Friday, February 21, 2014

• Mũ nâu HỒ CÔNG BÌNH

Mũ nâu HỒ CÔNG BÌNH
Chân Dung Tác Giả
BĐQ Hồ công Bình xuất thân khoá 24 SQTB/TĐ. Năm 1968, là Trung đội Trưởng thuộc ĐĐ4/ TĐ 38 BĐQ, anh đã tham gia hành quân giải toả Thủ Đô SAIGON (vùng CHỢLỚN) vào Tết Mậu Thân 68, và Tổng Công Kích đợt 2 của Cộng Sản.
----------------------------------
Được thăng cấp Thiếu Uý và thuyên chuyển về TĐ 30 BĐQ, anh đã tham gia hành quân vượt biên trên lãnh thổ Kampuchia đầu tiên năm 69. Anh là đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 30 BĐQ từ 69 đến 73.

Năm 72, anh được thăng cấp Đại Úy, tham gia HQ ngăn chận CS tại vùng giới tuyến Quãng Trị, rồi An Lộc, Bình Long, sau đó được thuyên chuyển về LĐ4 BĐQ. Chức vụ cuối cùng cuả anh là TĐP/ TĐ43 BĐQ, hành quân khu Bắc Bình Định và KonTum, Pleiku. Đơn vị cuả anh là đơn vị rút lui sau cùng trên Liên tỉnh lộ 7B (Từ Pleiku, Phú Bổn về Nha Trang).

Từ khi anh NGÔ MINH HỒNG, vị chỉ huy khả kính, ra đi mãi mãi, tôi buồn quá. Buồn vì hình ảnh cuả anh, và Liên đoàn cuả anh qua những cuộc hành quân trên khắp mọi miền đất nước vẫn lung linh sống động, gợi trong tôi chút niềm tự hào xen lẫn cay đắng xót xa. Sáu năm là thời gian anh về nắm TĐ38, và Liên Đoàn 5 BĐQ. Từ đó, LĐ 5 cứ thế đi lên thật vững chắc thể hiện qua nhiều mặt trận mà cường độ của trận chiến càng trở nên khốc liệt, góp phần tạo thêm hào quang cho binh chủng. Anh rời Liên Đoàn khi đơn vị đã được trui luyện già dặn trong lửa đạn, vì anh được lịnh thuyên chuyển về Liên Đoàn 4 BĐQ tổng trừ bị, nhận lảnh nhiệm vụ mới cao hơn. Từ đó tôi đã xa anh, miệt mài theo đơn vị mới, trôi nỗi theo vận nước. Xum họp nơi quê người, anh ưu tư về tình chiến hữu nên đã đứng lên cùng với những anh em còn thiết tha đến binh chủng, gầy dựng lại cái tinh thần huynh đệ chi binh trong binh chủng BĐQ. Từ đó, các Hội BĐQ lan dần đến các tiểu bang, trên toàn thế giới. Nhưng, định mệnh thật khắc nghiệt, bệnh nan y đã quật ngã bắt anh phải nằm xuống. Anh đã phải chia tay cùng anh em chiến hữu để ra đi vào miền miên viễn, bỏ lại ý nguyện nhân ái chưa hoàn thành. Anh ra đi để lại trong lòng mọi người nhiều sự thương mến nhớ nhung. Biến cố này làm tôi như bị hụt hẩng. Dường như, khả năng cầm bút để viết lách cuả tôi bị thui chột, hững hờ. Vì thế, tôi đã vắng mặt một thời gian khá dài trên Tập San BĐQ. Đọc báo, xem TV, hình ảnh người chiến binh của đất nước quê hương thứ hai đang chiến đấu trên chiến trường ngoại biên không ngừng tác động đến tôi, làm tôi luôn liên tưởng đến mình rồi lại nhớ đến anh và đồng đội. Tôi đã cố gắng theo chân anh để vun đắp thêm cái tình của binh chủng, cố gắng tham dự nếu có thể với tất cả lòng nhiệt thành.

Ngày 11 tháng 7, 2010 – ĐH 50 BĐQ
Kỷ niệm Kim Khánh cho BĐQ, một ĐH chỉ có một không thể nào có hai lần (có thể anh và chúng tôi tổ chức... đó). Vì thế khắp nơi không kể 50 tiểu bang của USA, sát bên CANADA, vọng qua Thái Bình Dương là xứ Cangouru (AUSTRALIA), xa hơn là ÂU CHÂU có tiền đồn NATO…, cọp già, cọp nhỡ, cọp nhí, cọp cái tha cọp con về tham dự thật đông, ĐH kỳ này được đánh giá là đông đảo, hùng hậu từ trước tới nay. Trong niềm hân hoan chung đó ai cũng nở hết nụ cười. Những cái bắt tay thật chặt, những vòng ôm xiết bấu lấy nhau, những cái vỗ vai thành tiếng, và những lời nói phát ra rất người, đậm nét lính không một chút đắn đo suy nghĩ.

Đó là cái tình của Lính sau những gian truân hiểm nguy, mất mát đau thương, khi hoàng hôn phủ trùm bãi chiến, sau những đày ải nơi rừng sâu khắc nghiệt, và sau bao năm tháng cách biệt, nay gặp lại…

Còn gì để nói, phải không bạn? Lính không thể khóc được nữa, vì đã khóc cho những ngày đầu chiến trận khi nhìn thấy binh sỉ thuộc quyền bị thương, hình hài không nguyên vẹn, những làn da bị bỏng sưng phù, những sợi gân bầy hầy trắng nhạt, những giòng máu chưa ngưng chảy nơi trận địa, với tiếng rên đau kêu gọi cấp chỉ huy để nói lời trăn trối. Nỗi đau tràn ngập trong người, Lính dằn cảm xúc, môi mím chặt, mắt hoen đỏ. Hình như đã có một vài giọt lệ sắp lăn xuống má. Bỗng nhiên, ý chí chiến đấu bừng dậy, Lính đứng thẳng lên tiếp tục dành lấy chủ động hầu dành lấy chiến thắng. Kể từ đó, Lính chỉ còn lệ khô sâu thẳm trong hồn. Thế mà ngay đây, giờ phút này để tâm quan sát sao mình vẫn thấy có chút gì mằn mặn cay cay trong ánh mắt và đầu môi. Phải chăng mình đã xa rời trận địa lâu quá rồi, thành ra đã mất đi cái can trường của năm tháng cũ?
Gặp lại Alfa [TĐT], ĐĐT, ĐĐP và các TR/ĐTcủa TĐ43 BĐQ, Alfa và Bravo tôi được các SQ TĐ43 ưu ái thết đãi một bửa tiệc riêng tại nhà hàng ROYAL. Buổi hội ngộ được coi như đầy đủ nhất của TĐ sau bao năm xa cách. Thật vui và đầy ắp tình chiến hữu. Thay mặt cho Alfa XẺNG, xin đa tạ các bạn và các quý phu nhân đã hiện diện trong đêm hội ngộ TĐ 43BĐQ. Đa tạ, đa tạ.

Trong lúc chung vui với các chiến hữu TĐ43 và các người thân quen khác, khi tôi đi ngang sân khấu để ra cửa chính của nhà hàng MON CHERI, một tà áo xanh đang hơi thấp người xuống để lấy hình ảnh đẹp trên sân khấu, chặn ngang tôi. Tôi đã thối lui vài bước để tránh theo phép lịch sự. Bất chợt, cô lên tiếng:
- Xin lỗi, có phải anh B không?

Âm giọng cô vừa dứt, toàn thân tôi như bất động, đứng chết lặng, không thốt ra được lời nào. Trong sét-na đó, chỉ duy ánh mắt cuả tôi tập trung vào khuôn mặt bầu bỉnh ôn nhu, cùng dáng người mảnh mai, nhỏ nhắn với tà áo dài xanh biểt mượt mà, ôm lấy mái tóc còn đen phủ lấy bờ vai gầy.
- H… H/C đó sao?

Cả không gian ngày đó… TẾT MẬU THÂN 68, VC tổng công kích đợt 2 [5 tháng 5 1968], khung trời của lửa đạn ngày cũ hiện ra lồng lộng. VC đã bị đẩy ra khỏi Thủ Đô trong Tết Mậu Thân nhưng sau đó lại xâm nhập trở lại mà nặng nhất là khu CHỢLỚN. Trải dài từ Quận Tân Bình qua Tân Phú đến Quận 11, vào Quận 5 qua Quận 6, tiếp theo Quận 7 cặp theo sông đi Cần Giuộc, làm thành một vòng cung khá rộng, mà cửa ngõ là TÂY NINH, HẬU NGHĨA. LONG AN cũng là hành lang xâm nhập của địch. VC đã chiếm lĩnh trận địa, nắm giữ được một số con đường chính yếu vào Thủ Đô. Các cao ốc trọng yếu đã bị chốt, thật khó khăn để đánh bật địch quân. ĐĐ3/ TĐ38 BĐQ được điều động từ xã Phú Lạc, Quận Bình Chánh vòng dưới chân cầu Nhị Thiên Đường tiến về cầu CHỮ Y bằng 5 GMC.

Do không được thông báo tình hình nên chiếc xe đầu tiên với một trung đội đã lọt vào ổ phục kích VC ngay tại ngã ba đường Âu Dương Lân, và Phạm Thế Hiển. Thành phần còn lại của ĐĐ3/ TĐ38 BĐQ đã hạ chiến trải dài cặp theo hai bên đường PhạmThế Hiển. Một trung đội cặp dãy nhà sát bờ sông để yểm trợ cho trung đội 3 của tôi theo dãy nhà bên trong đánh bằng lựu đạn. Bằng mọi cách chúng tôi len lỏi yểm trợ cho nhau để khai thông ngã ba Âu Dương Lân & Phạm Thế Hiển để cứu trung đội 1. Thật vất vả khó khăn vì không có một yểm trợ nào từ bên ngoài. Dù sao với thời gian không dài, trung đội của tôi cũng đã chiếm lĩnh trận địa và tiếp tục tấn kích lên hướng TĐ1 Công Vụ ngay dưới chân cầu CHỮ Y. Đại đội tổn thất không nhẹ. SQ Trung Đội Trưởng Tr/Đội một, bạn cùng K24 TĐ, đã hy sinh ngay phút đầu tiên khi lọt vào ổ phục kích của VC.

Ngày hôm sau, ĐĐ di chuyển vào CHỢ LỚN qua cầu CHÀ VÀ, xuống xe gần bưu điện Chợ lớn. Lúc này đơn vị đã được thông tin đầy đủ tình hình trong khu vực được xem là mục tiêu để đánh chiếm. Dân chúng khu này phần đông là người Việt gốc Hoa đã trú ngụ lâu đời ở đây. Họ đã lũ lượt bỏ chạy qua khu vực cận kề để tránh VC cũng như có thể theo dõi sát tình hình nhà cửa của họ. Vì thế đơn vị cuả tôi có thể phần nào xử dụng hỏa lực nặng hầu phá sập các vị trí phòng thủ vững chắc của địch quân, tiến chiếm khu vực bùng binh Tổng Đốc Phương, và đường Hậu Giang. Từ đó đại đội cặp theo đại lộ Hậu Giang, gần sát khu đèn 5 ngọn mà cao ốc là nhà hàng Soái Kình Lâm cần phải đánh chiếm đầu tiên. Tiếp theo ĐĐ đánh chiếm từng căn nhà. Trung đội chia ra nhiều tổ, mỗi tổ 3 binh sỉ. Tổ này yểm trợ cho tổ kia leo, đu, bám, nhảy lên gác của nhà bên cạnh, còn bên dưới thì đục tường tạo thành lổ hổng vừa phải, tung lựu đạn qua, khi lựu đạn vừa nổ xong là phóng mình qua lăn người nổ súng ngay, áp dụng lối đánh “Tác chiến trong thành phố“. Trung đội đã cùng với ĐĐ 3/TĐ 38 Cọp Đen đánh bật địch giải tỏa được một khu phố đến ngang chợ Kim Biên và hãng xà bông Cô Ba Trương văn Bền. Bắt đầu khu vực này VC bám trụ liều mạng vì khó tìm được lối thoát.

Những ngày kế tiếp thật cam go, tổn thất bắt đầu. Những căn phố buôn bán sầm uất trước kia nay hoang vắng không một chiếc xe hay bóng người trên đường. Thỉnh thoảng, bóng dáng chiến binh BĐQ ép sát mặt tiền nhà thoáng đó, mất đó cùng âm vang tiếng nổ đủ loại của ta và địch. Một vài chiếc xe cứu thương vội vã chạy ngang. Thoáng tiếng hụ còi của Cảnh sát và Quân Cảnh làm nhiệm vụ. Không xa là những cụm khói bốc lên cao từ những đám cháy do đạn bích kích pháo DKZ 57, tổ súng nặng của TĐ tăng phái. Tại nơi đây tôi chỉ cách nhà của cha mẹ một hai khu phố, trên đường Hùng Vương đối diện rạp hát Thủ Đô, mà cũng không biết được tin tức về gia đình. Tuy nhiên, khu vực bên đó bình yên cũng đở âu lo.

Phải công nhận rằng – khói lửa ngập tràn, địch quân thấy ta mà ta lại ít thấy địch. Có những người lính gục ngã ra đi thật bất ngờ trong nghẹn ngào tức tưởi. Những tiếng nổ do bắp chuối B40, B41 của VC đã gây thương vong không ít cho chiến sỉ ĐĐ. Nhưng không vì thế mà tinh thần chiến đấu bị ngưng lại, trái lại họ đã can trường hơn mãnh liệt tiến đánh xáp lấy địch, bắt buộc địch quân phải thối lui xa ra. Một khu phố nối tiếp đã được chiếm. Vẫn tiếp tục theo mũi tên tấn kích. Lại chạm nặng. Hầu như là nơi đặt BCH của địch nên sự chống trả có phần quyết liệt. Hai bên giằng co nhau khá lâu. Cuối cùng đã phải xin Gunship yểm trợ. Khói đỏ được tung ra để chỉ điểm muc tiêu cho trực thăng xạ kích hỏa tiển. Tiếc thay trực thăng vỏ trang MỸ đã xạ kích vào trường Trung Học Phước Đức, nơi đặt BCH/ LĐ5 BĐQ nằm ngay trên đường Hậu Giang xéo chợ Kim Biên đã làm thiệt mạng vị Tr/Tá LĐT /LĐ5 BĐQ, và vài vị SQ cao cấp cuả BKTĐ và Cảnh Sát Đô Thành (Cho đến bây giờ nguyên nhân cũng chưa được giải bày thỏa đáng. Có thể là mấu chốt chính trị… Ai biết!). Nhưng về mặt quân sự, tại sao lại có thể xảy ra như thế?

Được biết xạ kích một mục tiêu cần phải theo đúng nguyên tắc sau:
- Phải xạ kích từ Đông sang Tây hoặc ngược lại đối với mục tiêu.
- Xạ kích Mục Tiêu từ hướng Nam lên Bắc để tránh bắn lầm vào quân bạn ở phía Nam mục tiêu.
Nếu được thực hiện đúng như thế, thì tại sao có thể bắn lầm mục tiêu?

Sau sự việc đáng tiếc trên, ĐĐ3/ TĐ38 BĐQ được hoán chuyển đến khu phố trách nhiệm khác. Từ Cầu Đôi Phú Lâm đến cầu Cây Gõ nằm trong khu vực D do Đại tá Trần văn Hai CHT/ BĐQ kiêm Tư Lịnh CSQG làm Tư Lịnh Mặt Trận Khu D. Trung đội được đổ xuống ngay trường Trung Học Mạc Đỉnh Chi giải tỏa khu vực từ Cầu Đôi Phú Lâm tới đường Hậu Giang. Bắt tay với cánh quân của TĐ35 BĐQ bên Phú Định kéo dài tới Mũi Tàu, Phú Lâm. Băng qua lộ để trải quân theo những con hẻm nhỏ từ đó nương theo những căn nhà để tiến quân. Tiếng đạn AK 47 chát chúa phát ra từ bên trong xí nghiệp dầu gió B/S Tín. Khom lưng cùng trung đội chạy thật nhanh đến 4 căn nhà ngang sát con lạch nhỏ của Cầu Đôi, Phú Lâm bên cạnh trại hòm. Đặt Ban chỉ huy trung đội tại một nhà gạch nhỏ cách đó 2 căn để điều động các tiểu đội bắt đầu xâm nhập diệt trừ VC. An toàn khi băng qua lộ. Điều đó chứng tỏ VC ở phía sau dảy nhà ngang đang đặt BCH. Qua khung cửa sổ thấy thấp thoáng có bóng dáng người trong nhà. Sau đó, một thiếu nữ nhỏ nhắn kéo nhẹ cánh cửa sắt nghiêng đầu ra ngoài như thăm dò xem những ông lính rằn ri này là ai:

- “Các anh vừa mới tới hả?“ Tiếng cô gái.
- “VC đang ở phía sau sao cô và gia đình vẫn còn ở đây?“
- “Họ chưa tới chỗ này thì chưa đi. Nhà mình mà“
Chà chà, dữ à nghen! Cũng lỳ thiệt. Lúc này đây mới thấy được cái duyên dáng, pha lẫn chút nhí nhảnh trên cái miệng nhỏ xinh, mang một âm giọng miền Nam nhẹ nhàng truyền cảm. Chính vì vậy âm giọng đó đã mãi mãi theo tôi, và đọng lại một góc nào đó trong trí nhớ từ lúc còn là một SQ non trẻ sắp tròn một năm chinh chiến. Vâng, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi trò chuyện, hình như cả hai cảm thấy bàng bạc một chút gì đó lưu luyến mến mến. Handset bên tai cho biết: tiểu đội đầu đã vào sâu đươc 50m. Phải rời vị trí để tiếp tục lộ trình tiến quân đã định trên tấm bản đồ 1/25.000 của thành phố SAIGON. Lời giã từ đưa ra nhưng trong tâm hầu như muốn giữ lại, dầu sao… Dầu sao cũng phải chia tay và trong lòng tự hứa sẽ trở lại chốn này. [năm xưa, chốn này mình quen biết nhau…]

Tiến sâu vào trong đúng như dự đoán, trận đánh bắt đầu. Không còn tâm trí để nghỉ gì khác ngoài lệnh lạc. Kèm theo tiếng súng là lựu đạn thi nhau nổ, cùng tiếng ‘’bóc…bóc…” của M79 khai hoả vào những cửa sổ nơi có bóng dáng VC. Cùng theo đó tiếng súng AK bắn trả. Tiến sát theo tiểu đội đầu tiên hầu nắm vững tình hình trận địa. Bỗng tiếng ầm dữ dội vang mạnh vào tai, hai tay ôm lấy ngực lảo đảo ngã nhào, văng vẳng bên tai: - “Trình Charlie, thẩm quyền Bắc Bình bị kiến cắn khá nặng xin 2 lần tango“ Tiếng của Tâm, hiệu thính viên trung đội.

Văng vẳng tiếng Trung sỉ Lâm trung đội phó ra lịnh cho một binh sỉ dùng băng cá nhân băng vết thương trên đầu và mặt. Trong khi lồng ngực như bị bỏng nóng rát và hơi thở thật khó khăn, miệng cảm giác mằn mặn, mắt nhòa với hình ảnh mờ đục xung quanh, tôi đã phải rời bỏ trận địa…

Sau gần 3 tuần lể điều trị dưỡng thương tại Bệnh Xá Liên Đoàn 5 BĐQ, nằm trong Trường Đua Phú Thọ, nhận được lịnh phải trở lại đơn vị gốc ngay do tình thế đòi hỏi, cũng như tình trạng khiếm khuyết SQ cấp nhỏ nắm giử Trung Đội để tiếp tục hành quân tảo thanh và diệt trừ nốt những thành phần VC còn đang trụ lại ở Cây Gỏ và đường 46. Hơn một tuần lễ càn quét, VC đã chém vè về hướng mật khu Lý Văn Mạnh, chiến trận tạm lắng xuống. và an ninh vãn hồi. Phần đông dân chúng lục đục trở về. Một số ít than khóc khi nhìn thấy nhà cửa của mình không còn nguyên vẹn.

Biết sao hơn, cuộc chiến nào cũng thế. Hậu quả vẫn là những đau xót, mất mát, và đầy nước mắt phân ly. Giai đoạn tái thiết hình thành, BĐQ cũng góp bàn tay xâydựng. Cùng lúc chánh quyền phát động đoàn ngũ hóa nhân dân, vì vậy Nhân Dân Tự Vệ ra đời. Cùng một số SQ của LĐ5 BĐQ trở thành HLV bán quân sự cho Đoàn Thể NDTV, mà họ là dân chúng địa phương nơi đơn vị đang trú quân, tạo cho họ có chút hiểu biết căn bản về quân sự ngõ hầu tự bảo vệ lấy Phường, Khóm của mình. Tiếp theo sau đó là học tập, thao dợt binh sĩ qua các đợt Vận Hội Mới của TC/ CTCT/ CCH đến ủy lạo an ủi giúp vui cho Binh Sĩ. Thời gian này có thể gọi là thời gian rảnh rỗi vì thế tự nhiên thấy lòng bâng khuâng bồi hồi nhớ về ngày ấy.

Hôm đó một ngày không quên trong đời. Vâng, ở trong tình cảnh như vậy khó có thể diễn tả hết được sự trọn vẹn của nó. Một chút luyến thương mới trước đó không bao lâu để rồi quả đạn B40 đã đưa thân xác vào cơn mê mệt đớn đau đến một nơi nào khôngrõ nhưng giờ đây mình vẫn còn hiện hữu có mất ít máu có để lại vết sẹo trên đầu trên mặt âu đó cũng là chứng tích của cái phút đầu gặp gỡ [phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng… còn mình B40 quay mê mê… thấy phê...] tự nghỉ cũng như đã tự hứa sẽ trở lại chốn ấy nhìn lại người ấy ra sao và việc đó đã xảy ra vì… vui nào hơn chiều nay khi ngoài kia ánh sáng đầy nhà… có nàng…

Nơi ghế ngồi của một quán Cà phê hướng về Bùng Binh Minh Phụng, Cây Gõ, ngồi bên nhau trong niềm hoan lạc của mọi người, sức sống trở về với Saigon-ChợLớn, thành phố thủ đô của VIET NAM. Dòng người tấp nập rộn rã trên những tuyến đường mà trước đó đã phải chịu đựng những âm thanh gầm thét, hung tợn không phù hợp với dáng vẻ xanh tươi mượt mà của chính nó. Chỗ ngồi đó để nhìn thấy em trên đường đến sở làm TC/ CTCT/ CCH trong BKTĐ với áo dài bay bay cuốn theo gió trong những buổi sáng thường nhật bình dị như nhiều lần nơi chổ đóng quân Cần Giuộc, một miền quê êm đềm mộc mạc đơn sơ lặng ngắm cánh chim bay gọi đàn, dù chiến tranh đang hiện diện - đẹp quá bức tranh quê hương buổi sớm mai và bổng dưng niềm thương yêu chợt đến… …

Em và tôi vào đời quá sớm. Ở vào độ tuổi mà nếu là bậc cha mẹ chắc không ai vui. Thế mà mình đã sắp một tuổi chiến đấu rồi, còn em cũng vẫn đượm nét thơ ngây để cùng các bạn đem nghiệp vụ của mình ủi an, an ủi những người lính chiến, và cùng tranh đấu cho lý tưởng tự do cho quê hương VIET NAM. Để rồi từ đó đơn vị đã dãn ra ven đô, xâm nhập vào mật khu Lý Văn Mạnh bên giòng sông Vàm Cỏ. Lại thương trận rồi về lại. Rồi lại rong ruỗi Tây Ninh: mật khu Dương Minh Châu, Hố Bò, Tam Giác Sắt; và Kampuchia xứ người: Chipu, Kampong Chak, Suong, Binh Cheang, Chlong, Dambe… Những địa danh xa lạ buồn bã, ngút ngàn cao su, cùng rừng già. Em chắc cũng không khác gì anh mấy. Cường độ chiến tranh tăng cao, hệ lụy càng nhiều thì sinh hoạt đơn vị càng cần đến những toán của các em. Vì thế rày đây mai đó không khác chi lính chiến, từ đó số lần gặp gỡ như vì sao rụng…

Về đơn vị mới LĐ4 BĐQ, đơn vị tổng trừ bị cho QL/VNCH, khu Bắc Bình Đinh. Từ ngữ đó Saigon hình như ít được nhắc đến và cả năm cũng chưa được diện kiến đến nó, để được nhớ về kỷ niệm để được gặp lại ai đó bên song. Nhưng song thì còn đó mà người thì nơi nao rồi [giờ này em ở mô… Quang Trung… Dục Mỹ hay Lam Sơn…. Giờ này em ở đâu… ớ ơ ờ… ớ ơ ờ… đâu phải bài hát này chỉ riêng dành cho “man” phải không?] Năm 74, gặp lại em ở Dục Mỹ. Chưa nói được gì thì em đã theo đoàn trở về Thủ đô. Liên Đoàn 4 BĐQ trở ngược lên Quốc Lộ 19 trấn giử đèo Măng Giang ngửa mặt lên trời nhìn sao Hôm. Bàng bạc bồng bềnh mây trôi trên đỉnh đèo. Tay sờ vào mây mây mong manh nhẹ quá lại ngẫm nghĩ về mình. Cũng lênh đênh, cuộc tình thì mong manh nhẹ tựa sương cùng khói. Thấy lạnh cả người tư lự về phương Nam xa xa… xa… xa…

Di tản chiến thuật năm 72 từ Quảng Trị về bên giòng Mỹ Chánh. Dù có kinh hoàng và tổn thất nhưng QL/VNCH vẫn còn kiên gan, anh hùng đánh chiếm lại QuãngTrị, để lại một nét son sáng ngời. Nhưng khi di tản rời khỏi Pleiku, phải nói rằng cả hai cuộc di tản đều cùng mang nặng một nổi đau khôn nguôi khó nhòa, và uẩn ức cùng cực. Lần di tản trên Liên Tỉnh Lộ 7B, cái xương sống cao nguyên rớt từng đoạn. Theo các tỉnh xuôi Nam chỉ gượng lại tại Long Khánh một đổi, để rồi rớt hẳn, và đổ sụp tại Sàigon. Vận nước suy vong bởi nhiều hình thức sai lầm, và một số đoàn thể chính trị khả ố. Mọi nước nhược tiểu đều phải nằm dưới sự sinh sát của ngoại bang. Âu đó cũng là vận mạng của đất nước và khổ nạn chung của cả dân tộc VN.

Hơn 10 năm tù, trong đau đớn, đói rách, khổ ải cùng cực. Chiến đấu với chính bản thân, và nghịch cảnh để tự tồn. Nói ra thật xấu hổ và nhục cả ngườí. Ít ai nghỉ đến gia đình vì có thời gian đâu để nghĩ. Ngoài việc lo mưu sinh, lao động, kiểm thảo thì còn thờì giờ đâu nữa để suy tư về chuyện tình. Mà thật ra nếu có một thoáng nào đó nghĩ tới cũng chỉ làm cho mình thêm ưu tư muộn phiền. Đôi khi còn bảo bọn họ “cho mình 1 phát đạn xong cuộc đời cho rồi”. Thời gian đi qua, với sự vận động đầy nhiệt tâm của Bà Khúc Minh Thơ đến TổngThống Hoa Kỳ, chúng tôi được phóng thích chờ đi định cư MỸ. Phú Lâm đây, căn nhà nhỏ nhắn vẫn như thuở nào, hàng hiên cô đơn còn đó, vôi từng mảng rụng loang lổ. Dấu vết cũ quanh đây có phần u hoài vắng lặng như hoang phế. Thật may chị Hai vẫn còn đó. Cũng nhân dáng mỏng manh với nụ cười dịu nhẹ ẩn chứa một chút gì đó xa xăm dịu buồn:

- Bình, em đó phải không? Tếng chị Hai
- Bao năm rồi chị vẫn còn nhận ra em sao?
- Dù có gì gì khác nơi em chị vẫn nhận ra em mà.
- Còn em, em cứ ngỡ chị sẽ hỏi em là ai. Thế H đâu rồi chị?
- H đi MỸ năm 84 rồi.
- Thế à! [ngắn gọn như tiếng nghẹn trong âm giọng].
Từ giã chị Hai, từ biệt chốn xưa cố gắng đưa hết khung cảnh có phần hoa mộng xen lẫn sầu buồn vào tâm trí một lần cuối. Biết đâu một ngày nào đó mình cũng bỏ lại để ra đi.
- Em đi nghe chị Hai. Em đi nghe chị Bích.

Quả thật lời nói thân thương từ giã chị Hai cũng là lời chia tay vĩnh biệt khi chị đã rời bỏ cuộc đời khốn khổ ra đi nhưng em tin chị Hai sẽ luôn an bình nơi cỏi phúc. Em đang nhắm mắt nghỉ về nơi đó… Vẫn hình dung thấy chị đang nhoẻn miệng cười, nụ cười vẫn thế như ngày nào, nụ cười đầy bao dung từ ái hướng về những người thân thương dưới thế.

36 năm đi qua, thời gian hơn nửa cuộc đời của một con người không được tin tức về em. Có tin đưa đến, nhưng rồi lại bặt tin. Tôi bên này Thái Bình Dương, em bên kia Đại Tây Dương. Cuộc sống cũng quá éo le nơi xứ người. Cơm áo, gạo tiền, công việc lôi kéo phần nào cản trở ý tưởng gặp nhau. Tự nhiên bây giờ em xuất hiện ngay hôm nay trong ngày ĐH50 BĐQ. Một việc khó tin nhưng là thật. Thử hỏi xem có ai đó rơi vào hoàn cảnh này “lính nghỉ gì”. Đưa em về bàn, nơi những người bạn xa xưa thân thương của em đã ngồi. Có phải tôi đã quá vô tình chăng? Tôi đã tới lui khu bàn này nhiều lần như gặp chị Hoàng vĩnh Thái, như nói chuyện với SQTV Nguyễn thanh Phong cũa Th/ Tướng CHT/ BĐQ/ QLVNCH, ngồi bàn kế; và bạn Giàu, Không Quân, ngồi bàn bên cạnh.Thế mà, tôi đã không nhìn thấy em cùng HT cô em gái kết nghĩa sau này. Tệ quá đi thôi. Xin thứ lỗi, thứ lỗi không phải đường xa mắt nhoè đâu nghe.

Gặp lại cố nhân một cách bất ngờ, niềm vui len lén rộn rã xôn xao nơi bàn, êm ả đón nhận cho đến tàn tiệc ra về. Trong lời từ giã hàm chứa biết bao điều muốn nói phải không em? Kể từ hôm ấy, mốc thời gian đã được khoanh lại trong “nhật ký hành quân”. Rồi một tháng qua đi trong tâm tưởng. Những suy tư lồng theo bao hình ảnh cũ mới, đầy ắp những kỷ niệm xót xa, lẫn thân thương, lót trải theo giòng đời trôi nổi, xoắn lấy nhau hiện lên đậm nhạt, tạo thành bức tranh tổng thể của cuộc đời, mà trong đó những sự kiện đưa đến đã nằm ngoài sự thiết tha mong muốn của con người, ngoài tầm tay với. Đó cũng là Ý của Bề Trên. Khởi tan, tan khởi. Đó là định luật của Tạo Hoá vậy. Trên sáu bó lẻ mấy que tuổi đời rồi.

Từ lúc khởi nghiệp còn non trẻ đến nay cũng đã bước vào hoàng hôn của cuộc đời. Nhìn lại đánh giá: tận hết khả năng cống hiến và làm việc. Để rồi gian khổ đến rồi qua đi. Bình thường đến, một ngày như mọi ngày và may mắn hơn những kẻ khốn cùng. Vì thế tin, và chờ đợi những gì sẽ đến. Để rồi bình thản nhận lãnh, vì không ai có thể biết được tương lai của mình đi về đâu. Nhận lãnh và đa tạ khi phần đời còn lại ngắn ngủi này đã có ”phần” gặp lại người xưa. Biết bao nhiêu năm dài… thật dài… biệt ly… để lại khoãng trống đong đầy khúc mắc… ưu tư… muộn phiền. Với thời gian tới khoảng trống đó hy vọng được sang lấp bằng lời thật, kéo theo nụ cười dịu nhẹ bao dung từ ái như của chị Hai ngày nào. Mong lắm thay! Chị Hai trên ấy chắc đang nở nụ cười hơi khác khác và mắt chị đang nheo nheo. Cám ơn chị. Em nhớ chị không nhiều, vừa đủ nhớ thôi… nghe chị./.
EL MONTE, trung tuần tháng 8- 2010
http://www.bietdongquan.com/baochi/munau/so31/thahuongngoconhan.htm
Sinh Tồn chuyển

-------------------------------------------
VIẾT VỀ HỒ CÔNG BÌNH
NGƯỜI LÍNH MŨ NÂU - TĐ30/LĐ5/BĐQ, 
TĐ43/LĐ4/BĐQ
Cam Huynh
Tôi con nhà Lính, theo ba tôi suốt con đường của tuổi thơ, ba tôi và tôi như đôi bạn, một già một trẻ cùng có những suy nghĩ cùng yêu chiếc áo nhà binh. Hồi mười ba, mười bốn tuổi, tôi đã thích đọc sách báo viết về cuộc chiến, ưa ngồi hóng ba nói chuyện với chiến hữu của ông về những lần đi hành quân đụng trận, và anh tôi cũng là anh lính trẻ, ra trường không bao lâu anh đã nằm xuống, nắng quân trường còn rám trên da anh.
Tôi lớn lên từ những ngày đất nước điêu linh, đêm nghe tiếng đạn, ngày nghe tiếng khóc của mẹ già, của trẻ thơ mất cha, của vợ mất chồng, của người con gái được tin người mình yêu biền biệt không về, khép lại bao ước mơ.
Tóc nay bạc trắng mái đầu, mắt trông gà hoá cuốc, tôi vẫn đọc sách báo viết về “QL.VNCH” năm xưa, đọc để hiểu để thương người trai trong thời lửa đạn. Tôi bắt gặp hình ảnh người lính trẻ, anh xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ Đức Khoá 24. Ra trường mang loon Chuẩn Uý, anh nhập vào cuộc chiến, máu anh đã đổ ngay trận đánh đầu tiên, Tết Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn Chợ Lớn, ở Cần Giuộc, Đức Hoà, Hậu Nghĩa và Kampuchia. 4 lần thương trận khởi đầu cho cuộc đời binh nghiệp của anh.
Tôi đọc bài viết về anh qua cuộc hành quận vượt biên giới Kampuchia năm 1970 trên TS BĐQ. Đạn nổ, tiếng hét lớn vang dội qua sự chỉ huy của anh. Hình ảnh thật hào hùng gan lì của người SQ Mũ Nâu TĐ30BĐQ, năm ấy anh ở tuổi 22. Sự gan dạ hào hùng đó có phải từ lòng yêu nước yêu tự do, yêu thương khốn khổ mất mát của Dân Tộc, đã thôi thúc người lính trẻ quyết bảo vệ đất nước trong sự tham vọng xâm lăng của đối phương.
Người SQ trẻ thật trẻ cầm quân ra trận, anh phán đoán nhận định chính xác bén nhạy, quyết liệt với sự gan dạ. Anh như một “Viên Tướng Lỗi Lạc” giữa trận địa. Anh tham dự nhiều trận đánh lớn, TĐ anh được tung vào Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, về giải toả Phước Tuy ( Đất Đỏ) cũng năm 1972, TĐ anh lại vào An Lộc. Tại mặt trận An Lộc anh lên loon Đại Uý khi tuổi vừa 24, và rồi sau đó năm 1973 Anh được thuyên chuyển đáo nhậm đơn vị mới, TĐP/TĐ43 BĐQ mà TĐ đang hành quân giải toả địch quân đang bao vây tấn công Phi trường Phù Cát , Bình Định, tiếp theo Quảng Ngải, đèo Mang Giang, KonTum, Pleiku và cuối cùng tháng 3 năm 1975 LĐ 4 BĐQ, đơn vị chặn hậu cho Quân Đoàn II rút lui trên Tỉnh lộ 7 về Tuy Hoà.
Tôi đã đọc qua nhiều bài viết về những vị chỉ huy tài ba lỗi lạc trong QL.VNCH, đã có biết bao nhiêu vị trẻ tuổi như anh, 24 tuổi đã mang ba “ Bông Mai” trên cổ áo. Anh là người chỉ huy tài ba, được gắn loon thăng cấp bậc trước hàng quân. Nén lại sự vui mừng hãnh diện, anh tưởng nhớ bạn của anh những người cùng khoá hay “Huynh Đệ Chi Binh” sát cánh bên anh, đã nằm xuống, được lên loon giữa hai hàng nến chong, góp một phần vào sự thăng hoa của anh.
Và vào tháng 4/75 anh chuẩn bị mang loon Thiếu Tá vì năm 1973 anh đã giữ chức vụ TIểu Đoàn Phó/ TĐ43 BĐQ . Sự tưởng thưởng thăng cấp bậc cho người chỉ huy gan dạ kiên cường chưa kịp cài lên ve áo của anh. Miền Nam thất thủ, mất thành mất đất, nhìn trận chiến tan hoang, người chỉ huy uất hận rơi nước mắt. 27 tuổi anh đi tù ra tận ngoài Bắc giữa rừng thiêng nước độc tròn một Thập Niên (10 năm ). Ra khỏi tù. Anh vượt biên không thành, lại đi tù… Năm 1992 Chương trình H.O đem anh và gia đình đến bến bình an.
9 năm trong Quân Ngũ anh xông pha trận mạc đạn nổ bom rơi bao lần mang thương tật. Mắt anh bị thương trong trận đánh khởi đầu binh nghiệp của anh, rồi 10 năm trong ngục tù, lao động khổ sai thiếu ăn thiếu mặc đã để lại trên thân thể anh là bệnh tật. Mắt bị thương mang di chứng, những cơn đau hành hạ anh chịu đựng, anh phải mang nó theo suốt cuộc đời của anh. Anh hãnh diện máu anh đã đổ để bảo vệ đất nước.
Quê hương khói lửa 20 năm có biết bao nhiêu người lính trẻ, những vị chỉ huy xông pha trong trận mạc, họ đã hy sinh tuổi trẻ, hoà mình vào cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam-Bắc để gìn giữ phần đất miền Nam thân yêu. Nhưng người đi đánh giặc bị trói chặc hai tay, buông súng thất thủ, uất hận. Sài Gòn mất tên, thân lao lý ngục tù không bản án. Họ là những Viên Tướng thất trận nhìn trận địa trên một bàn cờ. Họ vẫn ngẩng đầu tự hào họ đã hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước,
Cuộc chiến tàn đã mấy mươi năm, nước mắt vẫn rơi, thương người khoác áo chiến binh trong thời lửa đạn. Nửa cuộc sống còn lại trong kỷ niệm, tôi hoà cuộc đời mình vào trong nỗi nhớ của người mất thành, mất đất, mất quê hương.
Cam Huynh

No comments: