độc lập tự do dân chủ gì mà dân không có quyền làm chủ, không được quyền nói, khốn nạn quá mà..."
  Ai dạy cho nó, tôi cũng chưa từng nói với nó. Đều làm cho tôi cảm thấy vui và con mình nó đã hiểu và biết rõ bản chất khốn nạn gian manh của bọn cộng cướp này. Giới trẻ bây giờ chúng đã sáng mắt và hiểu biết rất nhiều dù không ai dạy không ai nói với chúng nó. Mà là do cái bọn cộng cướp quá trơ tráo lộ liễu, nạn tham nhũng móc ngoặc bỏ túi riêng. Bọn lãnh đạo cấp cao nó bán nước trắng trợn công khai trước bàn dân thiên hạ.
   Chửi Mỹ như sấm mà đưa con sang Mỹ du học rồi mua nhà và tìm cách ở lại. Tiền ở đâu ra? Tiền từ tham nhũng và tiền bóp cổ dân ,thuế má cao mà có để bỏ túi riêng.
  Thử nhìn lại xem 43 năm giải phóng bọn khốn nó đã làm được gì cho ích nước lợi dân, mà hể có người đứng lên đại diện cho người dân thì nó ghép tội cho người ta rồi đưa vào chốn ngục tù khổ sai. Ức chế vô cùng.
  43 năm đất nước tụt hậu so với các nước láng giềng ,trước 75 họ từng ao ước phải chi được bằng đất nước mình, bây giờ họ bỏ Việt nam một khoảng cách khá xa.  
   Hôm qua trước lúc tôi đi chơi phòng trà con trai tôi nó nói :" Mẹ đi chơi cho khuây khỏa, tuổi mẹ giờ cũng đã lớn rồi, không lẽ bà ngoại đau thì mẹ cứ ở nhà hoài hay sao? Cứ nghĩ là ngoại bình yên sống bên cạnh con cháu là tâm trạng mẹ sẽ thấy thoải mái tự nhiên thôi. Đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của trung cộng, lúc đó mẹ muốn đi chơi tự do cũng không còn được nữa."..
  Tôi hỏi nó cũng biết về việc này nữa sao thì nó nói :"chuyện lớn như vậy mà ai lại không biết. Giờ mà cứ ngồi đó an phận câm như hến để cho nó bán nước mình cho giặc, lúc đó tụi trung quốc nó hành hạ dân mình thì có muốn cứu nước cũng đã muộn..."
  Tự bao giờ mà nó có suy nghĩ sâu xa như vậy. Tôi vẫn tưởng nó không quan tâm không biết gì. Hỏi thì nó nói bạn bè nó đứa nào cũng biết.
  Nó nói với tôi :" Mẹ có biết lá cờ trung quốc hồi trước nó là một sao lớn với ba ngôi sao nhỏ, bây giờ nó gắn thêm một sao nữa là bốn sao tức là Việt nam của mình đó..."
  Thú thật tôi quá ghét các nước cộng sản nên có bao giờ để ý đến đâu , vậy mà thằng nhỏ lại biết. Tôi mở miệng ra là nói yêu nước, căm thù cộng sản mà không làm gì được nó, chỉ biết ra rả chửi rủa nó mỗi ngày tới mỏi miệng ,càng thấy xấu hổ với đất nước tổ tiên ông bà cha mẹ mình.
  Chỉ mong sao có nhiều người trẻ ý thức cùng đứng lên xiết chặt tay nhau để dành lại đất nước mình và xây dựng lại những gì đổ nát mất mát của 43 năm dài đã qua. Tất cả đều đang trông đợi, vì tương lai con cháu chúng ta sau này. 

Phượng 06/4/2018.


3. Tôi Sẽ Đến
 
Nếu có dịp tôi về thăm quê mẹ
Tấm thân già lặn lội khắp chốn xưa
Để thăm lại những địa danh chiến tích
Nơi máu xương loang đổ chiến tranh buồn
Nếu có dịp về thăm vùng biên ải
Sẽ lần mò tìm mộ cũ bạn xưa
An Lộc địa ngàn đời lưu danh sử
Máu Bình Long tô đậm quốc quân kỳ
Tôi sẽ ghé từng vệ đường hóc núi
Đốt nén nhang truy điệu những anh linh
Dân chạy loạn hòa chung dòng máu lính
Đã mất đi vì bom đạn vô tình
Tôi sẽ đến những đường mòn xưa cũ
Khấn nguyện cầu cho đồng đội anh em
Đã nằm đó tháng ngày mồ vô chủ
Bao nhiêu năm thân xác hóa tro bùn
Tôi sẽ đến vùng tuyến đầu khổ ải
Nơi một thời từng nếm mật nằm gai
Máu hòa đất đắp hào che mạng sống
Xác xây thành dựng lại ngọn cờ xưa
Nếu có dịp tôi về thăm quê cũ
Bao tháng ngày từ khi bỏ quê hương
Ôm tủi nhục nỗi đau ngày gẫy súng
Hận tha hương ảm đạm tháng Tư Buồn
Bao nỗi nhớ những tủi hờn năm cũ
vẫn còn đây dù cơn lốc thời gian
Ai kẽ thắng … ai là người chiến bại
Câu trả lời … lịch sử sẽ định phân ….
Thuyền Qua Lối Cũ.
Tuấn TT. Feb 21. 2022

 

2. Con Trâu Đâu Có Cải Tạo!
  
Biết tui là dân HO nên có người biểu tui kể thử một câu chuyện thật xảy ra trong tù cải tạo . Nếu tui kể hổng được thì người ta hổng tin vào cái bằng Tiến-Sĩ Cải-Tạo của tui. Chắc người ta nghi tui làm bằng giả để đi HO. Mà cũng thông cảm thôi vì Việt-Nam sau khi bị VC toàn trị rồi thì cái gì cũng có thể dỏm được. Mà bằng cấp thì càng dỏm nhiều hơn và Tiến-Sĩ thì nhiều đếm hổng xuể. Bởi tại bị vậy nên tui mới viết bài nầy hổng thôi người ta nói cái bằng Tiến-Sĩ Cải-Tạo của tui là bằng giả . Bài nầy tui đặt tựa là “Con Trâu Đâu Có Cải Tạo !”.
 
Câu chuyện nầy xảy ra tại trại cải tạo Nam-Hà vào khoảng năm 1979-1980 ( vì lâu quá nên tui hổng dám chắc năm nào ) . Thời gian đầu của đời tù cải tạo thì những người tù bị đưa lên vùng núi Hoàng-Liên-Sơn do bộ đội quản lý. Tới năm 1978 vì sư phụ Trung Cộng muốn dạy cho đệ tử Việt Cộng một bài học nên đánh tràn qua biên giới Việt-Trung. Do đó tù cải tạo được chuyển giao qua cho công an quản lý để bộ đội rảnh tay mà tiếp thu bài giảng của thầy. Rất nhiều tù, trong đó có tui, được chuyển về trại Nam-Hà vào năm 1978.
 

Sau vài ngày ổn định mọi thứ thì các tù binh bắt đầu được lên lớp và sau đó là đi lao động. Về lên lớp, nói chung, thì các cán bộ công an cũng nói y hệt như các cán bộ bên bộ đội. Đại khái như: Mỹ là đế quốc xâm lược; ngụy quyền miền Nam là tay sai bán nước; ngụy quân là công cụ đánh thuê; tất cả các người tù đều là có tội chết nhưng được Đảng khoan hồng tha chết và cho đi cải tạo, lao động để trở thành người lương thiện; lao động là vinh quang chớ hổng phải là đày ải, hành hạ. Chỉ khác một điều duy nhứt là bên bộ đội thì không kêu chúng tôi là tù mà cũng cấm chúng tôi không được tự xưng và kêu nhau là tù; còn ở trại Nam-Hà nầy thì các cán bộ công an nói thẳng chúng tôi là tù cải tạo. Còn về công việc lao động thì tui đã làm qua nhiều thứ như phụ xây thêm nhà tù, làm ruộng trồng lúa, đào kênh thủy lợi, trồng nấm, đục đá . Mỗi công việc đều có nhiều chuyện để kể nhưng trong phạm vi đề tài của bài nầy tui chỉ kể giới hạn về công việc làm ruộng trồng lúa mà thôi.
 
Trại Nam-Hà nằm trên một khu đồi cao gần bên một quả núi nhỏ và ngay cạnh con đường đất (nghe nói đường nầy có thể đi tới chùa Hương). Bên phía dưới thấp là vùng đầm lầy ăn liền ra đồng ruộng của hợp tác xã. Công việc làm ruộng được bắt đầu lúc đó là đang mùa đông. Và ai cũng biết làm ruộng trồng lúa thì sẽ có những việc như cày, bừa, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa rồi đập và phơi lúa. Đám tù được dẫn ra tới ruộng mới biết công việc cụ thể mà mình phải làm ra sao. Những thửa ruộng đã gặt xong tự hồi nào chỉ còn trơ gốc rạ . Ruộng đang ngập nước, đất đã mềm sẳn nên hổng cần cày mà chỉ có bừa. Bừa để nhận những gốc rạ chìm xuống sình lấy chỗ cấy lúa. Và xưa nay việc kéo cày hay kéo bừa nếu hổng có máy thì là do con trâu làm. Người thì cầm càng đi phía sau điều khiển con trâu. Nhưng khi ra tới ruộng mới biết hổng có máy cày mà cũng hổng thấy con trâu nào dù trại có nuôi một bầy trâu mấy chục con. Té ra là mọi thứ sẽ do người tù làm hết. Tù được chia thành từng nhóm 4 người cho một cái bừa. Trong nhóm thay phiên nhau, ba người kéo bừa đi trước thay con trâu và một người cầm càng đi sau giữ bừa. Mèn ơi! Trâu thì hổng xài lại bắt người kéo thế. Cái nầy mà dám nói là vinh quang hổng phải đày ải đây. Theo tui thì đày ải chỉ một phần, mà phần lớn là muốn hạ nhục người tù. Dĩ nhiên là tất cả mọi người tù đều phải chịu nhục mà làm. Người nầy nhìn người kia cùng nuốt hận để làm. Không hẹn mà nên, những người cầm càng phía sau không ai dám đứng lên cái bừa cho bạn kéo như khi điều khiển trâu mà chỉ lội sình để cầm càng . Coi vậy chớ kéo cũng nặng lắm vì lội sình đã khó đi rồi mà đằng nầy còn phải kéo cái bừa nữa. Những bước chân nặng nề dưới ruộng sình. Những bắp chân tái tím vì dầm trong nước lạnh buốt. Những thân hình co ro, lầm lủi trong gió mùa đông. Hoạt cảnh nầy liệu có nơi nào trên thế giới có được hay không. Làm được một lúc là bắt đầu nghe có tiếng cự nự trong các nhóm kéo bừa. Mấy anh kéo bừa phía trước cự anh cầm càng phía sau:Bộ mắc ông nội mầy hay sao mà đè chi nặng dữ vậy mậy . Đè vừa thôi. Một hồi tới phiên mầy kéo là tao đè lại cho biết.
 
Thì ra anh cầm càng mà đè mạnh chừng nào thì mấy anh phía trước phải kéo nặng chừng nấy. Mà hể đè hổng mạnh thì gốc rạ hổng chịu chìm. Nghe nhóm nầy cự rồi tới nhóm kia cự đâm ra thấy tức cười. Mà cười ra nước mắt. Hổng ai có thể tưởng tượng được cuộc đời của mình có lúc lại thê thảm như vầy. Chắc mấy tay cán bộ trên bờ đang hả hê trong bụng lắm. Người nào nghĩ ra được “phương cách” lao động nầy chắc phải được Đảng tuyên dương. Trong đám cán bộ có một người có vẻ là có thớ lắm, đó là thiếu-úy Lự. Hắn đi vòng vòng từ đội tù nầy tới đội tù khác dòm ngó. Đi tới đâu hắn cũng kêu tập họp tù lại cho hắn lên lớp. Bởi vậy đám tù cũng khoái cho hắn tới chỗ mình mà lên lớp lắm. Hổng phải vì hắn nói hây nên muốn nghe. Vì hắn nói thì cũng như con két nói, chỉ toàn lập lại những điều cũ rích. Hắn vừa nói một tiếng là ai cũng biết hắn sẽ nói tiếp cái gì . Vậy thì tại sao tù lại khoái nghe hắn nói ? Thưa hổng phải khoái nghe hắn nói, mà chính là khoái được đứng để nghỉ ngơi khỏi làm trong mươi mười lăm phút. Hắn nói càng dai càng tốt vì mình được đứng nghỉ càng lâu. Lần đó hắn lại chỗ đội tù của tui để lên lớp. Sau khi nói đã đời, hắn kết luận:
Các anh cần phải tích cực lao động cho có năng suất cao. Về với gia đình sớm hay muộn là tùy ở chính bản thân các anh. Không phải chỉ làm chiếu lệ cho hết giờ , mà làm cho hết việc và mỗi người cần phải phát huy sáng kiến để gia tăng năng suất .
Nói xong thì hắn hỏi như thường lệ là ai có ý kiến hoặc thắc mắc gì hôn. Thường thì hổng ai có ý kiến ý cò gì ráo. Nhưng lần đó có một anh bạn tù đưa tay lên. Hắn chỉ về anh bạn đó và hỏi anh muốn nói gì. Anh bạn tù nói :
Thưa cán bộ, muốn gia tăng năng suất lao động, ở trại có nuôi một bầy trâu mấy chục con sao không xử dụng để kéo bừa ?
Chà! Câu hỏi nầy có lý quá ha. Ai cũng thấy ý kiến của anh bạn tù nầy cũng chính là ý kiến của mình nên rất hào hứng với câu hỏi nầy. Các bạn có biết thiếu úy Lự trả lời ra sao hôn? Hắn hổng cần suy nghĩ gì cho lâu mà phán ngay một câu xanh dờn với một vẻ đắc ý như vừa nghĩ được một câu danh ngôn bất hủ:
Các anh mới cải tạo chớ con trâu đâu có cải tạo mà bắt nó kéo bừa.
Nói xong hắn gật gù với vẻ mặt hả hê, dương dương tự đắc nhìn từng gương mặt xanh tái của đám tù vì câu nói xanh dờn của hắn. Mọi người im thin thít và nghẹn họng như vừa bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt giữa trời đông. Đúng là VC nói vậy mà hổng phải vậy.
Tui chợt nhớ tới lời của tổng thống Nguyễn-văn-Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Tiếc thay khi mà cả miền Nam lẫn miền Bắc Việt-Nam đã nhìn thấy được những gì cộng sản làm thì…quá trễ. Vậy mà tới giờ cũng vẫn còn có những người hổng nhìn thấy, hay nhìn mà cố tình hổng chịu thấy những gì cộng sản đã làm .
LHN .
 
1. CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG
(fb Tony Nguyễn)
 
"Có một thời ngỡ dĩ vãng phai phôi,
Nhưng ký ức một thời còn nguyên vẹn."
(nguoivotinh)
CÓ một thời bướm vừa ra khỏi kén,
MỘT thời vô tình lỗi hẹn người yêu.
THỜI rất xa nhưng nỗi nhớ rất nhiều,
NGỠ giấc mơ buổi chiều đang chợt tỉnh.
DĨ vãng từ đâu quay về hiển hiện,
VÃNG bên tai lời kể chuyện ngày xưa.
PHAI nhạt dễ gì tháng nắng ngày mưa,
PHÔI đã đủ bông hoa vừa kịp hé.
NHƯNG mẹ Việt gặp cơn đau quặn xé,
KÝ thác đời mình tuổi trẻ tương lai.
ỨC triệu cánh dù, muôn vạn đoá mai,
MỘT lớp trai hùng tung bay tám hướng.
THỜI thuở đó hiên ngang vi lý tưởng,
CÒN lại đây vùng tâm tưởng không rời.
NGUYÊN vẹn trong ta kỷ niệm một thời,
VẸN nguyên trong ta cuộc đời đáng sống.
Tony Nguyễn
 
Số Thứ Tự:
17. Ngày về - Vương Mộng Long
16. An Lộc Một Lần Tôi Đã Đến - Một Đời Để Nhớ - Nguyễn Phán (Khóa 24/BĐQ)
15. ANH XE ĐẠP THỒ - Huong Nguyen (Nguyễn Thành Hướng - K28)
14. KÝ SỰ XE THỒ - Thuc Thai Le
13. Ra Khỏi Tù - Thuc Thai Le
12. CHIẾC LÁ BAY XA - HMV LNguyen (BĐQ Nguyễn Thành Liên, K26/TVBQGVN) - (fb Nguyễn Nam Phương)
11. "Trốn Trại" Cải Tạo "Vượt Ngục" - Nguyễn Ngọc Thạch (Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt)
10. GỞI MỘT CHÚT TÌNH (Nguyễn Văn Minh-K27)
9. Luôn luôn nuôi chí hiên ngang - An Duc Nguyen
8. Đổi Đời - A20 Bùi Đạt Trung (K25)
7. Dòng Thương Tích - Cao Nguyen
6. Quê Nhà Việt Nam - Cao Nguyen
5. Niệm Từ - Cao Nguyen
4. Đợi - Thuyphuong Lam
3. Tôi Sẽ Đến - Người Lính Già Tqlc
2. Con Trâu Đâu Có Cải Tạo! Sang Thai
1. CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG (fb Tony Nguyễn) 
 

No comments: