Tuesday, January 14, 2014

• Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974 - HNPD


Tổ lãnh đạo Trung cộng 6 người gồm Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa. Đặng Tiểu Bình tuy là Phó nhưng lấn lướt luôn quyền của Thống Chế Diệp Kiếm Anh. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cũng tham gia điều động lực lượng.

Thắm thoát gần 1 năm Hiệp định Paris được ký kết. Vào những ngày đầu năm 1974, với sự hợp tác của Trung cộng, cộng quân Bắc Việt đã gia tăng tấn công trên đất liền tại miền Nam để làm suy yếu lực lượng đối kháng của quân lực VNCH. Thừa cơ hội, Mao Trạch Đông chỉ thị cho Đặng Tiểu Bình để họp bàn với các cấp lãnh đạo nhằm thực hiện cuộc hành quân biển để tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam . Trung cộng thành lập một lực lượng hải quân đặc nhiệm thật hùng hậu gồm nhiều loại tàu chiến tối tân, kể cả tàu ngầm được trang bị hoả tiển, ngư lôi và phi đội chiến đấu cơ Mig. Chúng chia làm 2 phân đội. Một phân đội tấn công đi trước gồm có 2 Liệp Tiềm Đỉnh (loại Hộ Tống Hạm) Kronstadt K271 và K274, 2 Tảo Lôi Hạm (loại Trục Lôi Hạm) 389 và 396 và 2 Liệp Tiềm Đỉnh khác là 281 và 282, cộng thêm những tàu đánh cá có vũ trang mang danh số 402 và 407… Một phân đội tiếp ứng khác theo sau cùng tiến ra quần đảo Hoàng Sa nhằm xâm lăng biển đảo của ta. Cuộc hành quân biển của Trung cộng do Phó Đô Đốc Phương Quang Kinh, Tư Lệnh Phó Hạm Đội Nam Hải Trung cộng chỉ huy.







Image
Những chiến hạm của Hải quân Trung cộng 
xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. 

Image
Phóng đồ điều quân của trận hải chiến Hoàng Sa 
quanh hai đảo Duy Mộng và Quang Hoà Đông. 

ImageImage

ImageImage
Những chiến hạm của Hải Quân VNCH


Lúc bấy giờ Tuần Dương Hạm HQ16 của HQ VNCH đang tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa biết được nhiều tàu chiến cũng như những tàu đánh cá được ngụy trang vũ khí của TC xâm nhập vào nhóm đảo Nguyệt Thiềm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tức thì HQ16 báo cáo về Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải (TLV1DH), lúc đó Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại là Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Sau đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH đã chỉ định HQ Đại tá Hà Văn Ngạc (K5-SQHQNT) đương kim Hải Đội Trưởng Hải đội 3 tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải. Lúc bấy giờ TLV1DH là Tư Lệnh Chiến trường và là vị Chỉ huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm gồm các chiến hạm đương nhiệm và tăng phái cho chiến dịch Hoàng Sa. 

ImageImageImage
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải 
Chỉ Huy Trưởng Chiến Dịch Hoàng Sa


Khi Hải Quân Đại tá Hà văn Ngạc từ Sài Gòn ra đến Bộ TLV1DH thì Vị Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải chỉ định Hải quân Đại tá Hà văn Ngạc làm Chỉ huy Trưởng Chiến Thuật cho chiến dịch bảo vệ biển đảo gồm có các chiến hạm sau đây:
- Khu Trục Hạm HQ4, Hạm trưởng là HQ Trung tá Vũ hữu San (K11-SQHQNT) 
- Tuần Dương Hạm HQ5, Hạm trưởng là HQ Trung tá Phạm trọng Quỳnh (K11-SQHQNT). HQ5 là Soái Hạm (OTC: officer in tactical command) vì HQ Đại tá Hà văn Ngạc hiện diện trên đó để chỉ huy chiến dịch.
- Tuần Dương Hạm HQ16, Hạm trưởng là HQ Trung tá Lê văn Thự (K10-SQHQNT)
- Hộ Tống Hạm HQ10, Hạm trưởng là HQ Thiếu tá Ngụy văn Thà (K12- SQHQNT). 
Tình hình chiến sự thời điểm đó rất căng thẳng. Áp lực của cộng quân Bắc Việt trên đất liền ngày càng gia tăng. Hải quân VNCH phải được phân tán mỏng ở các vùng duyên hải để ngăn chận Việt cộng xâm nhập bằng đường biển vào bờ ở miền Nam. Nhưng với quyết tâm bảo vệ biển đảo, không thể để một tấc đất nào lọt vào tay giặc phương Bắc như các bậc tiền nhân căn dặn, Hải quân VNCH đã giáng cho Hải quân Trung cộng một trận quyết liệt gây tổn thất nặng nề cho TC từ khoảng 10:25 phút đến khoảng 11:10 phút ngày 19.01.1974 tức là ngày 27 tháng 12 năm Quý Sửu mặc dù lực lượng ta yếu kém hơn so với lực lượng HQ Trung cộng.

Image
Trong thời gian từ ngày 16.1.1974 đến 18.4.1974, có lần Khu Trục 
Hạm HQ4 ủi đụng tàu đánh cá TC mang số 407 được vũ trang 
khi chúng chạy chận đầu HQ4 để khiêu khích.


Trong trận hải chiến 19.1.1974, tôi có 6 người bạn cùng khoá Đệ Nhị Song Ngư Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang hiện diện trên các chiến hạm. Tôi cũng được nghe các bạn bè hiện đang định cư tại hải ngoại đã tham dự trận Hải Chiến Hoàng Sa kể lại một số chi tiết về trận chiến.
Để đối đầu với lực lượng Hải quân TC, lực lượng ta được phân chia trách nhiệm như sau:
- HQ16 >< T396
- HQ10 >< T389
- HQ 4 >< K271
- HQ 5 >< K274 
Theo như lời người bạn cùng khoá, HQ Thiếu uý Nguyễn Văn Quý trên HQ5 kể cho tôi nghe khi tôi qua Hoa Kỳ thăm viếng năm 2005 cũng như bạn cùng khoá Nguyễn Hoà Nguyên liên lạc với bạn Quý vào đầu năm nay đã ghi lại như sau:
"… HQ5 ra đến Hoàng Sa buổi chiều 18.1.1974. Biển Hoàng Sa lúc đó đang ở vào mùa biển một, biển phẳng lặng, êm, rất êm! HQ5 tức khắc nhập đoàn cùng với HQ4 và HQ16 đang có mặt tại chỗ, cả 3 chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến, lập đội hình "biểu dương lực lượng". Các tàu Trung cộng thoạt đầu nhìn thấy đội hình các tàu của ta thì họ chạy dạt ra xa, e dè quan sát. Chỉ một lúc sau đó, họ cũng lập đội hình "biểu diễn giỡn mặt". Các tàu Trung cộng nhỏ hơn nhưng chạy nhanh hơn, chúng chạy lượn quanh, chạy chận đầu các chiến hạm của ta. Phía hữu hạm HQ5, có một chiếc tàu Trung cộng chạy xé sóng, đâm tới nguy hiểm, khi còn cách khoảng 100 mét thì nó thình lình đổi hướng chạy song song với HQ5. Trên tàu, lính Trung cộng cởi trần, múa may, chỉ trỏ, la ó khiêu khích, khiến các chiến sĩ của ta thấy vui rồi nổi nóng. Một trận đấu võ miệng hai bên, từ trên xuống dưới, mạnh ai nấy chưởi, tiếng Việt và tiếng Tàu bằng loa và bằng mồm đã diễn ra…”
* Toán công binh và nhân viên Toà Lãnh Sự Mỹ ông Gerald Kosh lên đảo Quang Hoà:
(Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, ông Jerry Scott là bạn của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, TLV1DH, là 1 cưụ Sĩ Quan HQ Mỹ, xin phép Đô Đốc Thoại cho ông Gerald Kosh theo HQ16 để biết Hoàng Sa. Sự thực Toà Lãnh Sự Mỹ có ý gì hay ông Gerald Kosh có làm việc cho CIA hay không thì vị TLV1DH không biết.)
Theo như người bạn cùng khoá HQ Thiếu uý Phan Công Minh thuộc HQ5 tóm lược nhiệm vụ đưa toán công binh và cố vấn Mỹ vào đảo đêm 18.1.1974:
“… Sau nhiều lần kiểm tra đạt yêu cầu, Đại Tá Ngạc mới chính thức giao nhiệm vụ cho Thiếu uý Minh để đưa đoàn công tác lên đảo Hoàng Sa vào tối khuya ngày 18.1.1974.
Cùng đi với Thiếu uý Minh có hai nhân viên cơ hữu HQ5 để lái ca nô (yuyu) và chống mũi. Trung uý Nguyễn minh Cảnh chỉ huy toán hải kích đi chung. Kéo theo sau là hai xuồng cao su do hai nhân viên hải kích cầm lái chở đoàn công tác công binh và một nhân viên Toà Lãnh Sự Mỹ, ông Gerald Kosh. Vũ khí đem theo là mấy khẩu M16. Sau khi rời chiến hạm các chiến sĩ ta đi trong tình trạng im lặng vô tuyến mặc dù có mang theo một máy PRC 25. Đó là chỉ thị của Đại tá Ngạc nhằm bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc hành quân. Chỉ liên lạc vô tuyến khi cần thiết mà thôi. Gần một giờ trôi qua thì đảo hiện ra lù lù một đống đen ngòm trước mặt, ca nô giảm máy chạy từ từ tiếp cận đảo.
Gần tới đảo, một nhân viên của đoàn công binh dùng đèn pin ra ám hiệu với đơn vị trên đảo, tất cả đều rất căng thẳng. Một ánh đèn pin lóe lên, tất cả hồi hộp, sau một loạt tín hiệu người liên lạc thốt lên:" phe ta"! tất cả thở phào nhẹ nhỏm. Trung uý Cảnh nói với Thiếu uý Minh : "anh em mình thoát nạn !". Sau khi đưa toán công binh lên đảo an toàn, HQ Thiếu uý Minh và 2 nhân viên cơ hữu quay trở lại chiến hạm. Trên đường về cũng hơi lo lắng nhiều, vì đêm tối như mực.
Bạn Minh kể tiếp: “Tôi đã thi hành xong nhiệm vụ được giao phó. Chỉ một lần tiếp xúc với Đại tá Ngạc, tôi nhận thấy Ông là một vị chỉ huy có trách nhiệm, biết dự trù các tình huống, cẩn thận, trầm tĩnh biết cách sử dụng và động viên nhân viên dưới quyền, theo tôi biết ông thức gần sáng đêm để vạch kế hoạch cho cuộc hành quân tái chiếm các đảo đã bị Trung cộng lấn chiếm.”
Sáng sớm ngày hôm sau là ngày 19.1.1974, nhận được thông tin từ Sài Gòn ra lệnh tái chiếm các đảo bị địch lấn chiếm. Các Sĩ Quan trưởng khẩu của những chiến hạm đều quyết tâm bắn chiến hạm địch trước. Tuy nhiên bộ chỉ huy hành quân cũng đã phân tích lợi hại, và đã thống nhất phương án đổ bộ lên đảo.
* Toán Hải kích từ HQ 5 vào đảo: 

HQ Thiếu úy Minh kể về toán Hải kích từ HQ5 vào đảo như sau:
Khoảng gần 7 giờ sáng ngày 19.1.1974, HQ5 cho đổ bộ toán người Nhái Hải kích do Thiếu úy Đơn chỉ huy. Các người lính Hải kích bận quần sọt ở trần, võ trang súng M16, M18, M79 cả AK bá xếp và B40, đại liên M60, M72 và dao găm. 
Khi toán Hải kích tới đảo, Thiếu úy Đơn, trưởng toán, cho dàn hàng ngang chuẩn bị xung phong. Từ chiến hạm HQ5 Thiếu úy Minh thấy lính TC chạy ra ngăn. Thiếu úy Đơn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong. Một Hải kích tên Long cầm khẩu đại liên M60 xung phong nã đạn về phía địch, địch bắn trả từ những công sự đã bố trí sẵn. Quân ta anh dũng nhưng tình thế hoàn toàn bất lợi do địa hình hoàn toàn trống trải. Đội hình của toán đổ bộ còn nằm gần nửa người dưới nước biển. Hậu quả, Hạ sĩ Long tử trận, Thiếu úy Đơn cũng bị một viên đạn bắn trúng vào đầu, trong khi tay còn giơ cao khẩu colt 45 hô xung phong, vài nhân viên khác bị thương. Lúc nầy đạn thượng liên địch bắn xối xả, cày một lằn chắn ngang trước mặt toán đổ bộ, tạo thành một hàng rào chắn ngăn không cho toán đổ bộ tiến lên, nước bắn lên tung tóe, từ chiến hạm nhìn thấy rất rõ .
Thấy tình thế bất lợi hoàn toàn, bộ chỉ huy hành quân đành cho lệnh rút quân về chiến hạm. Các nhân viên bị thương đưa sang HQ4, còn các tử sĩ được quàng tại kho thả bóng của HQ5. Bộ chỉ huy hành quân báo cáo về Sài Gòn. SG ra lệnh tạo điều kiện tái lập đầu cầu đổ bộ tiến chiếm lại đảo. Bộ chỉ huy hành quân trình phương án mới là sẽ tấn công các chiến hạm địch trước, vì tái đổ bộ là không thể thực hiện được, SG chấp thuận. Lệnh ban ra là các chiến hạm pháo lên đảo, nếu chiến hạm địch tấn công ta, chiến hạm ta sẽ bắn trả (phải tuân thủ qui chế ngoại giao quốc tế). Song tình hình thực tế không thể làm như vậy được. Đại Tá Ngạc trình phương án mới là cho HQ10 pháo lên đảo Quang Hòa, làm hiệu lệnh tấn công, tất cả chiến hạm ta sẽ đồng loạt tấn công địch trước. SG chấp thuận, lệnh tác chiến được triển khai chi tiết đến các chiến hạm, phân định mục tiêu rỏ ràng cho từng chiến hạm, từng trưởng khẩu. Lúc nầy các khẩu pháo của cả hai bên tham chiến đã đồng loạt chỉa thẳng vào nhau.
Giờ G đã điểm, lúc nầy khoảng 10 giờ 25, trước đó ít lâu Đại Tá Ngạc cho mở máy âm thoại, tất cả hệ thống liên lạc đều nghe rõ tiếng pháo lịch sử phát ra từ chiến hạm Hộ Hống Hạm Nhật Tảo HQ10, mở màn cho cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 …” (hết trích).

img]http://navygermany.gerussa.com/main/van%20nghe/baivo/image/image_baivo/Nhung%20Mua%20Xuan%20Ghi%20Dau/HaiChien%20HoangSa_TCMinhHoa.jpg[/img]
Hình minh hoạ của TC, diễn tả lúc lâm chiến giữa các chiến hạm 
TC và VNCH vào khoảng 10:30 phút ngày 19.1.1974.

Image
Hình do báo chí TC phổ biến trên mạng giữa chiến hạm 
của HQ VNCH và của HQ TC


Những phát đạn đầu tiên:

Theo như người bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trưởng khẩu đại bác 41 ly bên tả hạm cũng như HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 cùng thuật lại đại ý như sau:
“…Vào sáng ngày 19.1.1974, các chiến hạm chạy loanh quanh với nhau chừng 2 vòng, các chiến hạm của Trung cộng từ từ lảng ra xa hơn. Như một dấu hiệu khác thường, Hạm trưởng HQ10 liền xin lệnh trên cho mở bao súng, hạ nòng xuống, nạp đạn và đề phòng mọi bất trắc, nhưng lệnh trên không cho phép.
Chừng nửa giờ sau, 2 trong 4 chiến hạm của Trung cộng xích lại chạy song song với nhau. Như một kinh nghiệm chiến trường thúc đẩy Hạm trưởng ra lệnh hạ nòng súng, tháo bao, nạp đạn sẳn sàng và quay súng về phía tàu Trung cộng.
Ít phút sau, hai tàu Trung cộng này chạy gần sát vào nhau và thình lình cùng quay mũi song song tiến về phía HQ10, hướng 3:00 giờ.
Hạm trưởng ra lệnh tất cả súng hướng về mục tiêu 1 và mục tiêu 2.
HQ Trung uý Hà văn Ngân ở ụ súng lớn phía trước mũi (khẩu 76.2 ly) được lệnh nhắm vào mục tiêu 1.
Hạm trưởng lại xin lệnh nổ súng một lần nữa nhưng được trả lời chờ Sài Gòn quyết định.
Thần kinh thật căng thẳng, 2 tàu Trung cộng cứ từ từ đến gần, khi còn cách khoảng 200 thước - 250 thước, Hạm trưởng hét lớn "Bắn". Tất cả hỏa lực trên tàu cùng nhả đạn. HQ10 khai hỏa đầu tiên do lệnh của chính Hạm trưởng ban ra.


Đây là phóng đồ 2 chiến hạm Trung cộng (389, 396) đang chỉa mũi thắng vào chiến hạm HQ10 để tận dụng tối đa hoả lực 2 bên chiến hạm của chúng để tấn công vào HQ10 trước khi trận hải chiến xảy ra. Ở vị thế nầy gần như một nửa hoả lực bên tả hạm HQ10 bị hạn chế tác xạ.
Khoảng 5 phút sau, mục tiêu 1 (tàu Trung cộng) bốc khói mịt mù và lùi lại phía sau, tất cả hỏa lực trên chiến hạm HQ10 lại nhắm vào mục tiêu 2. HQ10 đến lúc này vẫn an toàn, đạn từ tàu Trung cộng bắn tới đều bay qua đầu hoặc nổ trên mặt nước trước mặt.
Vài phút sau, mục tiêu 2 cũng bốc khói, mục tiêu 1 tuy còn chút khói bốc lên, chạy trở vào gần HQ10, bắn trả lại HQ10 và HQ10 bắt đầu trúng đạn của tàu Trung cộng.
HQ10 bị trúng trái đạn đầu tiên ngay trên đài chỉ huy, Hạm trưởng cùng các sĩ quan và thủy thủ có nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy chết hết, trừ Hạm phó bị thương nặng, bò xuống được sàn tàu…” (hết trích).
Và cũng theo như bạn HQ Thiếu uý Phạm Thế Hùng trên HQ10 kể thì tinh thần chiến đấu của thuỷ thủ đoàn ở các chiến hạm ta rất anh dũng. Khẩu đại bác 42 ly bên hữu hạm do người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Vũ Đình Huân làm trưởng khẩu đã đồng loạt nả những loạt đạn đầu tiên vào chiến hạm TC. Khoảng 5 phút đầu giao tranh, HQ10 chủ động làm cho chiến hạm địch bị thương nặng và lúng túng. Sau đó HQ10 bị trúng đạn ở hầm máy và đài chỉ huy. Không may, Thiếu úy Huân bị tử thương khi giao tranh vì khẩu đại bác 42 ly bên hữu hạm đối diện trực xạ với chiến hạm địch. Tức thì bạn Hùng đang là trưởng khẩu đại bác 41 ly ở tả hạm cầm khẩu M16 chạy sang khẩu 42 ly để tiếp tục bắn tàu địch. Theo như HQ Thiếu úy Hùng cho biết thì HQ10 đã bắn được nhiều quả hải pháo 76,2 ly vào chiến hạm TC. Có khá nhiều vỏ đạn 76,2 ly nằm rải rác tại giàn pháo 76,2 ly.
Khi đài chỉ huy HQ10 bị trúng đạn, Hạm Trưởng cùng toàn thể nhân viên đi ca và nhiệm sở tác chiến trên đài chỉ huy tử thương, hầm máy cũng bị trúng đạn bốc cháy. Hạm Phó là HQ Đại uý Nguyễn Thành Trí lúc đó cũng bị thượng nặng ra lệnh đào thoát. Tuy vậy, Hạ sĩ Lê văn Tây và Ngô văn Sáu đang tác xạ vào chiến hạm địch, không chịu rời nhiệm sở tác chiến ở khẩu đại bác 20 ly tại sân sau, để đào thoát. Trước khi nhảy xuống bè, Chuẩn úy Tất Ngưu cũng kêu gọi HS1VC Tây nhảy theo nhưng Hạ sĩ Tây từ chối và nói: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Chuẩn uý cứ nhảy đi.”.
Tóm lại, theo như những lời kể của các bạn cùng khoá cũng như của HQ Trung uý Hà văn Ngân trưởng khẩu 76,2 ly trên HQ10 thì HQ10 khai hoả đầu tiên khi 2 Trục Lôi Hạm mang số 389 và 396 của TC chạy ủi thẳng góc vào hửu hạm HQ10, thay vì HQ10 tác xạ hải pháo lên đảo Quang Hoà để làm phát súng lệnh theo như kế hoạch của Bộ Chỉ Huy hành quân đề ra. Ngay sau khi HQ10 tác xạ vào chiến hạm TC thì tất cả súng của chiến hạm ta đồng loạt nả vào chiến hạm địch.
Trên HQ4, người bạn cùng khoá là HQ Thiếu uý Nguyễn Phúc Xá cũng đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù TC.
Kết quả trận hải chiến: 
- Trận hải chiến kéo dài khoảng trên 30 phút. Các chiến hạm VNCH không đuổi theo các chiến hạm Trung cộng khi chiến hạm TC bị thương nặng nên phải ủi vào bải đảo san hô gần đó. Ngược lại các chiến hạm Trung cộng cũng không đuổi theo các chiến hạm VNCH khi bị thương cũng như gặp trở ngại tác xạ rời vùng chiến đấu.
- Khi chiến hạm Trung cộng bị trúng đạn của ta, chúng ủi vào bãi san hô gần đó thì chúng cho xả những trái khói bịt bùng chiến hạm, để giảm tầm quan sát của ta. 
- Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, 2 chiến hạm TC mang số 281 và 282 tăng viện vào vùng chiến bắn chìm chiến hạm Nhật Tảo HQ10 bất khiển dụng và đang lềnh bềnh tại vùng chiến. 
- Ngoài ra, không có chiến hạm nào của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ tiến vào nơi có cuộc giao tranh.
* Thiệt hại về phía HQ Việt Nam Cộng Hoà: 

ImageImage


- Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 bị bắn chìm. HQ Thiếu Tá Nguỵ Văn Thà với 42 quân nhân khác bị tử thương trong đó có Hạm Phó HQ Đại uý Nguyễn Thành Trí. 32 người mất tích, 23 thủy thủ trôi dạt trên biển được tàu của hãng Shell vớt, 16 chiến sĩ khác trôi dạt trên thuyền cao su về đến Quy Nhơn. 
- Hai Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 và Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5 bị hư hại, mỗi chiến hạm có hai chiến sĩ bị tử thương. 
- Tuần Dương Hạm HQ16 bị trúng đạn nghiêng một bên, được lệnh quay về Đà Nẵng, có một chiến sĩ bị tử thương. 
- Có 43 chiến sĩ trên đảo đã bị bắt làm tù binh, trong đó có cố vấn Mỹ, Mr Gerald Kosh, được đưa về Quảng Châu, sau đó được trao trả cho VNCH qua Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.
* Thiệt hại về phía Trung cộng:
Theo tài liệu nghiên cứu của nhà biên khảo, Bác sĩ Trần Đại Sĩ ở Pháp, từng đi công tác tại Trung cộng thì cho biết sự thiệt hại của Trung cộng như sau:
- Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 271, Hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Vy, tử thương. Chiến hạm K271 bị chìm.
- Liệp Tiềm Đỉnh (Hộ Tống Hạm) Kronstadt, ký số 274, Hạm trưởng là Đại-Tá Quan Đức, tử thương. Đây là soái hạm của chiến dịch. Tư lệnh mặt trận là Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh phó Hạm đội Nam Hải của Trung cộng tử thương. Hộ tống hạm K274 bị hư hại nặng và ủi vào bãi san hô Quang Hoà. Sau đó được trục vớt đưa về đảo Hải Nam.
- Tảo Lôi Hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 389, bị chìm, Hạm trưởng là Trung tá Triệu Quát, tử thương.
- Tảo Lôi hạm (Trục Lôi Hạm), ký số 396, bị hư hại nặng, Hạm trưởng là Đại-Tá Diệp Mạnh Hải, tử thương.
Ngoài ra còn có nhiều sĩ quan và binh sĩ TC bị tử thương.

Image
Soái hạm HQ TC, K274 bị chìm sau khi ủi vào bãi 
san hô ở đảo Quang Hoà.


Thay lời kết: Vào tháng 12 năm 2008 tôi hân hạnh có được nhiều cơ hội tiếp xúc với Đô Đốc Thoại khi Đô Đốc Thoại đến Đức quốc để cùng với Luật Sư Nguyễn Thành đến từ Mỹ, Luật Sư Trần Thanh Hiệp đến từ Pháp thuyết trình về chủ đề „Hội Luận về Hiện Tình Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Nam“ được tổ chức tại Frankfurt am Main, Đức Quốc ngày 06.12.2008. Nhờ vậy tôi biết thêm một số chi tiết cần để ý về Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974: 

- Đô đốc Thoại cho biết rằng vào ngày 17.1.1974 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phái đoàn đến thăm viếng Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. Nhân dịp nầy tại Trung Tâm Hành Quân, Đô Đốc Thoại đã trình bày về hiện tình Hoàng Sa. Sau phần thuyết trình, khoảng 15 phút, Đô Đốc Thoại nhận chỉ thị trực tiếp từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với thủ bút của Tổng Thống. 
Tóm lược phần chỉ thị cho Đô Đốc Thoại:

„Thứ nhứt là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền xử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.“


Tổng thống Thiệu rời Bộ Tư Lịnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải sau khi ra chỉ thị về biện pháp đối
phó với Trung Cộng khi hạm đội Trung Cộng xâm nhập hải phận Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa (1974).

- Sau khi trận chiến xảy ra, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải đã xin Bộ Tư Lệnh Hải Quân tăng viện cho chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa thêm Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6 và Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11.
- Khi nghe trận hải chiến bắt đầu thì Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật, đã đến Trung Tâm Hành Quân của BTL Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải để được nghe Đô Đốc Thoại trình bày diễn tiến trận hải chiến. Lúc đó vị cố vấn Mỹ tại Sài Gòn cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải biết qua vị cố vấn Hoa Kỳ của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải thì TC có 17 chiến hạm, trong đó có 4 tàu ngầm đang hướng về Hoàng Sa.
Ngay lúc đó cố vấn trưởng Hoa Kỳ của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bước vào Trung Tâm Hành Quân cho Đô Đốc Thoại biết phản lực cơ chiến đấu của Trung Cộng sắp cất cánh từ đảo Hải Nam để tấn công hai chiến hạm vừa được vị Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải chỉ định hướng về Hoàng Sa để gia nhập Hải Đội của Đại tá Ngạc…“ (hết trích)
Được biết sau trận hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974 Bộ Tư Lệnh HQ VNCH có kế hoạch thực hiện 2 chiến dịch Bạch Đằng 50 và Bạch Đằng 52 nhằm tái chiếm quần đảo Hoàng Sa đã bị Hải quân TC xâm chiếm. 
Chiến hạm HQ503 mà tôi phục vụ là loại Dương Vận Hạm (LST) cũng nằm trong danh sách của chiến dịch. Có lẽ chiến hạm tôi được trưng dụng vì vừa có thể chở quân, vũ khí đạn dược, xe tăng dưới hầm và trên boong còn có thể chở được máy bay trực thăng, đại bác. Nhưng có lẽ vì cộng quân Bắc Việt gia tăng gây áp lực trên các mặt trận địa chiến vào năm 1974 nên 2 chiến dịch BĐ 50 và BĐ 52 không thể thực hiện được và đã được huỷ bỏ. Có lẽ Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH cũng đã cân nhắc kỹ càng về mối tương quan lực lượng Hải quân giữa ta và Trung cộng cũng như tình hình chiến sự bất lợi cho ta trong thời điểm đó.

Tôi ghi lại nơi đây hình ảnh Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã được mời đến Đức Quốc ngày 06.12.2008 để trình bày về Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19.1.1974. Đó cũng là ý muốn của cựu Tư Lệnh Chiến trường và cũng là cựu Chỉ Huy Liên Đoàn Đặc Nhiệm năm xưa.


Thuyết trình đoàn: "Hội Luận về Hiện Tình Lãnh Thổ và Lãnh Hải Việt Nam" ngày 6.12.2008
tại Frankfurt am Main, Germany

Từ trái: Luật Sư Nguyễn Thành (Mỹ), Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Mỹ), Luật Sư Trần Thanh Hiệp (Pháp), Kỹ Sư Nguyễn Văn Phảy (Đức quốc, cựu SV Đại Học Luật Khoa SG, Ban Công Pháp làm ĐHV).
(Hình được trích từ báo Người Việt Tây Bắc (USA) số 1774 Thứ Sáu Ngày 12 tháng 12 năm 2008)

Nguyễn văn Phảy
Xuân Quý Tỵ 2013 in Germany 
http://navygermany.gerussa.com/main/van ... Dau_02.htm
Tân Sơn Hòa chuyển




Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam báo Giáo Dục đăng tải loạt bài về trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và quân Trung quốc diễn ra từ ngày 17 tới 19 tháng 1 năm 1974 do TS Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nghiên cứu và biên tập.

Được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn

Mặc Lâm phỏng vấn ông để biết thêm chi tiết. Khi được hỏi động cơ đã khiến ông thực hiện việc này TS Trục cho biết:

TS Trần Công Trục: Thật ra mà nói việc mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc khiến tôi muốn cung cấp một số thông tin để cho tất cả bạn đọc trong và ngoài nước được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn và rõ ràng hơn về một sự kiện mà có lẽ không quên được trong quá trình đấu tranh của lịch sử để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn của đất nước.

Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay cũng có khá nhiều thông tin, nội dung của các học giả cũng như các nghiên cứu người ta đã trực tiếp hoặc là gián tiếp tham gia vào trận hải chiến này. Tôi là người có điều kiện tiếp cận khai thác một trong các kho lưu trữ của hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng như một số nhân chứng tôi tập trung trên phương tiện truyền thông. Tôi đã tập hợp và đăng lại để cung cấp cho bạn đọc một bức tranh tương đối khá chi tiết về sự kiện này.

Mặc Lâm: Qua nghiên cứu và trưng dẫn tài liệu về trận hải chiến này TS nhận xét thế nào về những người đã hy sinh trong các trận đánh ấy thưa ông?

TS Trần Công Trục: Trận hải chiến đó những người lính hải quân VNCH là những người con đất Việt. Họ đã hy sinh dũng cảm đề chiến đấu chống lại kẻ xâm lược để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và như vậy cá nhân tôi, tôi đánh giá rất cao bởi vì ngoài việc họ là người Việt Nam họ có truyền thống bất khuất chống trả lại ngoại bang, đứng về pháp lý mà nói thì những người đó họ đại diện cho nhà nước Việt Nam trong quá trình bảo vệ và thực thi quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong quá trình lịch sử lâu dài bảo vệ chủ quyền của nhà nước này.

Mặc Lâm: Thưa TS nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa sắp tới theo ông nhà nước có nên tổ chức một lễ vinh danh 74 chiến sĩ hải quân của VNCH đã hy sinh tại Hà nội hay TP HCM hay không? Theo ông thì thời điểm 40 năm đã đủ chín cho một hoạt động như vậy hay chưa?

TS Trần Công Trục: Qua thông tin mà tôi được biết thì thành phố Đà Nẵng là nơi trực tiếp quản lý Hoàng Sa họ đang chuẩn bị tổ chức một lễ phát động kỷ niệm ngày mà Hoàng Sa hoàn toàn bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo tôi điều quan trọng không phải là tổ chức những buổi lễ hoành tráng hay bằng nghi thức rất rầm rộ nhưng cái chính là làm sao cho dư luận trong lòng người dân Việt Nam trong và ngoài nước luôn luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa. Cái mảnh đất thiêng liêng của cha ông Việt Nam từng đổ bao mồ hôi nước mắt để gìn giữ và bảo vệ nó. Mặc dù bây giờ cũng không còn cái gì trên thực tế nhưng về mặt ý chí, về mặt tinh thần, về mặt quyết tâm của người Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền đâu và luôn luôn nhắc nhớ rằng quần đảo Hoàng Sa mãi mại là lãnh thổ của nước Việt Nam.



HOÀNG SA – NỔI ĐAU CÒN ĐÓ !
by Hoàng Thanh Trúc - January 14, 2014 by HNSG



Trung Quốc mở du lịch đến Hoàng Sa

Trên đời này có ba thứ không thể che giấu mãi được, đó là mặt trời,mặt trăng và ….Sự thật . Trong một lúc, mây đen có thể che lấp được mặt trời hay trăng, nhưng mãi mãi là điều không thể .

Giống như vậy, suốt 40 năm chế độ nhà nước CSVN có thể che mắt bịt tai để lạnh lùng im lặng như quên lãng vong linh 74 chiến sĩ trận vong QL/VNCH đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974 – Nhưng không thể lãng quên mãi mãi .

Những chiến sĩ trận vong ấy đã lấy máu xương mình hun đúc thêm lên nguyên khí bất khuất ngàn đời của dân tộc , nói điều này mà không cường điệu chút nào, bởi , quân xâm lược Trung Cộng dù đông và mạnh hơn nhiều , nhưng trước khi hòa máu xương vào lòng biển mẹ , 74 chiến sĩ QL/VNCH cũng bắt quân thù phải trả giá : 18 Sĩ quan, binh sĩ tử trận, trong số này có 1 hạm trưởng 3 đại tá và 1 trung tá đều bị tử thương 67 người khác bị thương. Chiến hạm T-389 Trung Cộng bị bắn cháy hư hại nặng (nếu không kịp ủi vào bãi san hô chắc chắn sẽ bị chìm) Ba chiến hạm khác đều bị trúng đạn thiệt hại nặng bất khiển dụng trôi tự do trên biển .(tư liệu từ phía TQ) – (1)

Liệu có cay đắng, tủi nhục không ? Oanh liệt, kiên cường, bất khuất là như thế mà gần 40 năm qua 74 chiến sĩ ấy bị liệt vào thân phận “ngụy quân” để chìm vào quên lãng , trong khi một “sự thật” phũ phàng phơi bày giữa lòng dân tộc (không thể không nhắc lại) . Khi chính phủ VNCH Miền Nam đã tìm đủ mọi cách để khẳng định chủ quyền thì đảng CSVN lại trơ trẽn ra công hàm phủ nhận chủ quyền quốc gia , phản bội quyền lợi của đất nước cam tâm như “bán đứng” hai quần đảo này cho “đồng chí” Trung Quốc.

Image

Image


Nhà nước CSVN ký Công hàm xác nhận, tôn trọng chủ quyền biển Đông và những quần đảo trong đó thuộc lãnh hải của Trung Quốc ?

( Trung Quốc đã đưa ra hai sự kiện cụ thể để làm bằng chứng việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng đồng ý với Trung Quốc về chủ quyền của hai quần đảo đang tranh chấp này.

Sự kiện thứ nhất là vào tháng 6 năm 1956, Phó thủ tướng Việt Nam, ông Ung Văn Khiêm, thay mặt CS Bắc Việt xác nhận với phía Trung Quốc như sau : “Theo các tài liệu lịch sử từ phía chúng tôi (Việt Nam), đảo Xisha (Hoàng Sa) và Nansha (Trường Sa) thuộc về vùng đất lịch sử của quý quốc (Trung Quốc)”.

Sự kiện thứ hai là ngày 14 tháng 9 năm 1958, tức 2 năm sau đó, Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm đến Thủ tướng Chu Ân Lai xác nhận chủ quyền Trung quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Trung Quốc chính thức công bố chủ quyền lãnh hải của họ là 12 hải lý, bao gồm luôn các quần đảo Hoàng Sa (Xisha) và Trường Sa (Nansha) của Việt Nam) – (2)

Và khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Hoàng Sa, ngay cả đảng CS Nga cũng phản đối với Liên hiệp Quốc còn Chính phủ VNCH đề nghị CS/Bắc Việt hãy cùng lên án Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa thì nhà cầm quyền Hà Nội bác bỏ đề nghị này để im lặng ? .

Dưới mắt chúng ta, toàn dân Việt thì cái bản án “ngụy quân” nó thuộc về phía nào ? Trong hai trường hợp viện dẫn có căn cứ rỏ ràng nói trên ? .

Và chẳng lẽ đất nước này là của riêng đảng CSVN Chỉ những người nào hy sinh phục vụ cho chế độ CS, cho quyền lợi đảng CS, mới được nhắc đến tôn vinh ? Còn xã thân nằm xuống vì bảo vệ cương thổ non sông, tổ quốc Việt Nam, thì không ?

Vậy thì tư tưởng của ông Hồ chí Minh là sáo ngữ là quảng cáo hay bịp bợm ? “ đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một …Chân lý ấy không bao giời thay đỗi” !? .

Đã đến lúc đảng CSVN nên công khai nhìn nhận và tôn vinh một “sự thật khách quan” của chính nó vì hoà giải dân tộc vì đạo lý con người và vì quyền lợi quốc gia .

Đòi lại Hoàng Sa không chỉ bằng tư liệu lịch sử mà còn cụ thể với một tượng đài uy nghi của 74 anh hùng Hoàng Sa và 64 liệt sĩ Gạc Ma để qua đó thay lời nói với du khách và chứng minh với cộng đồng công luận quốc tế rằng chủ quyền đảo biển của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm lược bằng vũ lực trái với công pháp quốc tế .

Sao “đảng ta” có can đảm hư cấu “bịa” ra một nhân vật rồi xây nên một tượng đài ( Lê văn Tám ) . Nhưng máu xương “đồng bào” anh dũng hy sinh, như ngay trước mắt , cả nước ai ai cũng thương tiếc thì lại ….vờ quên đi ?

(Tượng đài “hư cấu” Lê văn Tám giữa lòng TP/Sài Gòn) Nên chăng ? Tượng đài của “sự thật” các Anh hùng Hoàng Sa, thay cho vị trí anh hùng “bịa” hư cấu ấy ? Chắc chắn không ai phản đối mà còn hoan nghênh ( có thể ) trừ nhà nước “của,do và vì dân” !? hiện nay .

Liệu các nhà lãnh đạo CSVN có biết xấu hổ trong cao thượng như nhà báo Bùi Tín khi mới đây ông chân thành nhìn nhận : “Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại 40 năm trước tôi từng phụ hoạ với sự giải thích của ông Lê Đức Thọ và Ban Tuyên giáo trung ương đảng rằng: “Hãy yên tâm, Hoàng Sa trong tay các đồng chí Trung Quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền tay sai của đế quốc Mỹ”. Quả là một sự trấn an gượng gạo, theo quan niệm bạn, thù, ta, cực kỳ ngu muội, tăm tối, phản dân tộc” – Nhà báo Bùi Tín (VOA) -

Và hôm nay cái “yên tâm” đồng chí CSXHCN ấy đã theo ông Lê Đức Thọ xuống mồ, chỉ còn lại nổi “khổ tâm” của toàn dân tộc khi chứng kiến cờ Trung Quốc tung bay lồng lộng trên “TP/Tam Sa” (quần đảo Hoàng Sa) .

Lịch sử luôn là một đường thẳng tuyệt đối , tồn tại vĩnh viển với những gì đã ghi nhận – Khác với lịch sử, con người có sinh có diệt, khi chết đi không ai mang theo được thứ gì.

“Hùm chết để da,người ta chết để tiếng” , cả tốt và xấu. Hỡi những người CSVN .

Hoàng Thanh Trúc

(1) http://www.nguyenthaihocfoundation.org/ ... am_hs2.htm
(2) http://thongtinberlin.de/diendan/juli20 ... annuoc.htm


THƯƠNG NHỚ HOÀNG SA!


Tưởng nhớ Anh Linh Thiếu tá Nguyễn Thành Trí Hạm phó chiến hạm HQ 10 – QL/VNCH .( người cùng Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà tuẩn tiết theo chiến hạm - trận hải chiến Hoàng Sa với quân thù tháng 1/1974).

Image
Hải Quân Thiếu tá Hạm Phó chiến hạm HQ 10 – Nguyễn Thành Trí

Image

Image
Mẹ và vợ trong lễ truy điệu thiếu tá Hạm Phó Nguyễn Thành Trí, 
lúc này quả phụ Nguyễn Thành Trí đang 
mang thai hai tháng rưỡi.


Đừng khóc nữa ! Em ơi, đừng khóc nữa
Anh đã về trong màu trắng chinh y
Đôi cầu vai nhuộm sóng gió biên thùy
Vàng vẫn rực một màu cờ trên nón

Lau đi em ! Giòng lệ tràn ai oán
Nghiến chặt răng mà nén khúc phân ly
Như ngày xưa em đã tiển anh đi
Gửi thương nhớ lên ngàn trùng sóng nước

Là chinh phu,thân trai nào hẹn ước
Mộng tương phùng trong khói lữa binh đao
Khi quê hương đang khắc khoãi nghẹn ngào
Gót xâm lược đạp lên đầu trăm họ

Anh – đời trai lấy biển sông làm nợ
Sóng tang bồng trãi ngàn dậm biên cương
Thì em ơi ! dù ly biệt âm dương
Là trách nhiệm cuối cùng cho tổ quốc

Mẹ yêu ơi ! Xin vì con, đừng khóc
Chút máu đào – Mẹ hiến cho non sông
Cho quê hương – cho gấm vóc Lạc Hồng
Cho “Thành Trí” trong lòng trai thế hệ

Đừng khóc nữa, Em – Đừng khóc nữa, Mẹ .





Không phải ai trong số chúng ta cũng biết và đựợc biết sự thật về tất cả những gì thuộc về quá khứ, nhất lại là một giai đoạn, một câu chuyện lịch sử với những biến cố đầy đau thương và oán hận. Trận hải chiến Hoàng Sa là một câu chuyện lịch sử như thế. Bốn mươi năm trước, khi bẩy mươi tư người lính Hải quân Việt Nam Cộng Hòa “vị quốc vong thân” trên vùng biển Hoàng Sa, tôi và đuơng nhiên những bạn cùng trang lứa còn chưa ra đời. Tại miền Bắc ngày đó, nhiều “cô, cậu” thanh niên đang là bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhiều người trong số họ hiện giờ đã trở thành những cán bộ đang làm việc,phục vụ cho đảng và nhà nước.

Trong số họ, không thể không nói rằng họ không biết hay hoàn toàn không biết về trận hải chiến cũng như sự hy sinh anh dũng của những người anh hùng tại Hoàng Sa ruột thịt ngày ấy.

Là một người sinh sau biến cố năm 1975, tôi cũng như rất nhiều nguời dân miền Bắc và nhất là những bạn trẻ đã không có cơ hội để biết về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Hơn thế, tôi cũng đã từng lĩnh án 4 năm tù giam chỉ vì lên tiếng cỗ vũ cho Nhân quyền và công khai khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Giống như tất cả những bạn trẻ yêu nước khác, Trường Sa – Hoàng Sa luôn ở trong trái tim tôi. Trong hoàn cảnh của một người tù đang bị quản chế, tôi chỉ có thể huớng về Hoàng Sa bằng cách riêng rất hạn chếcủa mình: thực hiện một chương trình phỏng vẫn để kỷ niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Với mong muốn xóa đi, hoặc ít ra cũng thu hẹp lại những ranh giới, khác biệt từ nhiều thành phần trong quá khứ, tuổi tác và chính kiến để có một cái nhìn trung thực, công bằng, biết tri ân với những nguời đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Để thấy được rằng, bất cứ một sự khác biệt nào cũng có thể vượt qua với một lý do chung, đó là Lòng Yêu Nước.

Bài phỏng vấn đầu tiên này được thực hiện với 3 người để như là một phần nói lên tâm tình của những người dân Việt, có những quá khứ khác nhau, về cuộc Hải chiến Hoàng Sa bảo vệ biển đảo của các Hải quân VNCH. 

Vì đây là câu hỏi chung dành cho nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau, xin phép được dùng chung từ “bạn”trong cách xưng hô để thuận tiện cho việc đặt câu hỏi.

- Lê Hưng: Một bạn trẻ ở Hải Phòng sinh sau năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Hưng tham gia nghĩa vụ quân sự và khi dời quân ngũ, anh tiếp tục theo học đại học. Tuy nhiên, trước đây anh không hề biết về trận Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm về trước.

- Ông Ngô Nhật Đăng: là con trai của nhà thơ Xuân Sách. Ông đã từng phục vụ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1978 đến năm 1982 và tham gia chiến trường biên giới tại Cao Bằng trong cuộc chiến Việt Trung. Ông Ngô Nhật Đăng là thành viên của nhóm No-U Hà Nội và từng nhiều lần xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Hiện ông đang sống tại Hà Nội và vẫn tiếp tục có những hoạt động cổ vũ cho Nhân quyền và nhất là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.

- Bà Ngô Thị Hồng Lâm: sinh 1957 tại HN. Hiện đang sống tại Sài Gòn. Bà Hồng Lâm nguyên là một cán bộ công tác chuyên ngành nghiên cứu lịch sử đảng. Sau khi dời công tác, bà dành phần lớn thời gian cho các hoạt động từ thiện và công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ cho Dân chủ, Nhân quyền và đặc biệt là vấn đề Toàn vẹn lãnh thổ.

(Vì đây là câu hỏi chung dành cho nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau, tôi xin phép được dùng “bạn” chung trong cách xưng hô).

Xin bạn cho biết, bạn biết gì về cuộc Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm? 

Lê Hưng: Rất tiếc là tôi không hề biết gì về trận hải chiến đó. Vì từ trước tới nay tôi không thấy báo chí đưa tin hay những người quen của mình nhắc tới. Hoàn toàn không có trong lịch sử mà tôi được học. Có thể thông tin về trận hải chiến 40 năm trước đã hoàn toàn bị che giấu, bưng bít cho đến ngày hôm nay.

Ngô Nhật Đăng: Ngày đó tôi mới bước sang tuổi 16, cũng như tuyệt đại đa số người dân miền Bắc lúc đó tôi chưa bao giờ được nghe nhắc tới Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi được biết đến sự kiện này do nghe bố tôi và các bạn của ông nhắc tới: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi thư ra Hà Nội yêu cầu chính phủ VNDCCH lên tiếng về việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa”. Chính câu chuyện đó gây ấn tượng mạnh với bản thân tôi.

Ngô Thị Hồng Lâm: Đó là một cuộc xâm lăng phi pháp, chà đạp lên Luật pháp quốc tế của Trung Quốc cách đây 40 năm của thế kỉ trước nhằm thực hiện ý đồ “muốn biến nước ta từ cái tổ Con Đại bàng thành tổ con Chim Chích” như lời của ông cha ta đã dạy.

Xin cho biết cảm nghĩ của bạn đối với sự hy sinh của 74 người lính hải quân VNCH?

Lê Hưng: Tôi rất kính trọng sự hy sinh cao cả của những người đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của dân tộc ta. Tôi là một người theo Đạo Mẫu Việt Nam, tôi tôn thờ những người đã có công giúp dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm.Ngô Nhật Đăng: Đó là một sự kiện bi tráng, sau này được đọc các tư liệu, các tác phẩm thơ văn – tất nhiên là của VNCH – tôi càng thấy ngưỡng mộ họ. Có một điều an ủi là sau bao nhiêu năm bị quên lãng các anh đã được “chiêu tuyết” lại, điều đó càng khẳng định: Nhân dân sẽ không bao giờ quên những người con đã đổ máu để giữ gìn đất đai của Tổ Quốc và lịch sử sẽ công bằng.

Ngô Thị Hồng Lâm: Vào thời điểm 19/1/1974, khi ấy mọi thông tin còn bị cộng sản bưng bít rất chặt. Người dân miền Bắc VN hầu như chỉ có một luồng thông tin giáo điều từ cái gọi là “Đài Tiếng nói VN” nên không được biết kịp thời cuộc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của người có bộ mặt nạ “anh em” Trung Quốc. Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa Hải quân VNCH và bọn Trung Quốc xâm lược. Mặc dù VNCH không giữ được đảo Hoàng Sa nhưng các chiến sĩ đã thể hiện lòng yêu nước vô cùng mãnh liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Đó là những hy sinh đau thương nhưng rất vẻ vang của tất cả các chiến sĩ VNCH và đặc biệt là 74 người lính Hải Quân VNCH. Họ đã ngã xuống trong trận đánh này, để lại trong lòng chúng tôi hình ảnh đẹp và sự ngưỡng mộ những người con của Tổ Quốc Việt Nam. Chúng ta không được phép quên họ.Suy nghĩ của bạn về những người lính của cả 2 bên chiến tuyến bảo vệ đất nước? Đối với bạn, có sự khác biệt gì không giữa giữa những người lính VNCH như trung tá Ngụy Văn Thà và với những người lính QĐVN (đặc biệt là đồng đội của ông Ngô Nhật Đăng) đã hy sinh ở chiến trường biên giới Việt Trung vào năm 1979 và 1984? 

Và ngày xưa những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, ngày hôm nay bạn nghĩ sao về điều ấy? 

Lê Hưng: Với tôi, những người lính dù là VNCH hay VC đều không không có tội. Là lính, họ chỉ hành động theo lý tưởng và tuân theo mệnh lệnh. Họ là những con người có trái tim yêu nước, yêu dân tộc của mình. Tôi cũng không được biết về cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1984. Cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 thì có nghe nói tới. Nhưng tôi nghĩ, sự thật vẫn là sự thật dù có bị bưng bít. Và việc làm ngu ngốc và hèn nhát nhất chính là phủ nhận và bưng bít sự thật.

Về việc những người lính VNCH bị gán với từ “ngụy”, tôi xin phép không trả lời dài dòng vì hiểu biết của tôi có hạn. Nhưng những người lính dù là VNCH hay lính QĐND, họ đều đã đổ máu xương, hy sinh để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tổ quốc. Người thân của họ đã phải chịu quá nhiều mất mát đau thương. Mẹ già mất con, vợ trẻ mất chồng, trẻ thơ mất bố, bạn bè chiến hữu mất đi một người anh em.


Ngô Nhật Đăng: Tôi đã có thời gian là lính (1978-1982) có tham gia chiến trường biên giới tại Cao Bằng trong cuộc chiến Việt-Trung. Tôi tin rằng không có sự khác biệt nào giữa những người lính dù dưới thể chế chính trị nào khi chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, chúng tôi cũng không hề đắn đo và sẵn sàng hy sinh chống bọn cướp nước hồi năm 1979 cũng như các anh hùng giữ đảo Hoàng Sa năm 1974 vậy. Điều đó là chắc chắn.

Không riêng gì người lính và cả những người từng phục vụ trong chính quyền VNCH cũng bị gọi là “ngụy” (xin lỗi, tôi coi đây là một từ “mất dạy”) mà cả những người từng tham gia chính quyền trước năm 1954 cũng bị gọi như vậy. Số này ở lại Hà Nội không di cư vào Nam cũng khá đông, họ cũng bị đi tù (gọi là cải tạo) một thời gian. Tôi cũng có một số bạn bè cùng học là con cái của những người này, quan sát họ tôi cũng có những suy nghĩ khác với những điều thường được “giáo dục” trong nhà trường. Tất cả sách giáo khoa và cả các tác phẩm văn học của Việt nam lẫn Liên Xô mà chúng tôi chỉ được phép đọc đều miêu tả những người phía bên kia cực kỳ xấu xa, độc ác, mất hết nhân tính, sẵn sàng mổ bụng ăn gan kẻ thù… Dù không tin hoàn toàn nhưng dù sao vẫn để lại dấu vết trong đầu óc. Cũng may mắn từ bé tôi đã được đọc các cuốn sách trong tủ sách gia đình những cuốn như “Chuông nguyện hồn ai”, “Phía Tây không có gì lạ” v.v… nó làm cho tôi có những suy nghĩ đúng đắn hơn. Quay về câu hỏi của bạn về những người lính VNCH. Thời chúng tôi cũng thường nghe lén các đài phát thanh Sài Gòn (việc này rất nguy hiểm), các bài hát về chiến tranh về thân phận người lính của phía VNCH cũng gây những xúc động mạnh cho chúng tôi. Tôi còn nhớ, vào cuối năm 1973 (lúc này đã có Hiệp định Paris) một anh bộ đội từ chiến trường ra đến nhà tôi báo tin người cậu ruột của tôi đã chết tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Là con út của bà ngoại, ông chỉ hơn tôi có 6 tuổi nên hai cậu cháu thường quấn quýt với nhau.

Đây là cú gõ cửa đầu tiên của chiến tranh thăm viếng nhà tôi, bố tôi cũng thường đi chiến trường trong những thời gian ác liệt (kể cả thời chống Pháp) nhưng ông chỉ đi ngắn chừng 1 năm và lần nào cũng trở về nguyên vẹn. Anh ở lại nhà tôi 2 ngày trước khi về đơn vị và ngủ chung với tôi, tôi được nghe nhiều chuyện về chiến tranh, khi tôi hỏi anh về những người lính “ngụy” anh văng tục: “Hay ho cái đéo gì, anh em trong nhà tàn hại lẫn nhau”. Và tôi mới biết các anh cũng thường hay nghe lén những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Sau này có một thời gian tôi sống và làm việc ở Sài Gòn, quen biết nhiều hơn, thậm chí có một người từng là Đại úy cũng nhận tôi là em kết nghĩa (anh đã vượt biên năm 84). Theo tôi, dù đã muộn màng, chúng ta phải đánh giá lại giai đoạn lịch sử đau thương này của đất nước, trả lại danh dự cho những người đã nằm xuống vì đạn bom, những người còn sống bị đày ải vì lao tù, chiến tranh đã lùi xa mà vết thương này vẫn chưa lên da non đó là điều không thể chấp nhận.


Ngô Thị Hồng Lâm: Thực tế thì một điều bất hạnh nhất cho một đất nước là có chiến tranh. Bất hạnh hơn nếu đó lại là một cuộc nội chiến muốn thống trị nhau bằng bạo lực. Với nhận thức của tôi thì cuộc chiến của quân đội 2 miền Nam và Bắc Việt Nam là một cuộc nội chiến, “người chiến thắng” chẳng có gì để tự cho mình là cuộc chiến chính nghĩa và vẻ vang. Đây là điều ngộ nhận rất thiếu nhân văn của những người cầm quyền Hà Nội. Cuộc chiến đã tàn 40 năm rồi, đủ độ lùi của thời gian rồi, để “từ nay người biết thương người”. Tuy nhiên, mỗi kỉ niệm 30/4 Ban Tuyên huấn họ vẫn cứ cho phát lại những cuốn băng thời sự cũ “quân ta hừng hực khí thế chiến đấu” nghe sao mà thấy vết thương lòng của dân tộc Việt Nam mãi mãi không thể hàn gắn và câu nói của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “ngày 30/4 có một triệu người vui thì có một triệu người buồn” vẫn còn nguyên tính thời sự và cuối cùng thì người lính cả 2 bên chiến tuyến họ chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến.

Vì thế cho nên không thể có sự khác biệt trong đối xử với người lính của 2 bên chiến tuyến, không thể giữ mãi sự khác biệt bên trọng bên khinh. Càng không thể dùng từ “ngụy” đối với người lính VNCH Trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của ông đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc Việt Nam. Cần vinh danh họ. Cũng như những người lính đã hy sinh ở biên giới Việt-Trung vào năm 1979 họ đều là những anh hùng xứng đáng được Tổ Quốc Việt Nam ghi công và đời đời nhớ ơn họ.

Những người lính VNCH bị nhà nước cộng sản gán cho họ từ “ngụy” là một điều ngộ nhận của họ. Cần phải có một sự đổi mới về nhận thức với những người ở bên kia chiến tuyến, để xóa bỏ sự hằn thù dân tộc cho vết thương mau liền da liền thịt, tiến đến hòa hợp dân tộc để tăng cường sức mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Bản thân tôi cực lực phản đối sự phân biệt đối xử hoặc xúc phạm với những người ở bên kia chiến tuyến trong đời sống cũng như nghĩa trang nơi họ yên nghỉ.

Bạn có nghĩ là nên vinh danh những người lính VNCH ở trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 không? Nếu có, bạn có sẵn sàng tham gia không? 

Lê Hưng: Họ xứng đáng được vinh danh, họ xứng đáng được ca ngợi. Nếu không thì máu xương, tuổi trẻ, gia đình mà họ đã phải đánh đổi để dành lấy chủ quyền cho đất nước lẽ nào lại là vô nghĩa hay sao!? Chúng ta, thế hệ sau này vô ơn quá.

Ngô Nhật Đăng: Ồ, đó là việc rất nên làm và tất nhiên tôi sẵn sàng tham gia.

Ngô Thị Hồng Lâm: Việc vinh danh những người lính VNCH đã hy sinh trong trận Hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 là việc phải làm để tỏ lòng biết ơn những người con của Tổ Quốc Việt Nam đã hy sinh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của ông cha ta để lại và qua đó giáo dục, nhắc nhở các thế hệ trẻ của Việt Nam lớn lên sau này phải biết ơn những người đã vì bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc mà hy sinh. Không được phép vong ân với những chiến sĩ VNCH đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974 và những chiến sĩ QĐNDVN trong chiến trận bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.Việc bạn hỏi chúng tôi có sẵn sàng tham gia không? Xin thưa rằng, tôi vốn xuất thân trong chuyên ngành Nghiên Cứu Lịch Sử, chúng tôi đã cùng các đồng nghiệp của mình cùng các thế hệ học trò tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của VNCH đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1/1974 hàng năm mà không cần phải xin phép bất cứ một “ông Kẹ” nào.

Theo bạn, những tương đồng hay khác biệt gì giữa những người lính ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo và những công dân VN ngày nay xuống đường thể hiện lòng yêu nước và phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông? 

Lê Hưng: Theo tôi, những người cách đây 40 năm bảo vệ Hoàng Sa và những người hôm nay xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn nước ta, họ rất tương đồng. Họ là những người yêu nước, dám đứng lên bảo vệ đất nước mình dù biết trước hậu quả là có thể sẽ phải hy sinh mất mát nhiều, thậm chí tù đày hoặc hy sinh.

Về cá nhân tôi bất kỳ lúc nào đất nước cần tôi sẽ chiến đấu vì tôi cũng đã từng là lính. Và quan trọng hơn tôi là một con dân đất Việt. Tôi chiến đấu cho Dân tộc, cho Tổ Quốc của chúng ta chứ không phải chiến đấu cho bất cứ một chế độ, một chủ thuyết hay một đảng phái nào.

Ngô Nhật Đăng: Tất nhiên với sự xa cách về thế hệ nên sẽ có những khác biệt, nhưng lòng yêu nước và sự cảnh giác trước “hiểm họa phương Bắc” thì sẽ mãi trường tồn, điều đó ăn vào máu mỗi con dân Việt chân chính.

Ngô Thị Hồng Lâm: Theo tôi sự khác nhau của những người lính VNCH ngày xưa hy sinh bảo vệ biển đảo với những công dân Việt Nam ngày nay xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông đó là về thời gian. Còn sự tương đồng ở đây chính là lòng tự trọng dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, mảnh đất thiêng ngàn đời của ông cha ta để lại mà mỗi chúng ta phải có trách nhiệm và ý chí bằng mọi giá phải bảo vệ và gìn giữ. Rất tiếc là khi nhân dân xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược thì lại bị nhà cầm quyền đàn áp bằng bạo lực để làm vừa lòng “ông bạn vàng” Trung Quốc với cái “mặt nạ 4 tốt và 16 chữ vàng”.

40 năm kể từ ngày 74 chiến sĩ VNCH hy sinh để bảo vệ biển đảo, ngày hôm nay Hoàng Sa vẫn bị chiếm đóng bởi Trung Quốc. Theo bạn chúng ta phải cần có những hành động, công việc cụ thể gì mà cá nhân bạn có thể thực hiện hay tham gia góp phần để giành lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Tổ quốc Việt Nam? 

Lê Hưng: Tôi xin được nói rằng, con người của tôi không giống như bọn ngu bị nhồi sọ, tôi không bị mù hay bị điếc mà không biết chế độ này như thế nào. Người dân Việt Nam khổ sở ra sao và đang mong chờ điều gì, nhưng họ chưa làm được có thể họ chưa tìm thấy những người bạn đồng hành. Hoặc là chưa vượt qua được nỗi sợ hãi.

Ngô Nhật Đăng: Xin quay trở lại, ngoài câu chuyện về bức thư của ông Nguyễn Văn Thiệu, tôi được nghe kể về sự trả lời từ phía Hà Nội: “Ông Phạm Văn Đồng nói ở hành lang: “Có còn là của mình nữa đâu mà đòi”. Lúc đó Hà Nội đã cảm thấy sock trong việc TQ bắt tay với Mỹ (từ năm 72 qua “ngoại giao bóng bàn” và Nixon thăm Bắc Kinh).

Thầy dạy tôi cũng là một nhà sử học nói với chúng tôi: “Từ năm 1928, Pháp đã cắm các cột mốc chủ quyền “Indochina” (Đông Dương) lên tất cả các hòn đảo ở Hoàng Sa và một số ở Trường Sa”.

Có lần tôi hỏi ông về Hoàng Sa và Trường Sa…

Ông trả lời: – Hồi năm 1957, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai có ký một hiệp ước giữa 2 đảng với nội dung: Vì Hải quân Việt Nam (DCCH) còn yếu nên Hải quân Trung Quốc sẽ giúp Bắc Việt bảo vệ Biển Đông (lúc đó trong sự kiểm soát của VNCH) và Vịnh Bắc Bộ. Hai bên sẽ cùng nhau khai thác các nguồn lợi ở đây, nếu có nước thứ ba thì cũng phải có sự đồng ý của cả hai bên. Đổi lại, Trung Quốc trả lại Việt Nam 2 hòn đảo Cái Chiên và Bạch Long Vỹ mà họ chiếm lại từ Tưởng Giới Thạch (trước đó là người Nhật).

Riêng điều này thì chính xác vì mẹ tôi kể từng ra Cái Chiên và Bạch Long Vỹ làm “Lễ tiếp quản” (hồi đó bà đang là diễn viên của văn công Quân đội). Tất nhiên thông tin này cần phải kiểm chứng, nhất là từ những người chép Sử.

Tôi có hỏi ông: – Như thế thì làm sao có thể đòi lại được?

Ông trả lời: – Hiệp định ký giữa 2 đảng sẽ trái với luật pháp quốc tế vì nếu hai nước có ký kết một hiệp định tương tự thì phải do chính phủ ký và phải thông qua Quốc hội. Nhưng nếu lôi ra thì lại động chạm đến ông Hồ Chí Minh, đó cũng lại là một điều “kiêng kỵ”. Dù sao đi nữa, việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 cũng không thể coi là việc đã rồi, việc này đòi hỏi phải có sức mạnh của cả dân tộc, nhất là những người đang ở cương vị lãnh đạo đất nước. Trước hết chúng ta cần phải có quyền được biết tất cả những sự thật liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Được công khai lên án những việc làm ngang ngược, càn rỡ của nhà cầm quyền Trung Quốc và tranh thủ sự đồng tình của Quốc tế cũng như tôn trọng các luật biển mà cả hai bên từng cam kết đồng ý.

Ngô Thị Hồng Lâm: Sự chiếm đóng trái phép đảo Hoàng Sa thể hiện sự ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế về chủ quyền lãnh thổ của từng nước trên trường quốc tế. Vì thế mà tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam rất bất bình và đã từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của Việt Nam mà mở đầu là cuộc biểu tình cuối năm 2007, rồi rất nhiều các cuộc khác trong năm 2011 và 2012. Đây là việc làm chính đáng của nhân dân cả nước. Lẽ ra phải được những người cầm quyền ủng hộ và tán thành như một bước quan trọng trong mở đầu cho kênh ngoại giao và đàm phán. Những cuộc biểu tình của nhân dân cần phải được tôn trọng. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những cuộc biểu tình đầy ý nghĩa lịch sử trong việc giữ nước của nhân dân Việt Nam.

Được biết chú Ngô Nhật Đăng cũng là một trong số những người đã nhiều lần xuống đường biểu tình và thậm chí bị công an bắt giữ chỉ vì thể hiện lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam. Chú nghĩ sao về hành động này của chính quyền? Và nếu sau này lại có một hoặc nhiều cuộc xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước, chú có tiếp tục tham gia không? 

Ngô Nhật Đăng: Rất tiếc cho họ, đáng lẽ đây là một dịp để chính quyền có thể “mượn” được sức dân, không những chỉ trong việc bảo vệ chủ quyền mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Họ lo sợ những cái không có thật, chứng tỏ họ là những người lãnh đạo thiếu cái tâm và tầm nhìn xa. Rất tiếc, nếu cứ có những hành xử với người dân như vậy thì điều họ lo sợ có thể trở thành sự thật. Đó là điều mà không ai muốn nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn. Nếu lại có những cuộc biểu tình nữa để bày tỏ lòng yêu nước thì tôi coi việc phải tham gia như là một nghĩa vụ công dân.

Không giống như gần 40 năm qua, báo chí của đảng luôn né tránh, thậm chí bưng bít về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 74, hoặc chỉ đưa tin một cách rất hạn chế. Năm nay, báo chí “lề đảng” đã không ngần ngại đưa tin về trận hải chiến này và không ngần ngại gọi 74 người lính hải quân VNCH là “anh hùng”, bạn nghĩ sao về việc này? 

Ngô Nhật Đăng: Đó là điều họ phải làm từ lâu rồi mới phải, nhưng dù sao muộn còn hơn không. Hơn ai hết họ quá hiểu sự o ép khó chịu của tay “láng giềng to xác”. Đây là lúc lựa chọn giữa đất nước và quyền lợi cá nhân, không có kiểu lập lờ nước đôi được.

Ngô Thị Hồng Lâm: Đúng là năm nay là một năm khá đặc biệt. Trước áp lực của quần chúng bắt buộc Tuyên Huấn chỉ thị báo chí phải đưa tin, bài về cuộc chiến giữ đảo Hoàng Sa của Hải quân VNCH mà những thập kỉ trước họ rất kiệm lời và cho là việc “nhạy cảm” hay “chạm húy”. Hay nói cách khác thì đây là một sự hèn nhát của những người cầm quyền. Nhưng họ không thể làm ngơ mãi được vì lương tâm của họ chắc đã hối thúc họ không thể ngậm miệng thêm nữa trước xu hướng tiến lên của một dân tộc ngàn đời không chịu sống quỳ.

Từ ngàn năm nay, qua bất kỳ thời đại nào, chế độ nào người dân Việt Nam ta đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Bạn nghĩ sao về những bạn trẻ vẫn đang ra sức truyền bá sự thật hiện tại và lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa bất chấp tù đầy và bắt bớ, sách nhiễu hay đánh đập? 

Ngô Nhật Đăng: Tuyệt vời!!! Tôi không còn biết dùng từ gì hơn để nói về các bạn trẻ đó. Tôi được gặp, được nghe, được nói chuyện với các bạn và đó là niềm hạnh phúc. Không riêng tôi, nhiều người thuộc thế hệ cha chú của tôi cũng vui mừng. Họ bảo: Vẫn có những cô bé, cậu bé như vậy, đất nước này không thể mất.

Theo bạn, 40 năm sau những thế hệ tương lai sẽ đánh giá và nghĩ gì về thế hệ chúng ta ngày hôm nay khi họ cùng chung nhau tổ chức Kỷ niệm 80 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 1974? 

Lê Hưng: Theo tôi nghĩ 40 năm sau, có thể mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều. Cũng có thể chúng ta đã lấy lại được Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng nếu vậy thì ngày hôm nay và ngay bây giờ, chúng ta phải dũng cảm và quyết tâm đứng lên tranh đấu đòi lại đất Mẹ. Nếu không




Các bạn trong thôn Dân Làm Báo thân mến,

Tôi thấy chuyện VNCH hủy bỏ kế họach phái phi cơ đánh trả đũa quân Trung Cộng sau ngày Hoàng Sa bị TC đánh chiếm ngày 19/01/1974 đã "biến thành tranh cãi" sau tuyên bố (không bằng chứng) của Nguyên Trung Úy Phi công "của Việt Cộng nằm vùng trong Không quân VNCH" Nguyễn Thành Trung: "Một kế hoạch phản công được chuẩn bị công phu với khả năng chiến thắng là 100%, nhưng rốt cuộc đã không thể diễn ra do Mỹ cảnh báo tổng thống Thiệu không được hành động." 

Sự thật theo 2 người "có thẩm quyền" lúc bấy giờ là Tư lệnh Hải quân Vùng I Chiến thuật, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Nguyên Bí Thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã đã xác nhận với tôi như sau:

Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại nói với Nhà báo Phạm Trần:

"Từ khi tôi biết được có sự xuất hiện bất thường của quân Trung Cộng ở vùng bán đảo Hoàng Sa, cố vấn Mỹ bên cạnh tôi không một phút nào tán đồng lệnh của tổng thống Thiệu và các biện pháp tôi dùng trước và trong cuộc chiến. Khi tôi cho tăng viện thêm chiến hạm thì chính ông ta là người hăm dọa tôi là sẽ có phản lực cơ Trung Cộng tấn công chiến hạm của Hải Quân Việt Nam do đó tôi mới xin Không Quân Việt Nam tại Đà Nẵng ra nghênh chiến. Các phi vụ không thực hiện được vì theo tư lịnh Sư Đoàn 1 Không Quân (Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh) cho biết chỉ chiến đấu dược có 15 phút vì quá xa, quá nguy hiểm. Kể từ 1973 Hoa Kỳ không còn dính líu với miền Nam VN về quân sự nên tôi không có xin Hoa Kỳ tiếp viện. Việc xin cứu người trôi giạt cũng không được Mỹ giúp."

Ông Hoàng Đức Nhã, Cựu Tổng trường Dân vận-Chiêu hồi, Nguyên Bí thứ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xác nhận với Nhà báo Phạm Trần: 

"Sau phiên họp tại Bộ Tư lệnh hành quân ở Tiên Sa (Đà Nẵng) có sự tham dự của Đại tướng Cao Văn Viên và các tự lệnh Quân đoàn I, Tư lệnh Hải Quân và Không quân vùng I chiến thuật, chính Tổng thống Thiệu đã quyết định không dùng Phi cơ F-5 oanh tạc các tầu chiến và lính Trung Cộng ở Hoàng Sa ví quá nguy hiểm cho các Phi công trong hoàn thiếu nguyên liệu và không có yểm trở của Hoa Kỳ."

Đây là điều cần trình bày lại với bạn đọc để làm sáng tỏ một biến cố lịch sử.

Ông Đại tá Nguyễn Thành Trung (của Không quân CSVN sau 1975), lúc bấy giờ ở cấp bậc Trung Úy Phi công của Không quân VNCH, không thể nào biết được chuyện "Mỹ cảnh báo TT Thiệu" (!) như ông đã nói mà không chứng minh được.





No comments: