Việt Nhân
(HNPĐ) Từ khi lên tàu tôi cứ nằm lì trong phòng cho đến khi về tới Saigon, chung phòng cùng tôi là hai mẹ con một bà đã có tuổi, nghe nói là thân nhân một sĩ quan nào đó của chiến hạm, và theo như đứa con gái nói thì hai mẹ con cô chạy từ Đà Nẳng. Vậy là họ đã lên tàu từ trước, không phải là tại Nha Trang như tôi, nếu như ít hôm trước đây, khi tình hình chưa xảy ra cho Nha Trang, thì đây là lúc có thể qua họ tôi tìm hiểu được những gì đã xảy ra tại Đà Nẳng.
Nhưng nay thấy không còn cần thiết nữa, tôi đã nhìn thấy cái rút quân của Nha Trang, tôi có thể suy ra được các nơi khác cùng một thể ấy, vả lại cũng đã có tin Phan Rang, Phan Thiết được sáp nhập vào Quân khu III, và BTL tiền phương QĐ III đóng tại Tháp Chàm. Như vậy đã rõ, những gì đã mất không còn được bàn tới nữa, coi như xóa sổ mà không một tin gì tốt đẹp về số phận của những vùng đất đã mất, không như trước đây khi Ban Mê Thuột thất thủ, ta đã được nghe khá nhiều tin đồn có kế hoạch về việc tái chiếm thành phố này.
Hai mẹ con bà khách chung phòng thấy tôi cứ nằm vùi, mà ngỡ tôi bị bệnh, tôi cười cho bà an tâm rằng tôi không sao, chợt cô con gái hỏi tôi rồi quân mình sẽ tái chiếm để cô được trở về? Tôi lại lần nữa cười cùng cô và bà mẹ mà không biết nói gì! Biết nói gì đây với cô, nếu muốn giữ thì đã không triệt thoái, và một khi đã rút thì chuyện tái chiếm không là chuyện dễ, bổng bà mẹ thở dài mà nói –Mất nhiều quá, nếu có lấy lại không phải ngày một ngày hai đâu, không chừng lại như miền Bắc thôi.
Câu nói của bà làm tôi suy nghĩ, cứ cái đà lùi mãi thế này, ngay cả lãnh thổ QK.III cũng không có gì chắc chắn giữ được, một khi cộng sản đã chiếm non phân nữa miền Nam – Bỏ Nha Trang mà đi, trong tôi như ngập đầy thất vọng, chỉ nội nghĩ rồi đây, bước tiến cộng quân đang đà như thế này, liệu lấy gì ngăn được bước chúng, mà không phải là cầm súng bắn thẳng vào chúng. Tại sao không một lần vung tay gươm, tay súng, để rồi chết cũng cam! Bài trở lại Saigon đã đăng đầu tháng 04/2012, nay xin được repost:
TRỞ LẠI SAIGON – Từ lúc chứng kiến những cuộc triệt thoái, nhất là cái hoảng loạn của người dân, từ miền trung trên đường trốn chạy cộng sản, không biết sao luôn trong tâm tư tôi mang nặng một cái gì đó u ám, nếu không muốn nói nhìn đâu tôi cũng thấy toàn là cảnh hỗn độn cùng đổ vỡ.
Sáng nay tôi tìm đến Trung tâm hành chánh để trình diện tạm trú, đến nơi mới biết trung tâm này nó không còn nằm ở đường Thi Sách, phía sau hảng nước giải khát BGI như tôi vẫn tưởng, trước đây thời gian khi còn ở Saigòn, thỉnh thoảng tôi vẫn thường đến để nhờ trung tâm vi phim phối kiểm một vài bản tin. Chả là hai trung tâm họ cùng đóng chung một chỗ, nay cái trống vắng làm tôi khựng - Chuyện gì nữa đây chả lẽ cả cái trung tâm này cũng triệt thoái nữa sao. Cuối cùng thì cũng tìm được người để hỏi thăm, một anh trung sĩ dậm chân chào rồi cho tôi biết trung tâm đã chuyễn sang bên kia Khánh Hội. Chào đáp lại và cám ơn anh, tôi theo sự chỉ dẫn tìm đến nơi mới, cũng khá dễ để thấy nó, một ông Trung úy của trung tâm tiếp tôi
-Ông có ai ở Sàigòn?
-Gia đình tôi sống ở đây, anh hỏi chi vậy?
-Vậy thì tốt quá, hiện trung tâm tiếp nhận các đơn vị từ ngoài Trung chạy về, chúng tôi tiếp đón không xuể, thành thử ối đọng công việc, hôm nay chỉ xin lấy tên để bên hành chánh làm lương cho ông trước, còn chổ tạm trú trại không đủ chổ ông phải tự lo, mọi cái chưa ổn định, mong Đại úy thông cảm.
-Vậy bây giờ tôi phải làm gì đây?
-Ông không phải làm gì cả, ông ghi vào đây cho tôi xin tên, số quân cùng đơn vị cũ của ông, rồi tạm thời ông qua bên câu lạc bộ đoàn viên uống nước, khoảng tiếng đồng hồ nữa chúng ta gặp lại.
Quay lưng đi ra cửa, tôi còn nghe tiếng xin lỗi nói vói theo, rằng chưa có CLB riêng cho sĩ quan, nhưng chổ của đoàn viên phục vụ cũng được lắm. Trại khá lớn, giữa sân trại các đoàn viên sinh hoạt theo đội, quang cảnh giống như trong quân trường, một quân trường thu nhỏ, đó đây tiếng điểm danh cùng tập họp, họ là cơ hữu của vùng một, và vùng hai duyên hải di tản về. Chưa có quyết định thuyên chuyển về đơn vị mới nên vẫn còn tạm trú ở đây, vả các đơn vị triệt thoái liên tục kéo nhau về Sàigòn, với nhịp độ như thế này, quả thật cũng không phải dễ trong giải quyết.
Bước vào câu lạc bộ, vắng ngắt không một người khách, chán nản tôi ngồi thừ bên ly cà fé, từ hai cái loa treo trên tường, phát ra tiếng hát của một cô ca sĩ, với một bài hát về buổi tiển đưa của anh lính biển cùng người yêu
Vẫn biết kiếp sống biển khơi là nhớ nhiều
Nhớ phút quyến luyến trên bến khi chia ly
Sóng xô trong lòng đời...
Bài hát không có gì hay, nhưng nó lại gợi nhớ khi chia tay lúc rời Nha Trang, cái buồn lại kéo đến. Ngoài kia mặt trời đã lên cao, tháng tư Sài gòn thật đẹp với cái nắng rực rỡ, nhưng vẫn không làm cho lòng tôi một chút gì phấn khích, mà ngược lại câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu, bây giờ chúng đã đi tới đâu. Hôm kia về tới Sài gòn, có báo để xem, tin tức liên tục nói đến cuộc cố gắng triệt thoái về vùng III của Quân Đoàn I và Quân Đoàn II - Trong khi đó tại QĐIII các SĐ 5, 18 và 25 liên tục giao chiến với cộng quân, tuy chịu nhiều thiệt hại nhưng cũng đã đánh cho ba SĐ 6, 7, 341 thuộc QĐ 4 của chúng te tua thiệt hại khá nặng.
Cuộc đối đầu này làm tôi vừa thấy vui lẫn chua sót, cái chua sót nhiều hơn, vì nó cho thấy một cái gì đó đơn độc quá, lính mình chiến đấu trong thiếu thốn vô vọng, đã không một giúp đỡ lại gặp thứ đồng minh phản bội. Nhớ lại ngày 20/03 và những hôm sau đó, dân Huế tan tác kéo nhau vào Đà Nẵng, vì Huế trong gọng kềm của quân cộng, để rồi đi đến mất Huế ngày 23/03 cũng là ngày TT Mỹ Gerald Ford nói những lời nhận định muộn màng là Bắc Việt đã xé bỏ hiệp định Paris bằng vũ lực. Sau Huế là Đà Nẵng mất mà không có một trận chiến nào, kéo theo Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Nha Trang cũng dây chuyền tan vỡ tương tự.
Và thật là buồn khi muốn tìm xem tin tức chiến sự vùng III, thì lại gặp một cái gì đó không khách quan, thiếu trung thực! Những trận đánh ở Xuân Lộc, Long Khánh, chỉ được tường thuật qua loa, trong những bản tin chiến sự hàng ngày, nhất là giới truyền thông báo chí cùng đài phát thanh nước ngoài, cứ chỉa mũi dùi vào cuộc di tản từ Cao Nguyên, và miền Trung vào Nam mà chúng gọi mĩa là tháo chạy, nhất là đài BBC lúc đó - Như vây từ khi mặt trận Cao Nguyên, 17/03 Ban Mê Thuột thất thủ, thái độ làm lơ đứng ngoài của Mỹ đã rõ, cùng sự về hùa của truyền thông, chỉ trong nữa tháng chúng ta mất hẳn miền trung, biết trách ai đây?
Ông Trung úy đến tìm tôi tại CLB, trong chán chường tôi nhìn anh với không cả một nụ cười, anh cho biết đã lo xong chuyện lương hướng cho tôi, tạm thời từ nay tôi lảnh lương tại đây, cho đến khi nhận lệnh thuyên chuyển từ Bộ Tư Lệnh để đáo nhậm đơn vị mới - Tôi nói một cách máy móc lời cảm ơn anh.
-Đã xong chuyện lưong của ông, mỗi sáng xin ông đến đây ký tên vào sổ điểm danh, có gì thay đổi, chúng tôi cho ông biết sau.
À thì ra thế, hèn chi ông Trung úy này lúc nãy có hỏi tôi, rằng có thân nhân ở Sài gòn không là vì thế, vậy tôi có thể ở nhà hay đi đâu tùy thích, bổng một ý nghĩ chợt đến, tôi mượn phone gọi qua Bộ Tư Lệnh.
-Alô, huynh trưởng phải không, thằng em đây,
-Mày đang ở đâu đó tình trạng ra sao rồi?
-Đang bên trung tâm tạm trú HQ, mượn điện thoại gọi cho huynh đây, chạy từ Nha Trang về Saigòn đã được hai hôm rồi, hôm nay đến trình diện để làm lương.
-Bây giờ mày tính sao, có muốn tao nói chuyện với ông già cho mày không.
-Đại tá ổng còn cần đệ nữa không, huynh thấy sao?
-Tùy mày thôi, có còn muốn làm việc tham mưu với tao nữa hay không đó mới là cái chính? Hay muốn đi lang thang giang hồ thì tùy.
-Lang thang đâu trong tình hình này hả huynh?
-Vậy thì cứ nghỉ ngơi ít hôm, để tao nói cho ông già hay, chổ của mày vẫn bỏ trống từ ngày mày đi, nếu có rảnh thì ghé chơi, nhân viên tụi nó nhắc mày luôn,
-Huynh cho đệ gởi lời thăm tụi nó.
-OK cứ tính như vậy đi.
Việt Nhân (HNPĐ)
No comments:
Post a Comment