Saturday, December 13, 2014

• Người Pháo Thủ TQLC trong cuộc chiến 1972 - Giang Văn Nhân

Giang Văn Nhân

Sau khi triệt thoái khỏi Quảng Trị về Huế để bổ sung quân số và quân trang quân dụng, đầu tháng 6 năm 1972 TĐ2PB bắt đầu xuất hiện trên chiến trường Quảng Trị.

- Nam Giao đây 21, 4900 cho gần lại 50 thước.
- 21 đây Nam Giao, nhận 5/5

Trên bầu trời, hỏa châu soi sáng khung cảnh trong Cổ Thành, vị trí chốt cùng những cử động hiện rõ trên nền vàng nhạt phía sau lưng.

Sau trái đạn đầu tiên bắn xa mục tiêu Thiếu Úy Nguyễn Văn San lấy phương giác, điều chỉnh ngắn lại. Thảo quay sang Thiếu Úy Lý Hồng Phát, tiền sát viên Pháo Đội E của TĐ2PB/TQLC.

- Anh Phát, phương giác 4900, nhờ anh cho ngắn lại 50 thước.

Rầm, quả đạn nổ trên mục tiêu.
- Nam Giao, tốt quá, cho tiếp tục.

Mục tiêu là chốt địch, cần bắn chính xác, tránh tản đạn vì thế TSV Phát gọi về đài tác xạ.
- Yếu tố cũ, bắn tiêu hủy, khẩu đội 10 quả

Khói thuốc theo hai ngả trổ ra của hầm chữ A toả rộng trong đêm tối, căn hầm này được đào sâu ngay chính giữa nhà, cột gỗ to làm đà và mấy tấm ván của bộ phản làm vách. Bề ngang rộng hơn một thước, dài gần hai thước và cao một thước rưởi. Hai cửa có ngách và bậc tam cấp để lên hoặc xuống. Hơn một nửa nhà bị sập, tuy nhiên phần còn lại của mái ngói vẫn còn che toàn bộ căn hầm và hai lối ra vào. Tường bằng gạch loang lổ, nhiều khoảng bị sụp đổ. Nhà ba gian, cột bằng gỗ tốt, hằn sâu vết đạn cùng các mảnh sắt bay tung ra từ bom và pháo binh. Thiếu Tá Trần Kim Đệ Tiểu Đoàn Phó TĐ3/TQLC, ám danh đàm thoại Đệ Đức, ngồi bệt trên mặt đất, mắt dán chặt vào tấm bản đồ không ảnh Cổ Thành Quảng Trị, bàn tay trái đang kẹp chặt điếu thuốc mà mấy đầu lóng tay bị ám khói màu vàng sẩm, bàn tay phải đang cầm ống liên hợp của máy PRC 25 áp chặt vào lỗ tai. Tiếng rít của đạn đạo 130 ly, 100 ly pháo binh CSBV bủa vây chung quanh, đạn nổ rung nhẹ mặt đất, hất tung mọi thứ hợp cùng mảnh sắt khua trên tole, gạch tạo âm thanh rợn người.

Căn hầm chỉ có ba người nhưng chật chội với năm máy truyền tin để điều động và yểm trợ, cùng một điện thoại hữu tuyến liên lạc trực tiếp bằng bạch văn từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn (cánh A) tới Tiểu Đoàn Phó (cánh B)

Để tránh sự thương vong tối đa, khi màn đêm buông xuống, từng toán nhỏ của đại đội trang bị nhẹ, chính yếu là lựu đạn bò lên thanh toán các chốt của địch. Nguyên Thảo theo dõi từng bước tiến và điều chỉnh tác xạ của các trung đội trưởng dọc bờ thành, nơi địch quan sát và dùng 82 không giật bắn trực xạ xuống đại đội. Loa khuếch đại âm thanh của máy PRC 25 vặn thật thấp, Thiếu Úy Nguyễn Hồng Phát tiền sát viên pháo binh của Pháo Đội E lắng nghe và liên lạc về đài tác xạ pháo đội mọi yếu tố điều chỉnh đến khi bắn hiệu quả.

Thị xã Quảng Trị hứng chịu đạn pháo của cả hai bên. những căn nhà đổ nát có tường gạch được địch cài chốt, bờ thành cao là nơi quan sát rõ ràng mọi sự tiến quân vào ban ngày, điều chỉnh pháo binh yểm trợ các chốt và tiêu diệt quân ta. Vì thế trong tình huống này, người lính TQLC trở nên thành thạo trong việc bứng kiềng chốt của CSBV khi màn đêm buông xuống, ánh sáng loé lên mỗi khi địch tác xạ, giúp ta xác định vị trí chốt để sau đó từng người bò lên ném lựu đạn. Pháo binh TQLC bắn tê liệt các tổ hoả lực yểm trợ chốt của CSBV, địch dần dần bị đẩy vào bên trong cổ thành, vùng kiểm soát của đại đội mở rộng ra sát đường Duy Tân.

Từ lúc hoán đổi vị trí của Đại Úy Bùi Phúc Lộc TĐ8/TQLC (ngày 27 tháng 8) chỉ vài lần không quân oanh tạc bên trong cổ thành, nhưng sau đó, các đơn vị TQLC giành giật từng tấc đất, khoảng cách tới tường thành càng thu ngắn lại, vì an toàn nên mục tiêu oanh tạc của không quân là bên ngoài hướng Tây cổ thành (bờ sông Thạch Hản), khu vực toà hành chánh Quảng Trị. Lúc này chỉ còn pháo binh là hoả lực yểm trợ sát cận duy nhất. Ban ngày tiền sát viên xin tác xạ tiêu hủy hay chuẩn định theo sự điều chỉnh của các trung đội trưởng vào các vị trí chốt, do kinh nghiệm nhìn trên địa thế, hoặc bị chúng bắn thiệt hại không thể tiến lên được trong đêm hôm qua. Bây giờ vai trò người trung đội trưởng (điều chỉnh tác xạ) và người tiền sát viên (chuyển đạt yếu tố về hỏa tập) phối họp chặt chẽ với nhau rất quan trọng, đã gây thiệt hại tối đa bên địch quân đồng thời giảm thiểu sự tổn thất cho đại đội tiến lên giành lại từng ô nhà đổ nát.

Mờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 1972, trong vùng trách nhiệm của LĐ147 Trung Úy Nguyễn Ngọc Trà Đại Đội Phó/ĐĐ3 chỉ huy hai trung đội vượt hào nước chiếm được bờ thành, ngay lập tức Đệ Đức Thiếu Tá Trần Kim Đệ bước đi như chạy, một tay cầm chai rượu Hennessy, tay kia ông cầm ống liên hợp điều động đại đội Thảo thanh toán mục tiêu, ông cũng không quên cho lệnh tiền sát viên yêu cầu tác xạ ra bờ sông (khu vực trách nhiệm LĐ147) để tiêu diệt địch đang tháo chạy cũng như chặn viện binh nếu có. Thiếu Úy Phát theo chân tiểu đoàn phó leo lên thành. Đệ Đức khui chai Hennessy, rót rượu trên nắp rồi chuyền tay cho anh em binh sĩ. Hớp rượu mừng từ tay Đệ Đức làm lòng mọi người ấm lại, khí huyết rạo rực trong men chiến thắng, Thiếu Úy Phát nhìn mọi cảnh vật bên trong cổ thành, cảm giác sửng sờ giữa thực tế và bản đồ không ảnh trong tay. Là tiền sát viên được đối chứng sự khác biệt rõ ràng đó anh mới hiểu được hiệu quả của pháo binh (TQLC) trong cuộc chiến.

Anh em TĐ3/TQLC hùng dũng vừa tác xạ vừa tiến lên, địch chống cự yếu ớt, nhất là hướng nhà giam tiểu khu, các khẩu M79 bắn dọn đường phía trước, tiếng nổ thật khiếp đảm. Đứng trên tường thành toán tiền sát là nhân chứng của pháo binh trước hình ảnh chiến thắng lịch sử.

Binh chủng Pháo Binh tuyển chọn sĩ quan từ Trường Võ Bị Đà Lạt và Trường Bộ Binh Thủ Đức, nhưng từ khóa 19 VBĐL về sau chỉ còn sĩ quan Trừ Bị được đào tạo thành sĩ quan Pháo Binh. Trước năm 1961, Trường Pháo Binh tọa lạc tại Phú Lợi, tỉnh Bình Dương. Các Khóa 11 Thủ Đức trở về sau được huấn luyện tại Trường Pháo Binh Dục Mỹ. Trong thời gian thụ huấn tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, gần cuối giai đoạn 1 có cuộc khảo sát trắc nghiệm, căn cứ vào kết quả đó, những SVSQ có năng khiếu giỏi về toán (ban B) thường có ưu thế được Pháo Binh để mắt tới. Khi đã được chọn, họ sẽ trải qua 6 tháng tại Trường Pháo Binh Dục Mỹ, tại đây họ được huấn luyện và thực tập xin tác xạ, điều chỉnh đưa đạn nổ vào mục tiêu, các phương thức mà người tiền sát viên nhanh chóng xử dụng như Toạ Độ Cực, bắn Lồng Khung…, học căn bản cũng như thực tập T.O.T (Time On Target), họ được học kỷ về địa hình, truyền tin và hiểu biết về quân xa, lúc tốt nghiệp họ sẽ những sĩ quan có ám số chuyên nghiệp Pháo Binh và được phân phối theo nhu cầu của từng đơn vị. Trong thời gian binh chủng TQLC còn là Lữ Đoàn, chỉ có một Tiểu Đoàn Pháo Binh (TĐ/PB) với 3 pháo đội A, B và C. Pháo Đội B và Pháo Đội C được trang bị đại bác 105 ly nòng ngắn, hai pháo đội này thường xuyên yểm trợ cho Chiến Đoàn A (An Dương Vương), Chiến Đoàn B (Bắc Bình Vương) trong các cuộc hành quân tăng phái khắp 4 vùng chiến thuật. Pháo Đội A trang bị đại bác 75 ly sơn pháo chỉ dùng yểm trợ các cuộc hành quân ven đô (vòng ngoài thủ đô Sàigòn). Ba tân sĩ quan pháo binh (khóa 21TĐ) tình nguyện về TQLC, tiếp tục khóa học Quan Sát Viên Phi Cơ (ALO) kéo dài một tháng rưỡi, rồi được Tiểu Đoàn Trưởng Pháo Binh phân phối về 3 pháo đội, Chuẩn Úy Lưu Văn Phúc về Pháo Đội A, Chuẩn Úy Cao Khắc Minh trình diện Pháo Đội B và Chuẩn Úy Nguyễn Thành theo Pháo Đội C. Sau này binh chủng TQLC được nâng cấp sư đoàn, có 3 tiểu đoàn pháo binh, trực tiếp yểm trợ cho 3 lữ đoàn, số lượng sĩ quan pháo binh của mỗi khóa tình nguyện về binh chủng TQLC nhiều hơn. Trước kia pháo đội tăng phái 3 toán tiền sát cho một tiểu đoàn, mỗi toán có 4 người gồm 1 sĩ quan tiền sát viên, 1 hiệu thính viên và 2 binh sĩ lo mọi việc cho tất cả, nhưng sau này vì nhu cầu chỉ còn 3 người mà thôi. Tiền sát viên khi có đủ kinh nghiệm, thời gian, cấp bậc và khả năng, sẽ trở thành Trung Đội Trưởng, rồi lần lượt tiến xa hơn như Pháo Đội Trưởng…

Khóa 13VBQG khi tốt nghiệp, các sĩ quan được chọn tiếp tục học về ngành pháo binh và được đưa sang Trường Fort Sill thuộc tiểu bang Oklahoma Hoa Kỳ ( TQLCVN có Trung Tá Đoàn Trọng Cảo và Thiếu Tá Nguyễn Trọng Đạt). Nhiều sĩ quan pháo binh cũng được thụ huấn tại Trường Pháo Binh Fort Sill sau khi học Basic School của USMC như sĩ quan các tiểu đoàn tác chiến. (Trần Văn Tỷ, Lưu Văn Phúc, Nguyễn Toàn, Hà Minh Công, Đỗ Quốc Dũng...). Riêng khóa học Pháo Binh Cao Cấp chỉ có Thiếu Tá Võ Đằng Phương, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lạc.

Một kỷ niệm khó quên với tiền sát viên pháo binh vào những ngày cuối năm 1971, đại đội 2 hoạt động xa về hướng Tây căn cứ A2 và sát vùng Phi Quân Sự, khu vực tương đối trống trải, có những đám chồi, cây lấp xấp, thế đất thoai thoải lên xuống. Địch quân thỉnh thoảng bắn hỏa tiễn 240 ly từ hướng Bắc trong khu vực phi quân sự vào căn cứ, nhưng tất cả đều rớt bên ngoài, để lại hố có đường kính non hai sải tay. Đại đội cuốn lều di chuyển lúc mờ sáng, đội hình mở rộng lục soát từng mục tiêu (nhận trực tiếp từ SQHQHL mỗi tối). Trên đường đi Thảo lựa chọn vị trí qua đêm, rồi cho một trung đội hoạt động gần đó để giử an toàn. Cơm nước xong xuôi, lúc chập tối lần lượt các trung đội rút về điểm đóng quân đêm. Một buổi trưa, địch pháo kích vào vị trí dùng cơm của Thảo và Thiếu Úy Trần Văn Đức tiền sát viên Pháo Đội I, tiếng depart ngay trong vùng phi quân sự, đạn nổ xa phía trước mặt (từ vị trí súng đến chổ ngồi), Thảo và hai hiệu thính viên tạt xa bên trái và nhảy xuống mấy hố cạn, Thiếu Úy Đức và toán delo phóng vào các hố phía sau. Như đã tiềm ẩn nhập tâm từ lúc nào, không suy tính nghĩ ngợi, Thảo hét to lên.

- Nhảy trái phải, coi chừng ngắn dài.

Thiếu Úy Đức cùng hiệu thính viên và cận vụ A Cửu vọt người lên nhảy vào các hố xa bên phải. Trái thứ hai nổ về phía sau, rồi kế tiếp nổ đồn dập vào giữa (bẻ đôi lồng khung). Tiền sát viên Đức nhanh chóng dùng Toạ Độ Cực phản pháo, trong lúc di động anh phát giác bóng người trên điểm cao Le Mon, anh xin thêm tác xạ vào đó. Những lúc dùng Toạ Độ Cực (phương giác, khoảng cách từ tiền sát viên đến khẩu pháo địch), hoặc xin hỏa tập tiên liệu, quấy rối, người tiền sát viên luôn luôn để vị chỉ huy đơn vị tác chiến xác định toạ độ. Qua yếu tố điều chỉnh từ trung đội trưởng, người tiền sát viên gởi về đài tác xạ của pháo đội yểm trợ trực tiếp cho đến khi đạn nổ trên mục tiêu xin bắn hiệu quả. Do kết quả dựa vào thời gian, thông thường đơn vị tác chiến đánh giá khả năng tiền sát viên, tuy nhiên có những yếu tố ảnh hưởng do thời tiết, hướng và vận tốc thay đổi của gió, thế đất (mềm hoặc cứng) nơi đặt từng khẩu súng của pháo đội… người quân nhân tác chiến không am tường vì thế ước lượng giá trị tài năng người tiền sát viên hoàn toàn không chính xác.

Mọi yêu cầu từ tiền sát viên gởi về đài tác xạ qua sự kiểm soát của sĩ quan tác xạ, từ đây sẽ phối hợp với sĩ quan liên lạc điều không của Không Quân tại trung tâm hành quân lữ đoàn, khi sĩ quan này đồng ý vì không có phi cơ trong vùng được yểm trợ thì yếu tố bắn được chuyển đến khẩu pháo cho tới lúc bắn hiệu quả (trung đội hay pháo đội). Vai trò của người khẩu trưởng rất quan trọng, anh trách nhiệm bảo trì súng luôn luôn được hoàn hảo, huấn luyện nhân viên thuần thục, phối hợp các động tác nhịp nhàng cùng kiểm soát chính xác lượng thuốc bồi. Tốc độ nhanh lẹ bắn phủ đầu đã góp một phần cho chiến thắng trên khắp các mặt trận.

Giống như tất cả những khẩu trưởng khác của đơn vị pháo binh, Trung Sĩ Nhất Phạm Thành Nhân của Pháo Đội I thuộc TĐ3/PBTQLC tốt nghiệp khóa 3/68 Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại làng Đồng Đế, quân trường này chính yếu là đào tạo những cán bộ cho quân đội. Trường có tượng người lính màu trắng trong tư thế thao diễn nghỉ trên ngọn núi mà hoàng hôn hiện rõ trên nền trời kết hợp với đường cong uốn lượn của dãy núi như bóng dáng của người con gái, hình ảnh đó được truyền tụng với hai câu thơ:

Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh


Đêm mãn khóa trọng thể với lễ phục uy nghi nơi Vũ Đình Trường, các ngọn đèn pha chiếu sáng thẳng vào tượng. Khóa sinh được lệnh quỳ xuống thì một tiếng nổ thật lớn, liền sau đó trên núi những trái lựu đạn khói đủ màu xanh tím vàng đỏ, tỏa ra từ dưới chân, tượng người lính lung linh mờ ảo trông thật uy nghi.

Trong thời gian thụ huấn, có những bài khảo sát, trắc nghiệm theo khả năng để sắp xếp đơn vị ngành nghề, và khi mãn khóa anh được chỉ định về ngành Pháo Binh. Bốn tháng thụ huấn Trường Pháo Binh tại Dục Mỹ, anh được học chuyên môn về pháo binh, chính yếu là trung ương tác xạ và địa hình. Ngoài ra anh còn được huấn luyện giống như các khóa căn bản của sĩ quan pháo binh về tiền sát để có thể vì nhu cầu chiến trường tạm thời làm tiền sát viên trong tình huống bất khả kháng.

