KHÔNG BỎ ANH EM, KHÔNG BỎ BẠN BÈ
Bác Sỉ Nhảy Dù Vĩnh Chánh
Bất cứ một chiến tranh nào cũng có những hoạt động quân sự được che dấu bảo mật. Với những phi cơ màu đen không số không tên không cờ,
Bất cứ một chiến tranh nào cũng có những hoạt động quân sự được che dấu bảo mật. Với những phi cơ màu đen không số không tên không cờ, Phi Đoàn 219 Thần Phong của Không Quân VNCH, trực thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, có nhiệm vụ thả người ra phía Bắc vỹ tuyến, đưa đón và yểm trợ những toán tiền thám Lôi Hổ, Biệt Kích đi sâu vào lòng địch… Bài phóng tác dưới đây được dựa trên câu chuyện của Trần Khánh, một người con của Huế và là một “Thượng Sĩ Già” của Biệt Đoàn 83 gồm những chiếc trực thăng H34 của phi đoàn 219, với nét mặt vẫn mang đầy vẻ khí khái hiên ngang của một chàng trai thời chiến của ngày nào dù tóc nay đã nhuộm màu thời gian. Ước mong bài viết diễn tả được phần nào công việc hiểm nghèo của các phi hành đoàn của Không Lực VNCH đã thi hành hàng ngày mà cá nhân tôi, một y sĩ QYND, đã chứng kiến qua những phi vụ đánh phá mục tiêu, yểm trợ, tiếp tế, tản thương… trong trận đánh năm 1974 ở Đồi 1062 tại vùng Thường Đức/Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Bất cứ một chiến tranh nào cũng có những hoạt động quân sự được che dấu bảo mật. Với những phi cơ màu đen không số không tên không cờ, Phi Đoàn 219 Thần Phong của Không Quân VNCH, trực thuộc Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu, có nhiệm vụ thả người ra phía Bắc vỹ tuyến, đưa đón và yểm trợ những toán tiền thám Lôi Hổ, Biệt Kích đi sâu vào lòng địch… Bài phóng tác dưới đây được dựa trên câu chuyện của Trần Khánh, một người con của Huế và là một “Thượng Sĩ Già” của Biệt Đoàn 83 gồm những chiếc trực thăng H34 của phi đoàn 219, với nét mặt vẫn mang đầy vẻ khí khái hiên ngang của một chàng trai thời chiến của ngày nào dù tóc nay đã nhuộm màu thời gian. Ước mong bài viết diễn tả được phần nào công việc hiểm nghèo của các phi hành đoàn của Không Lực VNCH đã thi hành hàng ngày mà cá nhân tôi, một y sĩ QYND, đã chứng kiến qua những phi vụ đánh phá mục tiêu, yểm trợ, tiếp tế, tản thương… trong trận đánh năm 1974 ở Đồi 1062 tại vùng Thường Đức/Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Từ xa về thăm bạn bè trong vùng Nam Cali nhân Mùa Giáng Sinh năm 1981, Khánh cố tình quên cái đau răng đã hành hạ anh từ mấy ngày qua. Qua một đêm mất ngủ vì nhức răng quá độ dù tối hôm trước anh uống rượu khá nhiều với các bạn cùng phi đoàn, Khánh quyết định tìm đến văn phòng nha sĩ cầu cứu. Vì không quen biết ở vùng này, Khánh bước đại vào một văn phòng nha khoa nằm ở góc đường, gần căn nhà người bạn mà mình vừa tá túc. Trong khi đang đứng kể rõ bệnh tình với cô nhân viên để xin cho được gặp nha sĩ dù không có hẹn trước, Khánh thấy người nha sĩ bước vào phòng và ra dấu cho người nhân viên chấp nhận, có lẽ ông ta nghe được câu chuyện vì đứng sát cửa phòng chờ khách.
Nằm chờ trên ghế khám không mấy lâu, Khánh thấy người Nha sĩ vừa bước vào phòng vừa đọc hồ sơ cá nhân của Khánh. Qua vài câu thăm hỏi về bệnh tình, ông hỏi Khánh có ở trong quân đội trước khi mất nước. Khánh trả lời có và cho biết mình phục vụ trong Không Quân VN. Người Nha sĩ ngần ngừ một thoáng rồi nói nhỏ: “Tôi có người em trai cũng ở trong Không Quân, nhưng nó chết rồi.” Rồi như muốn trút đi một tâm sự buồn, ông vội nói tiếp: “Nó tên là Hòa, Nguyễn Đại Hòa (*), người rất hiền hòa như tên của nó vậy đó. Nó là trung úy phi công trực thăng đóng ở Đà Nẵng, và chết trong một phi vụ vào tháng 2 năm 1971.” Khánh thảng thốt bật thẳng dậy, hỏi ngay: “Có phải xác của Trung Úy Hòa đượcđưa về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở Huế bằng trực thăng không?”Người Nha sĩ bước lui mấy bước và trả lời không ngập ngừng “Đúng rồi. Sao anh biết?” Như một tia chớp, bao nhiêu hình ảnh trong phút chốc bỗng trở về trong đầu Khánh một cách mạch lạc dù câu chuyện đã xẩy ra cả mươi năm qua. “Thưa Nha sĩ, nếu đúng với tên người chết là Trung Úy Hoà, chính phi hành đoàn chúng tôi đưa xác anh ấy về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương!” Người Nha sĩ đứng yên lặng trong giây lát, như để tự trấn tĩnh lấy mình, rồi bỗng vái lạy Khánh, vừa nói nhanh: “Mấy lâu nay gia đình chúng tôi muốn biết về cái chết của nó vì nghe phong phanh phi đoàn nó nói là trực thăng của nó bị bắn rơi, chỉ riêng một mình nó chết thôi và phi hành đoàn 3 người còn lại đều bị bắt làm tù binh.” Trong cùng lúc đó, Khánh cũng bật dậy, nhảy vội ra khỏi chiếc ghế khám, chạy đến bên cạnh người Nha sĩ, làm hành động ngăn không cho ông ta vái nữa, và trong sự cảm thông, hai người xúc động ôm chặt lấy nhau trong im lặng. Rồi người Nha sĩ mời Khánh bước qua phòng làm việc. Bấy giờ Khánh mới lấy lại bình tĩnh và tuần tự kể từng chi tiết về chuyến rescue mission đặc biệt năm đó.
Trong Chiến Dịch Lam Sơn 719 đánh vào các căn cứ của CS Bắc Việt ở Hạ Lào vào tháng 2, 1971, Biệt Đoàn 83 của Khánh được biệt phái từ Phủ Bài ra Ái Tử. Sau khi thi hành thả những toán Lôi Hổ vào vùng đất địch, trực thăng H 34 của Khánh đang trên đường trở về căn cứ Phủ Bài. Trước khi đến cây số 17 gần An Lỗ, liên lạc viễn tuyến trên tầng số phi cơ cho biết có một chiếc trực thăng UH1H của phi đoàn bạn từ Đà Nẵng bị bắn rớt ở phía Tây Động Ông Đô. Phi hành đoàn của Khánh lập tức chuyển hướng, quay về hướng Tây, lần theo toạ độ tìm đến nơi chiếc trực thăng bị rơi. Trời lúc đó đã về chiều dù chưa tới 5 giờ và càng vào trong núi càng nhiều sương mù. Từ trên cao, Khánh thấy xác chiếc trực thăng nằm nghiêng ở kế bên dòng suối nhỏ. Sau khi đảo quanh một vòng để quan sát tình hình chung quanh trực thăng bị rơi, chiếc H34 từ từ bay dừng một chỗ trên không và sử dụng hệ thống Hoist thả Khánh xuống ở cách xa trực thăng kia khoảng 80 thước. Khi đến được mặt đất và tháo gỡ dây Hoist ra khỏi người, Khánh mới biết cỏ tranh xanh cao hơn đầu người anh và triền đồi rất dốc, khiến anh đã bị lăn từ trên triền đồi xuống đến dưới lòng suối. Vừa ê ẩm trong người, vừa hồi hộp, Khánh chạy lần theo men bờ suối và đến cạnh chiếc trực thăng ngộ nạn. Khánh nhìn ở bên ngoài và chung quanh trực thăng, nhưng không thấy bóng dáng ai cả. Nhìn vào phòng lái, Khánh thấy thân thể một người nằm gục không nhúc nhích ở ghế phi công trưởng, đầu nghoẹo sang một bên và kính phía trước bị bắn lủng một lỗ to tướng.
Khánh lách người qua cửa hông bên trái, lần đến gần người nằm bất tỉnh ở ghế trước bên phải. Bấy giờ Khánh mới nghe hơi thở phì phò của người phi công bị thương cùng một lúc nhận thấy khuôn mặt anh bên phải là một khối bầy nhầy đầy cả máu. Sau khi Khánh cố gắng lôi được hai bàn chân của người bị thương còn bị kẹt ở pedales phía dưới thân máy bay, Khánh bắt đầu ôm lấy thân hình và từ từ kéo ra khỏi xác máy bay. Khánh nghe được một tiếng thở mạnh từ người phi công vừa trút hơi thở cuối cùng trong tay mình. Trong khi vác xác đồng đội trên vai chạy dần về nơi an toàn, máu người chết tiếp tục chảy xuống ướt cả áo bên trong của Khánh, cộng thêm với mồ hôi của mình khiến Khánh choáng váng và mệt đến lã cả người. Sau hai lần phải dừng lại nghỉ mệt, Khánh đã đến được điểm hẹn, bấm đèn pin lên hướng trực thăng của mình làm dấu thả dây Hoist xuống cho Khánh móc xác người chết lên trước, rồi đến mình lên sau.
Chiếc H34 bay quành một vòng nhỏ như để chào vĩnh biệt lần cuối người bạn mới hy sinh, rồi lấy hướng về phía Đông Nam. Ít phút sau, Khánh lấy lại bình tĩnh, nhìn đọc bảng tên HÒA trên áo bay của người phi công xấu số. Phi hành đoàn H34 báo cáo sự việc và nhận chỉ thị đưa xác Trung Uý Phi Công Hòa về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Khánh vẫn còn run sợ, thầm nghĩ anh có may mắn không bị VC phục kích và chiếc trực thăng H34 đang bay chờ anh trên trời cũng không bị nhắm bắn trong khi thi hành nhiệm vụ một cách đơn độc vào giờ chót trong một thời tiết rất xấu. Dù đau buồn vì 3 người phi hành đoàn còn lại đã bị bắt làm tù binh trước khi trực thăng của anh đến, và phi công trưởng tử thương, nhưng Khánh và phi hành đoàn H34 của anh có niềm hãnh diện riêng vì ước nguyện của các chiến hữu Không Quân đã thêm một lần được thực hiện qua châm ngôn “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn bè.”
Cả tuần sau, Khánh vẫn bồn chồn đứng ngồi không yên, người cứ mệt mỏi bần thần. Bộ đồ bay màu đen của anh vẫn còn thoảng mùi máu của đồng đội dù đã được giặt đi giặt lại khá nhiều lần. Cái chết của người Trung Úy Phi Công Hòa với gương mặt bị bắn nát một nửa bên của anh, cùng với hình ảnh của bao người lính Lôi Hổ, Biệt Kích mà Biệt Đoàn 83 của anh đã từng đưa đi, đón về phía sau lưng địch, có khi đầy đủ có khi thiếu một vài người, đã để lại những vết thương âm ỉ khó quên trong tâm hồn của con người vốn coi nhẹ tính mạng nơi anh.
Nghe xong câu chuyện và với nước mắt lưng tròng, người Nha sĩ lên tiếng: “Chắc vong linh em tôi xui khiến và dẫn đường cho anh đến văn phòng gặp tôi sáng nay. Câu chuyện anh kể hôm nay về cái chết của Hòa là một món quà vô giá trong mùa Giáng Sinh năm nay cho gia đình Cha Mẹ và anh em chúng tôi. Nguyện ước biết rõ về cái chết đau thương của Hòa trong vòng tay của một đồng đội sẽ mang đến một kết thúc nhẹ nhàng cho gia đình chúng tôi. Và thay mặt cho toàn gia đình, tôi xin được nói lời cảm tạ với ân nhân đã đem xác em tôi về…”
Trong mùa Giáng Sinh năm 1981, sau khi rời văn phòng nha sĩ, Khánh cảm thấy nhẹ hẳn, như vừa trút bỏ được một gánh nặng đã cất giữ trong tâm hồn từ lâu. Và lòng anh bỗng thư thả, vụt lên với trời cao trong xanh.
(*): họ và tên không hoàn toàn đúng sự thật
Vĩnh Chánh YKH-7 -Viết cho Mùa Giáng Sinh năm 2012.
http://vnchtoday.blogspot.com.au/2013/08/khong-bo-anh-em-khong-bo-ban-be.html
Sinh Tồn chuyển
http://vnchtoday.blogspot.com.au/2013/08/khong-bo-anh-em-khong-bo-ban-be.html
Sinh Tồn chuyển
No comments:
Post a Comment