Sự Cần Thiết Của Một Ðịnh Ðề Chính Nghĩa Cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Gần đây các hiện tượng cờ vàng VNCH bay lượn khắp thế giới tự do, nghi lễ cử hành bởi quân lực Hoa Kỳ để mai táng một số quân nhân VNCH tại nghĩa trang Arlington, các tượng đài xây dựng để tưởng nhớ các chiến sĩ Mỹ-Việt cũng như các cuộc hội thảo vai trò và chính nghĩa của QLVNCH là khởi điểm cho một cuộc vinh danh chính thức và đủ pháp lý cho QLVNCH trong một ngày rất gần đây. Hậu quả của việc vinh danh nầy là QLVNCH còn lại sẽ có đủ pháp lý và chính nghĩa để giải phóng toàn thể VN hay yểm trợ các cuộc cách mạng của người dân quốc nội khỏi chế độ độc tài đảng trị của CS trong tương lai trên nguyên tắc, mặc dù QLVNCH không còn tồn tại trên thực tế. Ngoài ra vì trách nhiệm lương tâm, khối tự do sẽ hậu thuẫn tổ chức QLVNCH còn lại trong công cuộc phục hưng nền tự do cho VN bởi vì họ đã bỏ rơi ngưòi bạn đồng minh trong năm 1975. Hơn nữa trước công luận thế giới, CSVN trở thành một tội phạm chiến tranh trong việc bỏ tù và hành hạ hay tàn sát các tù nhân.
Sự vinh danh QLVNCH trong tương lai có thể bị ngộ nhận hay bị chỉ trích bởi khối CS, bởi vì họ có thể ngụy biện rằng đây chỉ là một chính sách giai đoạn của khối tự do. Vì thế sự vinh danh chính nghĩa QLVNCH phải được chứng minh và lượng giá khách quan bởi các sử gia thế giới. Bài kể chuyện của người lính VNCH nầy không có tham vọng để chứng minh môt định đề trên, mà chỉ cung cấp những dữ kiện trung thực và sống động liên quan đến định đề nầy. Các sử gia sẽ tìm thấy hàng ngàn bài kể chuyện như thế trong ba thập niên nay, để phân tích và tổng hợp một cách khách quan và khoa học cho một định đề chính nghĩa của QLVNCH. Có như vậy thì sự vinh danh chính nghĩa mới được quang minh chính đại trong tương lai. Ngoài ra, những hồi ký của các cán bộ CSVN, các tài liệu mới giải mật từ Hoa kỳ, Trung cộng và Nga sô, cũng như phong trào đòi tự do dân chủ của người Việt trong nước hiện nay là những kho tàng giá trị cho các sử gia để đối chiếu, so sánh và lượng giá chính nghĩa của QLVNCH.
Chuẩn Úy Bùi Thương
Tôi được hân hạnh biết Chuẩn úy Bùi Thương khi ông đựơc bổ nhiệm về làm đại đội phó cho đại đội thám kích thuộc Trung đoàn 46 bộ binh, vào khỏang tháng 9 năm 1963.
Ông là người tu xuất của Thiên chúa giáo, tình nguyện đầu quân để cho con cháu ông và người VN được tự do tín ngưỡng theo niềm tin của họ, chứ không phải để làm nô lệ cho người Pháp, sau khi nghe tin cha ông bị CSVN giết ở Quảng bình chỉ vì một cái tội tín ngưỡng tôn giáo, theo đạo Thiên chúa giáo. Trong thời gian phục vụ quân đội Pháp, ông đã thấy rõ nhiều khuynh hướng khác nhau của binh sĩ người VN; có người đi lính chỉ vì kế sinh nhai hay xin làm nô lệ cho người Pháp; có người cũng như hoàn cảnh của ông; có kẻ yêu nước chống Pháp phải tách ly khỏi hàng ngũ CSVN bởi vì họ bị CS thanh trừng vì không chịu vào đảng CS; có kẻ yêu nước, thấy rõ chủ nghĩa CS không thích hợp với văn hóa cổ truyền của người VN, nên họ phải dựa vào thế lực của Pháp để chống Cộng trong giai đoạn sơ khởi, sau đó khi đã có đủ sức mạnh võ trang, họ sẽ đòi hỏi nước Pháp trả lại chủ quyền cho nước VN. Sau năm 1950, ông thấy khuynh hướng quốc gia yêu nước đã chiếm đại đa số trong hàng ngũ, và khuynh hướng xin làm nô lệ cho Pháp đã gần như không còn tồn tại nữa. Ðến năm 1956, ông thấy QLVNCH đã biến thể hoàn toàn, từ một quân đội hỗn tạp trên phương diện ý thức hệ đến một QLVNCH với một lý tưởng quốc gia độc lập. Ông đã xin ra khỏi đảng Cần lao, từ giã vợ và sáu người con để tình nguyện ra đơn vị tác chiến, Trung đòan 46 BB vào tháng chín năm 1963, nhưng ông không bao giờ tiết lộ lý do. Ngoài nhiệm vụ hành quân viễn thám trong Tiểu khu Hậu Nghĩa, Ðại đội Thám kích 46 BB lúc bấy giờ còn có trách nhiệm xây dựng Áp Chiến Lược, nên ông đã có cơ hội biểu dương lòng yêu nước, tài lãnh đạo, cũng như công tác dân vận của ông. Ông thường viếng thăm, tâm sự với binh sĩ, rồi tác động tinh thần yêu nước của họ, bằng cách chỉ dẫn cho họ thấy rõ cái chính nghĩa của QLVNCH. Ðặc biệt công tác dân vận của ông là một bài học quí giá cho tôi. Ông thường tổ chức những buổi nói chuyện chính trị rất giản dị với dân làng, tuy nhiên việc sắp xếp chỗ ngồi lại rất nghi lễ; người chủ tọa luôn luôn là ông Ấp trưởng ở hàng ghế đầu cùng với các vị bô lão; các hàng đàng sau gồm các thành phần trẻ, và hàng cuối cùng là ÐÐT/ÐÐTK 46. Ông nói rất ít mà chỉ chú trọng vào nguyện vọng và các thắc mắc của dân làng. Những câu trả lời của ông khẳng định lập trường chính trị của ông; Tổ quốc phải trên Tôn giáo, và Tôn giáo không được xen vào đường lối Chính trị Quốc gia; mọi Tôn giáo phải đựơc đối xử bình đẳng; Tự do tín ngưỡng của người dân là một căn bản pháp lý của chính thể VNCH; Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi miền Nam tự do và bảo vệ dân chúng miền Nam khỏi sự đe dọa hay tàn sát của CSVN; VNCH không chấp nhận tổng tuyển cử theo hiệp định Geneva, bởi vì Tổng thống Ngô Ðình Diệm không tham gia và ký vào hiệp định nầy, và VNCH là một chính phủ đủ pháp lý do dân bầu sau hiệp định Geneva với chủ thuyết dân chủ tự do; Chế độ CSVN miền Bắc là một chế độ bất hợp pháp bởi vì miền Bắc chưa bao giờ tổ chức bầu cử tự do để chọn chủ thuyết CS hay tự do dân chủ, hay bầu cử Hồ Chí Minh là người lãnh đạo miền Bắc; CSVN đã đánh lừa lòng ái quốc của người VN để chống Pháp cứu nước, bởi vì trong thực tế đảng CSVN là một công cụ để bành trướng thế giới hóa chủ nghĩa CS, lãnh đạo bởi CS Nga sô và Trung cộng ...
Sau hơn một tháng xây dựng ấp chiến lược, đại đội trở lại nhiệm vụ hành quân viễn thám biệt lập. Hình ảnh những cặp mắt trừu mến của dân làng trong buổi tiễn đưa cũng như con số đào ngũ giảm tới con số không, trong khi số lượng VC bị giết hay bắt sống lại tăng lên trong vòng một tháng của đại đội đã chứng minh được tài lãnh đạo và vận động quần chúng của Chuẩn úy Bùi Thương.
Ông lại biểu dương kinh nghiệm chiến trường, lòng can đảm và nhân hậu của ông trong thời gian đại đội hành quân viễn thám biệt lập. Ông luôn luôn tình nguyện theo trung đội đi đầu để có dịp truyền đạt các kinh nghiệm chiến trường của ông cho các trung đội trưởng còn trẻ. Mỗi lần thấy tôi và binh sĩ vỗ tay thích thú các quả đạn pháo binh trúng đích mục tiêu là ông nhìn tôi với cặp mắt lo ngại và nghi ngờ. Ông phàn nàn là không biết địch có chết không, mà chỉ thấy lo cho dân lành hay súc vật bị trúng đạn. Ðến đêm là lúc ông bắt đầu tranh luận về những quả đạn pháo binh có thể làm thiệt hại đến chính nghĩa của QLVNCH, vì ông đã chứng kiến việc bắn pháo binh bừa bãi lên dân lành hay việc cưỡng bóc của quân đội Pháp. Nếu không có dấu tích của thiệt hại địch vì đạn pháo binh, thế nào đêm hôm đó, tôi lại được nghe một bài giáo huấn đạo đức cũng như nỗi quan tâm của ông đối với dân lành, rồi ông trách tôi thích phô diễn cái sở trường về xử dụng pháo binh. Những đêm như vậy tôi lại nhớ đến tiếng ru ngủ bằng những lời giáo huấn của mẹ tôi về tội chơi bời lêu lổng với mấy đứa bạn cùng xóm. Thế là tôi ngáy khò khò trong khi ông vẫn còn hăng say giáo huấn tôi. Sáng dậy là ông lại phê bình tôi vì cái tật ngáy ngủ trong khi ông chưa đủ trút hết nỗi niềm tâm sự của ông trong đêm qua. Thấy tôi cười xòa ông lại cười to hơn tôi vì ông bỗng so sánh khuôn mặt còn non sữa của tôi với mấy đứa con của ông lúc ông còn ở Sàigòn; chúng thường ngáy ngủ như tôi mỗi lần ông giảng đạo lý với chúng về ban đêm. Bỗng nhiên ông lại đổi thái độ nghiêm chỉnh để bênh vực cho tôi, rằng việc bắn pháo binh vào các mục tiêu trước khi đại đội tiến chiếm có thể tiết kiệm sinh mạng của binh sĩ, nhất là đại đội phải hoạt động lẻ loi thì mình cần có bạn pháo binh hay không quân để che chở và làm yên lòng binh sĩ. Thôi thì ông nói sao cũng nghe hay và có lý đối với ông! Ông cứ nói và tôi cứ làm theo ý tôi!
Trong một cuộc hành quân viễn thám dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Ðông, Ðại đội Thám kích không gặp sự kháng cự của địch khi tiến chiếm các mục tiêu suốt buổi sáng. C/U Thương đâm ra lo ngại địch có thể phục kích mục tiêu cuối cùng nên cho quân bố trí nghe ngóng ngoài ruộng trống trước khi cho trung đội đi đầu xung phong vào đám rừng rậm rạp. Sau một giờ pháo binh liên tục bắn phá mục tiêu cuối cùng nầy, ÐÐTK tiến chiếm bờ rừng sau khi vượt qua bãi trống của cánh đồng ruộng lúa mà không gặp phải sức kháng cự nào của địch, tuy nhiên ông bắt đầu cằn nhằn khi thấy hai con bò bị chết phanh thây vì đạn pháo binh nằm sát bìa rừng; ông cứ tiếp tục hỏi tôi làm sao bồi thường cho chủ nhân nghèo khổ của hai con bò trên, rồi ông lại trách tôi vì đòi hỏi pháo binh bắn tập trung. Bỗng nhiên khuôn mặt ông thay đổi rất nhanh, từ buồn thảm đến sắt đá của một võ sĩ nhà nghề, khi ông thấy hai binh sĩ đem đến cho ông một cây súng còn ướt máu của địch quân. Ông nhanh nhẹn tiến lên với trung đội dẫn đầu để truy kích địch đang bỏ chạy vì chúng bị thiệt hại nặng do pháo binh ta. Tôi lại ngạc nhiên thấy sắc mặt ông lại thay đổi một lần nữa, từ hùng hổ như một dũng sĩ đến hiền từ như một vị thánh, khi ông thấy một binh sĩ địch đang hấp hối vì hỏa lực của pháo binh ta. Ông ra lệnh cho người y tá đại đội băng bó vết thương trên đầu của người thương binh CS bị đồng đội bỏ lại, rồi ông quì gối bên người thương binh địch để hỏi xem những gì ông có thể làm trong giây phút cuối cùng của y. Chỉ một ít giọt nước đã giúp anh thương binh địch ra đi không đau đớn và không hận thù, sau một cái ngắt hơi dài của y. Ông vội vuốt mặt người địch thủ và cầu kinh siêu thoát cho y. Ðây là lần đầu tiên binh sĩ thấy rõ khuôn mặt thánh thiện của ông. Buổi tối ông tò mò hỏi tôi lý do tôi không đọc kinh Phật cầu nguyện cho y bởi ông biết tôi là một Phật tử xứ Huế.
Mấy tuần lễ sau, ÐÐTK tham dự hành quân cấp trung đoàn để tiến sâu vào mật khu VC gần biên giới Việt-Miên trong quận Ðức Huệ. Tìểu đoàn bạn chẳng may bị phục kích và đụng độ nặng với địch tại mục tiêu cuối cùng. Ðược lệnh từ BCH/TRÐ 46 đánh bọc hậu từ cánh trái của tiểu đoàn bạn, C/U Thương tình nguyện theo hai trung đội đi đầu với tôi vì ông biết rõ tôi đang nóng lòng tiếp cứu người bạn cùng khóa đang bị thưong, Võ Tình, trong khi anh chỉ huy đại đội của anh phản công địch. Lúc bấy giờ địch và ta đã quá gần nên pháo binh không còn hiệu quả nữa. Chuẩn uý Thương và tôi cùng hai trung đội xung phong vào địch sau mấy trái lựu đạn khói ngụy trang. C/U Thương thấy tôi xung phong với khẩu súng lục nhỏ bé nên ông vội chạy nhanh trước mặt tôi với khẩu tiểu liên để che chở cho tôi. Không may ông đã gục ngã trước họng súng của địch không đầy 10 thước. Hai quả lựu đạn của người lính thám báo bên cánh phải của tôi đã thanh toán bốn tên địch, để tôi có cơ hội quỳ xuống bên ông. Ông đã chết quá nhanh chóng và không một chút đau đớn với hai cặp mắt vẫn còn mở lớn như muốn nhìn địch quân. Tôi vuốt mắt ông rồi ôm xác ông mà khóc như một đứa bé. Anh Thương ơi, tại sao anh lại chết thay tôi trong khi Tổ quốc cần anh hơn tôi! Anh vuốt mắt địch nhưng địch đâu có vuốt mắt anh đâu! Anh đọc kinh cầu nguyện cho địch nhưng địch có đọc kinh cầu nguyện cho anh đâu! Riêng tôi thì tôi đâu dám đọc kinh Phật để cầu nguyện cho anh vì tôi biết anh là một vị Thánh của Thiên chúa giáo.
Hạ sĩ Trần Tấn
Tôi được hân hạnh biết được anh khi anh được bổ nhiệm đến Ðại Ðội 2 của TÐ1/8 với cấp bực binh nhì. Thấy anh ốm yếu nên tôi chỉ định anh làm hỏa thực cho ban chỉ huy đại đội. Anh tỏ ra không vui với chức vụ nầy và xin về tiểu đội thám báo của ÐÐ 2. Tôi đã từ chối lời yêu cầu của anh bởi vì đây là một tổ chức ngoài bảng cấp số của một đại đội bộ binh, gồm binh sĩ tình nguyện và nhiều kinh nghiệm chiến trường. Anh đã trổ tài nấu bếp của anh sau hai tuần lễ, đồng thời anh bắt đầu lân la nói chuyện với tôi vì anh thấy tôi và anh cùng nói giọng Huế. Anh bắt đầu tiết lộ hoàn cảnh gia đình của anh; cha anh đã bị VC giết vì tội theo đảng Ðại Việt để chống Pháp và chống cả VC; anh cũng là một đảng viên của đảng Ðại Việt, nên anh phải trốn khỏi quê nội để lên ẩn náu tại nhà của một người bà con trong thành nội Huế, tuy nhiên xứ Huế quá chật hẹp để che dấu chân tướng của anh, nên anh đã dẫn vợ và hai con vào Sài Gòn buôn bán; Tháng bảy năm 1964, anh thấy tình hình quân sự quá trầm trọng nên anh quyết định đầu quân để có cơ hội giúp nước. Anh thường quan sát tiểu đội thám báo tập dượt cận chiến với tôi mỗi ngày, nên anh đã đánh bạo xin thử sức với tôi trong khi tôi đang tập song đấu với người tiểu đội trưởng. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh nhanh nhẹn chống đỡ các đòn cước của tôi một cách dễ dàng. Như một tia chớp anh tiến sát từ đàng sau lưng tôi và khóa chặt tôi. Tôi cố phá vỡ thế khóa của anh nhưng đều vô hiệu. Bỗng nhiên anh nới lỏng để tôi có dịp phản thế một cách dễ dàng. Binh sĩ vỗ tay tán thưởng tôi trong khi tôi quá ngượng ngùng bởi vì tôi đang gặp một tay cao thủ võ lâm. Tôi cúi đầu trước anh và tôn anh là bậc thầy của tôi. Trong khi các binh sĩ ngạc nhiên vì thái độ của tôi, anh nhỏ nhẹ xin tôi được gia nhập hàng ngũ tiểu đội thám báo. Anh trở thành người lính thám báo và cũng là huấn luyện viên môn cận chiến cho tiểu đội kể từ giây phút đó. Anh thường dí cho tôi một cục kẹo gừng mỗi lần tôi đi theo tiểu đội thám báo phục kích đêm. Hương vị ngọt của của chút đường pha lẫn chút gừng cay cay làm tinh thần tôi quá sảng khoái để chờ địch. Cứ mỗi lần như vậy là tôi nghe tiếng cười khúc khích của anh em thám báo nằm cạnh tôi; họ bảo với nhau là Tấn lại hối lộ tôi cục kẹo đường để tôi đi theo phục kích với tiểu đội thám báo. Sự thật các anh em thám báo cũng được hưởng ân huệ như tôi khi anh thấy họ quá mệt mỏi hay nổi quạu với nhau. Từ đó anh có cái biệt hiệu người lính “biệt kích kẹo”. Chữ kẹo thật đúng nghĩa với anh bởi vì anh không rượu chè cờ bạc và rất kẹo trong việc chi tiêu của anh. Vợ anh luôn luôn hầu như nhận gần đủ số lương của anh, ngoại trừ một ít tiền để mua gừng để làm món kẹo gừng pha với ít đường có sẵn trong khẩu phần của anh hàng tháng.
Tôi có một kỷ niệm không thể quên được khi đại đội hoạt động tại ấp Tân Thạnh Ðông thuộc tiểu khu Bình Dương. Một buổi chiều anh hỏi tôi có muốn bắt sống một tên cán bộ kinh tài CS trong đêm hôm đó hay không. Tôi ngạc nhiên hỏi anh về cái tin tình báo nầy, mới biết rằng anh đã tổ chức được một hệ thống tình báo nhân dân sau ba tuần lễ hoạt động ở đây. Bán tin bán nghi, tôi quyết định đi theo TÐTB để biết rõ sự thật. Tấn dẫn đầu tiểu đội và tôi theo sau chân anh trong đêm tối. TÐTB bò vào cửa một căn nhà còn ánh sáng, tôi thấy tên cán bộ kinh tài đang thoải mái ngồi đếm bạc nên phóng nhanh vào y để bắt sống, trong khi tôi nghe một tràng đạn nổ ngược về phía tôi về hướng nhà bếp. Chính người đảng viên nhanh nhẹn của đảng Ðại việt, binh nhất Tấn, đã cứu mạng tôi khi tôi thấy hai thây địch với hai cây tiểu liên trên mặt đất. Anh đã được thăng cấp hạ sĩ cho cuộc đột kích nầy.
Ngày 8 tháng 5 năm 1965, TÐ1/8 được tăng phái cho Trung đoàn 9 trong cuộc hành quân Lôi Phong tại mật khu An Nhơn Tây của VC. Toàn thể Trung đoàn 9 và TÐ1/8 đã bị lọt vào ổ phục kích của địch khoảng một giờ trưa, Trung đoàn 9 và TÐ1/8 đã anh dũng đẩy lui nhiều đợt xung phong cho đến khi đã hết đạn dược, tuy nhiên không có phi pháo yểm trợ trong vòng ba tiếng đồng hồ. Cuối cùng, vị trung đoàn trưởng phải ra lệnh rút ra cánh đồng ruộng trống để chuyển quân về hướng quận Củ Chi thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. TÐ1/8 bao chót và ÐÐ2 lại bao chót TÐ1/8 trong cuộc lui binh không có phi pháo yểm trợ nầy. Ðịch đã biết ý định lui binh của quân ta nên chúng tiếp tục xung phong vào TÐ1/8 và bắn xối xả vào các tiểu đoàn của TRÐ 9 đang chạy trên cánh đồng ruộng lúa trống trải. Tôi đã chứng kiến hàng trăm binh sĩ với khăn vàng ở cổ đã nằm chết thê thảm trên cánh đồng ruộng lúa trống. Tiếp theo sau là cánh quân khăn đỏ của hai đại đội và BCH của Ðại uý Của cũng bị gục ngã hàng trăm binh sĩ trong khi ÐÐ2 đang đẩy lui hai đợt xung phong của địch đang nằm chặng hậu cho Ð/U Của. rút lui. Tôi đã chứng kiến Tấn giết nhiều tên địch bằng lưỡi lê và tay không trong đợt cận chiến cuối cùng, trước khi đại đội vượt gấp theo sau BCH/TÐ1/8 bởi vì Ð/U Của không còn kiểm soát được hai đại đội của ông vì họ đã chạy đàng trước ông. Khi tiểu đội thám báo phá vỡ vòng vây của địch để thoát ra đựơc cánh đồng trống, không ai còn đạn dược để bắn yểm trợ cho toán quân đằng sau, nên Tấn đã có sáng kiến bò đến một cây đại liên của một xạ thủ khăn vàng đã gục chết từ lâu, xử dụng cây súng cứu tinh nầy để bắn xối xả vào địch đang rượt theo toán quân cưối cùng của ÐÐ2. Không ngờ bốn trực thăng vừa xuất hiện đang quần thảo trên mục tiêu để yểm trợ cho toán quân cuối cùng vừa ra khỏi vòng vây địch để tiến ra cánh đồng trống. Anh bỏ cây đại liên vì đã hết đạn với nòng súng còn nóng đỏ để chạy ngược trở lại về phía sau, chụp ngay khẩu trung liên của anh lính khăn vàng đã tử trận để ôm lấy và bắn liên tục theo thế bắn thẳng vào khoảng trên 30 tên địch vừa ló dạng từ trong ven rừng. Tôi đã chứng kiến những thây gục ngã với hai băng đạn còn lại trên tay anh. Bỗng nhiên tôi thấy Tấn gục ngã với cây trung liên. Tôi bò nhanh đến chụp tay anh vừa lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Tôi vuốt mắt anh rồi để cho 4 người thám báo còn sống sót thay phiên nhau đem xác anh theo đại đội để bắt kịp với Ð/U Của đang chờ. Ông đã ôm chầm lấy tôi để cùng khóc với những giòng lệ chân thành của người lính ở trận mạc. Ở nơi chốn vĩnh cửu chắc anh đã biết rằng anh là người độc nhất của toàn thể binh sĩ tham dự cuộc hành quân này được khiêng xác về đến quận Củ Chi trong đêm đó, bởi vì ÐÐ2 và một tiểu đoàn của TRÐ9 đã phải ở lại trong ngày hôm sau để theo sau quân tiếp viện với nhiệm vụ lượm xác bạn ngày hôm sau.
Hai ngày sau, tôi đến thăm gia đình tử sĩ tại trại gia binh sau khi rời khỏi văn phòng Tuớng Trần Thanh Phong. Chị Tấn và hai đứa con trong bộ áo tang đang ngồi khóc bên quan tài anh với khói hương nghi ngút. Tôi quì xuống trước anh với bó hương để tỏ lòng tri ân cho vị võ sư tài ba, một đảng viên yêu nước của đảng Ðại Việt và một chiến sĩ anh dũng của QLVNCH. Tôi kính cẩn trao lại chị cái bóp của anh cùng cái bì thư đựng ít tiền của anh em ÐÐ2. Chị ôm lấy cái bóp như một kỷ vật cuối cùng của anh dành cho chị, rồi bỗng nhiên chị bật khóc lớn “ Anh ơi! Sao anh lại ra đi trong khi mộng ước vẫn chưa thành?! Thôi anh hãy yên nghỉ để em sẽ cố gắng nuôi các con ăn học nên người.”
Bây giờ tôi không biết chị và hai cháu đang trôi dạt ở chốn phương trời nào, không biết hai cháu có ăn học nên người hay không, không biết có được tự do theo đảng phái theo ý muốn hay lại bị đầu độc chủ nghĩa cộng sản, không biết hai cháu có biết và hãnh diện cho cha của hai cháu là một vị anh hùng yêu nước của QLVNCH hay không. Riêng tôi thì cứ vào ngày 8 tháng 5 mỗi năm lại thắp ít nhang với miếng kẹo gừng để tưởng nhớ một người đã cứu mạng tôi, một vị thầy võ thuật và một chiến sĩ can trường của QLVNCH.
Ðại tá Nguyễn Văn Của
Tôi được hân hạnh biết ông khi ông về làm Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ1/8 với cấp bậc đại úy. Ông đã biểu lộ tư cách hào hiệp của một đàn anh để bênh vực cho đàn em trước vị tư lệnh sư đoàn hống hách. Khi ÐÐ2 vừa xuống xe tại bãi đậu xe BTL/SÐ5BB ngày 10 tháng 5, Ð/U Của và hai đại đội trưởng trong quân phục láng bóng đã vẫy tay để báo cho tôi theo họ vào trình diện vị tư lệnh. Vừa bước vào văn phòng tôi đã thấy hai cặp mắt cú vọ của Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong đang bám chặt vào quân phục còn dính máu và hôi hám của tôi. Bỗng nhiên ông nổi giận đập bàn, “Sĩ quan gì mà lại ăn mặc như ăn mày!” Ðang bực mình vì cái chết anh hùng của anh Tấn và các binh sĩ của đại đội, tôi trở thành kẻ bất cần đời, cứ tha hồ chỉ trích vị tư lệnh về sự chậm trễ của phi pháo và tiếp tế đạn dược cũng như sự vắng mặt của ông trên chiến trường. Ông xé bỏ cả hồ sơ đề nghị thăng thưởng cho TÐ1/8, rồi bấm chuông gọi quân cảnh bắt nhốt tôi. Ð/U Của điềm nhiên đứng dậy để xin cùng vào tù với tôi, rồi hai ÐÐT cũng xin theo vị TÐT để cùng chung số phận. Khi Ð/U Hoàng, K.15 TVBQGVN, dẫn hai quân cảnh vào trình diện Tướng Phong, Ð/U Của cũng vừa kể xong chuyện chiến trường tại An Nhơn Tây, nên Tướng Phong bảo hai người quân cảnh ra ngoài rồi ông xin lỗi việc nóng giận vô lý của ông.
Mấy ngày sau, Ð/U Của đã đến ăn cơm chiều với tôi rồi ngủ đêm với ÐÐ2. Ðêm đó Ð/U Của đã tâm sự cái mộng yêu nước của ông; ông ghê tởm việc Cộng Sản tàn sát các nhà ái quốc chống Pháp cũng như các vị lãnh đạo yêu nước Cao Ðài và Hòa Hảo vì tội không chịu theo chủ nghĩa cộng sản; vì vậy ông đã thấy rõ cái hiểm họa của chủ nghĩa CS nên quyết gia nhập quân đội để chống cộng trước rồi chống Pháp sau để dành độc lập cho Việt Nam.
Khoảng hai tuần lễ sau, ÐÐ2 đã được dịp phục hận cho anh Tấn và các tử sĩ của ÐÐ2 trong trận đánh An Nhơn Tây. Trong cuộc hành quân mở đường dọc theo QL 13 từ Ấp Bưng Cầu đến Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương, toàn bộ TÐ1/8 ngoại trừ ÐÐ2 bị lọt ổ phục kích của một tiểu đoàn địch. ÐÐ3 đã bị lọt phục kích về phía nam của Bến Cát nên bị thiệt hại nặng, đã phải rút về BCH/TRÐ 8 tại Chi khu Bến Cát. BCH/TÐ1/8 và ÐÐ1 lại bị địch phục kích và bao vây tại Ấp Bưng Ðĩa. Ð/U Của và ÐÐ1 đã chiến đấu anh dũng, đẩy lui ba đợt xung phong của địch trong khi ra lệnh cho ÐÐ2 đang mở đường ở Bưng Cầu, trở lại tiếp cứu gấp tiểu đoàn. Tướng Phong đã bay trên đầu BCH/TÐ để chỉ huy trực tiếp cuộc phản công và cầm cự của TÐ 1/8. Tinh thần lên cao vì có sự hiện diện của vị tư lệnh, ÐÐ2 gom quân lại rồi đánh bọc hậu từ hướng nam để chọc thủng vào BCH của tiểu đoàn địch, làm địch bỏ chạy tán loạn. Khi Tướng Phong đáp trực thăng để xem chiến lợi phẩm và xác địch, ông đã chứng kiến Ð/U Của và ÐÐT/ ÐÐ1 vẫn còn nắm hai trái lựu đạn để thề sống chết với địch. Tướng Phong đã đề nghị thăng cấp tại mặt trận cho Ð/U Của và hai đại đội trưởng. Ngày nhận cấp bậc thiếu tá, Ð/U Của không vui bởi vì hai ÐÐT đã lọt sổ thăng cấp. Ông đã an ủi tôi bằng cách can thiệp với vị tư lệnh mới để cho tôi được theo học khóa 7 Tiểu Ðoàn Trưởng tại Ðà Lạt, để trở về làm Tiểu Ðoàn Phó TÐ1/8 cho một vị TÐT mới, Ð/U Nguyễn Văn Vỹ, mở đầu cho một giai đọan thân bại danh liệt trong ba năm của tôi.
Khi tôi nhận lệnh thuyên chuyển về làm TÐP/TÐ1/9, Thiếu tá Của đã mời tôi bữa cơm chiều tại tư gia, để hỏi chuyện lý do tôi ra lệnh cho một người Tàu dân sự không được đem gái Việt cho Mỹ chơi tại Lai Khê. Tôi chỉ trả lời vì thấy nhục quốc thể. Ông đã mỉa mai tôi vì cái quan niệm nhỏ nhoi và kỳ thị nầy, rồi ông cố điều tra để biết ai là kẻ ra lệnh cho tôi đi làm cái việc ngoài bảng cấp số nầy. Tôi đâm ra ở trong thế hỏa mù, bởi vì hai khuynh hướng đối nghịch của hai vị sĩ quan đàn anh của tôi, tuy nhiên tôi không muốn Ð/U Vỹ chịu trách nhiệm vì cái lệnh của ông bởi vì tôi đã hứa với ông trước khi thi hành một nhiệm vụ ngoài bảng cấp số nầy, nên tôi đã từ chối nói sự thật với T/T Của, để chấp nhận lãnh đủ hậu quả của việc làm nông nổi của tôi. Về sau tôi mới biết vị tư lệnh mới của tôi cũng là một tướng lãnh tài ba; ông đã đem một sinh khí mới cho SÐ5 bằng cách bổ nhiệm nhiều sĩ quan trẻ xuất thân từ TVBQGVN vào các chức vụ chỉ huy trưởng như cố Trung Tá Châu Minh Kiến, một anh hùng của QLVNCH và một vị tiểu đoàn trưởng ngoại hạng thuộc K.19 TVBQGVN, vào chức vụ TÐT/TÐ1/8, Ð/U Thiều, K.19 TVBQGVN, vào chức vụ TÐT/TÐ4/8, Ð/U Nguyễn Kỳ Sương vào chức vụ TÐT/TÐ2/8, Ð/U Lê Sỹ Hùng vào nhiệm vụ ÐÐT/ÐÐ5TS; ngoài ra vị tư lệnh mới của tôi cũng rất mã thượng khi ông chấp thuận cho tôi đựơc thuyên chuyển về TVBQGVN theo ý nguyện của tôi vào đầu năm 1969, đồng thời ông cũng chấp thuận cho tôi được đi tu nghiệp ở Mỹ trước khi về trường VBQGVN. Chính Trung Tá Của đã đề nghị với Tướng Hiếu hủy bỏ lệnh thuyên chuyển về trường võ bị của tôi sau khi tôi về nước, để về làm TÐT/TÐ1/8 cuối năm 1969.
Mỗi lần tôi đến thăm ông khi ông làm Tỉnh Trưởng Bình Dương là ông biểu lộ nỗi băn khoăn và lo lắng về đời sống và an ninh của người dân, làm tôi nhớ đến C/U Bùi Thương, người chiến sĩ thám kích anh hùng mấy năm về trước. Cũng vì quá thương dân, ông đã bị cầm chân chức vụ tỉnh trưởng hơn 5 năm cho đến ngày mất nước, mặc dù ông đã xin ra cầm quân đánh giặc nhiều lần. Ðầu tháng tư năm 1975, ông đã khẳng định với tôi trên đường giây viễn liên quốc tế rằng ông sẽ ở lại chiến đấu với quân dân, chứ không bỏ chạy ra khỏi nước. Ông đã giữ trọn lời thề để chết trong ngục tù của CSVN, theo nguồn tin của một người bạn cùng khóa với tôi, anh Nguyễn Văn Hiệp.
Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong
Khi Ð/U Của và ba ÐÐT vừa ra khỏi phòng của Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong, Ð/U Hoàng, K.15 TVBQGVN, níu vai tôi để nói nhỏ với tôi, “Mặt Trời rất chịu chơi, chú mầy đừng có lôi thôi hay hỗn láo!” Tôi liền đổ tội cho anh, “Tại Niên trưởng đã dạy tôi phải ăn ngay nói thẳng đó mà!” Anh nhìn tôi với cặp mắt thương hại, “Thôi để tao chịu tội với Mặt Trời vì tao đã dạy dỗ mầy như vậy.” Tôi không hiểu anh Hoàng đã thuyết phục Tướng Phong như thế nào, nhưng kể từ đó tôi đã thấy vị tướng nầy đã hoàn toàn thay đổi thái độ lãnh đạo của ông, từ hống hách đến thân tình, từ chỉ huy mặt trận trong văn phòng đến xông xáo bất chấp mọi hiểm nguy với binh sĩ ở chiến trường. Tiếc thay ông đã rời SÐ5 quá sớm nên ông đã mất cơ hội để thi thố tài ba của ông sau khi ông đã hoàn toàn biến thể.
Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ
Ông là người thông hiểu hoàn cảnh thân bại danh liệt của tôi khi ông còn là Trung Ðoàn Trưởng TRÐ9. Mỗi lần thăm viếng tiểu đoàn, ông đều nói với tôi về việc thuyên chuyển tôi từ tiểu đoàn nầy đến tiểu đoàn khác là ngoài thẩm quyền của ông. Nhiều khi vui miệng ông lại khuyên tôi nên về trình diện vị “Thẩm Quyền” để trình bày sự thật vì Ðại uý Nguyễn Văn Vỹ, vị cựu Tiểu Ðoàn Trưởng 1/8 của tôi, cũng đã giải ngũ. Thấy không thể thuyết phục được tôi gần ba năm, ông khuyên tôi nên đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ và xin thuyên chuyển về trường VBQGVN để phục vụ đắc lực hơn. Trong thời gian chờ đợi đi học, ông kéo tôi về ở BCH/TRÐ để đánh cờ ban đêm với ông và để nghe ông tâm sự cuộc đời binh nghiệp của ông. Lý do ông gia nhập quân đội cũng tương tợ như lý do của Ðại tá Của, tuy nhiên ông có cái nhìn chiến lược sâu rộng hơn Ðại tá Của; ông thường lo lắng phong trào phản chiến ở Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh đến chính sách Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong tương lai; ông cố tìm một chiến lược “Tự Cường Tự Lập” cho QLVNCH nếu người Mỹ bỏ cuộc ở VN. Thời gian hai tháng sống bên ông đã cho tôi thấy ông là một người yêu nước chân tình và một lý tưởng chống cộng đến hơi thở cuối cùng.
Khi trở về nước tôi biết ngay tôi còn nặng nợ với SÐ5BB khi tôi biết lệnh thuyên chuyển về trường VBQGVN của tôi đã bị hủy bỏ. Khi gặp lại tôi, ông vui mừng báo cho tôi biết là nghiệp chướng của tôi đã được giải tỏa bởi vị minh quân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu. Trong thời gian chờ đợi lệnh bổ nhiệm về TÐ1/8, tôi lại nghe ông say sưa với bài toán tự lực tự cường, mặc dầu ông vẫn không tìm ra đáp số. Ông cũng không thỏa mãn sự hiểu biết của tôi về phong trào phản chiến ở Mỹ, nên ông quyết xin đi tu nghiệp ở Mỹ để hiểu rõ thêm. Vài ngày trước khi tôi về TÐ1/8, ông hãnh diện nhắc lại những chiến công oanh liệt của TÐ1/8 dưới thời cố Trung Tá Châu Minh Kiến, K.19 TVBQGVN, rồi nỗi đau lòng của ông khi thấy TÐ1/8 đã suy sụp và chiến bại tại khu Tam Giác Sắt sau khi cố Trung Tá Kiến tử trận. Ông cũng tự thấy hổ thẹn khi thấy thành quả của TÐ1/8 đã thua xa tiểu đoàn Mỹ trong chiến dịch Việt Nam Hóa sau khi cố Trung Tá Kiến tử trận, rồi ông bảo tôi đây là cơ hội cho tôi hiểu rõ thế nào là nhục quốc thể nếu TÐ1/8 thua kém quân đội đồng minh.
Một tháng sau, ông rất khoái chí thấy rõ thành quả của TÐ1/8 đã vượt hơn 4 lần tiểu đoàn đồng minh (xem Lượng giá Sư Đoàn 5 Bộ Binh). Ông thích nhất là lối đánh “Thả, Di, Mìn, Kích, Bốc” trong khu vực Tam Giác Sắt. Trước khi từ giã TRÐ8 để du học, ông đã hãnh diện và vui mừng như một đứa trẻ khi chứng kiến anh Trung Ðội Trưởng của trung đội thám báo TÐ1/8 đang huấn luyện trung đội thám báo của anh và của Hoa Kỳ về lối đánh mới lạ nầy, nhất là cách biến chế mìn điều khiển Claymore thành mìn tự động, hay đạn pháo binh thành mìn tự động hay điều khiển.
Ðầu năm 1974, ông đã gọi máy hỏi thăm sức khỏe tôi cũng như hỏi tôi có muốn trở lại SÐ5 hay không. Tôi đã thành thật báo cho ông biết là tôi được lệnh Tướng Thơ để sắp đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Giữa tháng 4/1974 ông cho người về Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Ðông để nhắn tôi lên Lai Khê gặp ông trước khi đi Mỹ. Vị Ðại Tá Tư lệnh bây giờ trông già và uy nghi hơn bốn năm về trước, tuy nhiên ông vẫn còn hăng hái như ngày xưa. Ông hỏi tôi lý do phải đi học trong tình trạng khẩn trương của đất nước hiện nay. Tôi đã chân thành báo cho ông biết con đường hoạt động mới của tôi để chống lại phong trào phản chiến và báo chí thiên tả, cũng như ý định xin giải ngũ khi tôi đang du học. Ông vội lôi cuốn sổ tay nhỏ để sao chép tên tuổi và địa chỉ một số sinh viên du học và những người Mỹ mà ông đã tìm cách kết hợp trong một năm du học để giao cho tôi. Tôi hỏi ông nghĩ sao về hiệp định Ba Lê. Ông liền nhắc lại những tiên đoán của ông khi ông đánh cờ với tôi năm 1969, tuy nhiên ông khẳng định với tôi là ông sẽ chiến đấu cuối cùng với binh sĩ cho đến hơi thở cuối cùng. Cuối cùng ông khuyên tôi đến thăm Tướng Hiếu trước khi tôi đi học. Thấy tôi ngần ngại lên Biên Hòa, ông bảo tôi ra nói chuyện chơi với anh Sương, K.16 TVBQGVN để chờ ông. Khoảng 15 phút sau ông gọi tôi vào để báo cho tôi biết Tướng Hiếu sẽ ăn cơm trưa đúng một tuần lễ sau tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Ðông và ông muốn gặp tôi ở đó. Tôi vội đứng nghiêm kính cẩn chào người hiệp sĩ “Samurai” của thế kỷ 20.
Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ và Bộ Tham Mưu. Một tháng làm việc ở Phòng Tổ Chức thuộc trường VBQGVN đã cho tôi thấy những phức tạp và khó khăn của một sĩ quan tham mưu. Trong quá khứ, đặc công VC đã xâm nhập và tấn công hai lần TVBQGV: một lần địch đã vào bắn phá ngay tại phòng làm việc của vị chỉ huy trưởng; lần khác, vụ ám sát vị quân sự vụ trưởng, một sĩ quan thanh liêm và gương mẫu, đang ngủ trong phòng của ông tại Trung Ðoàn SVSQ. Bảng Cấp Số Mới TVBQGVN từ hai vị tiền nhiệm Trưởng phòng Tổ Chức của tôi vẫn bị BTTM từ chối nhiều lần…Tuy nhiên tôi vẫn thoải mái làm việc theo nguyên tắc của một sĩ quan tham mưu với Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ cho đến khi một biến cố xẩy ra trong ngày mãn khóa SVSQ K.25 cuối năm 1972. Sau biến cố nầy tôi đã sống trên đống lửa khi phải đảm nhiệm những công tác ngoài bảng cấp số của một trưởng phòng tổ chức do Tướng Thơ giao phó, ngoài nhiệm vụ thông thường của một sĩ quan tham mưu.
Theo bảng cấp số, Phòng Tổ Chức có nhiệm vụ tổ chức hành quân, huấn luyện tham mưu cho SVSQ, tổ chức an ninh phòng thủ và tổ chức lễ mản khóa cho SVSQ. Trong Lễ Mản Khóa 25 SVSQ, người SQ Tùy Viên của Ðại Tướng Cao Văn Viên đã thông báo lầm giờ khởi hành cho Ð/T Viên nên Ð/T Viên vẫn tà tà ngồi ăn điểm tâm trong khi Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, vị chủ tọa buổi lể mãn khóa, đã khởi hành đúng giờ giấc ấn định. Vừa được biết rõ sự việc và không đủ thì giờ để trình Tướng Thơ, tôi thừa lệnh đại Tướng Thơ ra lệnh cho anh Tùy Viên của Ð/T Khiêm cho xe ngừng tại bên Hồ Xuân Hương để ngắm cảnh Ðà Lạt, rồi tôi ra lệnh cho anh Tùy Viên của Ð/T Viên hối thúc Ð/T Viên bỏ ăn sáng và lên xe chạy hết tốc lực đến vị trí hành lễ trước Ð/T Khiêm. Tướng Thơ đứng cách tôi không đầy 10 thước, thấy rõ toán An Ninh Phủ Thủ Tướng chĩa súng vào tôi trong khi tôi thản nhiên ra lệnh đại, không được sự chấp thuận của Tướng Thơ. Ngày nay tôi xin lỗi nhị vị Ðại Tướng và cũng xin kính phục lòng độ lượng và bản tính quân tử của nhị vị bằng cách không quở trách tôi cái tội quấy rầy nhị vị trong ngày mãn khóa 25 SVSQVB năm 1972. Ðặc biệt Ð/T Viên đã chấp thuận việc thăng cấp Trung Tá cho tôi cũng như chọn tôi được phép đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ năm 1974. Dù tôi đã làm việc phi nguyên tắc tham mưu, buổi lễ đã thành công và tôi được Tướng Thơ đề nghị thăng cấp Trung Tá nhiệm chức, để rồi Tướng Thơ đã chỉ thị cho tôi làm nhiều công tác phi nguyên tắc tham mưu từ đó cho đến ngày tôi đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ năm 1974.
Khi ở đơn vị chiến đấu cấp đại đội và cấp tiểu đoàn, tôi không bao giờ thấy quyền lực của MACV ở Sài Gòn, tuy nhiên tôi đã thấy cái quyền lực nầy khi đảm trách soạn thảo Bảng Cấp Số Mới cho TVBQGVN. Cũng như hai vị tiền nhiệm Trưỏng Phòng Tổ Chức, BCSM vẫn bị BTTM sửa tới sửa lui khi tôi đã tu chỉnh hai lần. Bí quá tôi phải trình với Tướng Thơ rồi được ông chỉ cho bí quyết. Thế là tôi đã vượt hệ thống quân giai, về Sài Gòn nói chuyện thẳng với MACV. Thế là xong! Nhờ BCSM được ra đời, các sĩ quan tham mưu cũng như cán bộ đã có dịp được thăng cấp chức vụ như ở đơn vị tác chiến. Tướng Thơ đã đánh giá các sĩ quan phục vụ tại trường rất cao nên ông rất hài lòng với BCSM nầy bởi vì bảng mới đã cho ông có cơ hội để đề nghị thăng cấp chức vụ cho các sĩ quan tham mưu, huấn luyện viên và cán bộ TRÐSVSQ.
Ðể đề phòng nội tuyến, Tướng Thơ chỉ thị mật cho tôi phải tự soạn thảo kế hoạch phản công, khác hẳn với lệnh phòng thủ chính thức đã phổ biến cho các cứ điểm trưởng, trình riêng một mình ông mà thôi để được ông thẩm duyệt. Ông ra lệnh cho tôi rằng chỉ có ông và tôi biết kế hoạch nầy mà thôi, cũng như tôi được quyền thừa lệnh ông nếu ông không có mặt khi hữu sự. Tôi hoảng sợ cho cái lệnh phi nguyên tắc nầy nên đề nghị phổ biến cho vị TMT để tôi tránh khỏi phải thân bại danh liệt như hồi ở TÐ1/8. Ông lại cho tôi thêm một tin tức động trời nữa về vị TMT của tôi: An Ninh Quân Ðội theo dõi vị TMT của tôi đã từ lâu nên vấn đề sinh mạng của SVSQ không thể giao phó cho vị TMT của tôi. Tôi lại còn hoảng sợ hơn khi phải làm việc với vị TMT như thế, nên hỏi ông lý do ANQÐ không bắt giữ đương sự. Ông nhỏ nhẹ cho tôi biết rằng đây là vấn đề câu cá nghề nghiệp phản gián. Hơn nữa đây cũng là cái đẹp của chủ nghĩa tự do dân chủ, khác hẳn với chính sách “Giết Lầm Không Bỏ Sót” của CS; họ giết người họ nghi, còn mình chỉ kết tội người mình khi có bằng cớ.
Mấy tuần sau, ông lại cho tôi thêm một trò chơi ngoài bảng cấp số của PTC. Ông chỉ thị cho tôi phải tổ chức bí mật hệ thống tình báo nhân dân quanh khu vực Ấp Thái Phiên và Khu Chi Lăng. Tôi vội từ chối bằng cách viện lý rằng tôi chưa bao giờ được huấn luyện nghề tình báo, cũng như trình với ông rằng tôi không thích cái trò dòm ngó hay đi cửa hậu. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi “Thì mình là Võ Bị mà!”
Tôi hoàn toàn không thích việc làm qua mặt vị TMT vì tôi biết thế nào tôi cũng gây nên sóng gió giữa tôi và ông, để rồi thuộc cấp vô tội của tôi phải lãnh đủ những điều bất lợi cho họ, nên tôi không bao giờ xử dụng họ trong công tác phi nguyên tắc nầy. Việc Tướng Thơ chỉ thị thẳng cho Phòng Tổng Quản Trị/TVBQGVN đề nghị thăng cấp cho một mình tôi sau lễ mãn khóa 25 khởi điểm cho cơn sóng nhỏ giữa vị TMT và tôi, bởi vì vị TMT của tôi bắt đầu nghi ngờ tôi đã qua mặt ông để xin xỏ Tướng Thơ. Ba tháng sau, tôi đã được thăng cấp thường niên với cấp bậc Trung Tá thực thụ nên vị TMT lại càng nghi ngờ tôi hơn. Mở đầu cho cơn sóng gió là vị TMT từ chối việc đề nghị thăng cấp đặc cách chức vụ cho hai SQ trưởng ban của tôi, cũng như bằng Tưởng Lục sau các buổi mãn khóa trong khi các SQ của các phòng khác lại được thưởng bằng Tưởng lục thường xuyên. Vị TMT chiếm lấy phòng làm việc của tôi, rồi di chuyển phòng làm việc của tôi từ phòng nầy đến phòng nọ khoảng ba hay bốn lần. Vị TMT lại chỉ định SQ Trưởng Ban An Ninh Phòng Thủ của PTC đi theo SVSQ công tác ở miền Trung, mặc dù tôi đã trình cho ông biết việc đi theo SVSQ nầy không cần thiết và không đúng với nhiệm vụ của anh trong bảng cấp số của PTC trong khi PTC cần sự hiện diện của anh trong công tác phòng thủ và huấn luyện tham mưu cho SVSQ. Vị TMT lại gây xáo trộn nội bộ của PTC bằng cách xúi dục SQ Hành Quân của Trung Tâm Hành Quân của tôi bất tuân lệnh của tôi. Một đêm tôi đến phòng hành quân để kiểm soát các vị trí phục kích của Trung Ðội Thám Kích. Tôi ngạc nhiên khi thấy rằng một vị trí chủ yếu để phục kích trạm giao liên của địch tại Ấp Thái Phiên đã bị vị TMT cho lệnh SQ Hành Quân di chuyển đến một vị trí khác, không lợi ích trên nguyên tắc chiến thuật, nên tôi dùng cơ hội để tìm hiểu vị TMT bằng cách bảo anh phải ra lệnh cho toán phục kích phải trở lại vị trí cũ. Vị SQHQ không chịu nghe lệnh của tôi, gọi máy cho TMT để báo cáo với ông về lệnh của tôi để chờ lệnh mới. Vị TMT cho lệnh thi hành theo ý muốn của tôi. Tôi thấy đã đến lúc phải tỏ ý bất đồng với vị TMT về việc ông xâm phạm nguyên tắc tham mưu, bởi vì theo nguyên tắc TTHQ trực thuộc PTC, tình trạng an ninh cá nhân của vị TMT chưa được sáng tỏ và vấn đề sinh mạng của SVSQ. Tôi phạt vị SQHQ 15 ngày trọng cấm vì tội bất tuân lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp và tội báo cáo vượt hệ thống quân giai, để xem phản ứng của vị TMT. Vị TMT rất khôn ngoan bằng cách đồng ý với tôi không bao giờ xen vào nội bộ của PTC, tuy nhiên tình trạng giao hảo giữa TMT và tôi bắt đầu căng thẳng kể từ đó.
Tôi bắt đầu chán nản cái trò chơi rình rập của mèo và chuột nầy nên học toán để giải trí. Tướng Thơ đã hiểu rõ những cái khó khăn của tôi nên ông khuyên tôi nên học báo chí rồi ông sẽ đề cử tôi đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Tôi nghe lời ông ghi danh học năm thứ hai báo chí tại Ðại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Người bạn cùng Khóa 17 SVSQ đã giúp tôi lấy bài từ Sài Gòn nên việc học và đỗ đạt không có gì là khó khăn. Ðầu năm 1974, Tướng Thơ báo cho tôi biết tôi được đề cử theo học khóa CHTM tại Hoa Kỳ. Ðây là thời điểm tôi biết rõ tư cách và tài ba của Tướng Thơ. Ông đã phàn nàn về phẩm chất ẩm thực của SVSQ bị giảm dần theo thời gian vì vật giá quá đắt đỏ, mặc dù ông đã có một hệ thống kiểm soát việc cân lượng và mất mát rất chặt chẽ. Ông yên tâm về vấn đề phòng thủ bởi vì ông vừa biết được việc giải ngũ của vị TMT sắp đến vì lý do an ninh cá nhân, cũng như ông đã nắm vững hệ thống tình báo nhân dân. Ông đã thấy sự cần thiết của chiến trường truyền thông và phản địch vận tại Hoa Kỳ…Những lý luận sắc bén của ông đã giúp tôi tự biến thể từ một người lính chuyên nghiệp với binh sĩ đến kẻ độc hành trên đất khách quê người. Tháng 2 năm 1975, Tướng Thơ đã báo cho tôi biết rằng tôi sẽ được giải ngũ như ý nguyện của tôi để tự do theo đuổi con đường mới của tôi.
Sau năm 1975, tôi được biết vị TMT là một gián điệp của MTGPMN, nên tôi lại càng thán phục Tướng Thơ nhiều hơn, cũng như tôi không còn hối tiếc những việc tôi đã làm phi nguyên tắc tham mưu trong thời gian tôi phục vụ dưới quyền vị tướng lãnh tài ba, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu là người đã thay đổi tôi từ thân bại danh liệt đến thời kỳ vẫy vùng và thử lửa cho thỏa chí của một người lính. Ông đã bổ nhiệm tôi vào chức vụ không vụ lợi cá nhân mà chỉ căn cứ vào hồ sơ quân bạ của tôi và lời đề nghị của hai Ðại Tá, Nguyễn Văn Của và Lê Nguyên Vỹ. Ông đã vô tình cứu mạng tôi khi ông đã bay trực thăng chỉ huy trên đầu tôi trong một cuộc phản kích chớp nhoáng vào trung đội đặc công đi đầu của một tiểu đoàn VC trong âm mưu tấn công BTL/SÐ5BB tại Lai Khê đầu năm 1970. Ông đã biểu dương tinh thần trách nhiệm, lương tâm, can đảm, mưu lược và tài ba của một tướng lãnh biên cương, khi ông vào sinh ra tử với Chiến Ðoàn 8 trong cuộc Hành Quân Snoul năm 1971. Ngoài ra ông là một tướng lãnh trong sạch, đạo đức, có tầm mắt rộng lớn để nhìn thấy hậu trường chính trị và chiến lược trên phương diện quốc gia và quốc tế. Ông xứng đáng là một một minh quân của nước VNCH mà VN đã thiếu vắng hơn một thế kỷ, tuy nhiên thời cơ quá muộn đã không cho phép ông thi thố tài năng. Cuối năm 1972 ông đã cho tôi thấy tấm lòng yêu nước chống Cộng của ông cũng như những tiên đoán chính sách đổi mới của chính sách Hoa Kỳ sau chuyến viếng thăm Trung Cộng của Tổng Thống Nixon.
Chỉ hơn một giờ ngồi ăn cơm trưa với ông tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Ðông cuối tháng tư năm 1974, tôi đã thấy ông là một chiến lược gia quốc tế ngoài cái đức tính văn võ kiêm toàn của ông. Ông đã thấy rõ cái nguy cơ mất nước sau Hiệp Ðịnh Ba Lê, phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ, vụ Watergate của Tổng Thống Nixon và sắc luật hạn chế quyền hạn chiến tranh của T/T Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không sờn chí với chính sách “Còn Nước Còn Tát”, “Không Bỏ Cuộc Dù Ðồng Minh Bỏ Cuộc”, “Quyết Sinh Tử Với Ðịch” …Ông đã có môt kế hoạch “Trì Hoãn Chiến” bằng đường lối ngoại giao trên phương diện quốc tế, tuy nhiên “Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên” nên thiên thời đã không cho phép ông gỡ thế cờ bí của VNCH.
Khi tiễn đưa ông ra bãi đậu xe, tôi mới biết một nhiệm vụ mới ngoài bảng cấp số đang chờ đợi tôi khi Tướng Hiếu nhỏ nhẹ bảo tôi về bức thư hứa hẹn của Tổng Thống Nixon cam kết can thiệp vào chiến cuộc VN với Tổng Thống Thiệu nếu VC vi phạm trầm trọng hiệp ước. Tôi đứng nghiêm kính cẩn chào vị lãnh đạo anh minh, một hiệp sĩ “Samurai” của thế kỷ 20.
Tháng 7 năm 1975 tôi tung tin bừa về cái bức thư hứa hẹn nầy mặc dù tôi đã thất bại không tìm được bản sao của bức thư nầy trong thời gian gần một năm ở Hoa Kỳ. Nhờ thế tôi lại được Tòa Bạch Ốc gởi giấy giới thiệu lên Nữu Ước gặp phái đoàn Quan Sát Viên Liên Hiệp Quốc của VC. Sau hơn ba giờ hết nước miếng để trình bày cái di chúc của Tướng Hiếu trong căn phòng nhỏ hẹp gần thượng từng của một cao ốc, tôi ra về với một niềm hy vọng ở canh bài cuối cùng của cuộc chiến. Tuy nhiên tôi đã thất bại khi biết tin quân cán miền Nam vẫn còn bị tù đày cũng như cái chết bí ẩn ở Phan Thiết của người đã nghe những lời chân thành của tôi, ông Ðinh Bá Thi. Tôi hiểu ngay ông Lê Duẫn cũng như Ðảng CS đã vất bỏ cái di chúc chân thành yêu nước của Tướng Hiếu. Rồi thời gian biến chuyển của lịch sử đã cho tôi thấy những hậu quả khốc hại của đất nước khi ông Lê Duẫn vất bỏ cái di chúc của Tướng Hiếu: chiến tranh Việt-Trung, sự nhượng bộ đất đai và hải phận cho Trung Cộng, sự thiếu cân bằng chiến lược quốc tế cho nước VN hiện nay…
Tâm Tư Một Người Lính VNCH
Chiến tranh VN bắt nguồn từ cuối thế kỷ 18, từ khi Nguyễn Ánh cầu xin quân đội ngoại bang để lật đổ vị anh hùng dân tộc, Vua Quang Trung. Tiếp theo là làn sóng của chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng kinh tế, và văn hóa Châu Âu áp đảo lên các nhược tiểu ở Á Châu, rồi đến chủ nghĩa “Ngăn Chận” của Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á. Trước sức mạnh kinh khủng của những áp lực nầy, có nước đứng vững để được độc lập và bảo tồn được nền văn hóa cổ truyền như nước Thái Lan, trong khi VN đã bị tàn phá, bị đô hộ và bị tàn phá. Lịch sử đã cho thấy chính sách ngoại giao và bản tính của dân tộc Thái Lan đã giúp họ thoát khỏi bàn cờ sách lược của ngoại bang, trong khi chính sách sai lầm của các Vua nhà Nguyễn và bản chất khác biệt của người VN đối với người Thái Lan đã đóng góp VN vào vòng quĩ đạo của các tay cờ ngoại bang. Ðây là đề tài khẩn thiết cho các nhà nhân chủng học để tìm hiểu sự khác biệt cá tính giữa hai dân tộc Thái Lan và Việt Nam, để giúp ích cho sự biến thể cần thiết của người VN trong việc chấm dứt bàn cờ chìến tranh VN đang canh tàn.
Tôi lớn lên rồi trở thành người lính của QLVNCH, nên chỉ viết theo quan điểm của một con cờ bé nhỏ trên bàn cờ quốc tế mà các tay chơi cờ là các ngoại bang. QLVNCH đã thất bại bảo vệ dân chúng miền Nam yêu chuộng một chủ nghĩa dân chủ tự do, là do hậu quả của kẻ chơi cờ bỏ cuộc. Tuy nhiên QLVNCH là một quân đội có chính nghĩa và có niềm hãnh diện riêng. Người lính QLVNCH biết rõ chủ đích chiến đấu chống Cộng để bảo vệ miền Nam tự do trong khi người lính miền Bắc bị cưỡng bách và đầu độc sai lầm về lý do họ phải chiến đấu ở miền Nam là chống Mỹ cứu nước, tuy nhiên trong thực tế họ là những công cụ cho sự bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam, mà họ không hề hay biết cũng như không muốn có chủ nghĩa CS vô thần, trái với phong tục tập quán cổ truyền của người VN. Người lính QLVNCH cũng như chính phủ VNCH phải chấp nhận quân viện từ người bạn đồng minh, chứ không bao giờ chịu làm nô lệ cho bất cứ một nước ngoại bang nào, trong khi CSVN cũng phải chấp nhận quân viện từ khối CS quốc tế, tuy nhiên CSVN lại làm nô lệ cho CS quốc tế, như việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, áp lực của Nga Sô trong việc cưỡng chiếm miền Nam năm 1975…QLVNCH cũng không may mắn cho sự khủng hoảng cấp lãnh đạo quốc gia trong khi CSVN có được một tay lãnh đạo xảo quyệt và gian ác, Hồ Chí Minh, trong việc đánh lừa chiêu bài chống Pháp rồi chống Mỹ để giữ nước. QLVNCH và chính phủ VNCH rất nhân đạo trong việc cải cách ruộng đất không hề đổ máu, như chính sách rộng lượng và quân tử đối với CS ─ chính sách chiêu hồi và tù binh ─ trong khi CSVN đối xử tàn bạo và vô nhân đạo với những người quân cán miền Nam khi họ đã đồng ý bỏ súng để tránh đổ máu không cần thiết cho một cuộc chiến đã đến hồi canh tàn. Theo thời gian của lịch sử, các thỏa hiệp bí mật với Trung Cộng để nhượng đất và hải phận cho ngoại bang, những hành động tham nhũng và sự chống đối lẫn nhau trong hàng ngũ CS, cũng như một xã hội VN nghèo nàn và hỗn độn đã chứng minh những lỗi lầm trầm trọng của đảng CSVN, cũng như cái vô chính nghĩa của CSVN trước công luận thế giới và lịch sử chiến tranh VN. Ngày nay những hành động nham nhở của một số ít người Việt ở hải ngoại khi họ về nước, những hiện tượng chống Cộng quá khích của một số người Việt ở hải ngoại, những hiện tượng hám danh đầu cơ chính trị, hay van xin làm nô lệ cho ngoại bang, là do chính sách sai lầm, lừa gạt và tiểu xảo của CSVN.
Một cuộc xung đột chỉ được kết thúc trong hòa bình vĩnh viễn và hai phe cùng nhau xây dựng đất nước nếu họ biếttương kính lẫn nhau cũng như thông cảm hoàn cảnh của hai phe. CSVN đang ở thế thượng phong, nên họ có trách nhiệm sự kết thúc vĩnh viễn của một canh bài, miễn là họ có can đảm và lòng yêu nước để từ bỏ các quyền lực bấp bênh và thiếu căn bản pháp lý của họ hiện nay. Có như thế, may ra VN sẽ thoát được hai tay cờ hiện nay đang ở thế tiên khởi của một bàn cờ mới ở Việt Nam yêu quí. Chờ xem!
Trần Văn Thưởng
19 tháng 06 năm 2006
Ngày Quân Lực 2006
Một Ít Dữ Kiện Lịch Sử VN
Thức Tỉnh
Tướng Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?
Các Tướng Lãnh QLVNCH
generalhieu.com
Tân Sơn Hòa chuyển
No comments:
Post a Comment