Sau thời gian phục vụ Tiểu Đoàn 61 Pháo Binh trực thuộc Biệt Khu Thủ Đô, đầu năm 1970 anh tình nguyện về Sư Đoàn TQLC. Những yếu tố của tiền sát viên gởi về cho đài tác xạ, qua sự tính toán của sĩ quan tác xạ, hạ sĩ quan tác xạ và nhân viên, là người khẩu trưởng anh sẽ nhận được những yếu tố tác xạ như:

- Độ giạt, góc thăng bằng, số thuốc nạp qua máy truyền tin TA 312.

Sau đó anh đọc cho người nhắm viên ghi độ giạt, người số 1 (giựt cò) góc thăng bằng, người làm thuốc nạp (thuốc bồi), ngoài ra còn có những nhân viên khẩu đội khác có nhiệm vụ nạp đạn vào nòng (khi có lệnh của khẩu trưởng), gắn đầu nổ vào đầu đạn, khui đạn… Người khẩu trưởng có trách nhiệm phải kiểm soát lại các yếu tố thật kỷ càng, chính xác trước khi báo cáo lên đài tác xạ và chuẩn bị chờ lệnh để tác xạ. Khẩu trưởng phải huấn luyện tân binh mới bổ sung về khẩu đội, để họ trở thành một pháo thủ có thể làm bất cứ nhiệm vụ nào, tuy nhiên người nhắm viên (khẩu phó) và người số 1 (giựt cò) thì được chỉ dẫn kỷ càng, quan trọng hơn, với pháo binh luôn luôn nằm lòng “sai một ly, đi một dặm”, hậu quả sẽ không lường được khi gây thiệt hại cho chính quân bạn của mình. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy nhân viên của mình, khẩu trưởng còn có bổn phận rất nặng nề và quan trọng nữa là theo dõi thường xuyên tình trạng của khẩu đại bác, các loại đạn, để báo cáo lên sĩ quan tác xạ. Mỗi khi được yêu cầu bắn loại đầu nổ VT (vô tuyến màu lục), phải đích thân khẩu trưởng thực hiện, bởi vì loại đầu nổ này rất nhạy bén và nguy hiểm..

Đa số hạ sĩ quan pháo binh khi về đơn vị sẽ là các khẩu trưởng, các hạ sĩ quan xuất sắc được giao nhiệm vụ hạ sĩ quan tác xạ. Trong đài tác xạ, có một hạ sĩ quan thâm niên, thường là thượng sĩ sẽ là trưởng đài tác xạ và vài hạ sĩ quan cùng binh sĩ. Đài tác xạ được giám sát của sĩ quan tác xạ (sau này gọi là pháo đội phó). Tùy pháo đội trưởng, có pháo đội đặt 1 sĩ quan, có khả năng đặc biệt tính yếu tố chính xác, nhanh chóng... làm sĩ quan tác xạ, còn pháo đội phó sẽ chỉ huy trực tiếp các khẩu đội khi thi hành tác xạ.

Cứ 2 khẩu đội hợp thành 1 trung đội, có sĩ quan thâm niên hơn sĩ quan tiền sát viên làm trung đội trưởng, trung đội phó là những hạ sĩ quan thâm niên, có kinh nghiệm, đã từng là khẩu trưởng

Vào lễ Phục Sinh (30 tháng 3 năm 1972) CSBV bất thần với 40 ngàn quân vượt sông Bến Hải gồm các đơn vị, sư đoàn thiện chiến của Điện Biên Phủ năm 1954, cùng vũ khí tối tân, chiến xa, đại bác của khối cộng sản bất thần tấn công vào 3 trung đoàn của Sư Đoàn 3 Bộ Binh, toàn bộ Trung Đoàn 57/BB triệt thoái từ Gio Linh về Quảng Trị, đơn vị pháo binh của bộ binh bỏ lại súng trong căn cứ Đông Hà. Pháo Đội I (Đại Úy Phan Văn Kính PĐT) thuộc TĐ3PB/TQLC tại doanh trại Trung Đoàn 2 Bến Hải của Sư Đoàn 3 Bộ Binh yểm trợ trực tiếp cho TĐ3/TQLC và Thiết Đoàn 20CX trấn giữ Đông Hà, các pháo thủ bắn mãnh liệt vào khu vực Gio Linh, dọc trên quốc lộ 1 để sát hại bộ binh và thiết giáp CSBV đang tiến về thị xã.

Sáng ngày 2 tháng 4 năm 1972, chiến xa CSBV chồm lên đầu cầu Đông Hà bên bờ Bắc sông Miếu Giang, TĐ3/TQLC dùng súng M72 bắn vào chiếc dẫn đầu, trong lúc đó các pháo thủ Pháo Đội I tác xạ mãnh liệt yểm trợ, Khẩu Trưởng Phạm Thành Nhân lần đầu tiên được lệnh bắn với thuốc nạp (bồi) 3 anh thấy rất rõ khi những trái đạn nổ tung với khói bụi bay mù trời. Chiếc đầu tiên bị bắn cháy làm đoàn chiến xa CSBV khựng lại, sau đó công binh dùng chất nổ phá sập cầu. Tại căn cứ Tân Lâm (Carroll) trong khi Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 56 kéo cờ trắng đầu hàng, các pháo thủ của Pháo Đội B (Đại Úy Nguyễn Văn Tâm PĐT) thuộc TĐ1PB/TQLC tăng phái vẫn chiến đấu, sau cùng được lệnh, một số thoát ra được, còn lại bị bắt làm tù binh khi quân CSBV tràn ngập vị trí. Đại bác 130 ly của CSBV tập trung pháo kích vào thị xã và vị trí Pháo Đôi I, cuối cùng pháo đội phải di chuyển về tiểu đoàn gốc tại căn cứ Ái Tử.

Bộ chỉ huy TĐ3PB/TQLC (Trung Tá Trần Thiện Hiệu TĐT) đang ở Ái Tử với LĐ258, có Pháo Đội J (Đại Úy Trần Văn Tỷ PĐT) yểm trợ trực tiếp cho TĐ6/TQLC. Ngày 8 tháng 4 năm 1972 TĐ3/TQLC bàn giao vùng trách nhiệm Đông Hà cho Liên Đoàn 5/BĐQ về thay thế tuyến phòng thủ của TĐ6/TQLC. Trung Tá Ngô Văn Định LĐT LĐ258/TQLC điều động TĐ6/TQLC đến hoán đổi căn cứ Phượng Hoàng (Pedro) cùng khu vực hoạt động của 1 tiểu đoàn BĐQ.

Ngày 9 tháng 4 một đơn vị chiến xa CSBV có bộ binh tùng thiết mục đích triệt hạ căn cứ Phượng Hoàng rồi tấn công vào căn cứ Ái Tử, các pháo thủ TĐ3PB/TQLC yểm trợ đắc lực, tác xạ vào giữa đội hình tiến quân của địch. Toàn bộ chiến xa CSBV nằm lại trên trận địa, bị cán mìn trong vòng rào căn cứ Phượng Hoàng, số còn lại bị TĐ6/TQLC, Không Quân oanh kích, pháo binh TQLC và chi đoàn M48/TĐ20CX.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, toàn bộ Sư Đoàn 3 Bộ Binh và các đơn vị tăng phái triệt thoái về hướng Nam, TĐ1PB/TQLC (Trung Tá Đoàn Trọng Cảo TĐT) di chuyển cả 3 pháo đội về phía Nam sông Mỹ Chánh, các pháo thủ TĐ1PB đã yểm trợ cho quân bạn lui quân, đồng thời cản bước tiến của địch quân trong lúc LĐ369/TQLC dàn quân thiết lập phòng tuyến Mỹ Chánh. Các pháo đội phải di chuyển liên tục vì bị địch pháo kích, dù vậy khi đến vị trí mới các pháo thủ nhanh chóng chuẩn bị các yếu tố để tác xạ.

Mờ sáng ngày 22 tháng 5 năm 1972, CSBV xử dụng thiết giáp PT76 và BTR50 có bộ binh tùng thiết chọc thủng phòng tuyến Mỹ Chánh do TĐ105/ĐPQ trấn giữ, vượt sông Ô Lâu đánh vào một bộ phận của TĐ3/TQLC rồi tấn công vào LĐ369 tại Chính An. Hai pháo đội của TĐ3PB là Pháo Đội K (Đại Úy Vũ Quang Vinh PĐT) và Pháo Đội J (Đại Úy Trần Văn Tỷ PĐT) bố trí hai khu vực với lữ đoàn để yểm trợ cho TĐ105/ĐPQ, TĐ3/TQLC trên phía Đông phòng tuyến Mỹ Chánh. Thiết giáp PT76 CSBV hùng hổ tiến vào, các pháo thủ Pháo Đội K hạ nòng trực xạ dùng đạn khói lân tinh với thuốc bồi 7 bắn cháy chiếc thiết giáp dẫn đầu. Kế tiếp một chiếc khác bị hỏa tiễn TOW triệt hạ. Đơn vị phòng thủ của TĐ8/TQLC đua nhau dùng hỏa tiển M72 bắn vào đoàn thiết giáp. Phản lực cơ Phantom từ Đệ Thất Hạm Đội đến oanh kích triệt hạ toàn bộ đơn vị thiết giáp CSBV.

Sau khi triệt thoái khỏi Quảng Trị về Huế để bổ sung quân số và quân trang quân dụng, đầu tháng 6 năm 1972 TĐ2PB bắt đầu xuất hiện trên chiến trường Quảng Trị. Lúc bấy giờ Thiếu Tá Đặng Bá Đạt TĐT, Thiếu Tá Trương Công Thông TĐP với hai pháo đội, Pháo Đội D do Trung Úy Đào Văn Cam PĐT, Pháo Đội F do Đại Úy Trương Công Thuận PĐT, tiểu đoàn có nhiệm vụ yểm trợ trực tiếp các cánh quân thuộc LĐ 147, từng bước chiếm lại những phần đất đã mất từ bờ Bắc sông Mỹ Chánh đến Cửa Việt. Pháo Đội E của Đại Úy Lê Khắc Đông ở lại Phú Bài tiếp tục dưỡng quân và chỉnh đốn lại pháo đội vì bị nhiều tổn thất hơn trong lúc triệt thoái khỏi Mai Lộc.

Ngày 11 tháng 7 năm 1972, TĐ1/TQLC đổ quân xuống Triệu Phong, và sau đó kiểm soát được khu vực này, khống chế con đường huyết mạch tiếp tế của CSBV từ hướng Cửa Việt qua Triệu Phong vào thị xã. TĐ2PB điều động Pháo Đội E do Trung Úy Cao Khắc Minh PĐT (thay thế Đại úy Đông) từ Phú Bài vào vùng hành quân.

Ngày 27 tháng 7 năm 1972, QĐ1 cho TQLC thay thế Nhảy Dù tái chiếm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng, mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1972 là phải chiếm lại trong thời hạn 90 ngày. Mờ sáng hôm đó, Đại Tá Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 258 TQLC điều động TĐ9/TQLC hoán đổi cho TĐ6/ND tại khu vực ngã ba Long Hưng, TĐ3/TQLC thay thế TĐ5/ND khu vực Trí Bưu. TĐ5/TQLC hoạt động phía Nam cổ thành, TĐ1PB/TQLC, Pháo Đội I của TĐ3PB/TQLC và 1 pháo đội 155 ly thuộc TĐ44PB yểm trợ trực tiếp. Trong lúc đó Trung Tá Nguyễn Năng Bảo Lữ Đoàn Trưởng LĐ147 với 3 Tiểu Đoàn 1, 7 và 8 trách nhiệm bờ bắc sông Vĩnh Định từ khu vực chợ Sãi ra biển Đông, TĐ2PB/TQLC và 1 pháo đội 155 ly của TĐ44PB yểm trợ trực tiếp.

Ngày 7 tháng 9 năm 1972 Liên Đoàn 1 Biệt Đông Quân thay thế khu vực trách nhiệm của LĐ147, Sư Đoàn TQLC dồn hết mọi nổ lực quyết tâm dứt điểm, cổ thành được chia làm đôi, phân nửa hướng Nam giao trách nhiệm LĐ258, và hướng Bắc giao cho LĐ147. Pháo Đội E đến chiếm đóng tại trường học cạnh bờ sông Vĩnh Định, Pháo Đội D rời Mỹ Thủy chiếm đóng vị trí cạnh nghĩa địa thôn Ngô Xá Đông, Pháo Đội F rời Gia Đẳng chiếm đóng vị trí cạnh kho đạn Hội Yên. Như vậy 3 pháo đội của TĐ2PB đóng thành vòng cung chữ C rất thuận lợi cho việc yểm trợ tác xạ cho các TĐ 3, 7 và 8. Lúc này các tiền sát viên điều chỉnh cho đến khi hiệu quả, xin những tác xạ liên tục để cho quân bạn từng bước tiến lên. Ban đêm các TĐ/PB tác xạ quấy rối bên trong cổ thành và thỉnh thoảng tiền sát viên xin tác xạ soi sáng để quân bạn quan sát địa thế trước khi tiến quân. Phía bờ Bắc sông Thạch Hản do hải pháo, và pháo binh 175 ly quấy rối.

Mổi lần quan sát viên phi cơ cho những mục tiêu quan trọng bên trong cổ thành mà họ quan sát được, lập tức các TĐ/PB tác xạ TOT (time on target) lên những mục tiêu nằm trên phần đất trách nhiệm của tiểu đoàn (có sự chấp thuận của Lữ Đoàn và phải không có phi cơ trong vùng). Để thực hiện tác xạ đó, tiểu đoàn trưởng hay tiểu đoàn phó hoặc sĩ quan hành quân huấn luyện các tiểu đoàn pháo binh, điều khiển tác xạ trên hệ thống liên lạc vô tuyến. Các pháo đội phải tính "thời đạo" của từng pháo đội và thi hành theo lệnh đếm thời gian trên hệ thống truyền tin, để đạn sẽ nổ trùm mục tiêu cùng một lúc. Khi TQLC tiến sát bờ thành, không còn xử dụng TOT nữa. Lúc bấy giờ hầu hết các tiền sát viên cạnh các cánh quân xử dụng tác xạ tiêu hủy để triệt hạ chốt và vị trí súng máy, đôi khi phải yêu cầu đầu nổ delay (đầu đạn có hai vị thế chạm nổ và delay).

Vì xử dụng tác xạ TOT nhiều nên các TĐ/PB mỗi ngày tiêu thụ hơn 2000 quả đạn. Trong thời gian này, 2 tiểu đoàn pháo binh được lệnh xử dụng đạn dược thoải mái. Ban đêm quấy rối tối đa lên đầu địch trong thành. Khi TQLC đã lọt hẳn vào trong cổ thành, pháo binh chỉ còn thi hành những tác xạ tiêu hủy theo yêu cầu của tiền sát viên cùng tác xạ soi sáng. Thỉnh thoảng cũng tác xạ phản pháo bên kia bờ sông Thạch Hản.

Pháo Binh TQLC xử dụng loại 105ly Howitzer M1A1 tác xạ rất chính xác, với ưu thế đó các tiểu đoàn pháo binh đã yểm trợ đắc lực cho 2 lữ đoàn đang quần thảo với CSBV trong thị xã Quảng Trị. Chỉ thị của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC là xử dụng tối đa hỏa lực đại bác cơ hữu 105 ly nên trong trận Quảng Trị 1972, mỗi tháng TĐ1PB, TĐ2PB, các pháo đội của TĐ3PB tăng phái bắn trên 200 ngàn quả đạn. riêng nổ lực tái chiếm thị xã và Cổ Thành pháo binh xử dụng 320 ngàn quả đạn, các pháo thủ không còn thì giờ để ăn và chỉ thay nhau chợp mắt.

Sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972, lá quốc kỳ VNCH dựng trên Cửa Tây Cổ Thành Quảng Trị, cả Sư Đoàn TQLC reo vui, người dân Quảng Trị mừng mừng tủi tủi, toàn quốc hân hoan, người pháo thủ Pháo Binh TQLC vẫn tiếp tục nạp đạn, giựt cò, tác xạ truy đuổi tàn quân địch đang tháo chạy. Họ hãnh diện trong suốt cuộc chiến đã yểm trợ hiệu quả và giảm thiểu tối đa về nhân mạng cho những đồng đội, chiến hữu của mình cùng mũ beret xanh, cùng màu áo binh chủng. Từng giọt mồ hôi lăn dài xuống những bờ môi đang hé nở nụ cười.

(Trong cuộc hành quân Cửa Việt, Pháo Đội I, Pháo Đội K của TĐ3PB và Pháo Đội A của TĐ1PB, một pháo đội 155 ly tăng phái đã bắn yểm trợ cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango hoàn thành nhiệm vụ trước giờ ngưng bắn. Bốn ngày sau khi Hiệp Định Ba Lê (27 tháng 1 năm 1973) có hiệu lực, CSBV đã vi phạm, tập trung quân tấn công giành đất cắm cờ. Để yểm trợ Lực Lượng Tango, các pháo thủ bắn không nghỉ tay, có ngày khẩu đội của Trung Sĩ Nhất Phạm Thành Nhân xử dụng một ngàn quả đạn)

Giang Văn Nhân
Hồi Ký Người Lính Tổng Trừ Bị
http://hoiquanphidung.com
Sinh Tồn chuyển

No comments: