Tuesday, March 25, 2014

• Huế - Phi Vụ Cuối Cùng - Nguyễn Trà

Nguyễn Trà - Hoàng Ưng 239
Một người sinh ra và lớn lên tại Cố Đô mang nhiều kỷ niệm vui buồn, lãng mạn, trìu mến và yêu quý. Không ngại những hiểm nguy, đã từng xông pha ngoài trận tuyến chiến đấu, gìn giữ biên giới và không phận của nước nhà.

 

Một người sinh ra và lớn lên tại Cố Đô mang nhiều kỷ niệm vui buồn, lãng mạn, trìu mến và yêu quý. Không ngại những hiểm nguy, đã từng xông pha ngoài trận tuyến chiến đấu, gìn giữ biên giới và không phận của nước nhà. 

Được tin Huế di tản tôi vội vàng lên Không Đoàn xin một phi vụ huấn luyện hầu mong gặp được gia đình và người... Vào buổi trưa cuối tháng 3 trời miền Trung mát mẻ, êm dịu, cây cỏ đang đua nhau đâm chồi trổ hoa, chúng đang tha thiết tranh nhau vươn lên cho sự sống. Một chiếc UH1 bay dọc theo sườn núi, qua đèo Hải Vân khi ẩn khi hiện, bên cạnh mặt trời lấp lánh nhìn qua cửa kính, theo quốc lộ số 1 về hướng Bắc. Một đường bay rất quen thuộc hàng ngày trong 6 năm trời dài đẳng. Những đỉnh núi cao, những thung lũng thấp hôm nay cảm thấy khác lạ. Những xe cộ bỏ lại ngổn ngang, hai bên lề đường những chiếc xe GMC, xe Jeep chở lính lẫn dân nối đuôi nhau lên đèo Hải Vân. Vừa đến Lăng Cô thấy hàng ngàn người tụ họp, có lẽ họ đang tìm đường biển để vào Đà Nẵng. Đà Nẵng ra Huế trực thăng bay bình phi khoảng 45 phút, sao hôm nay cảm thấy lâu quá?

Tại Huế có 2 bãi đáp, Bộ Tư Lệnh tiền phương ở Mang Cá và trước cổng trường Quốc Học, tôi quyết định đáp xuống Mang Cá. Phòng Hành Quân tại Đà Nẵng đã cho hay BTL Tiền Phương di tản sáng hôm nay nên khi đáp xuống không mấy ngạc nhiên thấy vắng tanh không một bóng người trong căn cứ, nhìn ra cổng chính thấy một anh lính gác. Tôi chạy ra ngoài Cầu Kho có người quen, mướn chiếc xe gắn máy đi thật nhanh đến ngay Tây Lộc (cửa An Hòa) vào nhà Ánh T. Dựng xe gắn máy trước cổng đẩy cánh cửa sát vào bên trong hàng rào chè tàu, được cắt tỉa thẳng góc ngày hôm qua, hai dãy bông thọ màu vàng đang còn ướt lá với mùi thơm của hoa ngọc lan thật ngọt ngào. Đến cửa chính gõ mấy tiếng thật mạnh và nhanh, không thấy ai lên tiếng, các cửa sổ được kéo màn xuống kín mít, tôi la to "Ánh T. ơi, em ở đâu? Có ai ở nhà không?". Tôi đoán rằng Ánh T. và gia đình đang đi tìm phương tiện để vào Đà Nẵng, vội lấy mảnh giấy trắng trong túi áo bay ra ghi mấy chữ: "Anh đến đón em, em đi đâu? Chào em, anh của em. TT" gắn lên tay cầm cửa, đi quanh nhà một vòng không thấy gì khác lạ, cảm thấy thất vọng, lật đật bước lùi ra rồi khép cửa hàng rào lại. Trên quảng đường trở lại Mang Cá, tâm hồn cảm thấy cô đơn, buồn bả, thất vọng. Nhìn những cây phượng vĩ ngay hàng thẳng lối dọc hai bên đường đang mườn mượt trổ lá đâm chồi che chở những nụ hoa sắp nở, trên một con đường rất quen thuộc đã từng qua lại nhiều lần, đã tạo bao nhiêu kỷ niệm. Chúng tôi thường nắm tay nhau rão bước qua phố trong những ngay cuối tuần. Còn nhớ những lúc tan trường đến đón Ánh T. trong chiếc áo dài trắng xóa với mái tóc thề ngang vai trong chiếc nón bài thơ, hai tay em ôm chặt vào thân tôi. Cũng trên con đường nầy, có những lúc Ánh T. giận hờn khóc lóc, tôi rảo bước theo gót chân nàng để phân trần, năn nỉ dưới ánh đèn đường vàng nhạt của nội thành. Đang suy nghĩ vẩn vơ, đã đến Hồ Tịnh Tâm hồi nào không hay. Trở lại máy bay vừa quay máy cất cánh, nghe ngay trên tần số guard (emergency) tiếng gọi liên tiếp của đài Kiểm Báo không lực Panama ở Sơn Trà, Đà Nẵng:


- Skyhawk! Skyhawk!
- Skyhawk nghe đây.
- Anh đang ở đâu?
- Trên không phận Thành Nội, Huế.
- Có lệnh Skyhawk trở về Delta Nancy gấp và thường xuyên giử tần số để liên lạc.
- Roger.

Tôi bay qua các địa danh của Huế một lần cuối cùng để giả từ. Bay lên chùa Thiên Mụ hướng mười giờ là Long Thọ. Sông Hương mặt nước phẳng lặng, không thuyền cập bến, đò ngang đò dọc hàng ngày lui tới ngược xuôi, bây giờ biến mất. Xe cộ giao thông trên đường phố thưa thớt, cầu Trường Tiền vắng bóng bộ hành qua lại. Rẻ qua trái là núi Ngự Bình trước tròn sau méo đang ngạo nghễ đứng yên. Xe đạp, bộ hành hôm nay vắng ngắt, chỉ còn lại những con đường đất ngoằn ngoèo, xơ xác, trơ trọi! Sông An Cựu nước vẫn đục ngầu, có đôi ba bà cụ đang khom lưng giặt áo quần trên sông, những chiếc bèo nối đuôi nhau theo dòng nước yên lặng và vô tư đưa theo chiều gió. Bên trái là Vỹ Dạ, những vườn bắp xanh mướt và thẳng tắp đang đua nhau trổ bông, những bầy cò trắng đang bay qua bay lại đùa nhau dưới ánh nắng ban trưa. Bao quanh chợ Đông Ba vẫn đông đảo, tấp nập, chợ búa vẫn bình thường buôn bán. Khu Văn Lâu với lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn dài, rộng đang chuyển mình uốn tung ra trước gió. Chao ôi! Huế đẹp, Huế thương, Huế thơ, Huế mộng của tôi ơi sao mà tang tóc thế.
Tôi muốn la hét lên những tiếng thật lớn tại sao tôi phải giả từ Huế đô suốt cả cuộc đời thơ ấu với bao nhiêu kỷ niệm mến yêu ôm ấp.


Bay về cửa Thuận An, tôi bay thấp và chậm lại để quan sát kỷ lưỡng. Thuận An hôm nay thật tấp nập, ồn ào và náo nhiệt. Mọi người chay tới chạy lui, xô lấn nhau trên những bãi cát trắng ngần, ào ra trên những chuyến tàu cuối cùng để vào Đà Nẵng. Họ vẫy tay chào, tôi vẫy tay chào lại. Chào bà con, chào bạn bè, chào đồng bào những lời chào đứt ruột, gan bầm với hai hàng nước mắt tuôn rơi. Nhìn ra khơi những chiếc xà lan của Hải Quân sắp hàng thẳng lối di chuyển chậm rãi, có lẽ họ chở quá trọng tải. Theo sau là những chiếc thuyền con nhấp nhô theo làn sóng biển nối đuôi nhau về hướng Nam.


Suốt sáu năm trời ròng rã với lứa tuổi vừa quá đôi mươi, đêm ngày say mê với lửa đạn, không bao giờ từ chối một phi vụ hiểm nguy, đã đảm nhận nhiều phi vụ gay go, hiểm trở như thả toán. bốc toán, đổ quân, tiếp tế v.v., luôn luôn mong ước là mang chiến thắng về cho mình và đất nước, đã làm tròn bổn phận của một người lính Không Quân gìn giữ bảo vệ không phận của miền Nam.


Phi vụ cuối cùng ở Huế mang đầy tình ái và đau thương, nỗi lòng quyến luyến và nhớ nhung của một người sinh ra và lớn lên ở Huế. Than ôi chiến tranh đã mang đến cho tôi: phải rời Huế đô yêu mến, phải bỏ lại người.


Nguyễn Trà - Hoàng Ưng 239





Tây Lộc


Nhìn ra phía Hương Trà, và xa xa là Phá Tam Giang


đồn Mang Cá


Cồn Dã Viên


Sông Bạch Yến, nhìn ra xa là phố cổ Bao Vinh
http://hoiquanphidung.com/content.php?2254-Hu%E1%BA%BF-Phi-V%E1%BB%A5-Cu%E1%BB%91i-C%C3%B9ng
Biên Hùng chuyển

No comments: