Nhà báo và mặt trận An Lộc (P1)
Lịch sử đã sang trang vào ngày 30/4/1975, nhưng những dấu ấn của chiến tranh khó phai mờ. Mùa hè 1972 chiến cuộc diễn biến ác liệt, quân Cộng sản Bắc Việt công khai vượt vĩ tuyến 17 mở các mặt trận lớn, đưa xe tăng, pháo binh và phòng không hiện đại tiến công lấn chiếm lãnh thổ VNCH. Ở phía Nam, địch quân từ Campuchia tràn sang mở mặt trận Bình Long, cuộc vây hãm thị xã An Lộc gần ba tháng là một chiến trường thách đố đối với các nhà báo. Nam Nguyên, lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia kể lại câu chuyện của mình.
• QUỐC HẬN 30/4: KÝ ỨC 40 Năm 1975-2015
• QUỐC HẬN 30/4: KÝ ỨC 40 Năm 1975-2015
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Chiến trường thách đố
Báo chí gọi đây là chiến trường thách đố vì lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, 40.000 quân cộng sản phong tỏa hoàn toàn một thành phố của Nam Việt Nam cả trên bộ cũng như trên không. Đường bộ vào An Lộc theo QL 13 bị cắt, địch quân tạo lưới lửa phòng không và pháo kích không ngừng, trực thăng không thể đổ quân vì không có một bãi đáp nào đủ an toàn. Tiếp tế đạn dược và lương thực toàn thả dù với hơn phân nửa lọt vào vùng địch. Đối với các phóng viên vào An Lộc đã khó mà khi vào được rồi thì lại không có đường ra.
Cái đặc biệt nhất là hình ảnh nghĩa trang của biệt cách trong vùng đó với câu thơ ghi khắc ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích - Biệt cách dù vị quốc vong thân.’ Chúng tôi đã là người đầu tiên phổ biến trong làng báo lúc đó.
-Ông Uyên Thao
“Trận An Lộc, phóng viên tại mặt trận đó của chúng tôi là anh Nguyễn Mạnh Tiến đưa về cho chúng tôi khá nhiều tài liệu hình ảnh như các xe tăng của cộng quân bị bắn phá, những hình ảnh đổ nát của mình. Cái đặc biệt nhất là hình ảnh nghĩa trang của biệt cách trong vùng đó với câu thơ ghi khắc ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích - Biệt cách dù vị quốc vong thân.’ Chúng tôi đã là người đầu tiên phổ biến trong làng báo lúc đó.”
An Lộc tỉnh lỵ của Bình Long là cửa ngõ phía Tây Bắc và chỉ cách Thủ đô VNCH khoảng 60 km. Từ Saigon đi Thủ Dầu Một rồi theo Quốc Lộ 13 sẽ đến An Lộc. Đầu tháng 4/1972 sau khi chiếm được quận Lộc Ninh, đại quân cộng sản tiến về bao vây thị xã An Lộc. Tại Hội đàm Paris, Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó tuyên bố trong vòng 10 ngày An Lộc sẽ là Thủ đô của Mặt trận Giải phóng, điều này đã không xảy ra. Những trận đánh ác liệt với quân số áp đảo có xe tăng và pháo binh yểm trợ với 7 trận tấn công quyết thắng, nhưng Bắc quân vẫn không chiếm được An Lộc.
An Lộc là câu chuyện của cuộc vây hãm, 40.000 quân cộng sản với xe tăng pháo binh đã vùi dập một thị xã diện tích 4 km2. Lực lượng VNCH tử thủ An Lộc gồm 6.350 quân, chủ lực là Sư Đoàn 5 BB với tướng Tư lệnh mặt trận Lê Văn Hưng, cùng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, hai tiểu đoàn của SĐ 18 và Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long. Ở ngày phong tỏa thứ 10, phía VNCH tăng viện cho An Lộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Các đơn vị này được trực thăng vận ngay trong vòng vây và vào được An Lộc.
Sau nhiều tuần lễ hướng về An Lộc bằng đường bộ, trực thăng vận không thành công, kể cả chuyện máy bay bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp trong vùng địch. Ngày 13/6/1972 chúng tôi đã thực hiện được mục đích của mình là vào An Lộc và từ đó gởi về bản tường trình tại chỗ với cuộc phỏng vấn tướng tử thủ Lê Văn Hưng. Sau đây là hồi ức của chúng tôi về chuyến đi này.
Số người lên trực thăng gồm Đại úy Nguyễn Văn Quý sĩ quan báo chí SĐ5 BB và nhóm báo chí gồm chúng tôi Nguyễn Mạnh Tiến Vô Tuyến Việt Nam, Dương Phục Đài Tiếng nói Quân Đội, Anh Thuần báo Tiền Tuyến, Tam Phong Slao Quắn SĐ5 và Gérard Hebert phóng viên tự do (Free lance) người Canada lúc đó có hợp đồng với UPI. Ít lâu sau chuyến vào An Lộc, ngày 22/7/1972 nhà báo 54 tuổi này đã tử thương ở mặt trận Quảng Trị. Sau này chúng tôi được biết những thước phim được đổi bằng sinh mệnh của người quay, đã được trình chiếu trên Truyền Hình Canada theo cách không có dẫn giải, các đạo diễn đã chọn hình thức phim không lời vì những hình ảnh khủng khiếp của địa ngục An Lộc Bình Long, của đại lộ kinh hoàng Quảng Trị Thừa Thiên đã nói thay bất cứ lời thoại nào cho phim.
Đoàn trực thăng 5 chiếc chở binh sĩ tiểu đoàn 2/31 SĐ 21 BB tăng viện cho mặt trận An Lộc đáp vội xuống Xa Cam lúc 11g sáng ngày 13/6/1972. Trực thăng chưa chạm đất đã nghe những tiếng xé gió, những tiếng nổ đinh tai nháng lửa, như thường lệ địch quân pháo kích mỗi khi trực thăng xuất hiện.
Địch quân chào 5 chiếc trực thăng và nhóm nhà báo chừng 15 trái đạn. Tất cả chúng tôi mạnh ai nấy chạy túa vào hai bên rừng cao su và lao mình xuống những hố đạn cũ gần nhất.
Dứt tiếng pháo, chúng tôi chạy theo hai ven rừng cao su, phía trước là các toán quân vừa được trực thăng vận tới. Khi kiểm điểm nhân số thiếu Dương Phục và Slao Quắn, một lát sau hai người bắt kịp chúng tôi. Nhưng Dương Phục nói, trong khi chạy pháo kích văng mất chiếc túi đeo, sức ép của tiếng nổ và từ cánh quạt trực thăng đã làm những đồ vật trong túi bay như bươm bướm. Duơng Phục đã bị mất hết các vật dụng, ngoại trừ tìm được cái máy cassette đã trở thành vô dụng. Đó cũng là lý do tại sao ngày hôm đó bài tường trình từ An Lộc của chúng tôi được phát cùng lúc trên Hệ thống Truyền thanh Quốc gia và Đài Tiếng Nói Quân Đội.
An Lộc trong tầm mắt, nhiều xác T54 nằm rải rác, 1 chiếc xe be vàng chói đầy vết đạn pháo kích nằm vắt ngang con dốc. Đây là khúc quanh tử thần vì chỉ riêng tại nơi này hơn 200 thương binh và những người được phép di tản đã chết trên đường đón trực thăng ở bãi đáp.
Không một nhà nào còn nguyên vẹn
Leo hết con dốc tử thần là bắt đầu vào An Lộc, đồng hồ chỉ 11g 20, chúng tôi đã chạy trong 20 phút từ bãi đáp Xa Cam vào An Lộc. Càng vào sâu cảnh điêu tàn càng hiện rõ, trên con đường chúng tôi đi, không một thước vuông đất nào không ghi lại những vết tích của chiến tranh. An Lộc không một nhà nào còn nguyên vẹn, những mái nhà sụp đổ, thân tường nghiêng ngả lỗ chỗ vết miểng, những cột đèn siêu vẹo, dây điện đứt lung tung và điểm thể hiện duy nhất cho sự kiện An Lộc không chiến đấu cô đơn chính là những cánh dù tiếp tế phủ đầy mặt lộ.Chúng tôi được hướng dẫn gặp tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh SĐ5BB kiêm tư lệnh mặt trận An Lộc trong hầm chỉ huy của ông. Ông tướng dáng vẻ xanh xao và có nụ cười hiền từ, tất cả bộ tham mưu của ông đều mặc áo thun hoặc ở trần. Vào buổi chiều, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng người hùng tử thủ An Lộc đã lên mặt đất để trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Những lời ông nói được thu vào máy cassette của tôi, tướng Hưng không nói về mình, chỉ đặc biệt đề cao tinh thần chiến đấu của tất cả các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long.
Tôi xin tướng Hưng cho dùng Hot Line Bộ Tổng Tham Mưu để chuyển bản tường trình có ghi âm lời ông về Đài Phát Thanh Saigon. Người trực tiếp nhận và phát bản tường trình này là ông Lê Phú Nhuận, lúc đó là Trưởng phòng Phóng viên. Từ Houston Texas ông Lê Phú Nhuận phát biểu:
Sau khi bản tường trình đặc biệt phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng ngay tại mặt trận của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến được phát đi trên hệ thống truyền thanh toàn quốc, thì hầu như tất cả mọi nơi đều hứng khởi.
Ông Lê Phú Nhuận
“Sau khi bản tường trình đặc biệt phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng ngay tại mặt trận của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến được phát đi trên hệ thống truyền thanh toàn quốc, thì hầu như tất cả mọi nơi đều hứng khởi. Phủ Tổng thống và đặc biệt lúc đó ông Hoàng Đức Nhã đã ra lệnh cho Hệ thống Truyền hình và Điện ảnh Quốc gia là phải vào ngay An Lộc và có trực thăng riêng để vào An Lộc làm phóng sự. Chính vì nhờ có chuyến bay đặc biệt đó mà Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến mới có thể đi ra khỏi An Lộc được.”
Chiều 13/6/1972, chúng tôi đi trong buổi hoàng hôn điêu tàn của An Lộc và bắt gặp ở khu phố chợ những dãy mộ mới vun đắp, một vài thánh giá đóng tạm bằng ván thùng, những cành hoa dại trên các ngôi mộ và đặc biệt trên một tấm bảng có câu thơ viết bằng sơn trắng “An Lộc địa Sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.
Ông Lê Đắc Lực cựu đại úy thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù hiện định cư ở Houston Texas nhớ lại:
“Trong 68 ngày chúng tôi ở trong đó chiến đấu thì hơn 300 quân nhân của chúng tôi bị thương và 88 chiến sĩ đã nằm xuống tại chiến trường An Lộc. Chúng tôi vừa chiến đấu vừa đi thu những xác chết đồng đội của chúng tôi theo lệnh của Trung tá Phan Văn Huấn là không bỏ anh em nào cả, dưới làn mưa đạn chúng tôi đã chôn đồng đội bên hông chợ nhỏ của An Lộc… Cô Pha là một cô giáo dạy ở An Lộc, cô bị pháo kích bị thương nơi bắp chân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã đưa cô về trạm xá và chữa trị cho cô, chúng tôi đã làm nạng gỗ để cho cô sử dụng. Từ trong ngôi nhà gọi là Tân Huệ Xương cô nhìn ra thấy bọn tôi cặm cụi đào hố chôn xác đồng đội dưới làn mưa đạn, cảm động cô mới viết ra câu thơ “An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”
Hai câu thơ “An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”mà tác giả là người con gái Bình Long có cái tên mộc mạc giản dị đã đi vào huyền thoại.
Tại toàn bộ mặt trận Bình Long phía VNCH có 8.000 thương vong, riêng tại Thị xã An Lộc là 2.300 binh sĩ. Theo nguồn tin Hoa Kỳ, tổn thất về phía lực lượng cộng sản Bắc Việt gồm có 27 xe tăng bị bắn hạ ngay trong thị xã An Lộc, 10.000 binh sĩ chết 15.000 bị thương, tổn thất nhân mạng lớn là vì bị bom B52. Tuy vậy, phía cộng sản chỉ nhìn nhận 2.000 bộ đội chết và 5.000 người bị thương. Tổn thất của thường dân vào khoảng hơn 10.000 thương vong.
Kỳ tới, Nam Nguyên sẽ tường thuật chuyến viếng thăm An Lộc ngày 7/7/1972 của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu; cũng như một số chi tiết khác ở mặt trận An Lộc, mời quí vị đón theo dõi.
An Lộc tỉnh lỵ Bình Long là một trong ba mặt trận ác liệt nhất trong mùa hè đỏ lửa 1972. Đại quân Cộng sản Bắc việt quân số 40.000 người có xe tăng pháo binh yểm trợ đã phong tỏa thị xã này trong gần ba tháng. Ngày 7/7/1972 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã có một quyết định dũng cảm, ông đi vào nơi nguy hiểm nhất để tôn vinh những chiến binh tử thủ An Lộc, thăm quân cán chính và người dân còn kẹt trong thị xã. Nam Nguyên lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia kể lại chuyến đi mà chỉ có mình anh là phóng viên tường thuật và một thu hình viên được tháp tùng.
Mọi việc dần dần sáng tỏ trong chuyến đi được bảo mật khác thường, tôi là hành khách của một trong hai chiếc trực thăng UH1D nhưng dành cho VIP có ghế đàng hoàng, người ngồi đàng trước tôi là Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QL.VNCH. Máy bay bên kia là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân Vận Chiêu Hồi một người có nhiều ảnh hưởng với Tổng thống…
An Lộc là chiến trường cô đơn, nguyên thủ quốc gia đến thăm thì tinh thần quân dân ai cũng lên dữ lắm…
-Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường
Cho đến khi nhận ra những hàng cây cao su bạt ngàn và màu đất đỏ, tôi biết mình đang một lần nữa bay vào An Lộc…Bởi vì những ngày tháng đặc trách mặt trận An Lộc, tôi đã từng bị rơi trực thăng trong rừng vào ngày 29/4/1972 cũng như đã vào được An Lộc ngày 13/6/1972 để gửi về bài tường trình tại chỗ có lời tướng tử thủ Lê Văn Hưng…
Lần này ngày 7/7/1972 cũng bãi B15 gần thị xã, trực thăng đáp an toàn, có lẽ vòng vây địch đã bị đẩy ra xa hơn, các cao điểm như đồi Đồng Long, đồi 100 đã được tái chiếm, nhưng Đồi Gió, phi trường Quản Lợi vẫn ở trong tay quân Bắc Việt. Nói theo các nhà quân sự, vòng vây đã dãn ra xa hơn nhưng địch quân vẫn chiếm những vị trí có thể quan sát thành phố An Lộc đổ nát…Địch không pháo kích lúc máy bay đáp xuống bãi B15 gần thị xã mà mật danh truyền tin là Khánh Ly, hơn nữa Không quân sẽ phải dọn vùng rất cẩn thận để bảo vệ Tổng thống.
Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường là một sĩ quan tử thủ An Lộc, lúc đó ông là Đại tá Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 8 SĐ5 BB. Ông Mạch Văn Trường và gia đình hiện định cư ở Houston Texas Hoa Kỳ, do sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn sau khi lâm trọng bệnh, cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường nói vắn tắt:
“An Lộc là chiến trường cô đơn, nguyên thủ quốc gia đến thăm thì tinh thần quân dân ai cũng lên dữ lắm…”
Ngày 7/7/1972 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong tư cách Tổng tư lệnh quân đội đã có một chuyến đi lịch sử, ông đi vào nơi nguy hiểm nhất nơi mà ông đã ra lệnh tử thủ, thăm quân cán chính và người dân còn kẹt trong thị xã. Tôi đã chứng kiến những hình ảnh bi hùng, có lẽ Tổng thống Thiệu đã đọc bài diễn văn ứng khẩu hay nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông leo lên một chiếc PT76, một trong hàng chục chiến xa của địch bị bắn hạ ngổn ngang trên Dốc Tử Thần. Cử toạ của ông không phải là những nghị sĩ dân biểu com-lê cà vạt, họ là những chiến binh áo trận tả tơi, dân quân cán chính thiếu ăn ở Bình Long, những người sống sót sau những tháng dài bị vây hãm. Những tràng pháo tay này mới thực sự xuất phát từ trái tim, không phải những tràng pháo tay từng làm gián đoạn những bài diễn văn về chính sách quốc gia, khi ông đọc trước lưỡng viện Quốc hội. Ở những nơi chốn đó có những tràng pháo tay vì lợi nhuận chính trị, vì tham vọng quyền lực.
Nghiã trang Biệt Cách Dù bên hông chợ nhỏ An Lộc. Thời gian này, Liên đoàn 81 Biệt cách dù đã rời An Lộc nhưng trước khi đi họ đã xây dựng khu nghĩa trang tươm tất hơn, có đài tưởng niệm khắc hai câu thơ huyền thoại: “An Lộc địa sử lưu chiến tích-Biệt cách dù vị quốc vong thân.” Hình chụp từ sách của Lê Đắc Lực.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tướng Lê Văn Hưng lái xe Jeep đưa đi thăm thị xã An Lộc, lúc ông đứng trên Đại lộ Hoàng Hôn địch quân đã pháo một lượt đạn vào An Lộc. Ông Nguyễn Văn Thiệu cười và nói đấy là họ chào mừng tôi. Tất nhiên vị nguyên thủ quốc gia đã không quên viếng thăm nghiã trang Biệt Cách Dù bên hông chợ nhỏ An Lộc. Thời gian này, Liên đoàn 81 Biệt cách dù đã rời An Lộc nhưng trước khi đi họ đã xây dựng khu nghĩa trang tươm tất hơn, có đài tưởng niệm khắc hai câu thơ huyền thoại: “An Lộc địa sử lưu chiến tích-Biệt cách dù vị quốc vong thân.”
Công việc của tôi trong chuyến đi đặc biệt ngày 7/7/1972 là tường thuật tại chỗ ghi âm ngay từ khi trực thăng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống bãi B15. Tường thuật liên tục ngoại trừ những khi Tổng thống phát biểu. Tôi được lệnh khi về Đài chỉ cắt đi những đoạn trống và cho phát ngay trên Hệ thống Truyền thanh toàn quốc. Đi cùng với tôi có một Cameramen và bên Đài Truyền hình được chỉ thị sử dụng toàn bộ bài tường thuật tại chỗ của tôi và hình ảnh lồng theo đó.
Địch quân đã không chiếm được An Lộc để làm Thủ đô cho MTGP, nhưng thị xã hoang tàn đổ nát này vẫn chưa hết nguy hiểm. Ngày 9/7/1972, sau chuyến đi của Tổng thống Thiệu hai ngày, tướng một sao Richard Tallman của Quân đội Hoa Kỳ đã tử thương tại bãi B15 vì đạn pháo kích, ngay khi ông vừa rời trực thăng. Ông là vị tướng cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.
Vì sao CS không thể chiếm An Lộc?
Giữ cho được phần đất của mình đấy là quan niệm cuối cùng của người lính. Khi đã ở trong đó rồi thứ nhất lệnh của ông Tổng tư lệnh là giữ cho bằng được… chết hết thì thôi và người dân cũng chấp nhận như vậy vì người ta không có lối chạy, còn quân đội bắt buộc phải ở tại chỗ rồi.
-Cựu Trung tá Bùi Quyền
Tại sao, với quân số 4 sư đoàn có xe tăng, pháo binh, pháo phòng không yểm trợ mà quân cộng sản Bắc việt lại không thể chiếm được An Lộc hoặc buộc quân tử thủ phải đầu hàng? Cựu Trung tá Bùi Quyền vào tháng 4/1972 mang cấp bậc Thiếu tá Trưởng ban 3 hành quân của Lữ đoàn 1 Nhảy dù, đơn vị tăng viện trực tiếp chiến đấu bên trong An Lộc. 40 năm sau khi giã từ vũ khí, cựu Trung tá Bùi Quyền từ Bắc California Hoa Kỳ nhận định:
“Giữ cho được phần đất của mình đấy là quan niệm cuối cùng của người lính. Khi đã ở trong đó rồi thứ nhất lệnh của ông Tổng tư lệnh là giữ cho bằng được… chết hết thì thôi và người dân cũng chấp nhận như vậy vì người ta không có lối chạy, còn quân đội bắt buộc phải ở tại chỗ rồi. Địch quân có thể tính lầm chuyện họ nghĩ với bom đạn pháo kích như vậy thì người lính sẽ nao lòng, sẽ phải bỏ ngũ mà họ quyên rằng, bỏ ngũ cũng chết vì ra khỏi cái hố của mình thì có thể chết rồi. Đó là lý do mà dân cũng như quân đều chấp nhận. Có những người dân thuần túy như nhân dân tự vệ mấy em trong đó họ cũng cầm súng họ đánh như thường vì biết rằng không đánh thì cũng chết…Đó là lý do chính còn những danh dự trách nhiệm thì nó hơi cao, thực sự lúc đó trước cái chết thì ai cũng phải chống cự để mà sống. An Lộc vững là vì thứ nhất quân ở trong đó thừa lệnh giữ và thứ hai nữa là trên phương diện chiến trường địch bao vây chung quanh ra rồi còn chết dễ hơn ở trong đó.”
Với 7 trận tấn công thẳng vào An Lộc trong hai tháng 4 và 5/1972 quân CSBV tổn thất 27 xe tăng bên trong thị xã. Trong hồi ký “Trận An Lộc 93 ngày”, Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường kể lại trong trận tấn công đầu tiên vào An Lộc ngày 13/4/1972 địch quân đã bị tổn thất 15 chiến xa, 3 chiếc do trực thăng vũ trang Cobra của Hoa Kỳ bắn hạ, còn 12 chiếc khác bị quân trú phòng hạ. Từ Houston Texas cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường phát biểu:
Chiến trường An Lộc 1972. Hình chụp từ sách của Lê Đắc Lực.
“Trung đoàn 8 của tôi, lúc đó là Trung đoàn mạnh nhất thành ra ông tướng Hưng giao cho Trung đoàn 8 giữ mặt Bắc là hướng chính địch đánh từ Bắc xuống Nam từ Lộc Ninh xuống An Lộc. Thành ra tôi cũng có ý kiến là bây giờ nếu địch đánh cấp sư đoàn mà địch có chiến xa thì phải đối phó bằng cách nào? Chuyện đối phó bằng ly cách giữa bộ binh và chiến xa chuyện này nếu mà còn có sức để kể thì nghe hay lắm….có nhiều cái đặc biệt lắm tôi rất tiếc không có sức khỏe …”
Trong số các đơn vị VNCH bên trong An Lộc, chỉ có nhảy dù từng thử lửa với chiến xa địch ở mặt trận ngoại biên, tuy nhiên không phải ở mức độ qui mô như trong trận An Lộc.
Cựu Trung tá nhảy dù Bùi Quyền nhận định về sự kiện xe tăng địch quân chạy vào bên trong An Lộc đều bị hạ. Ông nói:
“Đánh xe tăng thì có thể các đơn bị bộ binh ở trong đó họ chưa đánh bao giờ nhưng nhảy dù thì đã đánh với xe tăng nhiều lần, từ Hạ Lào cho tới Cămpuchia…Thực sự cũng không có gì đáng sợ lắm vì nó (xe tăng) chỉ có hỏa lực thôi, nó không có bộ binh đi kèm thì chỉ là những mồi ngon thôi…nó đóng kín và chạy thì có thấy gì đâu, trong An Lộc xe tăng nó bắn nhưng không ngóc được đại bác lên trên cao cho nên ở trên những tầng lầu ‘sút’ nó…thứ hai An Lộc nhỏ lắm, bắn phía sau nó tất cả vũ khí bắn phía sau nó là nó tiêu, hoặc là bắn cháy xích nó thì nó tiêu…An Lộc nhiều hẻm lắm mà dân ở trong đó những toán đi diệt tăng là dân địa phương từ phía sau xịt M72 trúng là nó bị… sau này Mỹ đưa loại hỏa tiền chống chiến xa trang bị trên trực thăng Cobra thì bắn trúng là tiêu.”
Cựu Đại úy Biệt Cách dù Lê Đắc Lực người từng được trực thăng vận vào An Lộc ngày 15/4/1972. Từ Houston Texas nơi quê hương tạm dung, ông Lê Đắc Lực hồi tưởng:
“Từ trước tới nay chúng tôi chưa bao giờ chạm địch mà có chiến xa yểm trợ, là những người chuyên nghiệp trên các mặt trận chúng tôi có giao động một đôi phút đầu tiên thôi. Bọn tôi nhảy vào trong đó thấy được chiến trường lúc đó đã quá bi đát rồi, hơn nữa lại đụng phải chiến xa của địch, chúng tôi rất giao động, nhưng chúng tôi là lực lượng đưa vào để giải quyết và tiếp cứu chiến trường nên tinh thần chiến đấu vẫn vững vàng, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Phan Văn huấn chúng tôi đã được tác động rất mãnh liệt và không chùn bước chiến đấu diệt tăng, chúng tôi đã thành công với chiến thuật diệt tăng bằng những quả đạn đại bác nhét TNT vô và dùng con cóc của mìn Claymore để bắt vào đó và đặt trên đường. Khi chiến xa đi qua chúng tôi bấm cho nổ quả đạn, ngoài việc sử dụng XM 202 và M72 chúng tôi sử dụng cách đó rất có hiệu quả, xe tăng địch bị phá hủy và trên đường tạo ra những lỗ hổng lớn xe tăng tới sau không vượt qua được. Nhờ phát kiến của Trung tá Huấn cho nên xe tăng không còn là một trở ngại lớn đối với Liên đoàn 81 Biệt cách chúng tôi.”
Mặt trận An Lộc để lại những ký ức mà tôi không thể quên trong đời phóng viên. Từ việc trực thăng bị bắn rơi ở vành đai An Lộc ngày 29/4/1972 tới dấu ấn 13/6/1972 vào được An Lộc gởi về bài tường trình tại chỗ với cuộc phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng và sau cùng là chuyến tháp tùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào An Lộc ngày 7/7/1972. Một giai đoạn lịch sử đã kết thúc, nhưng trong giấc ngủ đôi khi tôi nghe tiếng cánh quạt trực thăng phần phật gió và tiếng đạn pháo nổ nháng lên ánh lửa màu da cam.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được di tản
bằng trực thăng tại Quảng Trị ngày
30 tháng 6 năm 1972.
Ảnh minh họa.
Trong hai bài trước, Nam Nguyên đã kể lại câu chuyện trực thăng vận thành công vào An Lộc ngày 13/6/1972, anh phỏng vấn tướng tử thủ Lê Văn Hưng và gởi tường trình đặc biệt về Hệ thống Truyền thanh Quốc gia; Trong bài thứ 2, Nam Nguyên thuật lại sự kiện anh trở lại An Lộc ngày 7/7/1972 tham gia chuyến đi được bảo mật chặt chẽ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hôm nay trong bài thứ ba, Nam Nguyên lúc đó là Đặc phái viên Hệ thống truyền thanh Quốc gia ghi nhớ những kỷ niệm khó quên, khi mặt trận An Lộc đang ở đỉnh điểm các cuộc tấn công của đại quân Cộng sản Bắc việt.
Ba phóng viên rơi trực thăng giữa rừng An Lộc
Mùa hè năm 1972, An Lộc là chiến trường thách đố với các nhà báo, một thị xã nhỏ bé cách thủ đô VNCH non 60 km bị 40.000 quân Cộng sản Bắc Việt có xe tăng, pháo binh, pháo phòng không yểm trợ vây hãm tấn công gần ba tháng. Các phóng viên chiến trường ở Nam Việt Nam lúc đó đều muốn vượt vòng vây vào An Lộc để làm phóng sự. Ở giai đoạn ác liệt của mặt trận An Lộc, vào ngày 29/4/1972 chúng tôi lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN) đã cùng hai nhà báo khác đi vào An Lộc, nhưng trực thăng bị trúng đạn phải hạ cánh khẩn cấp trong vòng vây của quân Cộng sản.
Ngày 29/4/1972 là ngày thứ 22 An Lộc bị phong tỏa, đường bộ từ Chơn Thành theo QL13 bị cắt ở chốt Suối Tầu Ô xóm Ruộng, hỏa lực địch mạnh đến nỗi lực lượng giải vây với các đơn vị tinh nhuệ như nhảy dù, thiết giáp và bộ binh chịu nhiều thiệt hại nhưng đều không thể phá chốt được. Vì thế chúng tôi quyết định thử lửa với trực thăng của Phi đoàn 223 Sư đoàn 3 Không quân VNCH. Nhóm anh em nhà báo gồm chúng tôi Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN), Thế Hải Đài Tiếng Nói Tự Do (VOF) và Dương Phục Đài Tiếng Nói Quân Đội. Chúng tôi đã lên tàu ở bãi đáp cạnh rừng cao su non Lai Khê. Lúc đó chúng tôi nghĩ là bay vào tử địa thì kiếm một chỗ ngồi bệt trên sàn trực thăng sẽ chẳng ai đuổi xuống.
Nhưng không phải như vậy, ở mốc thời gian 41 năm sau chiến trường An Lộc, năm 2013 chúng tôi tình cờ gặp lại cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, phi công chính của chuyến bay định mệnh tháng 4/1972 và mời ông thăm Đài RFA. Diễm Thi của Ban Việt Ngữ đã đề nghị cựu trung úy phi công Võ Văn Cơ cùng chúng tôi tham gia chương trình Video Cuộc Sống Quanh Ta với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và cảm động. Cựu Trung Úy phi công Võ Văn Cơ cho biết phi công phụ của chuyến bay là Thiếu úy Trương Phương Tuyên hiện cũng định cư ở Hoa Kỳ. Nhớ lại câu chuyện 41 năm trước cựu phi công Võ Văn Cơ nói:
“Tư lệnh của chiến trường cấm tất cả các phóng viên sợ nguy hiểm cho họ, thứ nhất là để giữ bí mật quân số vì lực lượng đối phương lúc đó tới ba công trường với ý đồ của đối phương là chiếm lĩnh tỉnh Bình Long, cuối cùng thì họ không khuất phục được ý chí chiến đấu của mình, ta vẫn chiếm lại được. Ngày mà tôi gặp anh Tiến này tại bãi đổ quân của nhảy dù ở phi trường Lai Khê, khi anh lên phi cơ rồi thì tôi trình lại cấp trên là tại sao có phóng viên lên máy bay? cuối cùng ông Chỉ huy trưởng nói thôi được cứ cho phóng viên lên.”
Trong thời gian này áp lực của cộng quân đang mạnh nhất, đối phương đã mở đợt tấn công thứ 4 thứ 5 và trong tháng 5 /72 thì thêm vài đợt tấn công nữa, tất cả đều có xe tăng, pháo binh và pháo phòng không yểm trợ. Trước các đợt tấn công có lúc địch quân pháo tới hơn 8.000 quả đạn trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Cựu Trung tá nhảy dù Bùi Quyền lúc đó là Thiếu tá trưởng Ban 3 hành quân Lữ đoàn 1 nhảy dù, đơn vị tiếp viện trực tiếp chiến đấu bên trong An Lộc. Từ Bắc California Hoa Kỳ ông Bùi Quyền kể lại là quân đội và thường dân thương vong rất nhiều vì các trận mưa pháo của của địch quân.
“Thời gian đó trung bình cứ 2-3 giây là có một quả đạn rơi vào An Lộc rồi thành thử không chỗ nào không trúng.”
Trở lại chuyến đi ngày 29/4/1972 của nhóm nhà báo chúng tôi, tôi nhớ lại đường bay vào An Lộc rất gần, suốt dọc phi trình phi công bay sát đầu ngọn cây cao su để tránh hỏa tiễn tầm nhiệt SA7, tránh cao xạ phòng không đạn nổ hai lần, nhưng không tránh được đại liên và ngay cả súng AK.
Hôm đó đoàn trực thăng trong đó có chiếc chở chúng tôi không đáp được xuống bãi Xa Cam, địch quân pháo kích mù trời, không một chiếc nào nào đáp được hẳn xuống đất để tản thương. Trực thăng giữ độ cao lơ lửng và bốc lên ngay, nhìn qua khoảng trống của chiếc UH1D chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, một số thương binh còn đủ sức đã đu càng trực thăng, người chậm hơn yếu hơn lại nắm lấy cổ chân đồng đội, trực thăng bốc lên cùng với chiếc thang người đong đưa.
Cả ba chúng tôi Thế Hải, Dương Phục và Nguyễn mạnh Tiến chưa kịp nhảy xuống thì trực thăng bốc lên, bên tai tiếng súng liên thanh bắn vào máy bay, tiếng đạn cối, hỏa tiễn 122 ly nổ liên hồi trên bãi đáp mù mịt khói lửa; hai xạ thủ trên trực thăng cũng khạc đại liên về hướng rừng cao su. Anh Thế Hải cựu phóng viên Đài Tiếng nói Tự do (VOF) hiện nay định cư ở Hawaii Hoa Kỳ, lần đầu tiên sau 40 năm tôi tìm được số điện thoại và liên lạc với anh. Anh Thế Hải rất xúc động kể lại câu chuyện cũ như hệt một đoạn phim quay chậm:
“Lúc đến bãi Xa Cam nhìn một chiếc xuống trước, Việt Cộng họ pháo kinh khủng từ các đồi xung quanh kinh hoàng vô cùng, các thương binh ra để được chở đi pháo Việt Cộng ‘phơ’ tới bãi đáp tung bụi mù. Chiếc máy bay của mình với Tiến và Dương Phục đảo qua một cái thì phi công không thể xuống được vì máy bay đã bị trúng đạn. Trong lúc đó mình nhiệm vụ vừa là phóng viên truyền thanh VOF vừa cầm cái máy chụp hình vừa nói vào máy hình ảnh diễn ra tại đó…trong lúc bấm máy thì thấy máy bay trước mình binh sĩ họ nhào lên, họ bám vào càng trực thăng, máy bay bốc lên vì không thể chở nhiều thương binh…Lúc đó mình hoảng loạn rồi cứ thế bấm máy, phía xa thấy một máy bay tự nhiên có một móc xích mấy người binh sĩ bám vào càng rồi hai ba anh lại bám vào chân người bám vào càng nữa. Mình ghi được cảnh trực thăng bay cao lên, chắc là sức gió và sức chuyển động mạnh quá, có một anh đã rớt khỏi cái chân của anh binh sĩ bám trên càng đó. Mình bấm, ai ngờ về sau họ đưa lên tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ thì lúc bấy giờ mình mới biết hình ảnh mình đã ghi được.”
Trực thăng đổ quân Dù tăng viện, đồng thời
vội vã tải thương binh ra khỏi mặt trận
An Lộc năm 1972.
Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, trong cuộc hội ngộ với chúng tôi ở phòng thu hình của RFA năm 2013 đã làm rõ hơn về việc ông bị thương và máy bay bị hư hại nên không thể đáp xuống bãi đáp. Ông nói:
“Khi tôi trúng đạn bên vai phải rồi thì tôi báo cho chiếc CNC liền xác nhận tôi bị thương rồi, máy bay tôi vẫn còn lơ lửng tôi thấy không đưa được phóng viên xuống, hỏa lực địch bắn rát, mũi phi cơ khói xịt lên như vậy trúng bình điện rồi, may mà nó không bị gián đoạn. Nhưng tôi nhận xét âm thanh máy bay vẫn còn đều nên tôi quyết định bay ra. Nếu tôi đáp xuống ở lại đó thì anh và tôi giờ này cũng là đống xương nằm đó thôi chứ không còn nữa! Địch bắt đầu pháo, nhảy dù cáng thương binh đi ra thì mấy chiếc kia bốc về luôn, chiếc nào ra được là đi chiếc đó không có chần chừ, vừa bị pháo mà hai bên ở thế cài răng lược với nhau không thể chần chừ được. Tôi cất cánh đi ra không dám bay trên QL13 nữa bởi vì đối phương hai bên đã án ngữ nhau rồi. Tôi lên khoảng 5 hoặc 6 dậm thì nhìn thấy ở Đông Nam tay trái có một khu rừng nguyên si chưa có vết bom đạn nào hết là tôi xuống liền. Khi tôi báo CNC trong hợp đoàn tôi họ nghe hết, lúc này tôi không còn liên lạc được với ai nữa, hệ thống vô tuyến đứt luôn rồi. Lúc đó có chiếc Gunship đã xả hết rocket và đạn mini gun rồi, nó nhẹ hơn và xà xuống sau lưng tôi liền. Nó bốc được cho tôi một copilot hai xạ thủ và 3 anh phóng viên này. Tới giờ này tôi vẫn nghĩ là nhờ ơn trên mà còn nguyên vẹn hết chỉ phải bỏ chiếc máy bay.”
Tôi nhớ lại Trung úy Võ Văn Cơ là người cuối cùng rời chiếc trực thăng bị trúng đạn bốc khói và phải đáp khẩn cấp, trong lúc người xạ thủ bên trực thăng vũ trang Gunship vẫy tay lia lịa gọi chúng tôi chạy qua mau. Trung Úy Cơ còn làm một số thao tác trên bảng điều khiển, tôi nghĩ là ông Cơ đã vô hiệu hóa các tần số liên lạc.
Thật ra lúc đó mọi sự diễn ra nhanh lắm, bây giờ hồi tưởng lại như một khúc phim quay chậm hiện rõ sự khủng khiếp của chiến tranh. Lần đầu tiên liên lạc với anh Thế Hải sau 40 năm, anh Thế Hải đã kể lại tâm trạng của anh khi máy bay chở chúng tôi phải đáp khẩn cấp trong khu vực do địch quân kiểm soát. Cựu phóng viên VOF Thế Hải kể lại:
“Mình nghĩ chắc đây là ngày cuối cùng của đời phóng viên rồi…Tôi lại sinh ngày 20/4 ngày bị nạn là 29/4, từ đó mình coi như ngày sinh nhật thứ hai của mình được sống lại. Lúc máy bay đáp khẩn cấp xuống một bãi cỏ, tôi còn nhớ rằng anh em mình hò nhau là phải ra khỏi máy bay sợ nó cháy. Rồi một chiếc Gunship từ đâu xà tới, một chiếc nó bắn yểm trợ xung quanh, một chiếc nó bốc anh em mình lên; trong lúc đó nghe tiếng súng AK nổ chát chúa cứ mỗi lúc một gần, mình nghĩ chắc là anh em mình kể như bị bắt rồi, trong lúc đó mình bảo thôi nếu bị bắt rất đau khổ thì thà rằng xin được chết ngay tại trận.”
Ngay từ khi lơ lửng ở bãi Xa Cam với cảnh pháo kích, tiếng súng của xạ thủ quạt lia lịa về hướng các bờ từng cao su, chúng tôi đã tường thuật vào trong máy, khi lên được chiếc Gunship tôi cũng tiếp tục nói vào máy. Khi về tới Lai Khê, cả ba chúng tôi xúm lại để phỏng vấn người phi công bị thương. Cả ba Đài Phát Thanh hôm đó đều có bài tường thuật sôi nổi. sau đó, chúng tôi cũng viết bài phóng sự trên báo Sóng Thần. Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ nhớ lại:
“Sau chuyến bay ngày 29/4 và cứu được phóng viên rồi, thì ba ngày sau trên tờ báo Sóng Thần tôi đọc được bài viết ‘ cảm ơn nhân viên phi đoàn 223 đã cứu mạng sống các phóng viên’ hôm đó tờ báo Sóng Thần ra ngày 2 tháng 5, tôi vẫn còn nhớ.”
Bay trực thăng vào An Lộc những ngày đó thật là nguy hiểm, sau chúng tôi hai ngày hôm 1/5/1972, Điện ảnh viên quân đội Nguyễn Ngọc Bình ở trong số 11 người kể cả phi hành đoàn, đã hy sinh vì trực thăng của họ bị bắn rơi trên phi trình vào An Lộc. Sau này, một đồng nghiệp của phóng viên Nguyễn Ngọc Bình là anh Đỗ Văn Mỹ đã theo cánh quân Trung đoàn 15 giải tỏa quốc lộ 13, anh đi bộ 15 km đường rừng từ Tân Khai theo hướng An Lộc và tìm thấy chỗ trực thăng bị bắn rơi. Di hài phóng viên điện ảnh Nguyễn Ngọc Bình chỉ còn xương cốt nhưng các reel phim 16 ly và máy quay cháy nám vẫn quàng trên xương ngực. Đỗ Văn Mỹ được biết nhiều hơn với tục danh Mỹ Voi vì người anh cao lớn, Mỹ Voi đã gom xương cốt người bạn thân vào hai thùng đạn súng cối và xin trực thăng tản thương chuyển về Saigon. Bà quả phụ Nguyễn Ngọc Bình sau đó xác nhận đúng là di cốt của chồng, nhờ một vết tích riêng ở răng của anh.
Sau chuyến bay định mệnh ngày 29/4/1972, phải 44 ngày sau tức 13/6/1972 chúng tôi mới vào được An Lộc phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng để gởi về bài tường trình tại chỗ và đến ngày 7/7/1972 chúng tôi trở lại An Lộc theo chân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Mặt trận An Lộc là một chiến trường đầy thách đố với các nhà báo. Riêng đối với chúng tôi nó là phần quan trọng nhất trong cuộc đời phóng viên của mình.
No comments:
Post a Comment