Monday, September 8, 2014

• Vụ thảm sát 141 quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa tại Phú Yên tháng 4.1975 Trần Đòan Hưng

Trần Đòan Hưng

1. Chiến tranh và ý thức hệ cọng sản biến đổi tính người :
Trên tấm bản đồ của Đất Nước Việt Nam, quả thật vùng đất Phú Yên gần như lặng lẽ “vắng mặt” trong “hộc tủ kiến thức địa lý” của nhiều người. 


Bởi chưng Phú Yên khép nép đứng giữa hai thành phố với hai biên giới dữ dằn : phía Bắc có đèo Cù Mông che khuất Qui Nhơn đĩnh đạc truyền thống và phía Nam với Đèo Cả ngăn lại Nha Trang đầy hoa lệ kiêu sa. Và cùng với tính chất địa lý “cách biệt” nầy, hình như trời lại phú cho dân tình Phú Yên một tâm địa hiền lành dễ mến, chất phát chân quê và phẵng lặng hiền hòa như những cánh đồng lúa nước bạt ngàn hay như những dòng sông Cái, Đà Rằng êm trôi về biển. 

Phải chăng chính cái hiền hòa, chân chất đó, người Phú Yên luôn là “kẻ đến sau” của tranh đấu, đôi co, của lo toan vất vả để âm thầm đón nhận cho dầu kết quả là mật ngọt hay trái đắng, như câu tục ngữ ví von : “Quảng nam hay cãi, Quãng Ngãi hay co, Bình Định nhiều lo, Phú Yên ních hết”.

Nhưng “nói thế mà không phải thế”. Bởi chưng, lịch sử có những bước thăng trầm mà đôi khi đã làm thay đổi biến dạng mọi thứ như Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng tâm sự : “Thế gian biến cải vũng nên đồi”[1]. Ở đây, muốn nói đến cái đổi thay biến dạng của tâm hồn, tính khí nơi một số người Phú Yên. Thật vậy, sau hai cuộc chiến “thần thánh” chống thực dân Pháp (1945-19564) và huynh đệ tương tàn ý thức hệ (1955-1975), hình như một bộ phận người Phú Yên đã thật sự thay đổi và biến dạng. Não trạng chiến đấu với kẻ thù xâm lược và giai cấp, tâm thức loại trừ tàn bạo và không khoan nhượng đối với “thế lực đối kháng”, lại thêm được trang bị một ý thức hệ bạo tàn sắc máu Mác-Lê-Mao-Hồ, sẵn sàng “đào tận gốc, bốc tận rễ”[2], những người Phú Yên mang căn cước cọng sản đã thật sự “biến chất, cái chất hiền hậu dễ thương nhường chỗ cho hận thù khát máu, cái chất chân quê chất phát, phải đội nón ra đi để nhường sân khấu lại cho lọc lừa, dối gian và tàn độc. Điều nầy đã được khẳng định cách rõ nét trong “vụ thảm sát 141 cảnh sát và quân cán chính của chế độ Việt Nam Cọng Hòa tại Phú Yên vào tháng 4 năm 1975, sau khi Phú Yên bị mất về tay cọng sản, và trong khi những người bị thảm sát nầy đã ra trình diện để được cải tạo”, một hồ sơ tội ác diệt chủng mà chính quyền cọng sản cố tình ém nhẹm suốt 31 năm qua.

2. Khái quát hồ sơ vụ án thảm sát tháng 4.75 tại Phú Yên :
Vì không là “chứng nhân trực tiếp “ của vụ thảm sát trên mà chỉ là một người thân có người chú ruột là nạn nhân, và “kỷ niệm đau buồn” đã trôi qua 31 năm, cho nên nội dung hồ sơ lịch sử thảm sát trên chắc chắn chưa đầy đủ. Hy vọng nhiều người có liên hệ với những nạn nhân trong cuộc thảm sát trên sẽ bổ túc.

Thời gian đó là vào khoảng đầu tháng tư Dương lịch năm 1975, năm định mệnh của bao nhiêu người Phú Yên và của cả dân tộc Việt nam, khi những cánh đồng lúa vừa chuyển sang màu vàng để nông dân chuẩn bị bước vào “mùa gặt tháng 3”. Đó cũng chính là thời điểm vừa kết thúc những trận đánh khốc liệt trên “đại lộ kinh hoàng tỉnh lộ 7”, con đường nối Phú Yên và Tây Nguyên được chọn làm cuộc “rút lui chiến thuật” của toàn bộ Quân Khu 2, một cuộc tính toán chiến lược sai lầm và mạo hiểm của chính quyền Sài Gòn, để phải lãnh cái giá là bao nhiêu xương máu của quân đội và đồng bào chôn vùi trên tuyến đường khốc liệt nầy. Và đó cũng là thời điểm những người Việt Cọng Phú Yên từng bừng hớn hở chính thức bước vào làm chủ mãnh đất mà suốt bao nhiêu năm họ phải sống thấp thỏm trong chui rúc lo âu nơi rừng thiêng nước độc hay nơi các mật khu với từng ngày chịu đựng cái đói, cái bệnh và bom rơi đạn lạc. Và nhất là, đó là thời khắc buồn tênh, tê tái và đen tối tột cùng đỗ ập xuống trên thân phận những người Phú Yên không cọng sản, quân đội hay cảnh sát, công chức hay thường dân, sinh viên học sinh hay các chức sắc đạo đồ các tôn giáo…Với họ tất cả sụp đỗ tan tành và một màn đêm âm u bao phủ khắp tương lai.

Sau khi nghe lệnh “khoan hồng” và kêu gọi trình diện để được cải tạo của chính quyền quân quản cọng sản, các thành phần có tham gia quân đội hay cảnh sát, công chức chính quyền của chế độ Việt Nam Cọng Hòa đã chân thành hưởng ứng trình diện. Ngoài một số đã di tản vào phía Nam, con số quân cán chính ra trình diện với chính quyền Cách mạng Phú Yên có lẽ lên tới mấy ngàn người với niềm hy vọng mỏng manh sẽ được đối xử khoan hồng theo chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc.

Oái ăm làm sao và bi đát làm sao cho một số người, những nạn nhân nối tiếp của các chế độ bạo tàn cọng sản, từ Liên sô tới Trung Cọng, từ Ba Lan tới Hung-ga-ri, từ Cu-Ba tới Bắc Triều Tiên, từ Căm Bốt tới Rou Ma Ni…

Và cũng như bao câu chuyện thủ tiêu, thảm sát của cọng sản dành cho những người “bên kia chiến tuyến”, câu chuyện thảm sát 141 cảnh sát và quân cán chính Việt nam Cọng Hòa tại Phú yên cũng được tiến hành “bài bản, gọn nhẹ và hiệu quả”.

Theo một nhân chứng cải tạo không thuộc diện “bị xử” đã kể lại : Chiều hôm đó vào khoảng 16 giờ, toàn thể các trại viên cải tạo quân cán chính Sài Gòn đang tập trung tại trường tiểu học Đình Thọ thuộc xã Hòa Định, thì có xe của Giám Đốc Sở Công An Phú Yên Lê Văn Liễm[3] trờ tới. Có cán bộ Công An cấp cao tới thăm tất phải có chuyện. Mà đúng như thế. Giám đốc Liễm dõng dạc truyền lệnh : Ai có tên đứng qua một bên xe và ai không có tên ngồi yên tại chỗ. Con số được kêu tên vào chiều hôm ấy là 142 người gồm khoảng trên 80 cảnh sát và trên 60 mươi quân cán chính. Trong số đó có đại úy Kế, chi khu trưởng Tuy An, là sĩ quan có cấp bực cao nhất trong số được kêu tên nầy. Và ông giám đốc bình thản tuyên bố : Vì điều kiện học tập tại địa phương nầy không tốt cho một số quá đông, do vậy 142 người nầy sẽ được về tỉnh học tập với các điều kiện tốt hơn. Sau những chuẩn bị nhanh gọn để lên đường, tất cả 142 người chia tay các bạn để “đi về một phương trời khác” khi chạn vạn vừa buông. Có ngờ đâu, đoàn 142 người dắt díu nhau đi, không phải đi về tỉnh mà đi theo lối phía Bắc, qua ngõ “Lù Ba” và tiến dần tới các bãi thảo nguyên hoang vắng dẫn tới bên chân núi Chà Rang”…Khi trời vừa tối sẩm, những người cải tạo còn ở lại Đình Thọ chợt nghe một tiếng nổ lớn và tiếp sau đó là những loạt đạn đại liên xối xả từ xa vọng về. Lúc đó, các tay quản giáo đã hô lên rằng : đó là tiếng súng đánh nhau của bộ đội ta và tàn quân ngụy. Nghe thì nghe vậy nhưng trong lòng mỗi người đang nung nấu một mối nghi ngờ và lo âu. Rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi xe của ông giám đốc Công an Lê Văn Liễm lại đến.

Gần một tuần sau, trong khi lao động, một số anh em cải tạo nghe dân làng Đình Thọ kháo láo : cách đây mấy đêm, có từng đoàn 5 người một, bị trói tay bằng dây dù, dẫn về phía núi Chà Rang và bị bắn chết chồng chất. Các trẻ em chăn bò cũng hoảng sợ kinh hoàng khi chứng kiến hàng đống xác người chết hôi thúi cả một vùng Chà Rang. Riêng người viết bài nầy, đã theo chân người thân đi tìm xác chú tại địa điểm trên. Trước khi đến “bãi xác” được chất hàng đống to đã bốc mùi kinh khiếp, một bãi nào dép, giày, bi đông, dụng cụ…nằm la liệt trên phần đất phía ngoài. Có lẽ, trước khi bị bắn, các cán bộ muốn “thanh tra đồ đạc phạm nhân” trước, để khỏi phải lục lọi trong cái đám xác bầy nhầy máu thịt !...

Có ai ngờ, trong sô 142 “học viên về tỉnh cải tạo” với những loạt đạn đại liên định mệnh tối hôm ấy, lại có một người sống sót. Nghe đâu người nầy sau đó đã cắn dây trói, chạy trốn vào phía Nam và thay tên đổi họ yên ổn làm ăn nơi một vùng đất mới…

Và “mùa gặt lúa tháng ba” năm ấy phảng phất nổi buồn trên khắp các vùng quê Phú Yên, đặc biệt nơi các xã Hòa Thắng, Hòa Quang, Hòa An, Hòa Định. Bởi vì, cùng với màu vàng của những hạt lúa mới được đem về nhà, rất nhiều gia đình có thêm màu trắng của khăn tang để tưởng niệm những người thân đã mất, trong đó có gia đình của Chú tôi.

Hôm nay, nếu có ai về Phú yên trong dịp tháng 3 âm lịch, khi lúa đã vàng đồng và nông dân chuẩn bị cho mùa gặt mới, sẽ gặp được một ngày đặc biệt gọi là “ngày giỗ chung”. Vì trong ngày này, có rất nhiều gia đình cùng tưởng nhớ tới các cảnh sát, quân cán chính Việt nam Cộng Hòa bị thảm sát tập thể vào tháng 4 năm 1975 khi Phú Yên vừa được “giải phóng”.

Không biết trong hồ sơ về tội ác của Cọng Sản mà nghị viện Âu Châu đã lên án bằng nghị quyết 1481 ngày 24/01/2006 có liệt kê vụ thảm sát Mậu Thân (1968) ở Huế và thảm sát Mùa Xuân (1975) ở Phú Yên không ? Nếu không có, thì xin ai đó ở hải ngoại Âu Châu, làm ơn liên hệ để ghi thêm vào “hồ sơ tội ác của cọng sản” cho đủ “con số tròn”. 
--------------------------------------------------------------------------------

[1] Câu đầu trong bài thơ “Nhân tình thế thái” của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân quốc ngữ thi

[2] Nguyên câu khẩu hiệu : “Trí, phú, địa hào, đào tận gốc, bốc tận rễ”

[3] Lê văn Liễm sau nầy thăng cấp đại tá làm giám đốc sở công an tỉnh Phú Yên cho tới khoảng năm 1997. Sau một vụ bê bối tham nhũng hàng chục tỷ đồng đã “hạ cánh an toàn” trong nhiệm vụ mới tại Cục Hậu Cần của Bộ Công An.

No comments: