Monday, March 17, 2014

• Tiểu Đoàn 7/TQLC và Lữ Đoàn 147 - Những ngày cuối tháng 3 tại chiến trường Huế

Tiểu Đoàn 7/TQLC và Lữ Đoàn 147 - Những ngày cuối tháng 3 tại chiến trường Huế

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (SĐ/TQLC) từ năm 1971 - 1975 miệt mài ở vùng giới tuyến phía Bắc. Những ngày đầu tháng 3/75 Bộ Tư lệnh Sư Đoàn cùng 2 Lữ Đoàn 258, 369 di chuyển vào Đà Nẳng, còn lại tại khu vực Quảng Trị là BT
MX Phạm Cang (Cam Ranh)

Đã hơn 27 năm qua, đôi khi ngồi nghĩ lại những ngày tháng không thể nào quên trong đời quân nhân. Ngày 27/3/1975, ngày Huế rơi vào tay cộng sản. Một khúc quanh lịch sử của đất nước nói chung và quân dân Huế nói riêng ...trong đó có LĐ 147/SĐ/TQLC.

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (SĐ/TQLC) từ năm 1971 - 1975 miệt mài ở vùng giới tuyến phía Bắc. Những ngày đầu tháng 3/75 Bộ Tư lệnh Sư Đoàn cùng 2 Lữ Đoàn 258, 369 di chuyển vào Đà Nẳng, còn lại tại khu vực Quảng Trị là BTL nhẹ do Đại Tá Tư lệnh phó chỉ huy với Lữ Đoàn 147 gồm TĐ 3, 4, 5 TQLC và TĐ7 vừa xuất phái từ Lữ Đoàn I Kỵ binh trực thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango, sau đó sát nhập vào LĐ 147 tại Thuận An để rồi nỗi trôi theo vận nước.

TĐ7/TQLC:

Từ tháng 8/1974, TĐ7 TQLC được tăng phái cho LĐ I Kỵ binh đến phòng thủ phía tây quận lỵ Phong Điền (khu dinh điền Đông Lâm củ).

LĐ I Kỵ binh là đơn vị Thiết giáp đặc dưới quyền điều động của BTL/SĐTQLC.

Ngày 19/3/1975, 2 Tiểu đoàn 78, 79 Biệt Động Quân Biên Phòng đến thay thế vị trí phòng thủ của TĐ 7, và trong ngày TĐ7 (-) đến thay thế TĐ 6/TQLC, để TĐ này di chuyển vào Đà Nẳng. Bộ chỉ huy TĐ phòng thủ tại cầu Phổ Trạch, một Đại đội ngược hướng Bắc đến ngã tư Hội Yến và Hương lộ 555. Ngày hôm sau, 20/3/75 Tiểu đoàn nhận lệnh của Đại Tá Tư lệnh phó chuẩn bị di chuyển vào Đà Nẳng thay thế TĐ11 Dù nằm trên đèo Hải Vân.

Ngày 21/3/75 trong lúc đoàn xe đợi một đại đội từ phía bắc tập trung về thì lệnh của ĐT TLP hủy bỏ kế hoạch vào Đà Nẳng và đến phòng thủ từ cầu Vân Trình ra tới biển đông. Và trực thuộc Lực lượng Đặc Nhiệm Tango (LLĐN/TANGO) dưới quyền điều động của ĐT /TLP Nguyễn thành Trí.

Tổ chức LLĐN/TANGO:

TĐ 7/TQLC: Thiếu Tá Phạm Cang T/Đ Trưởng, Thiếu Tá Lê Quang Liễn T/Đ Phó
Tăng Phái: 
- TĐ 121 Địa Phương Quân Tiểu khu Quảng Trị, Thiếu Tá Minh T/Đ Trưởng.
- Chi Đoàn M113 (-), 01 Chi đội chiến xa M48, 01 Chi đội chiến xa M41, 01 Chi đội súng cối 4.2
Yểm trợ: 
- Pháo đội B/TQLC, Đ/U Lưu Văn Phúc, Pháo đội trưởng. PĐ(-) tại Hương Điền, 01 trung đội tại Điền Môn 2.
Nhiệm vụ:
Ngăn địch tiến từ Bắc xuống Nam, từ cầu Vân Trình dọc phá Tam Giang đến cửa biển Thuận An.
Lực lượng bạn:
- Liên Đoàn 913 ĐPQ/Tiểu khu Quảng trị (vừa rút từ Quảng trị về). Bố trí bên kia cầu Vân Trình dọc phía nam sông Mỹ Chánh về đến Quốc lộ I.

Giờ đây LLĐN/TANGO là đơn vị duy nhất phòng thủ tuyến cực Bắc miền nam Việt Nam. Được bố trí như sau:

- TĐ121/ĐPQ từ Quảng Trị rút về được tạm thời bố trí phía bắc cầu Vân Trình khoảng 300mét, sau đó di chuyển về phía sau.

- TĐ7/TQLC: Phòng thủ từ đầu cầu Vân Trình kéo dài ra biển, với chiều dài hơn 4 cây số.
Các ĐĐ được phối trí như sau:
- ĐĐ2 (Đại Đội trưởng Đ/U Ngô kim Anh) + CĐ M 41 Phòng thủ tại cầu Vân Trình
- ĐĐ1 (ĐĐT, Tr/U Nguyễn văn Niên), Phòng thủ tại khu làng nhà thờ 2 nóc Điền Môn 1
- ĐĐ3 (ĐĐT, Đ/U Tăng Bá Phụng) + CĐM48 Phòng thủ sát bờ biển
- ĐĐ4 (ĐĐT, Tr/U Nguyễn văn Minh) Thành phần trừ bị, phía sau ĐĐ2 và ĐĐ1 khoảng 300mét
- BCH/TĐ, ĐĐCH (ĐĐT, Đ/U Nguyễn hữu Bình)+CĐ(-)M113, CĐ4.2, TR/Đ PB thuộc PĐB/TQLC phòng thủ tại Điền Môn 2 .

LLDN/TANGO do TĐT TĐ7/TQLC chỉ huy trực tiếp tại hành quân.

Ngày 22/3/75 một đơn vị cộng sản di chuyển 2 hàng dọc, không cần ngụy trang theo Hương lộ 555 tiến về phía Nam. ĐĐT /ĐĐ2 báo cho TĐ biết. Đợi đúng tầm tác xạ, ĐĐ này cùng lúc khai hỏa làm cho địch vô cùng hoảng hốt, chúng cứ ngỡ là quân ta đã bỏ ngõ như tại thị xã Quảng Trị. TĐ/ PB tác xạ vào đội hình di chuyển của chúng làm tan rã hàng ngũ và lùi ngược về phía Bắc.
Toàn bộ đơn vị đặt trong tình trạng báo động 100%

Ngày 23/3/75
ĐĐT/ĐĐ3 báo cáo có 5 tàu đổ bộ cộng sản Bắc Việt cắm cờ đỏ sao vàng đang di chuyển về Nam cách bờ một khoảng rất gần, và đã qua khỏi vị trí ĐĐ3. TĐ ra lệnh M48 chạy theo hướng tàu và sử dụng pháo trên xe tác xạ. Lại một lần nữa địch ngạc nhiên và quay đầu về hướng cửa Việt. Ýù đồ của chúng là đổ bộ lên cửa Thuận An và chận bít cuộc rút quân bằng đường thủy.

Rút lui.
Ngày 23/3/75, lúc 12 giờ trưa, Đ/Tá TLP gọi TĐT/TĐ7 về căn cứ Trần Ba để họp, nhưng với tình hình vô cùng nghiêm trọng, tôi không thể rời vị trí trong lúc này, do đó Thiếu Tá TĐP thay tôi về gặp TLP. Một giờ sau T/T Liễn về cho biết kế hoạch rút quân.
Trong lúc này TĐ121/ĐPQ đã về phía sau và di chuyển ra Thuận An.

TĐ7 và các đơn vị tăng phái thực hiện kế hoạch rút quân theo thế chân vạc sau khi cho toán công binh giựt sập cầu Vân Trình và kho đạn Hương Điền
Cuộc rút quân được chia làm 3 giai đoạn
1) Từ vị trí đóng quân đến Tuyến Xanh
2) Từ Tuyến Xanh đến Tuyến Nâu
3) Từ Tuyến Nâu ra điểm Tập Trung (ĐTT)

Cuộc rút quân bắt đầu lúc 6 giờ chiều ngày 23/3/75.

Tại Tuyến xanh 
BCH/TĐ và các đơn vị tăng phái tại sân vận động Hương Điền, các ĐĐ 300 mét phía Bắc. 8 giờ tối cuộc phòng thủ đã tổ chức xong.

Sáng hôm sau 24/3/75, các đại đội tiền phương báo cáo địch xuất hiện, đặc biệt có 5 xe tăng T54. Mặc dù ĐĐ1 đượcù tăng phái M41, nhưng tôi cho rằng sẽ không chống lại T54 nên đã điều động M48 từ bờ biển vào và cùng BCH/TĐ lên tuyến đầu. 5 tăng địch chạy ngoài bãi cát, đợi chúng đúng tầm tác xạ M48 khai hỏa, 2 chiếc bốc cháy, một chiếc khựng lại có lẽ đứt xích, 2 chiếc còn lại ẩn mình sau các ụ cát thiên nhiên. Phúc Yên lúc này chỉ còn một trung đội tại Hương Điền đã tác xạ tối đa, sau đó di chuyển về Thuận An cùng pháo đội. Địch không tiến thêm và TĐ7 cũng không có lệnh tấn công trong lúc này.

Tại Tuyến Nâu
6 giờ chiều ngày 24/3, theo kế hoạch TĐ7 di chuyển đến tuyến nâu, nam quận lỵ Hương Điền 2 km.
- Cánh A: BCH/TĐ, ĐĐCH, ĐĐ4, CĐ(-) M113 di chuyển đến Tuyến nâu bố trí.
- Cánh B: ĐĐ1, 2, 3 do T/T TĐP chỉ huy đưa các ĐĐ về vị trí ấn định. Một trung đội bảo vệ toán công binh nhằm phá hủy kho đạn Hương Điền của TQLC. Trong lúc vội vàng toán công binh đã thiếu sót không gài đầu nổ nên kho đạn không phá hủy được.
Tại tuyến Nâu các đơn vị bố trí kiểm soát quân số và nghỉ ngơi.
10 giờ đêm 24/3/75 TĐ rời tuyến Nâu về vùng tập trung. Lộ trình hơn 10 cây số từ nam quận lỵ Hương Điền đến cửa Thuận An với đội hình như sau:
Cánh A: BCH/TĐ, ĐĐCH, ĐĐ4 cùng các đơn vị tăng phái di chuyển trước, ba lô và vật nặng bỏ lên M113.
Cánh B và các đại đội còn lại di chuyển sau đó nửa giờ.
Cuộc chuyển quân không có soi sáng

Điểm Tập Trung
8 giờ sáng ngày 25/3/75 toàn bộ TĐ ra đến điểm tập trung. Tất cả quân số, vũ khí, quân trang dụng đều được bảo toàn, ngoại trừ một quân nhân tử thương vì bị rơi từ M113 xuống trong đêm tối. Xác anh được chôn ngay bờ Bắc cửa Thuận An.

Tại phà Thuận An, cảnh vô cùng hỗn loạn, quân nhân các đơn vị, hòa lẫn dân chúng. Nơi này kẻ bắn súng gọi đò, nơi kia người la hét xin qua sông. Lệnh cho các ĐĐ tập họp từng khu riêng biệt không cho một kẻ lạ mặt nào trà trộn. Tôi gọi ĐT/TLP để xin phương tiện sang sông.
20 phút sau đoàn ca nô đến để đưa chúng tôi qua căn cứ Trần Ba. Các M48, M41, pháo binh được lệnh phá hủy trước khi qua sông. 5 M113 lội được qua bên kia còn lại chìm xuống đáy sông. 

Căn cứ Trần Ba (tên cố Trung Tá Trần Ba), sau năm 1973 dùng để làm kho tàng, nơi nghỉ dưỡng quân, huấn luyện v..v. của SĐ TQLC. Tọa lạc bờ phía Nam cửa Thuận An. Có sân bay cho các loại máy bay nhẹ, L19, L20, Trực thăng.

Tại căn cứ Trần Ba, TĐ tập họp từng khối một ĐĐ, đặc biệt kiểm soát gắt gao người lạ, kể cả việc chỉnh đốn quân phong, quân kỷ. Nhiều vũ khí máy truyền tin của các đơn vị vừa vứt bỏ, anh em quân nhân TĐ 7 thu lượm và tìm cách thay thế các cơ phận, tôi cảnh giác các ĐĐT vì sau này rất khó điều chỉnh.
Tôi báo cáo việc hoàn tất qua sông cho ĐT/TLP. Ông cho lệnh dừng lại đợi. Giờ này tại cửa biển Thuận An vô số lính và dân chúng, họ từ nhiều đơn vị khác nhau đi đi lại lại tìm kiếm la hét, TĐ7 nằm trong không gian hỗn loạn đó. Chúng tôi ý thức được sự nguy hiểm này nên áp dụng biện pháp kỷ luật tối đa để tách rời những ảnh hưởng không tốt.

10 giờ sáng ngày 25/3/75, trên tần số không lục tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khóa, Thiếu tá Trần văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu quân vận (LCM) từ Đà Nẳng ra Thuận An để đón các TĐ Biệt Động Quân, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em Mủ nâu không. Nhìn quanh tôi chỉ thấy 5, 3 anh. Tôi cho Thao biết. Anh nói “Tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, hãy chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc.”. Thao có 5 chiếc LCM, tôi chuẩn bị cho 4 ĐĐ và BCH/TĐ. Tôi cho lệnh các ĐĐ làm vòng đai an toàn không có sự trà trộn của người lạ và khói màu để tàu nhận bãi. Đồng thời tôi sẽ báo cáo lên TLP. Nhưng chưa kịp thì ông đã gọi tôi và ra lệnh di chuyển về phía Nam để gặp Long Mỹ (LĐT/LĐ147) và sẽ vô Đà Nẳng bằng tàu hải quân 801.
Tôi và Thao hủy bỏ kế hoạch vừa vạch ra. Có phải TĐ7 mất một cơ hội có thể di chuyển vào Đà Nẳng bằng LCM!!

LĐ147 gồm 3 tiểu đoàn 3,4,5/TQLC, TĐ2/PB, một Đại đội Viễn thám vừa từ khu vực hành quân An Lỗ di chuyển bộ qua ngả Phú Thứ vượt qua Phá Tam Giang với đoạn đường dài hơn 40 cây số.
Trên đường về phía Nam để gặp Long Mỹ, TĐ7 với trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược, đôi khi còn ngoài bảng cấp số (vì mới săn nhặt), đoàn quân di chuyển trên bãi cát dài mênh mông, tôi có cảm tưởng đây như những hình ảnh ngày nào tôi xem phim TQLC Hoa kỳ đỗ bộ lên đảo Iwo-Jima. Mỗi quân nhân 1 M72 vắt ngang ba lô, nón sắt, áo giáp, trong một tinh thần không chút sa sút.
Cũng trên tần số không lục tôi nghe Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư lệnh tiền phương đang bay trực thăng, nói chuyện với Long Mỹ ”Anh hãy dùng những chiếc M113 để làm đầu cầu ra tàu”. Có lẽ Long Mỹ không nhận ra tiếng Tướng Thi và ông nghĩ rằng đó là đề nghị của hạm trưởng 802 nên ông nói ”Bạn nói vậy chứ đâu phải dễ dàng”.

Nghe qua cuộc đàm thoại tôi cho lệnh 5 chiếc M113 chạy về hướng LĐ 147.

LĐ147 sắp hàng từng khối để ra tàu. HQ 801 là loại tàu lớn, và không có cầu tàu nên đậu xa bờ khoảng 200 mét. Khoảng cách 200 mét với sóng lớn là một trở ngại vô cùng lớn lao, mặc dù TQLC được huấn luyện và nhiều kinh nghiệm trong việc đổ bộ và lên tàu. Từng đợt 20 TQLC tay nắm tay lội ra nhưng bị sóng đánh dạt vào bờ thật thê thảm. Các đơn vị cố gắng nhiều lần nhưng không ai ra đến tàu. Tôi đề nghị Đ/T LĐT xử dụng M113 làm cầu nổi. Nhưng có lẽ vì khoảng cách khá xa và sóng lớn nên ông không thực hiện.

TĐ7 khi đến gặp LĐ147, nhưng không tập họp tại bờ biển mà bố trí trên các đồi thông chiếm cao điểm nhằm giữ an ninh bãi bốc.
Đã 5 giờ chiều nhưng không một quân nhân nào ra được tàu.
ĐT/LĐT gọi các TĐT xuống họp và ông cho lệnh đóng quân tại chỗ, đồng thời phổ biến kế hoạch xuống tàu Alpha. Đây là một quyết định có thể sai lầm, đem lại hậu quả vô cùng tệ hại cho 2 ngày sau đó.
TĐ7 với trang bị đầy đủ, nên phòng thủ khu vực phía tây tiến chiếm các cao điểm không cho địch chế ngự.
Vừa rải quân phòng thủ cũng là lúc địch pháo kích đồng thời tấn công từ các đồi thông. Lực lượng địch lúc này không nhiều lắm, nhưng chúng có cả súng chống tăng, cối 82, phòng không 12.7. Tại khu vực TĐ4/TQLC, Thiếu Tá Nguyễn văn Nam/22A TĐPhó, ĐU Tô thanh Chiêu ĐĐT tử thương. Tuyến phòng thủ hiện tại rất khó kiểm soát vì rất nhiều quân nhân các đơn vị khác và thường dân di chuyển theo TQLC. Địch và bạn nằm trong khoảng cách gang tay.

Các TĐ 3, 4, 5, Viễn Thám vừa rút lui từ một lộ trình quá xa nên thất thoát nhiều đạn dược, súng cối 60 của ĐĐ không có bàn tiếp hậu, các quân nhân xử dụng nón sắt làm đế để tác xạ. Anh em binh sĩ giờ đây tác chiến trong một điều kiện khó khăn, thiếu yểm trợ, nhưng tinh thần không chút nao núng, anh em chạy ngược chạy xuôi tìm đạn dược. TĐ7 vẫn giữ liên lạc chặt chẽ trong nội bộ. Một vài vị trí địch bị phá hủy và các trung đội chiếm giữ các cao điểm.
Tuy các TĐ do LĐT/LĐ147 chỉ huy, nhưng trong lúc này các TĐT tùy nghi điều động đơn vị mình và phối hợp để mở rộng vòng đai an ninh.
Đây là một trận chiến vô cùng phức tạp chưa từng thấy trong chiến tranh ngay cả như Tết Mậu Thân tại Thủ đô Sài Gòn hay Huế. Không phòng tuyến rõ ràng, số người di chuyển theo TQLC không phân biết ai là bạn ai là địch. Mỗi khi nghe tiếng súng nổ một số chạy về phía bắc, một số chạy xuống mé biển gây thêm cảnh hỗn loạn khó khăn cho TQLC. Một khu vực chưa đầy 1 cây số vuông nhưng hơn 3000 người trong đó.
Khi TĐ7 đưa M113 lên tấn công, địch pháo kích và tôi bị thương nhẹ do mảnh 82. Tuy nhiên TĐ 7 đã chiếm một số cao điểm nhằm giữ an toàn cho phía mặt biển.
Thế là tối hôm đó LĐ đóng quân đợi thực hiện kế hoạch Alpha rút quân bằng Hải quân Việt Nam lúc 12 giờ đêm.
Kế hoạch xuống tàu theo thứ tự như sau: BCH LĐ +TĐ2PB, TĐ4, TĐ3, TĐ5 và cuối cùng là TĐ7. 

Trận chiến chiều ngày 25/3/75 gây thiệt hại không ít cho các TĐ TQLC, em út của T/Tá Lê Quang Liễn cũng bị tử thương khi theo đoàn TQLC.

12 giờ đêm như kế hoạch rút quân đã vạch ra, đêm 14 âm lịch, trăng sáng vằng vặc, không gian đắm chìm trong không khí vô cùng ngột ngạt, mọi người đang chờ đợi, không nghe một tiếng động, hay chỉ vì tiếng sóng gầm át hẳn tiếng nói của con người.
12 giờ, rồi 1 giờ, 3 giờ sáng các con tàu vẫn không vào bờ. Xa xa ngoài khơi ánh đèn tàu vẫn còn đó. Nhưng mọi vật hình như bất động.

8 giờ sáng hôm sau một LCM vào đón thương binh và BCH/LĐ.

Đêm qua địch đã vượt phá Tam Giang tăng cường quân số quyết tấn công LĐ 147 và ngăn không cho xuống tàu . Khi chiếc tàu đầu tiên bất ngờ vào øbốc được quân thì địch sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt và 12.7 tác xạ vào điểm tập trung chờ tàu, chiếc LCM bị trúng hỏa tiễn, hình như ĐT LĐT bị thương nhẹ.
Hải quân định cho thêm tàu vào bãi bốc nhưng giờ này hỏa lực địch rất mạnh cho nên LĐ không thể thực hiện kế hoạch rút quân.
Nếu đêm qua kế hoạch Alpha được thi hành thì ít nhất một nửa LĐ có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì lý do gì không thực hiện được?

Từ lúc này, 26/3/75, tôi được ĐT /TLP chỉ định xử lý thường vụ LĐT/LĐ147 để điều động các TĐ 3, 4, 5, 7 và TĐ2 PB. Khoảng 10 giờ Hải quân cho biết sẽ có LCM vào đón. Tôi đề nghị tàu sẽ cặp bến phía Bắc chúng tôi một cây số nhằm tránh địch pháo kích và tấn công. Tôi gọi TĐ4/TQLC của T/T Thành di chuyển lên tàu (như thứ tự đã ấn định) nhưng không liên lạc được và do đó TĐ3 của T/T Sử nhận lệnh này. Khi chiếc LCM cặp bến, không những chỉ có một số TĐ4 và TĐ3 mà còn quân nhân nhiều đơn vị khác nữa tranh giành nhau để lên tàu gây ra cảnh xô xác hỗn loạn. Với số lượng người quá nhiều chiếc tàu quá tải không thể di chuyển được và bị mắc cạn. Vị chỉ huy tàu yêu cầu xuống bớt mới có thể ra khơi. Nhưng ai là người chịu bước xuống bờ khi biết đây là chiếc phao cuối cùng để giữ mạng sống cho mình. Việc dằn co này đã gây ra đổ máu vì lòng ích kỷ. Vị chỉ huy tàu gọi tàu khác vô kéo nhưng càng lúc tàu càng lún sâu trong cát không thể cứu vãn được. Trong cơn tuyệt vọng của các quân nhân trên tàu, một số đã tự sát gây thêm cảnh chết chóc cho người chung quanh.
TĐ3 trở lại vị trí củ để chờ đợi.
Tôi gọi ĐT /TLP hỏi phải làm gì? Ông cho biết đợi và sẽ có tàu đón.

Trong cơn nắng trưa trên bãi cát cả LĐ không nước uống, chỉ nhai gạo sấy và đợi chờ.
Địch giờ này chỉ pháo cầm chừng, chúng cố ngăn không cho tàu vào.
Khoảng 2 giờ chiều Trung tướng Lâm Quang Thi bay trực thăng ngoài biển khơi ông hỏi tôi quân số dưới đất còn bao nhiêu. Tôi cho biết ngoài 5 TĐ TQLC còn có các đơn vị bạn đi theo tổng số gần 3000 người. Ông nói sẽ có tàu lớn vào đón. 

4 giờ chiều ĐT TLP gọi và cho tôi biết không còn con tàu nào nữa, chúng tôi phải tự lo liệu, và ông từ giã chúng tôi để rời hải phận Thừa Thiên vào Đà Nẳng.
Tôi tự hỏi “Mình đã bị bỏ rơi hay sao?” Chưa tuyệt vọng, tôi liên lạc với Thiếu Tá Đinh Xuân Lãm/17 TĐT/TĐ16/TQLC đang đóng trên đèo Hải Vân. Tại đây tôi gặp Thiếu Tá Nguyễn quang Đan, anh là tùy viên quân sự của Tư lệnh Sư Đoàn, đang ở tại trạm liên lạc giữa các đơn vị TQLC Huế và BTL tại Đà Nẳng. Tôi cho Đan biết tình hình và hỏi có lệnh gì của Lạng Sơn (Tư lệnh). Đan lập lại câu hỏi của tôi. Từ đầu máy bên kia, tôi nghe được, nhưng Tư lệnh không nghe tôi, ông nói (nguyên văn) ”Tình hình trong này rất lộn xộn, Cam Ranh cho con cái di chuyển càng về phía Nam càng tốt, hoặc dùng những sampans, (ghe: tiếng Pháp) ra biển về Nam, Sư đoàn không thể làm gì được”. Lúc này tôi lặng người, thật sự chúng tôi đã bị bỏ rơi. Các anh em binh sĩ chung quanh đang nhìn thái độ của tôi để đoán nội dung câu chuyện.
Tôi quay qua liên lạc với T/T Lãm và hỏi ông vị trí đóng quân của TĐ 16. Nhìn bản đồ Đ/U Việt, Ban 3 mơí ráp ngày hôm qua, những chấm đen đóng quân của TĐ 16 xa tắp. Làm sao có thể đến cửa Tư Hiền? Làm sao có thể lội qua cửa sông này trong khi con nước rằm rất lớn? Và sau đó làm sao có thể vượt gần trăm cây số đường núi để bắt tay với TĐ16?

Tôi liên tưởng đến những ngày quân đội Đồng Minh bị Đức phản công và bị vây tại thung lũng Ardene, nhiều đơn vị bị xé tan, nhưng một Trung đoàn của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tác chiến sau khi ẩn nấp vào vùng nuí đồi. Còn LĐ 147, trước mặt là biển đông, sau lưng là phá Tam Giang, giữa là giải cát dài không thể che dấu. Có thể làm được gì đây?

Đã 6 giờ chiều, phải quyết định thật gấp dù rất mỏng manh_ cứ tiến về Nam.
Tôi mời các TĐT đến họp: Thiếu Tá Võ đằng Phương TĐT/TĐ2/PB, Thiếu Tá Nguyễn văn Sử TĐT/TĐ3, Thiếu Tá Phạm văn Tiền TĐT/TĐ5, Thiếu Tá Lê Quang Liễn và tôi. Riêng Thiếu Tá Đinh Long Thành TĐT/TĐ4 từ sáng đến giờ không liên lạc được.
Tôi cho biết tình hình và đưa ra 3 giải pháp:
· Đầu hàng địch
· Tuyên bố giải tán đơn vị.
· Đánh và di chuyển về phía Nam.

Lẽ dĩ nhiên không ai chấp thuận 2 giải pháp trên, chỉ còn lại giải pháp cuối cùng. Đơn vị nào sẽ mở đường. TĐ 7 vẫn là đơn vị tương đối còn khả năng tác chiến. Tôi nói TĐ7 sẽ mở đường dọc theo bờ biển, mỗi khi gặp địch tác xạ và tiến về phía trước. Xuất phát lúc 10 giờ.
Chưa đúng hẳn 10 giờ các đơn vị đã lên đường, ào về phía Nam, gặp nút chặn của địch quân ta tác xạ tối đa và vượt nhanh về phía trước. Không còn đội hình gì nữa hàng ngang 10, 20 dựa theo địa thế có thể tránh được đạn từ cồn cát cao bắn xuống.
Rất vất vả di chuyển trên cát với đôi giày trận, phần đông anh em binh sĩ đã lột bỏ xuống biển để đi cho nhanh.
Đêm trăng sáng vằng vặc, sóng to gào thét, chúng tôi di chuyển âm thầm dọc bờ biển dài không biết phía trước sẽ gặp gì và có đạt được mong muốn hay không. Nhưng cứ đi, dù ai không muốn đi cũng không được bởi vì sức cuốn hút của dòng người.
Tôi không nhớ mình đã đi được bao lâu và có cảm giác như mộng du, bởi vì điều xảy ra hôm nay chưa từng nghĩ đến trong đời quân nhân.
Khoảng 3 giờ sáng, nhiều toán quân đi trước đội ngược lại. Một quân nhân nói với tôi ”Thiếu tá, việt cộng chận đằng trước, nhiều anh em đã bị bắt”
Cho đến lúc này khả năng chiến đấu là số không. Đạn dược đã hết, một số lớn súng đã ném xuống biển vì vô tích sự. Tôi hỏi Liễn ”làm sao đây?” Liễn đề nghị dùng ghe của dân ra biển. Tôi nói không cách nào ra khơi với những chiếc ghe nhỏ và không mái chèo. Tôi đề nghị ”Rẻ vô Phá Tam Giang tìm thuyền ra cửa Tư Hiền”. Tất cả đồng ý.

Tôi rẽ đi với một nhóm nhỏ gần 10 người. Kể từ giờ này mạnh ai người ấy lo cho thân mình.

Sáng hôm sau, 27/3/1975, chúng tôi bị bắt và tập trung về một trường học thuộc quận Hương Thủy. Ở đây tôi gặp lại gần như toàn bộ LĐ147.

Tôi không có ý định viết lại những kỷ niệm đau buồn này, nhưng đã nhiều năm qua nỗi uẩn khúc luôn luôn dằn vặt tâm hồn mình. TĐ7 nói riêng và LĐ147 nói chung đã tan nát trong hoàn cảnh vô cùng tức tưởi mà cho đến nay một vài anh em nằm xuống nhưng vẫn chưa giải tỏa được.

Xin thành kính tưởng nhớ các chiến hữu LĐ147 và thân nhân đã bỏ mình tại Thuận An tháng 3/75.


Des Moines, Iowa 
Tháng 2 năm 2003
MX Phạm Cang
Tân Sơn Hòa chuyển

No comments: